“Nhiệm kỳ này, nước mắt của Tổng Bí thư rơi vào lịch sử”
“Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử” – đại biểu Quốc hội Lê Nam nói về trách nhiệm điều hành đất nước của các Bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương, thậm chí trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa).
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã có bài phát biểu ngắn gọn nhưng thẳng thắn, chỉ rõ những vấn đề bức xúc hiện nay.
“Cán bộ là cái gốc, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã kỳ vọng vào thế hệ bộ trưởng mới. Thực tế có nhiều lĩnh vực đã tạo dấu ấn. Đó là chỉ đạo phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng của Bộ Công an; tạo ra động lực phát triển nhà ở xã hội, khôi phục thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng. Có nhiều lĩnh vực tạo dấu ấn mạnh, được đông đảo cử tri quan tâm, khen ngợi như ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc; ngành ngân hàng trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại; ngành giao thông vượt qua trở lực để có bước phát triển ngoạn mục về hạ tầng giao thông…. Đó là những kết quả thuyết phục”- ông Nam nói.
Tuy nhiên đại biểu Lê Nam khẳng định: “Bên cạnh đó xã hội quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém, có nhận xét không thiện chí rằng Việt Nam là nước không chịu phát triển. Nếu dám nhận chỉ trích thì chúng ta thấy rằng ý kiến đó cũng có lý. Nền kinh tế có cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống nông dân vẫn còn nhiều khốn khó, ngư dân muốn có tàu ra biển khơi đánh cá nhưng một năm rưỡi rồi cũng chưa xong tàu mẫu; môi trường sống ngày càng tồi tệ, chống tham nhũng cả chục năm rồi vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự”.
Theo ông Nam, những vấn đề trên có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các ngành, địa phương, thậm chí trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
“Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử” – đại biểu Lê Nam phát biểu.
“Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những vấn đề trên, chưa làm rõ ngành, địa phương làm tốt và chỉ thật rõ những ngành, lĩnh vực yếu kém gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ tổng kết 5 bài học kinh nghiệm nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm bài học thứ 6, đó là bài học về bản lĩnh, trách nhiệm của các đồng chí bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu ở các địa phương”- ông Lê Nam thẳng thắn.
Video đang HOT
Ông cho rằng bộ máy hệ thống chính trị, hệ thống người ăn lương nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Đại biểu Lê Nam nhận định, Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giảm biên chế đảm bảo đời sống người lao động nhưng với chủ trương, giải pháp đang làm sẽ không thể giảm được vì không biết giảm ai. Theo ông Nam cần sớm nghiên cứu tiếp cận những sáng tạo, trăn trở của các địa phương, các ngành, ví dụ như đề nghị sáp nhập các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Quảng Ninh; cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải ở Bộ Giao thông vận tải, bệnh viện công tư ở Đồng Nai.
Nhà nước nên chuyển phần lớn bệnh viện cho các doanh nghiệp quản lý; ngành giáo dục cũng nên như vậy. Nhà nước không nên tiếp tục tổ chức làm giáo dục, y tế như thời bao cấp.
“Quan tâm tới giáo dục, y tế bằng chính sách bảo hiểm y tế, bằng chế độ học phí, làm theo hướng đó mới phát triển được, giảm được bộ máy và giảm được chi tiêu thường xuyên và tiền lương được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội”- ông Nam nêu quan điểm.
Dẫn ra chuyện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước khi Người qua đời thì hỏa táng, không được tổ chức phúng viếng linh đình, làm tốn kém tiền bạc thời gian của nhân dân, ông Lê Nam liên hệ tới việc nhiều địa phương làm tượng đài, quảng trường hoành tráng, lãng phí trong khi còn nhiều người thất học, người nghèo, thiếu tiền làm nhà cho các gia đình chính sách… Ông Nam yêu cầu Chính phủ báo cáo vấn đề này với Quốc hội.
Thế Kha
Theo Dantri
Sơn La công bố chi tiết Đề án công trình 1.400 tỷ đồng
Tỉnh uỷ Sơn La vừa thông qua Đề cương chi tiết các dự án cụm công trình 1.400 tỷ gắn với tượng đài Bác Hồ.
Đề cương này khẳng định ý nghĩa của cụm công trình thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với tình cảm to lớn mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào Tây Bắc.
Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La - Tây Bắc.
Khi hoàn thành, công trình là "địa chỉ đỏ" về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Khu vực hành chính tỉnh Sơn La được di dời để thi công tượng đài Bác Hồ và các công trình liên quan
Theo đó, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường được xây dựng tại phường: Tô Hiệu, Chiềng Cơi và Quyết Thắng, Thành phố Sơn La.
Đây là vị trí thuộc trung tâm thành phố, gần các trục đường giao thông huyết mạch.
Theo Đề cương được Tỉnh uỷ Sơn La thông báo thì cụm công trình này bao gồm các dự án sau:
Thứ nhất là dự án Quảng trường (diện tích khoảng 3 ha): đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị- văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của nhân dân, nhất là nhân dân thành phố Sơn La.
Thứ 2 là nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài (diện tích khoảng 0,27 ha). Trong đó tượng đài Bác Hồ có quy mô nhóm A2, được xác định tùy theo tác phẩm nghệ thuật qua các bước thi tuyển và phải thỏa mãn sự phù hợp với không gian quảng trường.
Chất liệu tượng đài được sử dụng bằng chất liệu phù hợp với nghệ thuật tạo hình, có tính bền vững dài lâu dưới tác động của thiên nhiên. Chân dung Bác Hồ được thể hiện vào thời gian năm 1959, là thời gian Bác về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La (hiện nay đang trình phương án mẫu phác thảo tượng đài bước 1 xin ý kiến Hội đồng nghệ thuật).
Thứ 3 là dự án Đền thờ Bác Hồ đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,32 ha là nơi dâng hương, được quy hoạch ở bên trái của tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc".
Thứ 4 là Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,29 ha) là nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ 5 là dự án Bảo tàng tổng hợp (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 1 ha), trong đó có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu giữ, trưng bày các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Sơn La.
Ngoài ra, còn có các hạng mục khác: Đường giao thông nội bộ trong khu vực Quảng trường; Đồi cảnh quan (diện tích 2,1 ha): Phía sau Tượng đài và đền thờ Bác Hồ; Vườn hoa hai bên sân Quảng trường (tổng diện tích 2,24 ha) tạo không gian cảnh quan; Khu ao cá Bác Hồ - vườn hoa ban (diện tích 2,24 ha), khu vực ao là di tích quan trọng gắn liền với lịch sử Nhà ngục Sơn La, nơi các chiến sỹ cách mạng bị tù đày. Tôn tạo khu vực này vừa bảo vệ, lưu giữ di tích lịch sử, vừa tạo cảnh quan cho khuôn viên sinh hoạt chung trong tổng thể khu quảng trường.
Về phương án đảm bảo nguồn vốn và hình thức đầu tư, đề cương cho biết, theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là bước thông qua đề án với khái toán dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục.
Trong đó khái toán mức đầu tư cho nội dung xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc khoảng 200 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư theo quy định.
M.Hà
Theo_Người Đưa Tin
Vì sao Sơn La quyết xây khu tượng đài nghìn tỷ? Tỉnh Sơn La vừa công bố "Đề cương tuyên truyền về chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc", trong đó đưa ra 4 lý do để xây dựng khu tượng đài với kinh phí 1400 tỷ... Lý do thứ nhất được đưa ra, đó là, những địa danh...