‘Nhất nghệ tinh’ trước ngưỡng cửa 4.0 – Bài 1: Những ‘tấm gương’ góp phần thay đổi nhận thức về học nghề
Kỹ năng nghề được ví như loại tiền tệ mới, để thích ứng trong thị trường lao động luôn đổi thay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đồng thời cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi. Lao động luôn cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề để thích ứng trong bối cảnh mới.
Học xong trung học cơ sở và nhất là học xong Phổ thông trung học (PTTH)), nhiều học sinh và cả gia đình đứng trước ngã ba đường về lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Định hướng học gắn với việc làm dần trở thành yếu tố chi phối lựa chọn nơi học của nhiều bạn trẻ.
Chọn nghề một cách thiết thực
Nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 27 điểm, Nguyễn Tiến Quỳnh (Phú Thọ) đã quyết định nộp hồ sơ dự tuyển vào khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội). Lý do đơn giản khi chọn lĩnh vực này, theo em Quỳnh là: “Vì nghề này dễ xin việc và được bố mẹ ủng hộ”.
Tương tự, em Nguyễn Xuân Phúc (huyện Ba Vì, Hà Nội) đủ điểm đỗ ĐH Điện lực nhưng quyết định chọn nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội với lý do được học thực hành sát với thực tế và ra trường dễ xin việc làm. “Em cũng đã tham khảo những anh chị đi trước và nhận thấy nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nghề này. Bên cạnh đó, khu vực em sinh sống có ít người học ngành này, nên sau này nếu không đi làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, em sẽ mở cửa hàng riêng”, Nguyễn Xuân Phúc khá tự tin chia sẻ.
Em Chìu Cắm Dưỡng (sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh) thực hành sửa chữa máy điều hòa. Ảnh: CTV
Lựa chọn học nghề gắn với đảm bảo có việc làm là xu hướng lựa chọn từ vài năm nay của học sinh trước áp lực về công việc, việc làm.
Chìu Cắm Dưỡng (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), dân tộc Dao, là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh cho biết: “Em lựa chọn học chuyên ngành kĩ thuật máy lạnh và điều hòa không khí bởi ngay từ khi học cấp 3 tại trường dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh, em đã tìm hiểu về học nghề. Tiêu chí hàng đầu của em khi chọn trường là phải có việc làm khi tốt nghiệp. Quê của em có người học đại học nhưng ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng nghề. Rút kinh nghiệm nên ngay từ cấp 3, nhiều bạn học xong đã xác định học thêm tiếng Trung rồi đi làm luôn, do đó muốn học nghề gì cần cân nhắc kỹ”.
Do học nội trú nên Dưỡng đã có thói quen tự lập từ sớm và tính toán chọn trường công để có học bổng để giảm chi phí. “Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cô và tìm hiểu trên mạng, tiêu chí tiếp theo của em là chọn trường công lập, có sự hỗ trợ học phí với học sinh dân tộc thiểu số. Thực tế, đến năm thứ 2, em đã được đi làm và đợt tới thực tập tại doanh nghiệp có trả lương. Nhờ vậy, em đã có thể tự trang trải cuộc sống của mình và mong rằng ra trường có việc làm sớm để đỡ đần cho bố mẹ”, Dưỡng cho biết.
Ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội cho biết: Xu hướng học sinh tốt nghiệp THPT rồi tự lập và quyết định học nghề đã tăng trong khoảng vài năm gần đây. Những ngành nghề như điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh có nhu cầu tuyển lớn thì số học sinh đăng ký tuyển sinh khá đông ngay từ đợt 1.
Nắm bắt được nhu cầu của học sinh, nhiều trường ký cam kết với học sinh ra trường có việc làm và mức lương hấp dẫn theo vị trí công việc. Ông Phạm Xuân Khánh, Phụ trách trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết: Trường thực hiện phương châm “Tuyển sinh là tuyển dụng”, “Hiệu trưởng và trưởng khoa chuyên môn ký hợp đồng đào tạo và cam kết việc làm cho sinh viên với từng phụ huynh và sinh viên ngay từ vào nhập học”, nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng sinh viên sau tốt nghiệp để đồng hành trong tuyển sinh và có những cơ chế chính sách học bổng, tài trợ kinh phí học tập, sinh hoạt.
Đây cũng là xu hướng của nhiều trường cao đẳng, trung cấp khi thực hiện tuyển sinh trong vào 5 năm trở lại đây.
Thành công đến từ nỗ lực
Video đang HOT
Anh Nguyễn Xuân Lực sau khi học xong khoa quản trị Kinh doanh (Đại học Thương mại) đã quyết định đăng ký học Trung cấp nghề sơn sửa ô tô. Anh cho biết: Tôi nhận thấy rằng những kiến thức đã được học tại Đại học là chưa đủ để giúp mình tự tin về kỹ năng khi nối nghiệp gia đình trong nghề sơn. Qua tìm hiểu về các trường giảng dạy thực hành về lĩnh vực này, tôi quyết định đăng ký theo học ngay khi tốt nghiệp đại học tại Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội. Học lý thuyết, nhà trường đã kết hợp thực hành và tiến hành đạo tạo liên kết tại doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Xuân Lực (trái) đang hướng dẫn, huấn luyện cho học viên trường Trung cấp giao thông công chính chuẩn bị thi tay nghề vào cuối năm nay. Ảnh: CTV
“Không ngờ sau đó, nhà trường đăng ký cho tôi đăng ký thi tay nghề Quốc gia và thi ASEAN và tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới tại Nga (2019). Tôi đã đạt giải thí sinh tiềm năng nghề sơn ô tô và huân chương kỹ năng nghề xuất sắc. Tôi không ngờ mình lại thành công khi sang học nghề và giờ là quản lý đào tạo và giải pháp kinh doanh tại Nhà máy sản xuất MHM. Tôi đang huấn luyện đào tạo cho Trần Quang Huy, học sinh của trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội để tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia 2021 dự kiến tổ chức vào cuối năm nay”, Nguyễn Xuân Lực chia sẻ.
“Từng học 2 môi trường đại học và trung cấp, tôi cho rằng mỗi nơi có giá trị riêng tùy định hướng công việc lựa chọn. Học trung cấp mang lại cho tôi tay nghề để thao tác cụ thể công việc sơn ô tô như pha màu, thiết kế… Đặc biệt tại kỳ thi tay nghề quốc tế, nơi mà tôi được tiếp cận đỉnh cao về kỹ thuật sơn hiện đại mà trong nước và thậm chí ở khu vực ASEAN trước đó ít gặp. Đơn cử như tại kỳ thi quốc tế, tôi gắp thăm mô đun thiết kế sơn cờ 3 màu khá khó mà rất ít khi làm. Tuy nhiên, từ kiến thức được học, tôi đã hoàn thành bài thi và qua đó học hỏi được rất nhiều kỹ năng nghề từ các bạn thi và hiểu hơn về những máy móc hiện đại của các công nghệ mới của lĩnh vực này”, Nguyễn Xuân Lực chia sẻ.
Trong khi đó, đại sứ Kỹ năng nghề 2021 Trương Thế Diệu từng giành Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2019 cho biết: “Việc tôi đạt được những thành tích trên vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm, góp phần nâng tầm giáo dục nghề nghiệp. Khi tôi còn thực tập ở công ty, người ở quê đã truyền tai nhau về những thành tích của tôi. Từ đó tôi trở thành một phần lý do để nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 theo học nghề, quan điểm của phụ huynh trở nên thoáng hơn khi cho con theo học nghề”.
Trương Thế Diệu (ngoài cùng bên trái) được lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đến động viên trước khi tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới. Ảnh: XC
Tốt nghiệp THPT, thay vì thi vào các trường đại học, Trương Thế Diệu (SN 1997, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã chọn học trường cao đẳng (CĐ) để học nghề. “Từ lúc học THPT, tôi đã xác định bản thân sau này sẽ theo học kỹ thuật. Đến lớp 12, xác định lực học của mình không thể thi vào được những trường đại học có chất lượng đào tạo kỹ thuật tốt nên tôi đã suy nghĩ về việc học nghề. Khi chọn học nghề, tôi chỉ mong sau này ra trường có thể dễ xin việc với những gì đã được học”, Trương Thế Diệu chia sẻ.
Khi lựa chọn học nghề, vào thời điểm đó, Diệu không nhận được sự đồng tình của nhiều người bởi tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn khá nặng nề. Nhưng với Diệu, đánh giá đúng năng lực và lựa chọn đúng thế mạnh của bản thân để vững tin trong cuộc sống là điều quan trọng nhất, không thể chạy theo trào lưu xã hội rồi làm không đúng khả năng, đam mê.
“Tự bản thân, tôi đã nhận thấy có đam mê với những hình ảnh, vật thể 3D trong môn Công nghệ. Tôi lên mạng tìm hiểu thêm về ngành nghề phù hợp với thế mạnh và niềm đam mê kỹ thuật của mình, xu thế của các nhà tuyển dụng và trường có thế mạnh của nghề này rồi quyết định chọn nghề cơ khí”, Trương Thế Diệu chia sẻ lý do chọn ngành cắt gọt kim loại, Trường CĐ nghề Bách khoa (Hà Nội).
Chính ở ngôi trường này, Trương Thế Diệu tìm kiếm được cơ hội hiếm có khi vào năm 2016, một doanh nghiệp liên kết với trường để tuyển chọn các ứng viên chuẩn bị cho cuộc thi tay nghề thế giới năm 2019, môn nghề phay CNC. Vượt qua hơn 100 ứng viên với 3 phần thi (làm toán nhanh, IQ và kiểm tra lý thuyết), Diệu có mặt trong Top 10 ứng viên có kết quả tốt nhất.
Trải qua nhiều lần thi nữa, Trương Thế Diệu trở thành ứng viên duy nhất cho kỳ thi tay nghề uy tín nhất thế giới này. “Các doanh nghiệp xác định rất kỹ khi tuyển chọn thí sinh về kỹ năng tư duy hình ảnh, xử lý tình huống, biết ngoại ngữ và sự quyết tâm bởi phải luyện tập 2 năm ròng rã với cường độ cao tại Viện đào tạo Kỹ năng nghề Denso” Diệu chia sẻ.
Về lịch luyện tập kỹ năng trước khi tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới, Diệu cho biết, cứ mỗi ngày luyện tập ở công ty từ 8-10 tiếng đồng hồ, ngày nào cũng như ngày nào, chỉ trừ ngày Chủ nhật. Nhờ sự quyết tâm rèn luyện kỹ năng, tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 được tổ chức tại Kazan – Liên bang Nga vào tháng 8/2019, vượt qua các đối thủ ở 34 quốc gia, Trương Thế Diệu xuất sắc giành tấm Huy chương Bạc ở môn phay CNC. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại cuộc thi uy tín nhất thế giới này sau 7 lần tham dự.
Dù mới tốt nghiệp, nhưng hiện tại Diệu đã làm việc cho công ty TNHH Denso (chuyên sản xuất linh kiện ô tô). Diệu làm công tác đào tạo môn Nghề phay CNC cho thí sinh sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề (KNN) thế giớ năm 2022, tại Trung Quốc.
Còn nữ đại sứ nghề năm 2021 Nhữ Thị Phương chia sẻ: Tôi trượt đại học và rẽ sang học nghề. Do đam mê du lịch nên tôi chọn trường Cao đẳng du lịch Hải Phòng, vì cho rằng khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng hoạt động du lịch sôi động, học xong dễ xin việc làm. Khi chọn nghề, bố mẹ cũng không phản đối và chỉ khuyên học xong có việc làm, không phải làm trái nghề và mất tiền xin việc.
Chỉ sau 3 năm học nghề, Nhữ Thị Phương vượt qua các kỳ thi kỹ năng nghề cấp trường, cấp thành phố, quốc gia. Sau đó được chọn thi tay nghề ASEAN, tay nghề thế giới. Phương giành giải Nhì của Kỳ thi tay nghề Quốc gia năm 2012. Cũng trong năm đó tại Indonesia, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề ASEAN. Năm 2013 tại Đức, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
Được giữ lại trường làm giảng viên và nay chuyển công tác đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và mở cửa hàng cà phê của riêng mình, điều mà nữ đại sứ nghề Phương luôn tâm đắc là định hướng cho học viên khởi nghiệp từ đam mê. “Để học và hành nghề tốt trong xã hội hiện đại, cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Trong đó, kiến thức và kỹ năng thì có thể rèn luyện và học tập, nhưng quan trọng nhất chính là thái độ, sự cầu tiến, chịu khó học hỏi. Do đó, học đại học cũng tốt nhưng tùy hoàn cảnh và thực tế, việc lựa chọn học nghề sẽ giúp người học có kỹ năng thực hành, sớm có việc làm và với nỗ lực của bản thân sẽ mang tới thành công”, đại sứ nghề Nhữ Thị Phương chia sẻ.
Trong chương trình thảo luận về đổi mới giáo dục nghề nghiệp mới đây, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: Có một số chuyên gia cho rằng học sinh vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đa phần không đỗ đại học.
Đây là quan điểm chưa đúng bởi mỗi cấp đào tạo có vai trò, vị trí riêng. Dựa vào năng lực và điều kiện cụ thể, học sinh có thể theo học nghề rồi liên thông các cấp học. Do đó, cơ quan quản lý có chính sách tạo môi trường học tập suốt đời, lấy người học làm trung tâm và vì quyền lợi người học. Với những nỗ lực của bản thân, nhiều em khi học nghề đã thành công trong cuộc sống.
Bài 2: “Chuyển động” của các trường nghề
Linh hoạt trong đào tạo nghề
Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là chú trọng thực hành trực tiếp tại nhà xưởng, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có dịch Covid-19, đa số trường nghề tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến. Để bảo đảm chất lượng, các nhà trường chủ động khắc phục khó khăn, triển khai linh hoạt nhiều giải pháp trong quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
Giảng viên dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, phương pháp giảng dạy trực tuyến thay thế cho trực tiếp được nhiều trường nghề triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Thị Thu Hà, phương thức đào tạo trực tuyến giúp thầy và trò chủ động làm chủ công nghệ, tiếp cận với khối kiến thức không giới hạn. Đặc biệt, các nhà trường có thể tiếp cận và mời giảng viên giỏi trong nước, quốc tế tham gia tư vấn, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Còn theo em Nguyễn Thùy Dung, sinh viên Khoa Kế toán doanh nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, với phương pháp học trực tuyến, người học có thể trao đổi, thảo luận nhóm trên môi trường mạng, dễ dàng xem lại bài giảng trên hệ thống.
Tuy nhiên, thực tế đào tạo trực tuyến tại các trường nghề cho thấy, phương thức này phát huy hiệu quả với ngành có thời lượng học lý thuyết nhiều. Còn đối với các ngành, nghề đề cao yếu tố thực hành, như công nghệ ô tô, điện tử, cơ điện..., thì người học cần được tiếp xúc với máy móc trong quá trình học. Vì thế, hoạt động đào tạo nghề theo hình thức trực tuyến đối với nhiều môn học, ngành, nghề vẫn gặp không ít khó khăn.
Là người trực tiếp đào tạo nghề, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh (Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội) Chu Đức Khoan cho rằng, với hình thức thực hành nghề trực tuyến, giáo viên chỉ có thể truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video. Người học xem video, sau đó thầy và trò cùng quan sát, tương tác. Thế nhưng, việc dựng video mô phỏng rất tốn kém, đòi hỏi người quay phải có kỹ năng...
Chủ động khắc phục
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đào tạo nghề theo hình thức trực tuyến tiếp tục duy trì ở nhiều địa phương. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, các bên liên quan cùng chủ động khắc phục khó khăn bằng nhiều giải pháp linh hoạt.
Đối với những học sinh, sinh viên mới nhập học, các nhà trường hướng dẫn học trò làm quen với phương pháp đào tạo mới. Chương trình đào tạo tập trung cho các phần học lý thuyết. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng thông tin, trước mắt, nhà trường chú trọng đào tạo lý thuyết, vừa giúp các em có kiến thức khái quát, nền tảng về môn học, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo. Còn phần học thực hành sẽ được triển khai phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, học sinh, sinh viên có thể học trực tiếp, nhà trường sẽ tập trung đào tạo thực hành.
Với học sinh, sinh viên bước vào năm học thứ 2, thứ 3, tùy từng ngành nghề, chương trình đào tạo, các nhà trường có hướng giảng dạy phù hợp. Trong đó, có những ngành, nghề tập trung đào tạo lý thuyết tương tự học sinh, sinh viên đầu khóa; có những ngành, nghề được đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành trực tiếp theo mô hình "3 tại chỗ" là ăn - ở - học tại trường.
"Thời gian qua, chúng tôi đào tạo "3 tại chỗ" đối với một số nghề thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Đức hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Thông qua mô hình này, nhà trường vẫn có thể cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có kỹ năng", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay.
Đối với những người học nghề năm cuối, các nhà trường lên kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp trực tuyến với các môn học lý thuyết; xây dựng các kịch bản để có thể bố trí cho từng nhóm nhỏ học sinh, sinh viên thi tốt nghiệp trực tiếp đối với các môn thực hành...
Việc nâng cao chất lượng bài giảng cũng được các cơ quan chức năng quan tâm. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, ngoài những nội dung, chương trình đã áp dụng, Sở khuyến khích các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thi thiết kế dạy học trực tuyến. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đội ngũ nhà giáo, qua đó nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm những bài giảng điện tử chất lượng...
Dưới góc độ quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho rằng, việc bảo đảm chất lượng đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, các nhà trường cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến. Các nhà giáo cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo để có phương pháp giảng dạy phù hợp với bối cảnh mới.
"Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dù theo hình thức nào cũng bảo đảm có việc làm cho đại đa số người học sau khi tốt nghiệp", ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Nghịch lý: Học nghề dễ kiếm việc, thu nhập khá lại ít người theo học Học viên học trường nghề ra trường rất dễ kiếm việc làm vì nhu cầu thị trường lớn, nhưng đến mỗi kỳ tuyển sinh, các trường nghề lại rất khó tìm học viên. Học nghề dễ kiếm việc Dù thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học viên từ đầu tháng 4 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, khi được hỏi về...