‘Nhật ký công chúa’ đời thực – cô gái phát hiện bố là vua năm 14 tuổi
Năm 1996, khi 14 tuổi, Carla Brizuela-Perez mới biết cha đẻ là Quốc vương Pahang, Malaysia. Suốt những năm ấu thơ, cô có cuộc sống chật vật bên người mẹ đơn thân.
Zing trích dịch bài đăng “When I was 14, I found out I was a princess” (tạm dịch: Năm 14 tuổi, tôi phát hiện mình là công chúa) đăng trên Vice, kể về câu chuyện của Carla Brizuela-Perez ( người gốc Philippines) bỗng một ngày phát hiện cha đẻ là Quốc vương bang Pahang, Malaysia. Cô chỉ được gặp bố 3 lần ở London (Anh) từ năm 1996 tới 2003.
Lần đầu theo dõi bộ phim The Princess Diaries (Nhật ký công chúa), Carla đã có sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật chính. Bởi đó cũng chính là câu chuyện xảy ra trong cuộc đời cô: Năm 14 tuổi, Carla phát hiện cha đẻ là 1 vị vua ở Malaysia.
Mặc dù chỉ lớn lên bên mẹ, Carla không bao giờ mè nheo hỏi về bố. Cho đến một ngày, khi cô khoảng 5 tuổi, giáo viên mẫu giáo yêu cầu các học trò dẫn bố mẹ tới lớp.
“Bố con không thể đến. Ông ấy rất bận rộn vì là một vị vua”, mẹ nói một cách thờ ơ khi Carla cuối cùng cũng hỏi về bố.
Carla tin mẹ, không hỏi thêm gì, cũng chưa đủ lớn để bận tâm về điều đó.
Hai mẹ con Carla di cư từ Philippines đến Mỹ khi cô 6 tuổi. Họ chuyển qua nhiều phòng thuê khác nhau ở bang California, nhưng chưa bao giờ có căn hộ riêng. Càng lớn, Carla dần hiểu rằng gia đình mình không dư dả tiền bạc.
Ở trường cấp 2, thứ cô thèm muốn nhất là một chiếc quần jean nhãn hiệu Levi’s.
“Tôi từng nghĩ chiếc quần đó rất ngầu và đậm chất Mỹ. Nhưng tôi biết hoàn cảnh gia đình không cho phép. Vì vậy, trong khi bạn bè đi mua sắm quần áo cho năm học mới, tôi cùng mẹ vài lần lùng sục các món trang phục trong các buổi trao đổi đồ cũ. Lớn lên, tôi không sở hữu những đôi giày thể thao hot nhất, nhưng ít nhất cũng có giày để mang”, Carla nhớ lại.
Carla và mẹ ở Philippines năm 1984.
Là một y tá, mẹ Carla làm việc nhiều giờ, cố gắng tự mình nuôi con gái mà không cần dựa vào hình thức trợ cấp nào. Có lần, Carla nghĩ về bố và thầm nghĩ: Đây không phải cuộc sống của một công chúa.
Nhưng Carla không muốn khơi lại câu chuyện cũ của mẹ. Bởi từ những gì cô tìm hiểu được, chuyện 1 vị vua ở Malaysia và 1 y tá trẻ kết thúc bằng đứa con gái ngoài giá thú không hẳn là chuyện tình cổ tích.
Sau đó, vào một đêm năm 1996, khi Carla khoảng 14 tuổi, hai mẹ con cô nhận được một cuộc gọi. Người ở đầu dây bên kia là Dato’ Michael (sau này Carla mới biết rằng Dato’ là một tước vị thường được sử dụng ở Brunei và Malaysia). Ông là luật sư đại diện cho cha đẻ Carla – Quốc vương (Sultan) của bang Pahang, Malaysia.
“Cha cháu muốn gặp cháu”, Dato’ Michael nói.
Video đang HOT
Vào lúc đó, Carla không thể tin rằng bố cô thật sự tồn tại, và giống như câu chuyện hoang đường, còn là 1 vị vua.
Vài tuần sau cuộc gọi đó, Carla gặp bố lần đầu tiên ở London (Anh). Họ cùng dùng bữa trưa tại một nhà hàng của khách sạn.
Cuộc gặp không giống như Carla mong đợi. Cô ngồi chung bàn với bố, mẹ và Dato’ Michael. Đoàn tùy tùng của bố cô ngồi ở bàn gần đó.
“Bố cố gắng trò chuyện, hỏi về điều tôi quan tâm và những gì tôi muốn làm khi lớn lên. Thế nhưng tôi quá hồi hộp để có thể thổ lộ. Bầu không khí căng thẳng như ở cuộc họp kinh doanh hơn là cuộc hội ngộ giữa cha với cô con gái đã thất lạc từ lâu”, Carla kể.
Cuộc hội ngộ đầu tiên của Carla và bố ở London vào năm 1996.
Bố Carla đã 60 tuổi, lớn hơn cô tưởng tượng. Thế nhưng, Carla ấn tượng bởi những điểm tương đồng kỳ lạ giữa mình và bố. Ngoài khuôn mặt, ông ấy vui tươi và đôi khi trêu đùa đoàn tùy tùng của mình – Carla cũng vậy. Điều đó khiến cô ngạc nhiên về cách mình đã thừa hưởng những đặc điểm nhất định từ người cha mà cô chưa từng gặp trước đó
Trong vài năm tiếp theo, Carla gặp cha thêm 2 lần nữa. Các cuộc gặp có không khí nghiêm nghị như bàn chuyện kinh doanh vẫn còn, và đều diễn ra ở nhà hàng của khách sạn.
Hai cha con luôn chào hỏi với những nụ hôn trang trọng trên cả 2 má, Sau đó, bố sẽ hỏi Carla những câu thông thường: “Con quan tâm đến điều gì?”, “Đi học thế nào?”, “Học đại học ra sao?”, “Nên chơi thử cái này ở London”, hoặc “Đi mua sắm đi”.
“Tôi nói với bố rằng tôi muốn trở thành luật sư và ông ấy khen ngợi tôi vì điều đó. Nhưng điều thực sự làm tôi thích thú là nhận xét bất ngờ rằng tôi trông giống con gái lớn của ông ấy. Điều đó khiến tôi hạnh phúc khi nghĩ rằng tôi có một người chị gái ở xa”, Carla nhớ lại.
Mỗi khi gần kết thúc cuộc gặp gỡ, Carla luôn chào hỏi lấy lệ: “Khi nào bố con mình có thể gặp lại nhau?”. Thế nhưng, bố cô luôn thận trọng, không đưa ra bất kỳ lời hứa hay đề cập đến lần gặp cuối cùng. Điều này có nghĩa Carla không bao giờ biết khi nào sẽ là cuộc hội ngộ cuối cùng.
Carla và mẹ dạo chơi ở London trong lần tới đây gặp bố, khoảng năm 1997-1998.
Carla giữ liên lạc với bố, nhưng không tiếp cận trực tiếp ông, mà thông qua Dato’ Michael – mối liên lạc duy nhất. Cô đã gửi email cho Dato’ Michael để hỏi khi nào bố sẽ tới London – nơi ông sở hữu một nơi cư trú trong thành phố và thường xuyên tới đó bí mật.
Mỗi lần Carla về thăm gia đình nhà ngoại ở Philippines và nói với Dato’ Michael về kế hoạch tới Malaysia, ông luôn phản hồi rằng bố cô đang ở London. Hóa ra, cuộc gặp thứ 3 của Carla và bố vào năm 2003 là lần cuối cùng.
Năm ngoái, Carla biết về sự ra đi của bố khi ai đó gửi cho cô một tin nhắn qua mạng xã hội: “Xin chia buồn, Carla”. Cô tra cứu trên mạng và các bài báo đã xác nhận sự thật.
“Tôi thực sự không biết mình cảm thấy thế nào. Tất nhiên, tôi có buồn. Dù ông ấy không phải người cha lý tưởng, tôi biết rằng tôi sẽ không ở đây nếu không nhờ ông ấy”, Carla nói.
Carla không còn cơ hội liên lạc với bố, và ông ấy cũng không thể gặp những đứa cháu của mình. Ông cũng không thể biết rằng Carla không chọn nghề luật sư, mà theo đuổi ngành công tác xã hội.
Gia đình Carla ở Hawaii (Mỹ) vào năm ngoái.
Năm 2009, Carla đặt chân tới Kuantan – thủ phủ bang Pahang, nơi bố cô là Quốc vương. Cô đã viết cho bố một lá thư và tới Istana (cung điện) để gửi.
“Tất nhiên tôi biết, là một đứa con ngoài giá thú của Quốc vương, tôi sẽ không bao giờ có thể vào được bên trong. Tôi chuyển lá thư cho người lính gác – người đã nhận với một chút tò mò. Có lẽ anh ta nghĩ rằng đó chỉ là thư của người hâm mộ dành cho người cai trị”, Carla nói.
“Ngày đó tại Istana, tôi biết rằng mình đã tới gần nhất có thể với người đàn ông mà tôi gọi là bố”.
Nàng dâu được mẹ chồng chiều như công chúa từ ngày yêu đến ngày cưới khiến hội chị em ghen đỏ mắt
Từ xưa đến nay, sống chung với mẹ chồng luôn là drama dài tập khiến nhiều nàng dâu đau đầu, rơi nước mắt.
Chuyện sống chung với mẹ chồng, gia đình chồng là một drama dài tập khiến nhiều nàng dâu phải đau đầu, rơi nước mắt. Nhiều nàng dâu than nhà chồng khắt khe, không thông cảm, họ có làm gì cũng không thể làm nhà chồng hài lòng. Tuy nhiên, cũng có những nàng dâu trẻ, gặp được mẹ chồng hiền đức, bao dung khiến cho cuộc sống chung với nhà chồng của họ trở nên hạnh phúc đáng ngưỡng mộ.
Mới đây, bạn Hoàng Thị Thanh Thương (Dương Kinh, Hải Phòng) đã chia sẻ về câu chuyện sống chung với mẹ chồng của họ trên một nhóm kín. Câu chuyện về người mẹ chồng bao dung, nhân hậu của Thanh Thương khiến nhiều nàng dâu khác ghen đỏ mắt, chỉ biết xuýt xoa khen Thương tốt số.
Trích nguyên văn chia sẻ của Thanh Thương:
" Ngủ đến giờ chưa thèm dậy, mẹ chồng gọi cửa hỏi con ăn gì không mẹ mua cho?
Chồng em đi làm xa nhà ạ. Cơm nước em không phải nấu. Ăn cơm xong, mẹ chồng chỉ rình rình đuổi khéo con dâu lên phòng nghỉ ngơi để bà rửa bát. Quanh đi quẩn lại em chỉ có quét nhà quét sân rồi dọn phòng riêng. Tối nào bà cũng cầm đĩa hoa quả hoặc nước hoa quả mang tận phòng cho con dâu ăn. Vì chồng em đi làm xa nên bà sợ em buồn hay sao ấy. Cơm nước xong xuôi thì thi thoảng bà vào phòng em 2 mẹ com nằm tâm sự, kể chuyện ngày xưa bla bla... Bà còn nằm xong quàng tay ôm e nữa ý. Mà điện thoại bà lưu tên em là "em bé" các mẹ. Lúc nào bà cũng bảo: "Con phải rèn thằng Sỹ (chồng em) cho làm việc nhà đi không mai kia con khổ đấy!"
Mẹ chiều nó nên nó chả biết làm gì giờ con phải uốn nắn nó cho mẹ. À quên, không kể cho các mẹ em và chồng e yêu nhau 7 năm mới cưới lại gần nhà nên bố mẹ 2 bên đã qua lại từ lâu rồi. Chồng e là thủy thủ viễn dương nên trước khi chúng em cưới chỉ có 2 ông bà sống với nhau, có gì ngon ông bà cũng gọi rồi nhắn tin gọi em sang ăn xong còn lấy phần về bảo mẹ gửi cho bố mẹ con. Valentin năm nay, mẹ chồng còn mua socola tặng e nữa các mẹ ạ.
Nhà ngoại với nhà nội cách nhau cỡ 700m nên tối e hay đi bộ sang ngoại chơi tiện tập thể dục luôn mà lần nào đi cũng bắt em xách hoa quả, hôm thì bánh kẹo, bắp rang bơ sang ngoại các mẹ ạ. À mẹ chồng e bán hoa quả nên nhà lúc nào cũng ngập trong hoa quả ấy. Tháng trước e bị dọa sinh non nên có xin về ngoại chơi 1 tuần thì y như rằng tối nào cũng Facetime cho em dặn dò hạn chế đi lại, rồi hỏi con có khỏe không? Có đau ở đâu không?
Xong bà nấu bát cháo bảo chồng em mang đến ngoại cho con dâu rồi đi đâu mới được đi. Lại được 2 bên thông gia hợp nhau, cứ lần nào ăn uống cũng phải karaoke vài bài mới chịu về. Chả biết được yêu thương đến lúc nào nhưng hiện tại em thấy hạnh phúc và may mắn vô cùng."
Bài chia sẻ của bạn Thanh Thương ngay lập tức đã nhận được "bão" comment từ hội chị em trong nhóm. Ai cũng khen nàng dâu Thanh Thương tốt số, được mẹ chồng tâm lý, chu đáo, quan tâm, cưng chiều như trứng mỏng.
Không những thế, nhiều cư dân mạng còn cho rằng mẹ chồng của Thanh Thương xứng đáng là hình mẫu mẹ chồng mà "hội mẹ chồng tương lai" nên học theo. Nhìn cách mẹ chồng Thanh Thương quan tâm, chia sẻ với con dâu đủ để biết bà là một người mẹ chồng bao dung, nhân hậu và thấu hiểu cho nàng dâu.
Trích đoạn Thanh Thương chat với mẹ chồng.
"Chúc mừng bạn đã trúng số", người dùng Ngọc Đức bình luận.
Trong khi một số người dùng khác cũng ngậm ngùi: " Ghen tị với bạn quá. Mình không ước mẹ chồng mình đc như mẹ chồng bạn, chỉ mong bà ấy im lặng để yên cho mình sống là mừng rồi."
Chia sẻ với Emdep.vn Thanh Thương cho biết cô bạn đã lấy chồng được 5 tháng và đang mang bầu. Vì chồng là thủy thủ viễn dương, thường đi làm xa nên cô bạn được mẹ chồng yêu thương, quan tâm hết mực. Khi được hỏi về bí quyết gì khiến cho nàng dâu được mẹ chồng chiều chuộng đến thế, Thanh Thương chỉ nói rằng: "Mình may mắn khi được có được người mẹ chồng bao dung, hiền đức như vậy. Không chỉ mình được chiều mà chị dâu mình cũng được mẹ chồng cưng chiều như trứng mỏng. Mẹ chồng mình không bao giờ can thiệp vào chuyện nuôi con của chị dâu. Bà làm gì xong cũng hỏi mẹ làm thế này được chưa. Khi nấu ăn bà cũng hỏi mẹ nấu ăn thế này có hợp với con không. Mẹ chồng mình vẫn đi bán hoa quả ngoài chợ. Về đến nhà, bà vẫn tất tả lo việc cơm nước, bếp núc chứ không để con dâu động vào việc gì vì mình đang mang bầu. Bà thường bảo con thích ăn gì để mẹ làm cho ăn."
Tự nhận mình không được khéo léo, hoàn hảo nhưng Thanh Thương lại cực kỳ may mắn khi được mẹ chồng thông cảm: "Trước khi còn ở nhà, mình được bố mẹ chiều nên việc nấu nướng, bếp núc không được khéo léo. Mẹ chồng mình vẫn một tay lo hết việc bếp núc trong nhà. Hôm nào mẹ đi làm về muộn thì 2 mẹ con vừa nấu cơm, vừa nói chuyện. Nói chung, giữa hai mẹ con không có khoảng cách."
Câu chuyện được mẹ chồng chiều như công chúa của Thanh Thương khiến nhiều người trong hộ chị em ghen đỏ mắt. Ai cũng nói Thanh Thương quả là có số hưởng khi may mắn có được mẹ chồng hiền đức, hôn nhân hạnh phúc như vậy. Một số người cũng bình luận rằng câu chuyện của Thanh Thương khiến họ có niềm tin hơn vào hôn nhân, vào mẹ chồng. Thanh Thương cũng chia sẻ rằng: "Mình cứ thương mẹ chồng thì mẹ chồng ắt thương mình. Mong tất cả các nàng dâu đều có được cuộc sống hạnh phúc."
Ảnh NVCC
Khi các nhân vật hoạt hình đến với cuộc sống hiện đại: Từ fashionista thời thượng đến bắt trend mùa dịch đều có đủ Trào lưu 'thời trang hóa' các nhân vật Disney đang 'làm mưa làm gió' giới trẻ bởi sự trẻ trung, vui nhộn. Ký ức tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với những bộ truyện tranh, phim hoạt hình hay câu chuyện cổ tích, đặc biệt là Disney. Trong đó, những bộ trang phục mang đậm cá tính và số phận riêng...