Nhật Bản lao đao vì lượng tuyết rơi thấp nhất lịch sử
Lượng tuyết rơi giảm rõ rệt tại nhiều khu vực đang trở thành mối lo ngại không chỉ đối với cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Nhật Bản.
Thành phố Sapporo phải điều động xe tải chở tuyết phục vụ lễ hội thường niên do tuyết rơi giảm. Ảnh: Kyodo
Ông Makoto Watanabe nhớ lại những núi tuyết phủ cao chót vót đến tận đỉnh đầu khi ông còn là một cậu bé, tuyết dày đặc phủ kín thành phố Otaru ( tỉnh Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản) suốt nhiều tháng liền. Nhưng năm nay, ông dường như không cảm nhận được mùa Đông đã đến từ khi nào.
“Đây là năm tuyết rơi ít nhất mà tôi từng thấy trong đời. Sáng nay, chỉ có một chút tuyết rơi xuống nhưng lượng tuyết ít đến nỗi không đủ đọng lại bất cứ nơi nào ở Sapporo. Đây là mùa Đông đầu tiên mà tôi cảm thấy biến đổi khí hậu thực sự đã ảnh hưởng đến Hokkaido”, ông Watanabe, Giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo nói.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), không chỉ Hokkaido đang phải trải qua một mùa Đông ấm áp mà nhiệt độ tại nhiều khu vực khác ở Nhật Bản cũng cao hơn rất nhiều khiến lượng tuyết ít hơn hẳn so với các năm trước.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản xác định lượng tuyết rơi ở Hokkaido vào tháng 12 chỉ còn 48% so với trung bình mỗi năm, đây là mức tuyết rơi thấp nhất theo dữ liệu hồ sơ được ghi nhận kể từ năm 1961.
Tại các khu vực gần bờ biển phía Đông Bắc của Nhật Bản – nơi thời tiết thường chịu ảnh hưởng của khí hậu lạnh từ phía Bắc Trung Quốc và Nga, lượng tuyết rơi trung bình chỉ ở mức 28% so với các năm thông thường.
Một số thị trấn gần bờ biển thường có tuyết phủ kín đường phố, cao đến đầu gối vào giữa tháng 1 hàng năm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy tuyết xuất hiện.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản nhận định nguyên nhân của thời tiết bất thường này là do những cơn gió Tây thổi qua miền Bắc Nhật Bản đã ngăn khối không khí lạnh di chuyển về phía Nam và mang đi nhiều tuyết hơn. Cơ quan này cũng dự đoán kiểu thời tiết tương tự sẽ phổ biến trong những tháng tới và nhiệt độ ấm hơn sẽ khiến hơi nước đọng lại tạo thành những cơn mưa.
Các tác phẩm điêu khắc làm từ tuyết rực rỡ trong Lễ hội tuyết Sapporo năm 2015. Ảnh: AFP
Sự biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch ở những địa phương thường có lượng tuyết rơi lớn. Thành phố Sapporo – thành phố lớn nhất Hokkaido đang chuẩn bị đăng cai một lễ hội tuyết thường niên vào cuối tháng 1, đây là một sự kiện quan trọng đối với du lịch địa phương.
Nổi bật trong lễ hội là các tác phẩm điêu khắc các tòa nhà nổi tiếng trên khắp thế giới làm từ tuyết. Nhưng năm nay, thành phố đã phải yêu cầu vận chuyển hàng ngàn tấn tuyết đến công viên để phục vụ lễ hội. Ước tính, mỗi chiếc xe tải chở 5 tấn tuyết sẽ phải thực hiện 6.000 chuyến vận chuyển trước khi lễ hội diễn ra.
Nhà tự nhiên học và Giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học Khoa học Thông tin Tokyo Kevin Short cho biết lượng tuyết giảm chỉ là một biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu xảy ra tại Nhật Bản.
“Ở mức độ địa phương, các chuyên gia cho rằng khá khó khăn để thấy tận mắt sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng hiện nay tôi chỉ cần nhìn qua cửa sổ để nhận thấy sự khác biệt này. Khu vực Kanto được biết đến là một vùng ôn đới mát mẻ, nơi này thường được coi là ‘thủ phủ’ của các loài cây rụng lá nhưng những năm gần đây điều đó đã thay đổi. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy những tán cây xanh mởn như ở những vùng ôn đới ấm áp khác”, Giáo sư Short nói.
Theo Giáo sư, một hội nghị về sự nóng lên toàn cầu gần đây đã nhận định Nhật Bản là một trong những quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cao nhất.
“Các chuyên gia dự đoán rằng quốc gia hải đảo của người Nhật bao gồm một chuỗi các đảo ở rìa lục địa rộng lớn sẽ có hệ lụy nghiêm trọng hơn. Đất nước này sẽ phải gánh chịu nhiều cơn bão lớn hơn, mạnh hơn và chúng sẽ ập đến muộn hơn bình thường. Nhật Bản cũng sẽ xuất hiện những trận mưa đột ngột, sức gió và nhiệt độ tại quốc gia này cũng dễ biến đổi”, ông Short cho biết.
Tuyết rơi tại Hoàng cung Tokyo (Nhật Bản) năm 2018. Ảnh: Reuters
Đối mặt với tình trạng này, các công ty có cổ phần thuộc lĩnh vực thể thao mùa Đông cũng đã vô cùng lo lắng. Khu nghỉ dưỡng Daisen White thuộc tỉnh Tottori đã phải đóng cửa vào đầu tháng 1 sau khi sử dụng máy làm tuyết tạo thành khu trượt tuyết trong kỳ nghỉ năm mới.
Thị trấn Zao, tỉnh Yamagata cũng đang lo lắng khi giải đấu nhảy trượt tuyết dành cho nữ diễn ra vào cuối tuần có thể bị hủy do thiếu tuyết. Tuy nhiên, các nhà tổ chức đã điều động chở tuyết đến các địa điểm này.
Ông Ross Findlay – Giám đốc điều hành Trung tâm Niseko Adventure tại Hokkaido – cho biết các dịch vụ thể thao trên núi quanh thành phố vẫn mở cửa đón du khách đến trượt tuyết. Tuy nhiên, ông phải thừa nhận rằng một trong những khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng nhất dành cho khách nước ngoài đến Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng tuyết rơi ít hơn bình thường trong mùa đông năm nay.
“Chắc chắn rằng tuyết không còn nhiều như các năm trước. Tôi thấy rằng lượng tuyết rơi ở đây chỉ còn khoảng 86%, nhưng vẫn còn hơn nhiều nơi tại Nhật Bản. Tôi đã lái xe đến Sapporo vài ngày trước, tôi thấy nhiều chiếc xe tải chở tuyết phục vụ lễ hội phải di chuyển 100 km để lấy tuyết mang về. Thật không thể tin nổi không có đủ tuyết ở gần thành phố đó”, ông Findlay nói.
Giáo sư Watanabe cảnh báo Hokkaido sẽ phải đối mặt với nhiều tác động lớn hơn khi lượng tuyết rơi đã ít đi đáng kể từ năm nay.
“Tuyết tan chảy sẽ cung cấp nước trồng trọt và tưới tiêu cho Hokkaido vào mùa hè. Nếu không có tuyết, Hokkaido sẽ thiếu nước. Có thể trong năm nay hoặc năm sau, lượng tuyết tan chảy vẫn có thể cung cấp đủ nước cho thành phố này, nhưng nếu không có tuyết trong tương lai, Hokkaido sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước”, ông nhận định.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức
Cuộc sống ở thành phố tuyết rơi dày 8 m tại Nhật Bản
Được xem là thành phố tuyết rơi dày nhất thế giới theo AccuWeather, với trung bình 8 m tuyết mỗi năm, Aomori là điểm đến hút khách tại Nhật Bản vào mùa đông.
Những tháng mùa đông ở thành phố Aomori, hơn 279.000 người dân đều phải vất vả đối phó với việc tuyết rơi dày mỗi ngày. Đây được coi là nơi có lớp tuyết rơi dày nhất thế giới. Giao thông công cộng ngưng trệ, đường phố đầy xe bị bỏ lại vào mùa đông...
Tuy nhiên, người dân nơi đây và du khách luôn tìm ra cách để biến khoảng thời gian này trở nên đặc biệt với việc tạo ra nhiều lễ hội và khung cảnh ngoạn mục.
Thành phố cảng này nằm ở phía bắc Nhật Bản, ngay trên bờ biển, giữa dãy núi Hakkoda và vịnh Mutsu. Những luồng gió tách biệt từ núi thổi xuống và biển thổi vào gặp nhau ở đây nhanh chóng tạo thành mây và khiến thành phố phải hứng một lượng tuyết lớn vào mùa đông.
Trung bình, thành phố hứng lượng tuyết rơi 8 m mỗi năm, nhiều hơn Á quân là thành phố Sapporo đến 3 m, chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Lái xe ở Aomori vào mùa đông, bạn sẽ có cảm giác như đang đi giữa sông băng. Tuyến đường cao tốc quốc gia Hakkoda-Towada Gold Line thường phải đóng cửa vài tháng mỗi năm.
Trước khi mở cửa trở lại vào tháng 4, một đội dọn tuyết hùng hậu gồm xe ủi, máy xúc... phải mất cả tháng thời để thông đường.
Kết quả, họ tạo ra một "hành lang tuyết" khổng lồ với hai bên tường có thể cao đến 8 m. Hành lang dài 8 km này ấn tượng đến mức thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan hàng năm, trước khi cao tốc mở cửa trở lại.
Trên các tuyến đường địa phương, người dân phải tự mình dọn tuyết hoặc thuê các công ty. Đây là công việc cần thực hiện vào buổi sáng, trưa và buổi tối nhưng vẫn không thể dọn hết số tuyết rơi. Nhiều người thậm chí còn coi việc xúc tuyết là bài tập thay thế việc tập gym mỗi ngày.
Năm 2002, thành phố đã lắp đặt các lỗ và hệ thống đun nóng bằng nhiệt ở một số tuyến phố để giữ chúng không bị tuyết phủ, đóng băng. Tuy nhiên, phần lớn đường phố tại Aomori vẫn phủ tuyết dày trong mùa đông.
Đến đây, du khách có thể đi tàu để ngắm cảnh tuyết rơi ở vùng đồng quê xung quanh thành phố. Các khoang tàu được trang bị lò sưởi kiểu truyền thống để giữ ấm cho hành khách.
Thành phố này còn nổi tiếng với lễ hội băng đăng thú vị và những món hải sản đặc biệt tươi ngon. Vì thế, dù có thời tiết khắc nghiệt nhưng Aomori chưa bao giờ thiếu vắng du khách.
'Quái vật tuyết' phủ kín ngôi làng ở Nhật Bản Làng Zao Onshen (Tohoku, Nhật Bản) là một trong những nơi tuyết rơi dày nhất hành tinh. Những cây linh sam được bao phủ bởi sương giá, tạo nên khu rừng "quái vật tuyết".
Theo news.zing.vn
Nga tăng cường tên lửa chống hạm Bastion tới quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật Bản Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chính phủ Nga hiện có kế hoạch triển khai thêm hệ thống tên lửa chống hạm tới 2 đảo thuộc phía bắc quần đảo Kuril, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Kyodo News dẫn tài liệu nội bộ từ chính phủ Nga cho hay, hệ thống tên lửa chống hạm...