Nhật Bản cấm hợp chất HHCH sau vụ ngộ độc kẹo dẻo nghi chứa cần sa
Ngày 21/11, một hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quyết định cấm hexahydrocannabihexol (HHCH) – hợp chất nhân tạo có cấu trúc tương tự thành phần tetrahydrocannabinol (THC) của cây gai dầu được dùng để sản xuất cần sa.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 2/12 tới. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều người ăn kẹo dẻo có chứa hợp chất này đã phải nhập viện.
Các quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết hội đồng chuyên môn sẽ bổ sung HHCH vào danh mục các loại thuốc phi pháp tại Nhật Bản, không được phép sở hữu, sử dụng và phân phối. Bên cạnh đó, bộ trên cũng đang xem xét tất cả các chất có cấu trúc hóa học tương tự như HHCH.
Hiện tại, hợp chất HHCH chưa bị cấm tại Nhật Bản, dù có cấu trúc tương tự THC không được phép sở hữu, sử dụng và kinh doanh ở nước này.
Ngày 4/11 vừa qua, 5 người trong độ tuổi từ 10 đến 50, đã gặp vấn đề về sức khỏe sau khi ăn kẹo dẻo nghi chứa cần sa bán tại lễ hội diễn ra ở phía Tây thủ đô Tokyo. Sau khi ghi nhận những trường hợp tương tự, Cơ quan Kiểm soát Ma túy thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thanh tra cơ sở sản xuất kẹo dẻo và nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm này ở thủ đô Tokyo và Osaka, qua đó phát hiện một số sản phẩm có chứa hợp chất HHCH.
Nhật Bản dự kiến bắt buộc sàng lọc lao đối với công dân một số nước trước khi nhập cảnh lưu trú dài hạn
Theo hãng tin Kyodo, ngày 16/11, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Keizo Takemi cho biết chính phủ nước này dự kiến từ tài khóa 2024 sẽ áp dụng quy định bắt buộc sàng lọc lao trước khi nhập cảnh đối với công dân một số nước có ý định lưu trú lâu dài tại Nhật Bản.
Hành khách đi qua cửa kiểm dịch tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Kyodo dẫn một nguồn thạo tin cho biết quy định trên sẽ nhằm vào các nước Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Nepal, Philippines và Việt Nam. Theo đó, yêu cầu sàng lọc lao sẽ áp dụng đối với công dân những nước này có ý định lưu trú tại Nhật Bản trên 3 tháng với mục đích như học tập hay làm việc. Trước khi nhập cảnh, các đối tượng này phải xuất trình chứng nhận không bị nhiễm lao, nếu không sẽ bị từ chối nhập cảnh.
Phát biểu tại cuộc họp của một ủy ban trong Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Takemi thông báo bộ này đang tiến hành những thủ tục cuối cùng để khởi động hệ thống trên vào tài khóa tiếp theo, bắt đầu vào tháng 4/2024.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc triển khai hệ thống sàng lọc lao bắt buộc từ thời điểm diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo 2020, song đã hoãn kế hoạch này do đại dịch COVID-19.
Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng cộng 1,3 triệu người trên toàn cầu đã tử vong do bệnh lao năm 2022 dù lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Đây là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều thứ hai sau COVID-19.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh lao đã giảm xuống 9,2/100.000 dân vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ này giảm xuống dưới 10 tại Nhật Bản, theo đó đưa quốc gia châu Á này vào danh sách của WHO về các nước có tỷ lệ mắc bệnh thấp. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tỷ lệ mắc bệnh lao tại Nhật Bản giảm xuống 8,2 vào năm 2022.
Bi kịch của bác sĩ trẻ Nhật Bản phải làm ngoài giờ hơn 200 tiếng/tháng Một bác sĩ 26 tuổi ở Nhật Bản đã lựa chọn kết thúc cuộc đời mình sau khi bị căng thẳng vì làm ngoài giờ tận 200 tiếng/tháng và không hề có ngày nghỉ trong 3 tháng liền. Junko Takashima, mẹ của Shingo Takashima, một bác sĩ tự tử năm ngoái, phát biểu tại cuộc họp báo ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày...