Nháo nhác tìm nơi “sơ tán” trẻ
Kỳ nghỉ hè đã đến, học sinh được nghỉ học khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh “ bấn loạn”, nháo nhác tìm nơi “sơ tán” trẻ. Trẻ được gửi về quê, lên cơ quan cùng mẹ, bị “nhốt” ở nhà và làm bạn với ti vi, trò chơi điện tử…
Một bà ba cháu…
Sáng nay, đúng ngày Tết thiếu nhi 1/6 thì nhiều trường cũng đã cho học sinh nghỉ học. Như tại trường mầm non Đống Đa, trường mầm non Mầm Xanh… (Hà Nội) cho học sinh nghỉ hè từ ngày 31/5. Học sinh hệ tiểu học cũng được nghỉ hè vài ngày trước đó.
Một mình bà Phương phải “cai quản” 3 cháu gái.
Dù chỉ là kỳ nghỉ hè ngắn rồi đa số các bé sẽ lại bước vào học hè, kể cả hệ mầm non, hệt tiểu học… nhưng việc không có người trông nom, chăm sóc trẻ cũng khiến nhiều gia đình bấn loạn.
9h sáng tại phố Vũ Thạnh, bà Đinh Thị Phương (Hào Nam, Q. Đống Đa, Hà Nội) dắt díu 3 đứa cháu đi chợ. Mới hai ngày phải trông ba đứa cháu vì bọn trẻ được nghỉ hè, bà Phương đã “tối mắt, tối mũi”. Dù có ông giúp đỡ nhưng riêng chuyện cho bọn trẻ ăn, rồi chúng “chí chóe” nhau cũng khiến ông bà đau đầu. “Vất vả lắm nhưng cháu mình thì phải trông thôi, chẳng còn cách nào khác, hai cháu nội, một cháu ngoại. Bố mẹ nó đi làm từ 7h sáng đến 7h tối mới về nhà, con nghỉ học thì ai trông cho, đành gửi sang bà. Tôi đang mong từng ngày đến 10/6, Trường mầm non Mầm Xanh học hè trở lại, sẽ bớt một đứa. Không chỉ mình vất, mà cũng không an toàn cho bọn trẻ vì cả ba đứa đều bám bà, đi đâu cũng líu ríu bốn bà cháu, chỉ sợ xe cộ va quệt”, bà Phương nói.
Tại hồ Giảng Võ, 9h30 sáng, có một nhóm 4 bé chừng 5 – 9 tuổi chạy nhảy, nô đùa ngay ven hồ. Cậu bé trai nghịch ngợm nhiều khi lò dò ra tận mép hồ. Thỉnh thoảng những người lớn câu cá ở đó mới quan sát thấy, quát trẻ vào trong nhưng chỉ được một lúc các bé lại chạy ra tận mép hồ.
Bé Dương Thúy Hằng (nhà ở D6 Khu tập thể Giảng Võ) và bé Dương Thị Thùy (Hưng Yên) vừa lên Hà Nội sáng nay cũng đang chơi quanh quẩn ven hồ. Được nghỉ hè, Thùy được bố mẹ cho lên nhà bác ruột chơi. Nhưng quanh quẩn ở nhà mãi cũng chán, hai chị em xin phép bà cho ra hồ chơi. “Chúng cháu không dám tới sát hồ đâu, nguy hiểm lắm, chỉ bạn trai kia nghịch ngợm thôi”.
Giờ đã qua tai nạn của con gái một năm, nhưng mỗi lần nghĩ lại, chị Ngọc Bích (ngõ Đại An, Hà Đông, Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình. “Khi đó con gái đã 6 tuổi, nghỉ hè. Nhà chú thím lại ngay sát bên cạnh nên mình liều để con ở nhà đi làm, định trưa mới về. Nhưng đi được 1 tiếng đã thấy thím hốt hoảng gọi về vì con gái tập tành đảm đang, tự cắm cơm và là quần áo cho mẹ. Áo quần bị cháy rồi chập điện, cháy đen cả bàn là, bốc khói nghi ngút, may mắn là hệ thống điện tự ngắt, nếu không khó lường được nguy cơ xảy ra”. Vì thế, hè năm nay, dù con đã lớn, chị vẫn quyết định gửi con về ngoại một tháng rồi mới đón con ra đi học. “Không có người trông, rồi chỗ chơi thì không có, ở nhà hay đi ra ngoài đều nguy hiểm”, chị Bích nói.
Video đang HOT
Còn con trai 8 tuổi của chị Ngọc Tú ở phường Ô Chợ Dừa thì mới nghỉ hè được gần 1 tuần đã tăng vọt 2kg vì ở nhà được bà chiều chuộng, ăn vặt nhiều. Quá hoảng trước cảnh con dán mắt vào ti vi, bên cạnh là lon co ca, bim bim…, chị đã tức tốc phải đăng kí cho con một loạt lớp học hè, từ học bơi, học cờ vua, tiếng Anh, toán, võ thuật… “Con được vận động tí, đỡ dán mắt vào ti vi thì mình lại rạc người vì đưa đón con đi học. Chỉ tiếc khu mình không có sân chơi cho con an toàn. Nếu có thì còn lùa con xuống chơi, vận động được”, chị Tú nói.
Nên “sơ tán” theo nhóm trẻ
TS.BS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, tình cảnh trẻ nghỉ hè không có người trông, không có sân chơi, làm bạn với ti vi, máy tính là việc mà ai cũng biết, nhà nào cũng gặp nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thoải đáng.
Theo TS Tuấn, trẻ em đang ở lứa tuổi quan sát, học hỏi và bắt chước, vì thế để trẻ sống trong các môi trường khác nhau sẽ rất tốt cho nhận thức của trẻ. Nếu chỉ nhốt trẻ ở nhà, làm bạn với ti vi, máy tính, game… thì rất nguy hiểm bởi trẻ em cần phải vận động. Vận động là phương thuốc dự phòng bệnh tật hiệu quả, giúp trẻ năng động hơn, đỡ nhút nhát, rụt rè. Môi trường “tĩnh” với máy tính, ti vi… sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ. Để tạo môi trường học hỏi mới cho trẻ, ngày hè là một cơ hội tuyệt vời. Được nghỉ hè, cha mẹ nên cho con rời hẳn khỏi môi trường giáo dục chính thống để hòa mình với thiên nhiên, sống trong môi trường với sự giao lưu giữa trẻ – trẻ.
“Không chỉ trẻ em thành phố mới không có sân chơi, không được hòa mình với môi trường thiên nhiên mà hiện trạng này cũng đang xảy ra với cả trẻ em nông thôn. Các khu vui chơi trẻ em (nếu có) thì đều hướng vào các loại hình dịch vụ, game, trò chơi mang mục đích thu tiền của trẻ, chứ không phải là những trò chơi vận động manh tính cộng đồng, giao lưu giữa trẻ với trẻ, chơi mà học như các trò dân gian. Đó là một điểm vô cùng thiệt thòi của trẻ em ngày nay”, TS Tuấn nói.
Theo TS Tuấn, để khắc phục tình trạng này, cần phải đẩy mạnh mối liên kết trong “cộng đồng” trẻ em. Trẻ em nên được “xơ tán” theo nhóm gia đình, mục đích để tạo mối liên hệ giữa các em. “Việc các em được chơi với nhau đã là một môi trường học tập rất tốt, chính các em sẽ học hỏi, giao lưu với nhau. Mô hình này hoàn toàn có thể thực hiện được, một nhóm 4 – 5 trẻ với một người trông nom về sinh sống tại một vùng quê (có thể là quê của một bạn trong nhóm). Hãy căn dặn trẻ về tính an toàn tránh xa sông hồ, không ra ngoài giờ nắng cao điểm, quy định về giờ giấc nghỉ ngơi… còn hãy để trẻ tự giao lưu, sống với nhau trong môi trường của con trẻ. Đó là hình thức “sơ tán” hiện đại phù hợp nhất với tình trạng ngày hè của trẻ em hiện nay”, TS Tuấn gợi ý.
Dưới đây là những hình ảnh trẻ trong những ngày đầu hè:
Chơi ven hồ Giảng Võ, tiến tới sát mép nước như thế này có an toàn với trẻ?
Có sân chơi của khu tập thể, nhưng bao quanh là hàng quán, trẻ chỉ có một quả cầu để đu quay.
Không có sân chơi, đành làm “bạn” với ti vi trong những ngày hè…
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo dân trí
Đóng 500.000đ tiền giữ chỗ mầm non
Không chỉ lạm thu tiền ăn, chi sai tiền hỗ trợ của phụ huynh, Trường Mầm non Quỳnh Hương (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) còn thu cả tiền đặt chỗ.
Giữ chỗ: 500.000 đồng!
Theo phản ánh của phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Quỳnh Hương (38/382 Nguyễn Văn Lượng, P17, Q.Gò Vấp), trong tháng 5 nhà trường yêu cầu mỗi phụ huynh phải đóng 1 triệu đồng. Trong đó, tiền giữ chỗ năm học mới 500.000 đồng/cháu, tiền đóng học hè 500.000 đồng/cháu. Như vậy trong tổng số 583 cháu đang theo học tại trường có đến 350 cháu (các lớp mầm, chồi) phải đóng 500.000 đồng để giữ chỗ, tổng cộng đến 175 triệu đồng.
Chưa hết, theo phản ánh của phụ huynh, trong tháng 5 thực tế các cháu chỉ học có 20 ngày nhưng trường lại thu học phí đến 22 ngày. Tổng số tiền thu lố lên đến hơn 25 triệu đồng nếu tính theo tổng sĩ số các cháu trong toàn trường.
Một phụ huynh bày tỏ bức xúc: "Chúng tôi đã đóng nhiều khoản tiền hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường 400.000 đồng, tiền hỗ trợ vật chất cho lớp 300.000 đồng, thêm tiền phục vụ vệ sinh... Thế nhưng không hiểu sao lại thu thêm tiền giữ chỗ". Dù phải bấm bụng đóng 500.000 đồng nhưng một phụ huynh đặt nghi vấn: "Tôi hỏi bạn bè có con cùng học các trường khác trong quận Gò Vấp, không có trường nào yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền giữ chỗ. Phải chăng nhà trường lấy số tiền này để đầu tư hay làm việc gì đó ngoài việc phục vụ công tác dạy học?".
Không chỉ phụ huynh bất bình, một cô giáo của trường không kìm được bức xúc: "Bản thân chúng tôi không thể nào tự ý thu tiền nếu không được cấp trên chỉ đạo. Thế nhưng khi thừa lệnh hiệu trưởng, rất nhiều phụ huynh đã nói nặng đủ điều. Có người nói rằng trường học chứ đâu phải nhà ga, bến tàu mà đặt tiền giữ chỗ".
Ngoài những khoản phí trên, trong biên bản họp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường, ban giám hiệu đã gợi ý khéo rằng "nhà trường mong muốn được thu các khoản ở mức cao nhất". Và từ đây, trường "xin" thêm phụ huynh rất nhiều các khoản thu ngoài quy định như: thu thêm 10.000 đồng vệ sinh phí (trong khi đó quy định chỉ 5.000 đồng/tháng/cháu) thu thêm tiền hỗ trợ phục vụ bán trú 30.000 đồng/tháng/cháu cùng tiền ăn sáng 80.000 đồng/tháng/cháu.
Danh sách khoản thu của Trường Mầm non Quỳnh Hương
Phòng giáo dục không biết?
Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho rằng: "Sau khi nghe phụ huynh phản ánh chúng tôi cử người kiểm tra nhưng tất cả các khoản thu chi đều minh bạch, đúng quy định. Còn khoản thu 1 triệu đồng/cháu (trong đó 500.000 đồng tiền giữ chỗ, 500.000 đồng tiền học hè) hôm nay nghe phóng viên phản ánh mới biết". Thế nhưng, nhiều giáo viên và phụ huynh lại khẳng định đã có đơn phản ánh lên Phòng Giáo dục nhưng không thấy phản hồi.
Bà Trịnh Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Hương giải thích: "Về khoản thu 500.000 đồng tiền giữ chỗ, khi được ban giám hiệu thông qua, tôi đã phổ biến cho các giáo viên để thông báo phụ huynh và tiến hành thu. Còn về khoản thu 500.000 đồng tiền học hè, ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên thu và có khoảng 200 học sinh đã đóng".
Riêng khoản thu lố tiền ăn 44.000 đồng/cháu (trong tháng 5), bà Thủy cho rằng: "Đến lúc họp phụ huynh cuối năm ban giám hiệu sẽ thông báo và xin trích để làm liên hoan cho tươm tất".
Tuy nhiên, trong khi đó về khoản khen thưởng các cháu và giáo viên đạt thành tích trong năm học, các ngày lễ trong năm, mỗi phụ huynh đã đóng góp đến 50.000 đồng ngay từ đầu năm học. Chưa hết, trong dự toán chi ngân sách năm 2012, trường dành đến 10% (hơn 19,5 triệu đồng) trong tổng số hơn 3,025 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp để chi các hoạt động khác (trong đó có phần khen thưởng).
Không chỉ thế, việc sử dụng số tiền đóng góp của phụ huynh có biểu hiện bất thường. Trong một tháng, nếu tính bình quân, trường thu khoảng 17 triệu đồng từ tiền hỗ trợ phục vụ bán trú. Theo lời hiệu trưởng, số tiền này sẽ được chia đều 50 cán bộ giáo viên, công nhân viên toàn trường, mỗi người 200.000 đồng/tháng (10 triệu đồng/tháng). Số tiền dư còn lại sẽ thưởng vào cuối năm.
Tuy nhiên, trừ giáo viên, rất nhiều người trong đó có bảo vệ, kế toán, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ, dù đã nhận 200.000 đồng/tháng, hàng tháng lại được "ưu ái" cho nhận thêm từ 100.000 đồng - 500.000 đồng/tháng với lý do chi "tiền hỗ trợ công tác kiêm nhiệm". Trao đổi về vấn đề này, ban giám hiệu và kế toán thừa nhận: "Chúng tôi đã sai và cam kết năm sau sẽ khắc phục".
Điều đáng nói nữa, tuy ban giám hiệu mắc nhiều sai phạm nhưng tất cả đều được đánh giá, xếp loại lao động tiên tiến. Trong khi đó, giáo viên đi trễ, nghỉ một ngày hay bị phụ huynh phản ảnh lập tức bị hạ thi đua.
Theo SGGP
Trường "làng" thì đã sao? Trong khi không ít phụ huynh lao vào cuộc đua khốc liệt giành suất cho con vào trường "điểm" thì nhiều người lại thảnh thơi cho con đi học hát, múa, dự trại hè quân đội... vì đã yên vị chọn trường "làng". Trường "làng" thì đã sao? Mặc dù nhà cách nội thành không xa và hàng ngày phải đi vào nội...