Nhanh chóng triển khai Nghị định thay thế
Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị định 74 của Chính phủ, học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng lợi từ một số chính sách hỗ trợ khác theo các quyết định của Trung ương và địa phương.
Ông Trần Việt Hùng, Phó banThường trực BCĐ Tây Nguyên: Sớm triển khai Nghị định mới thay thế
Quy mô học sinh tại Tây Nguyên thời điểm đầu năm học 2015-2016 là 1.488.123 học sinh (từ mẫu giáo, mầm non đến bậc phổ thông và GDTX); trong đó học sinh dân tộc thiểu số khoảng 505.961 em, chiếm tỷ lệ 34% trên tổng số học sinh. Chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT trao tặng phần thưởng cho các em học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.
Video đang HOT
Tỷ lệ học sinh bỏ học tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia còn thấp (số trường đạt chuẩn của Tây Nguyên chỉ bằng 5,39% so với cả nước). Hệ thống đào tạo nhân lực trong vùng, từ dạy nghề cho đến cao đẳng, đại học còn mỏng, quy mô đào tạo nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tính theo dân số, số lượng học sinh ở Tây Nguyên còn khá thấp so với cả nước (số học sinh chỉ bằng 7,5% của học sinh cả nước, trong khi dân số chiếm tới 9,09% dân số cả nước). Chất lượng về học lực của học sinh ở Tây Nguyên cũng rất thấp so với cả nước và vùng Tây Nam Bộ, vùng Tây Bắc.
Xuất phát từ tồn tại trên của ngành giáo dục Tây Nguyên hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên có Nghị định mới thay thế khi Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ (sửa đổi), bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực. Cần có Nghị định mới quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cần sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (15kg/tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh), chính sách này hiện vẫn đang được áp dụng.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách
Bộ GD&ĐT đang tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi; ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc và các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi. Tổ chức và quản lý tốt việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS, miền núi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành đối với giáo dục dân tộc; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nhà giáo, cán bộ quản lí, học sinh và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, miền núi.
Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng DTTS, miền núi. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh bán trú, học sinh các dân tộc rất ít người. Sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện một số chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành đối với học sinh, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn: Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/1013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006-NĐ-CP ngày 20/6//2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách giáo dục nói chung, đối với giáo dục dân tộc nói riêng.
Ông Hà Sỹ Thơ, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn: Nối dài con chữ
Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP và 74/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 49 và 74), học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hàng năm sẽ được miễn học phí và được hỗ trợ kinh phí học tập. Với chính sách này, việc huy động các học sinh vùng cao đến lớp của các thầy, cô giáo ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã bớt chật vật hơn rất nhiều.
Thầy Chu Minh Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn):Mong muốn Nghị định tiếp tục triển khai
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngân Sơn với 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa số các hộ dân của xã Thuần Mang là hộ nghèo, các em học sinh đến tuổi đi học cấp trung học cơ sở đều ở những bản xa, do đó phải ở trọ học. Năm 2015-2016, số học sinh của trường được hưởng chế độ bán trú là 68/130 em. Trước khi có nhà nội trú mới, 33 em phải thuê trọ và ở nhờ nhà dân xung quanh; 33 em còn lại được cha mẹ dựng lán ở cạnh trường. Đa số các em là con hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nhà trường vẫn chưa thu học phí của các em. Nếu không được miễn giảm và hỗ trợ kinh phí học tập, thì việc con em hộ nghèo bỏ học là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thầy Sền Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai): Nhiều học sinh phải “học chay”
Trong tổng số 199 học sinh (100% là người dân tộc thiểu số) thì có tới 110 học sinh thuộc diện nghèo và 51 học sinh cận nghèo. Đến nay vẫn còn khoảng 70 học sinh không có sách để học, buộc hai, ba học sinh học chung một cuốn. Những học sinh đủ tiêu chuẩn ở bán trú thì còn đỡ, chứ những học sinh không được ở bán trú thì chỉ còn cách “học chay”, vì nhà các em ở xa nhau, không thể học chung sách khi về nhà. Mỗi học sinh bước vào lớp 6 phải mua khoảng 13 đầu SGK, 26 quyển vở viết và đồ dùng học tập, tổng cộng khoảng 800.000 đồng. Đây thật sự là khó khăn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở địa phương. Việc vận động được các em ra lớp đã khó, bây giờ vì học sinh nghèo khó có tiền đóng học phí và mua sách, vở, đồ dùng học tập, nguy cơ bỏ học là rất dễ xảy ra.
Em Bế Thị Hồng, Trường THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) Nếu phải đóng học phí không biết lấy tiền đâu
Năm nay em vào lớp 6, gia đình em rất khó khăn, bố mẹ mất sớm, em đang ở với bác, hàng ngày phải đi bộ hơn 2 km để đến trường. Những năm trước em không phải đóng học phí và được hỗ trợ nên có tiền mua sách vở, cặp, bút. Nếu phải đóng học phí em cũng không biết lấy tiền đâu ra.
Theo baotintuc.vn