Nhận thức thỏa đáng về chứng tăng động, giảm chú ý để hỗ trợ trẻ phù hợp
Số trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại, nhiều người chưa hiểu đúng về các chứng bệnh này dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị, giáo dục trẻ. BS CKII Trần Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TW đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online về vấn đề này…
Ths.BS CK II Trần Ngọc Minh, Bệnh viện Nhi TW (Ảnh: H.G)
Liên quan đến việc một cháu bé mắc chứng tăng động ở Nam Định bị cô giáo buộc dây vào người và cột vào cửa sổ, ông nghĩ sao về cách giáo dục này?
- Đối với hệ thống giáo dục, tôi rất mong các cô có được nhận thức thỏa đáng, rõ ràng về chứng tăng động giảm chú ý của các con để làm sao hỗ trợ các con tốt nhất.
Ví dụ, với các con mắc chứng này, các cô nên để con ngồi bàn đầu để cô kịp thời quan sát, nhắc nhở con. Thậm chí, các cô phải một kèm một (một cô – một trò) để giúp các con có thể hoàn thành các bài tập trên lớp. Vì nếu trẻ tăng động giảm chú ý không được hỗ trợ thỏa đáng thì kết quả học tập của con sẽ không được như mong muốn, dù mặt trí tuệ của con không hề thấp. Và chính vì không được như mong muốn đó sẽ gây ra vòng luẩn quẩn, trẻ sẽ sinh ra chán học, gia đình lại tạo thêm sức ép nên càng khó khăn cho trẻ.
Theo tôi, để can thiệp đối với những trẻ bị tăng động giảm chú ý thì không chỉ ngành y tế, các bác sĩ có thể làm được, mà cần có sự hỗ trợ của cả gia đình và nhà trường. Tôi cũng mong với những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, các con sẽ được nhận giấy chứng nhận để có được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần từ cộng đồng, xã hội. Dù nhiều dù ít thì đó cũng là sự an ủi, động viên cho gia đình và các con.
Cho đến thời điểm này, chứng rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xếp vào một phân loại bệnh tật nào, và chứng tăng động giảm chú ý cũng vậy. Để hỗ trợ tốt nhất cho các con thì không chỉ riêng Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, mà cần có sự tham gia của Bộ Lao động thương binh và xã hội, các ban, ngành và cộng đồng cùng chung tay…
Làm thế nào để nhận biết được trẻ dưới 3 tuổi mắc chứng tăng động giảm chú ý, thưa ông?
-T rong năm 2017, chúng tôi đã khám chuyên khoa cho 25.000 lượt trẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong số này chủ yếu là hai chứng: tăng động giảm chú ý và tự kỷ.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi rất khó để đưa ra chẩn đoán trẻ bị tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên có thể lưu ý một số điểm cơ bản như sau: Nếu trẻ hoạt động quá mức, đến lớp không ngồi yên, chạy lăng xăng hết chỗ này chỗ khác, trêu người này, cấu véo người kia, khi cô kể chuyện thì con quay ngang quay ngửa không chú ý… Đó là những cảnh báo để cha mẹ sớm nhận ra chứng tăng động giảm chú ý của con.
Video đang HOT
Ở nhà cũng vậy, các con hoạt động liên tục như thể chúng được gắn động cơ. Đó là những điểm mà các bậc phụ huynh cần chú ý.
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý?
- Đối với chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ nói chung, đến thời điểm này vẫn là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học để tìm ra nguyên nhân.
Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ như yếu tố môi trường, khi mang thai mẹ bị stress, do gen, do yếu tố gia đình… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Các bậc cha mẹ nên đưa con đến địa chỉ nào để khám, điều trị chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ, thưa ông?
- Trong 10 năm vừa qua, Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi TW đã hỗ trợ rất nhiều các bệnh viện vệ tinh. Và đó là những cơ sở mà chúng tôi đã khuyến cáo các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ có thể đưa con đến đó khám, điều trị. Tại đây trẻ sẽ được các bác sĩ đánh giá sơ bộ, nếu các bác sĩ ở bệnh viện vệ tinh gặp khó khăn trong công tác chẩn đoán thì sẽ liên lạc với Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc đó.
Việc khám, đánh giá trẻ bị tăng động giảm chú ý cũng phải cần một thời gian nhất định. Vì có rất nhiều cha mẹ không chịu thừa nhận tình trạng của con mình. Chỉ đến khi cô giáo phàn nàn không thể dạy được con thì lúc đó mới đưa con đến khám.
Để đánh giá về tình trạng của trẻ, chúng tôi có bảng test để đánh giá của bác sĩ về các con, ngoài ra chúng tôi còn có bảng đánh giá dành cho các cô giáo. Sau 1-2 tháng, gia đình quay lại nộp bảng đánh giá của giáo viên để so sánh giữa hai bảng này. Từ đó mới có kết luận cụ thể nhất, chính xác nhất và đưa ra đường hướng giúp con tốt nhất.
Và một vấn đề tôi cần lưu ý với các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ có những triệu chứng như tôi đã nêu ở trên thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt, để các con được phát hiện, can thiệp kịp thời. Khi được can thiệp sớm, các con sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao, có thể đi học, đi làm, sống độc lập, hòa nhập với xã hội và không trở thành gánh nặng cho xã hội…
Theo ông có nên đưa trẻ mắc chứng tự kỷ đến trường chuyên biệt không?
- Đối với trẻ tự kỷ, nếu các con đến những trường chuyên biệt thì cũng là cách tốt nhất. Còn với trẻ tăng động thì các con vẫn có thể học chung với các bạn và hòa nhập bình thường, chứ không cứ gì phải học trường chuyên biệt.
Bản thân chúng tôi không bao giờ khuyên cha mẹ đưa các con mắc chứng tăng động giảm chú ý vào trường chuyên biệt. Vì trường chuyên biệt thường dành cho những trẻ chậm phát triển trí tuệ, gặp những vấn đề rất nặng về mặt tinh thần. Còn những trẻ tăng động giảm chú ý đâu có bị những vấn đề đó…
Xin cảm ơn ông!
THẠCH HƯƠNG thực hiện
Theo thegioitiepthi
Nếu con thường nói 3 câu này, chứng tỏ mẹ đã giáo dục rất tốt và tương lai trẻ sẽ hiếu thuận
Cách giáo dục trẻ của bố mẹ quả thật đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách của mỗi bé.
Cuối tuần, tôi có một cuộc hẹn với cô bạn thân. Khi tôi lái xe đến đón cô ấy, tôi đã nhìn thấy bé trai đang hôn tạm biệt mẹ. Cậu bé chỉ mới 4 tuổi, cậu bé ôm cổ mẹ nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên má mẹ và thỏ thẻ: "Mẹ ơi, con yêu mẹ".
Tôi thầm ganh tỵ và ngưỡng mộ tình cảm mẹ con của người bạn thân. Nhà tôi cũng có trẻ nhỏ, nhưng con của tôi không biểu đạt tình cảm dạt dào như con trai của người bạn. Mỗi lần tôi bước chân ra cửa, con của tôi sẽ lèm bèm căn dặn: "Mẹ ơi, khi mẹ trở về, mẹ nhớ mua đồ ăn cho con nhé". Tại sao có sự khác biệt "một trời một vực" như vậy? Cách giáo dục của gia đình quả thật đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.
Các chuyên gia tâm lý và thực tế đã chứng minh, nếu đứa trẻ nào thường xuyên nói với mẹ những câu sau, chứng tỏ trẻ đã được giáo dục rất tốt và trong tương lai, bé sẽ trở thành người con hiếu thảo, biết yêu thương, chăm lo cho cha mẹ.
1. "Mẹ ơi, con yêu mẹ"
Bạn thân tôi kể, con trai cô ấy thích nhất là nói câu: "Mẹ ơi, con yêu mẹ". Bất kể mọi thời điểm, khi cô ấy bước chân ra cửa hoặc khi cô ấy tan sở về nhà, con trai của cô ấy luôn biết cách thể hiện tình yêu với mẹ. Người lớn chúng ta có thói quen thể hiện tình yêu một cách kín đáo, còn trẻ con thường bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều biết cách thể hiện tình yêu với mẹ.
Nếu một đứa trẻ biết nói những lời ngọt ngào với mẹ, chứng tỏ người mẹ đã giáo dục trẻ rất tốt khi tạo môi trường tràn ngập tình yêu cho trẻ trưởng thành. Và khi đứa trẻ trưởng thành, trẻ nhất định sẽ trở thành một đứa con hiếu thảo, đây là thói quen mà bố mẹ phải dạy dỗ trẻ ngay từ thuở nhỏ, giúp trẻ nhận ra yêu thương người thân trở thành bản năng của trẻ.
2. "Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ"
Khi trẻ có suy nghĩ đỡ đần, phụ giúp nghĩa là trẻ thấu hiểu nỗi khổ và muốn dùng hành động san sẻ với người thân trong gia đình (Ảnh minh họa).
"Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ" là câu nói của con gái khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi nhớ khi ấy, tôi và chồng vừa cãi nhau một trận, con gái chỉ hơn 3 tuổi chạy lon ton đến bên cạnh tôi.
Bé hỏi tôi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ không vui?". Tôi trả lời: "Mẹ mệt vì mẹ đi làm đấy". Con gái của tôi đã có một hành động khiến tôi bật cười, bé vỗ ngực và bảo đảm với tôi: "Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ, mẹ không cần phải đi làm nữa". Trẻ con vốn rất đơn thuần, khi trẻ nói ra những điều ấy chứng tỏ trẻ muốn chăm lo cho mẹ. Chỉ cần trẻ có suy nghĩ đúng đắn và định hướng tốt sẽ dẫn lối cho hành động sau này, khi trẻ lớn lên nhất định người hưởng phúc sẽ là mẹ.
3. "Mẹ ơi, con có thể giúp mẹ việc gì?"
Không phải mọi đứa trẻ đều biết cách thể hiện tình yêu với mẹ (Ảnh minh họa).
Khi trẻ nói: "Mẹ ơi, con có thể giúp mẹ việc gì?", chứng tỏ trẻ không muốn thấy mẹ chịu cảnh vất vả nên chủ động giúp mẹ. Độ tuổi của trẻ còn nhỏ, có nhiều việc trẻ không thể phụ giúp mẹ, nhưng tấm lòng của trẻ đủ để an ủi nỗi lòng của người làm mẹ. Khi trẻ có suy nghĩ đỡ đần, phụ giúp nghĩa là trẻ thấu hiểu nỗi khổ và muốn dùng hành động san sẻ với người thân trong gia đình.
Nếu con của bạn thường xuyên biểu đạt tình cảm với bố mẹ, đó chính là phúc phần của gia đình, cũng chứng tỏ bạn đã nuôi dạy con rất tốt. Nếu trẻ không thể hiện tình yêu với mẹ, không có nghĩa là trẻ không yêu mẹ, có lẽ trẻ ngại ngùng và không khéo trong việc biểu đạt tình yêu với mẹ.
Điều các mẹ cần làm là hãy thể hiện tình yêu với con mỗi ngày, cho trẻ làm quen với những lời nói tràn đầy tình yêu thương, khi đó trẻ sẽ mạnh dạn bộc lộ tình cảm với mẹ. Nếu mẹ không bộc lộ tình yêu với trẻ, thì mẹ không thể mong đợi trẻ thể hiện tình yêu với mẹ. Những điều trẻ làm là học từ mẹ, trước tiên mẹ hãy là tấm gương sáng để trẻ noi theo.
Nguồn: Sohu
Chưa nơi nào đủ điều kiện tổ chức thi chứng nhận ngoại ngữ quốc gia! Sau nhiều tiêu cực liên quan đến việc cấp chứng nhận Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN, hiện cả nước vẫn chưa có đơn vị nào được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng nhận này. Thông báo của các trường ĐH xung quanh việc tổ chức thi và cấp chứng nhận ngoại ngữ quốc gia...