Nhà vệ sinh trường học: Mầm bệnh bủa vây
Năm nay đã học lớp 3 nhưng Nguyễn Như Quỳnh (ngoại thành Hà Nội) kể rằng, suốt từ năm học lớp 1, em gần như không đi vệ sinh ở trường vì nhà vệ sinh luôn bốc mùi khai nồng nặc, nhất là sau mỗi giờ ra chơi… Đây cũng là ám ảnh chung của rất nhiều học sinh trên cả nước.
Trên 11.000 nhà tạm bợ, nhờ, mượn
Cô giáo Đỗ Uyên Thiên Minh – Hiệu trưởng trường Mầm non Xy (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lúc nào cũng trăn trở chuyện trường không có nhà vệ sinh tử tế cho học sinh. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc trẻ vì học sinh lứa tuổi mầm non thường xuyên đi vệ sinh. “Các giáo viên phải cho các con đi vệ sinh vào bô rồi bê bô vòng ra sau trường để đổ, vừa mất nhiều thời gian, vừa không đảm bảo vệ sinh trường học” – cô Minh chia sẻ.
Tôi đã trực tiếp đi nhiều nơi và thấy các trường không chú ý vấn đề này. Có trường rất khang trang nhưng trần đầy mạng nhện, vườn đầy cỏ dại… Nhà vệ sinh xây mới đẹp chuẩn, sáng vẫn sạch nhưng đến trưa là bẩn. Trong Năm điều Bác Hồ dạy, có ‘giữ gìn vệ sinh thật tốt’. Đây cũng chính là dạy làm người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Theo cô giáo Minh, nhà vệ sinh trường học không đảm bảo khiến việc giữ vệ sinh môi trường học đường cũng bị hạn chế. Với bậc mầm non thì điều này càng là vấn đề quan trọng hơn vì khả năng đề kháng của các cháu nhỏ kém hơn và dễ bị mắc các bệnh có tính lây nhiễm cao như tiêu chảy, chân tay miệng, thủy đậu…
Bất cập này không phải chỉ có các giáo viên ở Quảng Trị trải nghiệm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố. Trong tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT thì nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70% và THPT cao nhất, hơn 80%.
Nhà vệ sinh ở nông thôn khiến học sinh sợ hãi…
Tỷ lệ nhà vệ sinh kiên cố đặc biệt thấp ở các tỉnh khu vực miền núi. Số nhà vệ sinh học sinh kiên cố của tỉnh Cà Mau chỉ chiếm 20,7%. Tỷ lệ này ở Kon Tum 24%, Yên Bái 29,5%; Tuyên Quang là 33,6%; Cao Bằng 36,5%, Quảng Nam 37%, Quảng Trị 39,8%, Gia Lai 34%. Thấp đỉnh điểm là số nhà vệ sinh kiên cố ở Lai Châu chỉ vẻn vẹn có 7,3%.
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước còn tới 9.360 nhà vệ sinh trường học tạm bợ, hơn 1.700 nhà vệ sinh trường học học sinh phải đi nhờ, mượn. Số nhà vệ sinh tạm, nhờ, mượn của tỉnh Điện Biên chiếm đến trên 40%.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những nhà vệ sinh khang trang hiện đại như trong các trung tâm thương mại thì vẫn còn đến trên 400 nhà vệ sinh học sinh là nhà tạm hoặc phải đi nhờ, mượn.
Điều đáng nói là đại đa số nhà vệ sinh tạm bợ, nhờ, mượn lại ở bậc mầm non – bậc học cần đến nhà vệ sinh nhất. Thống kê cho thấy trong tổng số gần 9.360 nhà vệ sinh là nhà tạm có gần 7.900 nhà vệ sinh ở bậc mầm non và tiểu học. Trong tổng số hơn 1.700 nhà vệ sinh học sinh nhờ, mượn thì riêng cấp mầm non có tới hơn 1.400 nhà vệ sinh, chiếm tới 83%.
Điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học. Tình trạng nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp trầm trọng tại nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS hiện nay gây nguy cơ nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ khi đến trường.
Video đang HOT
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh tay, chân, miệng chủ yếu bùng phát vào mùa tựu trường, tháng 9 hàng năm. Bác sỹ Phạm Hùng – Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trường học là nơi tập trung đông trẻ em, nên việc vệ sinh trường học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cao như tiêu chảy, tay chân miệng.
Tuy nhiên, việc nhà vệ sinh chưa đảm bảo, thiếu nước sạch, lại tập trung chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học là nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại bệnh, đặc biệt trong các giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi khiến học sinh nhịn không giám đi vệ sinh cũng là nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh khác. Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, trẻ nhịn tiểu làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, mất nước và nhiễm trùng bàng quang do các em không uống đủ lượng nước trong ngày. Điều này cũng làm giảm hứng thú tới trường, giảm khả năng tập trung học tập của các em.
Cần 40.000 tỷ xây nhà vệ sinh trường học
Những bất cập trong vấn đề nhà vệ sinh trường học đã kéo dài nhiều năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh.
Trong khi nhà vệ sinh ở nội thành Hà Nội hiện đại chẳng khác WC trong trung tâm thương mại
Lo lắng về vấn đề này, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về nhà vệ sinh trường học: “Đây là việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các em, các cháu. Là việc lớn hay việc nhỏ?”.
Thủ tướng đề nghị các ban ngành quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám.
Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế đã làm được bao nhiêu nhà vệ sinh cho học sinh, bao nhiêu nhà vệ sinh cho giáo viên. Không thể để diễn ra tình trạng trường học to đẹp, đồ sộ mà công trình phụ thì không quan tâm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giáo dục phải phát động phong trào thi đua nhằm huy động mọi nguồn lực để làm nhà vệ sinh và sửa chữa nhà vệ sinh ở các trường học, không để tình trạng học sinh không dám uống nước, không dám đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục. Trong năm học 208-2019, Bộ đặt việc xây dựng nhà vệ sinh trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, làm sao để kêu gọi xã hội hóa hiệu quả khi ngân sách Nhà nước có hạn?
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Thống kê cho thấy cần 40.000 tỷ để xây nhà vệ sinh trường học. Ngân sách Nhà nước ở đâu ra? Tôi đề nghị tất cả các trường đừng dấu, cứ báo cáo thật sự về hiện trạng nhà vệ sinh. Tất cả các nhà vệ sinh phải được chụp ảnh cụ thể và cần có địa chỉ để các trường gửi lên cho toàn xã hội thấy. Chúng ta kêu gọi không chỉ chính quyền địa phương mà cả cộng đồng làm sao có nhà vệ sinh đủ đảm bảo, để học sinh không đến nỗi sợ không dám đi.”
Giải bài toán vận hành
Cần phải có nhà vệ sinh đảm bảo, đó là yêu cầu cấp thiết, nhưng cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề quan trọng hơn nữa là sau khi có nhà vệ sinh, phải làm tốt khâu vận hành, phải dạy học sinh thói quen giữ gìn nhà vệ sinh sạch, đẹp để duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe.
“Tôi đã trực tiếp đi nhiều nơi và thấy các trường không chú ý vấn đề này. Có trường rất khang trang nhưng trần đầy mạng nhện, vườn đầy cỏ dại… Nhà vệ sinh xây mới đẹp chuẩn, sáng vẫn sạch nhưng đến trưa là bẩn. Trong Năm điều Bác Hồ dạy, có ‘giữ gìn vệ sinh thật tốt’. Đây cũng chính là dạy làm người” – Phó Thủ tướng chia sẻ.
Vận hành nhà vệ sinh trường học sao cho đảm bảo cũng là vấn đề thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở xác định việc cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới. Trong năm 2018, các quận, huyện đề xuất kế hoạch và triển khai phân bổ hơn 40 tỷ đồng cho 5 huyện khó khăn, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và THCS. Trước đó, một số quận, huyện của Hà Nội cũng đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để giải quyết bức xúc của học sinh, phụ huynh về việc nhà vệ sinh quá bẩn, không chỉ cần có cơ sở vật chất tốt mà vấn đề quan trọng hơn nữa là khâu vận hành, nhất là khi Hà Nội chịu áp lực rất lớn về sỹ số học sinh. Một trường có hàng nghìn học sinh nên chỉ sau giờ ra chơi, nhà vệ sinh đã rất bẩn và bốc mùi.
Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã có mô hình thuê đơn vị chuyên biệt để quản lý nhà vệ sinh với các trường học trên địa bàn quận. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra thấy vẫn chưa được tốt.
“Chỉ khi nào giáo viên và học sinh tham gia tích cực vào công tác vệ sinh thì lúc đó mới có hiệu quả. Nếu chỉ có đầu tư mà không quản lý tốt thì cũng không đạt kết quả như mong đợi,” ông Quý nói.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng và thực hiện nội quy sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh, các công trình nước sạch đúng cách nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp trong các cơ sở giáo dục.
Việt Đan
Theo ngaynay
Một nửa số trường học thế giới thiếu trang thiết bị vệ sinh
Nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu nước sạch và bồn rửa tay khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến việc học.
Cuối tháng 8, Reuters dẫn số liệu từ báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy gần một nửa trường học thế giới phải đối mặt với việc thiếu thốn cơ sở và trang thiết bị vệ sinh khi đến trường, tác động đến 900 triệu trẻ em.
"Bạn không thể có một môi trường học tập chất lượng nếu thiếu những thứ cơ bản", tiến sĩ Rick Johnston của WHO, nhà nghiên cứu lãnh đạo dự án về điều kiện vệ sinh ở trường học cho biết.
Theo ông, trẻ có thể không đến trường nữa vì không có nhà vệ sinh. Hoặc khi nhà vệ sinh không sạch, chúng sẽ không thể tập trung học hết khả năng của mình.
Trẻ rửa tay trước bữa trưa tại trường học ở Tunisia. Ảnh: UNICEF
Các nhà lãnh đạo thế giới đã ký cam kết toàn cầu nhằm cung cấp nước sạch và cơ sở vệ sinh cho tất cả trường học, đảm bảo mọi trẻ em được giáo dục toàn diện vào năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Thiếu nước sạch và thiết bị vệ sinh có thể gây ra nhiều loại bệnh tật, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, hiện nhiều học sinh buộc phải đánh cược sức khỏe để tiếp tục đi học.
Báo cáo nêu rõ, gần 1/3 trường tiểu học và trung học cơ sở thiếu nguồn cung cấp nước uống an toàn và tin cậy, ảnh hưởng đến gần 570 triệu trẻ em. Gần 20% trường học không hề có nước uống an toàn.
Hơn 1/3 trường học thiếu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến hơn 620 triệu trẻ em. Gần 1/5 trường tiểu học và 1/8 trường trung học cơ sở được coi là không có hệ thống vệ sinh.
Gần một nửa trường học thiếu bồn rửa tay thích hợp, trong khi đây là điều kiện cần thiết giúp ngăn ngừa lây lan bệnh nhiễm trùng.
Châu Phi Hạ Sahara, Đông Á và Đông Nam Á sở hữu một số cơ sở vệ sinh tệ nhất thế giới.
Tim Wainwright, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện WaterAid, cho biết rất sốc trước kết quả này. Hậu quả của nó rất rộng, liên quan đến việc tiếp cận giáo dục, sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Nghiên cứu của WaterAid và UNICEF đầu năm nay cũng cho thấy hơn 1/3 nữ sinh ở Nam Á không đến trường trong kỳ kinh nguyệt do không có nhà vệ sinh.
Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo các nước cần tăng mức chi tiêu gấp bốn lần, lên đến 150 tỷ USD một năm để cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh thích hợp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia lạc quan rằng tình hình có thể được cải thiện nhanh chóng nếu các nhà lãnh đạo xem nước sạch và hệ thống vệ sinh là ưu tiên hàng đầu.
Thùy Linh
Theo VNE
20.000 hộp giấy vệ sinh cuộn lớn miễn phí cho trường học Công ty Thế Giới Giấy tài trợ hộp đựng giấy cuộn lớn cho trường học ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Nhà vệ sinh bẩn là thực trạng báo động tại nhiều trường học trên cả nước. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu người dọn dẹp, ý thức kém khiến các phòng vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều...