Nhà trường triển khai học trực tuyến được Bộ GD-ĐT khuyến khích, ủng hộ
Học sinh được nghỉ học kéo dài để phòng dịch Covid-19, nhiều trường đã triển khai dạy học online cho các em. Tuy nhiên phương pháp học trực tuyến có thực sự làm an tâm giáo viên, học sinh và phụ huynh không thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trò chơi tương tác giúp ôn tập và rèn luyện kiến thức tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học – Ảnh: Internet
Tính đến thời điểm này, đã có gần 60 tỉnh thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần, thậm chí hết tháng 2 để phòng tránh dịch Covid-19, với nhiều bậc học tiểu học, THCS, THPT các em được nghỉ tới 3 tuần lễ. Với kỳ nghỉ kéo dài, nhưng vẫn đảm bảo kiến thức để học sinh có thể sẵn sàng trở lại lớp bất cứ lúc nào, nhiều trường học, phụ huynh đã lựa chọn phương án là cho các em học trực tuyến trong thời gian nghỉ.
Trao đổi với phóng viên, thầy Trịnh Hùng Sơn – Hiệu trưởng THPT Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết việc học trực tuyến chỉ thực sự phổ biến ở các tỉnh thành có sự phát triển mạnh mẽ của internet, còn các nơi như các huyện, tỉnh miền núi, hay hải đảo xa thì rất khó áp dụng. Do vậy, trước khi tổ chức học trực tuyến, các nhà quản lý cần rà soát về chất lượng công nghệ trên diện rộng, xem có đáp ứng được sự thay đổi về phương pháp đào tạo hay không.
Học trực tuyến tuy được Bộ GD-ĐT khuyến khích nhưng vẫn không tổ chức đồng đều ở các tỉnh thành
Hiện nay, rất nhiều các đơn vị nâng cấp hệ thống học trực tuyến của mình để đáp ứng nhu cầu của các trường, học sinh. Đơn cử như hệ thống iSmart đã nâng cấp việc đưa chương trình học tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học dành cho các cấp học phổ thông lên môi trường trực tuyến. Giờ đây việc tiếp cận chương trình và trải nghiệm 2 môn học quan trọng này, các em học sinh có thể thực hiện từ bất kỳ địa điểm nào, mà không nhất thiết phải tới trường. Hệ thống của iSmart tại địa chỉ “online.ismart.edu.vn” sẽ cung cấp cho các em một môi trường học trực tuyến sinh động như lớp học thực với nội dung học liệu đầy đủ và phong phú.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng cho biết nếu dịch Covid-19 còn tiếp tục thì phụ huynh vẫn chưa an tâm cho học sinh quay trở lại trường học. Để ứng phó với dịch bệnh do Covid-19 gây ra và các nguy cơ tương tự xảy ra trong tương lai, theo thầy Nhĩ, Bộ cần có kịch bản ứng phó hợp lý hơn thay vì các trường đang mạnh ai nấy làm.
“Cần áp dụng sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tình hình này, chớp lấy thời cơ chuyển việc dạy trực tuyến mở ra một cách rộng rãi. Chúng ta nên tính toán sử dụng các kênh truyền hình địa phương, trung ương để phục vụ một phần cho việc dạy thường xuyên cho học sinh, sinh viên. Các môn học thiên về lý thuyết hoàn toàn có thể dạy qua truyền hình. Chỉ cần chúng ta muốn làm thì có thể thiết kế dần ra các việc làm cụ thể. Nó không chỉ giải quyết các tình huống cấp bách như khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai mà còn là phương thức hiệu quả triển khai chủ trương học tập suốt đời”, thầy Nhĩ nhận định.
Trao đổi về phương pháp dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lan – đại diện của hệ thống giáo dục iSmart cho biết: “Việc số hóa các bài giảng đã được chúng tôi thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, cách đây 8 năm, dưới các hình thức đa dạng như video, hình ảnh 2D, 3D… song phần lớn dùng để chạy trên môi trường máy tính và máy chiếu offline. Từ năm 2018 chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh và đặt mục tiêu 100% nội dung các bài học của 2 môn này phải có thể tiếp cận online. Tiến độ theo kế hoạch là đến cuối 2020, hệ thống iTO sẽ được sẽ hoàn thành giai đoạn 2, song trên thực tế chúng tôi đã làm nhanh hơn dự tính bởi sự xuất hiện của dịch cúm Covid-19. Giờ đây thầy cô và các em học sinh theo học chương trình iSmart không đến trường vẫn có thể tiếp cận kiến thức và thi online 2 môn này gần như bình thường”.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên cho rằng khi học sinh tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2 thì việc học tại nhà, tự học là cần thiết để duy trì tư duy kiến thức, động lực học tập
Cô Lan cũng đồng thời cho biết, ở giai đoạn tiếp theo, iTO sẽ được phát triển dành cho mọi đối tượng học sinh, kể cả những em không theo học chương trình của iSmart cũng có cơ hội trải nghiệm trên hệ thống, và bổ sung thêm nhiều tính năng thú vị khác nhằm giúp học sinh học vui hơn, hiệu quả hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT đánh giá cao việc các trường tổ chức dạy và học online thể hiện sự chủ động việc hướng dẫn học sinh tự học trong thời điểm phòng dịch bệnh.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học bù và hướng dẫn việc ôn tập cho học sinh phù hợp điều kiện thực tiễn; bảo đảm quy định thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
“Trên thực tế, nhiều trường đã sử dụng hình thức này để tổ chức các hoạt động học tập, luyện tập, vận dụng kiến thức cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp. Đây là những giải pháp được Bộ khuyến khích sử dụng để ứng phó với dịch bệnh và duy trì việc dạy học” – ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá với sự ứng dụng công nghệ thông tin là chủ trương lớn của ngành GD-ĐT trong thời gian tới. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã dự kiến từ năm 2021 – 2023 có thể tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính một số lần/năm ở những vùng miền thuận lợi trước, hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính. Chính vì thế, việc các trường chủ động áp dụng hình thức học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả online cũng sẽ là một bước đệm tốt với xu hướng này.
Dạ Thảo
Theo Một thế giới
Trường tư gồng mình vượt qua mùa dịch COVID-19
Học sinh nghỉ học kéo dài ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhưng các trường vẫn phải chi trả nhiều khoản để duy trì hoạt động. Nhiều biện pháp được các trường đưa ra để vượt khó.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tránh tình trạng lây lan, học sinh (HS) đã được cho nghỉ học đến hết tháng 2. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các trường trong việc chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên...
Không có nguồn thu vẫn phải chi trả các khoản
Đề cập đến vấn đề này, bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết đây là khó khăn chung của các trường tư. Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 1 tỉ đồng là vấn đề nan giải đối với trường trong thời gian hiện nay. Ngoài ra, trường cũng phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhưng mức lương như thế nào thì còn đang xem xét nhưng sẽ mang tính chia sẻ.
"Hiện tại, học phí tháng 2 trường vẫn chưa thu. Dù HS nghỉ nhưng trường vẫn tổ chức dạy online cho các em, nhất là lớp 12. Do đó, tôi hy vọng phụ huynh sẽ chia sẻ với nhà trường trong tình hình hiện nay. Mặt khác, dù tôi chưa có quyết định gì nhưng biết được tình hình hiện nay của trường, các giáo viên đã lên tiếng muốn chia sẻ cùng trường" - bà Sa nói.
Dù không phải thuê mặt bằng nhưng việc không có nguồn thu nào từ HS cũng khiến Trường THCS - THPT Duy Tân, quận 10 gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, cho biết trường đã họp và thống nhất không thu học phí tháng 2. Do đó, những phụ huynh nào đã đóng rồi, trường sẽ trả lại tiền.
"Trường đã họp nói rõ tình hình hiện tại cho cán bộ, giáo viên. Do đó, nhiều giáo viên tự nguyện xin nghỉ không lương trong đợt này. Còn những bộ phận quan trọng khác trường phải giữ lại như hội đồng quản trị, bảo vệ, bảo trì, phòng cháy chữa cháy, tạp vụ, kế toán, bộ phận quản lý HS, giáo viên cơ hữu vẫn làm việc bình thường. Do đó, mỗi tháng trường vẫn phải trả lương với số tiền hàng trăm triệu đồng. Dù không chịu áp lực về thuê mặt bằng nhưng với việc chi trả như trên, trường vẫn lỗ khoảng 200 triệu đồng" - bà Sơn nhấn mạnh.
Giáo viên Trường THCS - THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân được tập huấn dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Công văn của Phòng GD&ĐT quận Tân Bình gửi các cơ sở giáo dục ngoài công lập về việc báo cáo những khó khăn, ý kiến đề xuất của đơn vị. Ảnh: TT
"Tháng 3 mà nghỉ nữa, chắc cầm nhà trả chi phí"
Chị Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ đầu tư năm trường mầm non tại quận Thủ Đức, cho biết ba khoản chi phí mà các chủ trường phải chi trả nặng nhất trong thời điểm này là lương giáo viên, bảo mẫu; BHXH và chi phí mặt bằng vì hầu hết các trường đều phải thuê mặt bằng.
"Như tôi có năm cơ sở, mỗi cơ sở trung bình 30-40 triệu đồng/tháng, lương giáo viên khoảng 100 triệu đồng, BHXH cũng khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nếu không trả phần tăng thêm thì trường cũng phải trả mức quy định tối thiểu vùng trong khi không có bất kỳ nguồn thu nào. Hiện giờ chúng tôi đang dùng nguồn vốn dự phòng và vay mượn thêm một số để chi trả tiền mặt bằng và lương tháng 2 cho giáo viên do không có kế hoạch cụ thể nên không thương lượng với giáo viên. Nhưng nếu kéo dài đến hết tháng không những tôi mà nhiều trường cũng không thể trụ nổi. Chắc phải cầm nhà để trả chi phí. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ BHXH với thêm 1-2 triệu đồng để các cô tìm việc khác làm thêm trong thời gian HS nghỉ tránh dịch chứ trả lương không nổi" - chị Quỳnh cho biết.
Tương tự, cô Trần Thị Bích Liên, chủ lớp mẫu giáo với 50 HS, tám giáo viên, bảo mẫu ở quận Tân Bình, cho biết cơ sở của cô cũng như các cơ sở nhỏ lẻ khác đang gồng gánh ba khoản chi chính: Lương, BHXH, tiền thuê mặt bằng. "May mắn cho tôi là anh chủ nhà có nói sẽ hỗ trợ tiền thuê mặt bằng trong thời gian lớp nghỉ học nên hy vọng sẽ đỡ được phần nào. Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cũng vừa có văn bản gửi các cơ sở ngoài công lập đề nghị gửi báo cáo về những khó khăn và đề xuất kiến nghị để họ tập hợp báo lên trên. Chúng tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất" - cô Liên nói.
Sở GD&ĐT đang nắm tình hình từ cơ sở
Chia sẻ với các trường tư, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết không chỉ trường tư mà các trường công cũng gặp khó khăn. Đối với trường công, ngoài chuyện chính khóa, trường công còn tổ chức bán trú, học buổi hai. Về nguyên tắc chung là những khoản thu này thỏa thuận với người học, trong trường hợp nghỉ học thì không thu được. Do đó, thu nhập của giáo viên cũng giảm sút, một số vị trí việc làm như bảo mẫu, cấp dưỡng cũng gặp khó khăn trong chi trả lương.
Về góc độ hỗ trợ cho các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Sở GD&ĐT đang nắm tình hình từ các cơ sở và tổng hợp ý kiến trình UBND TP theo đúng lộ trình để thực hiện nếu thuộc đối tượng đã được hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Ứng phó với khó khăn
Bà Thanh Thiên, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngôi Sao, cho hay chưa biết bao giờ HS quay trở lại trường nhưng bất cứ lúc nào trường hoạt động, cần phải đầy đủ, sẵn sàng về nhân sự. Cho nên trường cần lấy nguồn vốn dự phòng tiếp tục nuôi quân, duy trì nhân sự của mình.
Cũng theo bà Thanh Thiên, dù nghỉ học nhưng ngay từ đầu tháng 2, sau tết vào, trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến thường xuyên để HS không quên kiến thức.
Về chính sách, đối với những giáo viên dạy trực tuyến, các tiết dạy sẽ được trả ngang bằng tiết dạy chính quy trên lớp. Những giáo viên môn không dạy trực tuyến (ví dụ: thể dục, nhạc, họa...) không có thu nhập, trường cũng tính toán lên phương án hỗ trợ thêm. Vấn đề này tùy chính sách của mỗi trường, sức chịu nhiệt của các trường về vấn đề tài chính.
"Vì là trường tư, về tài chính phải tự lo nên trường tôi không có kiến nghị gì lên ngành giáo dục. Nếu có kiến nghị, tôi chỉ mong cấp trên khi có hướng dẫn về tình hình dịch bệnh, kế hoạch năm học... thì công bố càng nhanh càng tốt để các trường chủ động về thời gian, kịp triển khai công tác nội bộ cho phù hợp. Tôi cũng mong khi trường quay lại hoạt động, nếu vẫn còn dịch bệnh, trường tư cũng sẽ được nhận như trường công sự hỗ trợ về thuốc khử khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế (nếu có)" - bà Thiên nhấn mạnh.
Tương tự, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm, bày tỏ: "Dịch bệnh là khó khăn chung của cả nước. Mọi người đều phải chung tay để vượt qua giai đoạn này. Do đó, tôi không đề nghị ngành giáo dục hỗ trợ gì, chỉ mong phụ huynh và xã hội thấu hiểu. HS nghỉ không có nghĩa là nhà trường đóng cửa nghỉ. Hằng ngày nhà trường phải tẩy rửa phòng ốc, đồ dùng, trang thiết bị theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Giáo viên phải soạn bài để dạy trực tuyến. Hy vọng phụ huynh HS phối hợp với nhà trường quản lý con em ở nhà vận dụng các kỹ năng mềm đã được học ở trường để biết giúp đỡ gia đình, tự phòng dịch bệnh, vui chơi lành mạnh, rèn luyện thể lực và học tập có nề nếp theo nội dung giáo viên hướng dẫn qua mạng".
Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TP.HCM, cho biết: NHNN đã có công văn gửi các sở, ngành và quận, huyện để yêu cầu cung cấp thông tin, đánh giá tác động cũng như thiệt hại do dịch gây ra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các khách hàng vay vốn (khách hàng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục...). Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng khai thác thông tin khách hàng để có hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn thông qua các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hợp lý để các doanh nghiệp, khách hàng tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đứng về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được văn bản chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng OCB cũng như các tổ chức tín dụng khác sẽ nghĩ cách để tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng. Hiện OCB đã tiến hành đánh giá, thống kê, tìm hiểu chi tiết đến khả năng chịu thiệt hại của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, OCB vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản kêu cứu nào của doanh nghiệp vay vốn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục".
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết hiện chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía các cán bộ chi nhánh, đồng thời cũng không nhận được bất cứ văn bản kêu cứu của khách hàng vay trong lĩnh vực giáo dục. "Khi nào nhận được các báo cáo đánh giá về mức độ thiệt hại của doanh nghiệp giáo dục trong dịch bệnh COVID-19 thì chúng tôi sẽ tính đến phương án giải quyết cho phù hợp" - ông Thắng nói.
THÙY LINH
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Giáo viên kể chuyện dạy online mùa dịch Covid-19 Cho đến thời điểm hiện tại, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, 63 tỉnh thành trên cả nước đều cho học sinh tạm nghỉ, các trường Đại học cũng cho sinh viên của mình nghỉ đến hết tháng 2 để phòng chống dịch bệnh. Để giảm sức ì của học sinh sau kỳ nghỉ dài, học online là phương pháp mà...