Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Nhìn nhận phong cách Doanh Nhân.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần là người có những công trình nghiên cứu và hàng loạt các đầu sách giá trị về lịch sử Việt Nam.
Ngoài công việc giảng dạy và viết sách, ông còn tham gia các chương trình nói chuyện, tư vấn cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp về các chủ đề như: văn hóa doanh nghiệp, quản lý nhân lực, phong thủy của … Đây là công việc có nhiều đòi hỏi khắt khe, nhưng sự tín nhiệm của xã hội dành cho ông lại rất lớn bởi bằng những kiến thức sâu rộng và góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử ông đã hỗ trợ cho nhiều doanh nhân có cơ hội tiếp cận với những thông tin hữu ích, định hướng cho sự phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy và vai trò là thành viên Hội Đồng Thẩm Định(HĐTĐ) chương trình “Top 100 Phong Cách Doanh Nhân 2011 – Mark of Respect” nhưng ông đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thú vị về đề tài này.
1. Là một nhà sử học, ông có nhận xét gì về sự hình thành và phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam ?
Bộ trường ca dân gian TẺ ĐẤT TẺ NÁC (nghĩa là Đẻ đất đẻ nước) của người Mường viết rằng “Dịt Dàng (nghĩa là Vua Việt) sai quân lên rừng chặt cây chu đồng hoa thau lá thiếc (tức khai mỏ) đem về đúc trống đồng. Cái nào tốt Dịt Dàng bỏ vào kho, cái nào xấu Dịt Dàng sai Chú Khóa, Thằng Lồi (người giúp việc) đem đi bán. Thuở mới khai thiên lập địa, chẳng ai nói Dịt Dàng là doanh nhân nhưng Dịt Dàng biết đưa người lên rừng khai mỏ, biết tổ chức đúc trống đồng và biết chọn để đem trống đồng đi bán. Doanh nhân và doanh nghiệp sơ khai là đấy chăng ?
Mãi mãi còn đây thành Cổ Loa. Mãi mãi còn đây hàng vạn những mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được. Mãi mãi sinh động trong dã sử danh xưng của tướng Cao Lỗ tài hoa và thần Kim Quy giàu phép thuật. Thời Âu Lạc không ai nói đến đội ngũ doanh nhân nhưng kho vũ khí vô giá mà dân gian gọi là nỏ thần, thực sự do lực lượng doanh nhân tài ba trong buổi đầu lập quốc đúc nên. Chuyện Chử Đồng Tử hoan hỷ theo một thương lái, chuyện cô phụ ôm con thơ đứng trên đỉnh núi cao ngóng chồng đi buôn xa xứ, dẫu hồn có lìa, xác vẫn hóa thành hòn Vọng Phu kiên gan cùng thiên cổ. Một lần nữa, dù đương thời sách vở chẳng hề nói đến thương gia nhưng thực sự thương gia vẫn đường đường tồn tại.
Video đang HOT
Suốt cả thời cổ và trung đại, vị thế của doanh nhân lu mờ lắm. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động thiết thực khác có thể đem lại cho họ những khối tài sản khổng lồ nhưng họ cũng chỉ là họ, bé nhỏ trước cả những hàn sĩ chỉ biết ngày ngày lấy việc nhấm nháp chữ nghĩa thánh hiền làm no. Nhưng thôi, có thế thì thời cổ và trung đại mới ra thời cổ và trung đại.
Vào thời cận đại, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tuy có vị thế cao hơn và tốt đẹp hơn nhưng số phận họ cũng bấp bênh lắm. Chi phối kinh tế lúc ấy là tư bản thực dân. Doanh nhân cỡ lớn như Bạch Thái Bưởi hay Trương Văn Bền cũng bị o ép đủ bề, ấy là chưa nói phong kiến, tuy bạc nhược về chính trị nhưng rất mạnh mẽ trong mưu mô kiếm chác của cải người giàu.
Chỉ trong thời hiện đại mà đặc biệt là từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, vị thế của doanh nhân mới dần dần được xác lập và đề cao. Muốn công nghiệp hóa, muốn hiện đại hóa và muốn thông thương với thế giới rộng lớn, tất yếu phải biết cách xây dựng và không ngừng củng cố sức mạnh toàn diện của đội ngũ doanh nhân. Lúc này, nếu có ai đó không nhớ đến các nhà sử học thì cũng có thể nói họ đã lỡ quên nhưng trong không khí sôi động của đời sống kinh tế hiện tại mà quên đội ngũ doanh nhân thì cũng có nghĩa là họ không nhớ gì cả.
2. Là thành viên của HĐTĐ Top 100 PCDN 2011 – Mark of Respect, xin ông nói vài lời chia sẻ về chương trình này ?
Tôi thật sự cảm kích khi được mời tham gia HĐTĐ “Top 100 PCDN 2011 – Mark of Respect” dù tôi hoàn toàn không phải doanh nhân. Theo tôi, đây là lúc xã hội cần phải hiểu đúng và đánh giá đúng vai trò quan trọng của doanh nhân. Công việc này thoáng nghe ngỡ như rất dễ nhưng có vào cuộc mới thấy khó khăn là quá lớn bởi vì hình như dời một quả núi còn dễ hơn kích hoạt vận hành thành công một nhận thức mới cho cộng đồng. Có lẽ các phương tiện thông tin đại chúng nên cố gắng đầu tư nhiều công sức và trí tuệ hơn nữa để giới thiệu những bức chân dung doanh nhân khả kính vì như thế sẽ gây được hiệu ứng xã hội tốt đẹp và lâu dài cho non sông. Không có khả năng trực tiếp làm giàu cho đất nước thì cũng nên nhiệt liệt cổ vũ những người đang thay chúng ta thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn này.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần trong vai trò thành viên Hội đồng thẩm định chương trình Top 100 PCDN 2011 – Mark Of Respect.
3. Phong Cách Doanh Nhân – một chủ đề có vẻ thú vị và mới mẻ. Theo ông, nội hàm của khái niệm Phong Cách Doanh Nhân là gì ?
Có người nghĩ rất đơn giản rằng phong cách chỉ là những trang thiết bị phục vụ cho cá nhân (như áo quần, giầy dép, đồng hồ, điện thoại di động, xe hơi, biệt thự…). Kể ra, đó cũng là những biểu hiện cụ thể của phong cách, nhưng nếu cộng tất cả các vật dụng ấy lại, nhiều lắm chúng ta cũng chỉ mới có được một dáng vẻ bề ngoài, mà dáng vẻ này thì ai có tiền cũng đều sắm được (bất kể đồng tiền ấy có chính đáng hay không) chứ chẳng cứ gì doanh nhân. Các thành viên của HĐTĐ(trong đó có tôi) không ai dễ dãi nhìn nhận phong cách doanh nhân sơ sài như vậy.
PCDN cũng chẳng khác gì kính vạn hoa. Ý tưởng và sự chuẩn bị công phu cho quá trình thực hiện ý tưởng. Tâm niệm và phương thức thể hiện tâm niệm đối với người đồng hành. Dự phóng và tính khả thi cũng như rủi ro có thể của từng dự phóng. Trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, với môi trường và với thiên nhiên…Tất cả đều được chăm chút để hễ có cơ hội là lấp lánh tỏa sáng. Phong cách chỉ thực sự đẹp một cách bền vững bắt đầu từ chính tâm hồn và tình cảm của họ. Nhạy bén, năng động, sáng tạo và quyết đoán là những tố chất nổi bật của doanh nhân. Hướng về cộng đồng và vì cộng đồng là đạo đức của doanh nhân. Chúng tôi thẩm định vị thế của từng doanh nhân trước hết và chủ yếu từ những tiêu chí này.
Các gương mặt doanh nhân trong Top 100 Phong cách doanh nhân 2011 tại chương trình Lễ Giới thiệu ấn phẩm đặc biệt Top 100 PCDN 2011 – Mark of Respect.
4. Trong quá trình thẩm định và giao lưu, ông nhận xét như thế nào về các ứng viên của chương trình này ?
Tôi đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ mà BTC tin cậy giao phó trong vai trò thành viên HĐTĐ, tôi đã từng theo BTC xuống thẩm định doanh nghiệp của doanh nhân Top 100 PCDN và dù rất cố gắng, diện tiếp xúc và giao lưu của tôi đối với các ứng viên chương trình này chưa phải là rộng lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các doanh nhân mà tôi đã gặp đều rất xứng đáng được vinh danh. Mỗi người một phong cách riêng, phản ánh những đặc trưng cũng rất riêng của từng ngành nghề mà họ đang hoạt động. Tôi yêu quý và tự hào về họ.
Các thành viên hội đồng thẩm định trong phần giao lưu với khách mời, họ chia sẻ những tiêu chí cũng như quá trình đánh giá, xét chọn doanh nhân trong Top 100 PCDN 2011
5. Ông kỳ vọng như thế nào đối với thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay ?
Tôi tin là không bao lâu nữa, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ thực sự hùng hậu và chính họ sẽ dũng cảm đảm nhận sứ mệnh làm thay đổi diện mạo kinh tế của nước nhà. Đói nghèo và lạc hậu sẽ bị đẩy lùi, mức sống toàn xã hội sẽ cao hơn, trong sáng và tốt đẹp hơn…Hy vọng các nhà sử học sẽ được viết về họ – những anh hùng lao động của thời kỳ đổi mới và hi vọng có thêm nhiều sân chơi, nhiều diễn đàn để tôn vinh họ.
Theo BĐVN