Nhà sử học Dương Trung Quốc: Học sinh “né” môn Lịch sử là sự lựa chọn khôn ngoan
(Công lý) – Trước thực trạng học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội “né” môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đó là sự lựa chọn hợp lý và khôn ngoan.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, các em học sinh không chọn thi môn Lịch sử là có lý của nó. Bởi, căn cứ vào quy định của Bộ GD-ĐT đã ban hành trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, các em học sinh hoàn toàn có quyền chọn cho mình một môn thi mà các em ấy cảm thấy chắc chắn và an toàn nhất.
Hơn nữa, đây là một cuộc thi vì vậy các em học sinh phải tìm cách vượt qua và phải vượt qua với điểm số cao nhất. Điều đó cho thấy rằng, các em ấy không tự tin với môn Lịch sử thì các em ấy “né” thôi.
Video đang HOT
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, đừng lấy gì làm lạ khi các em học sinh không chọn môn Lịch sử, vì rõ ràng trong một cuộc thi các em ấy phải chọn cái gì tối ưu nhất cho mình. “Việc các em học sinh, không chọn môn Lịch sử là một sự lựa chọn khôn ngoan”, ông Dương Trung Quốc nhận định.
Cũng theo lý giải của ông Dương Trung Quốc thì phương pháp giảng dạy môn Lịch sử ở nước ta đang có vấn đề. Trong khi cả xã hội đang cố gắng cải tiến phương pháp dạy và học môn Lịch sử thì việc các em học sinh không lựa chọn môn Lịch sử là hoàn toàn có thể hiểu được.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
Cũng về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thẳng thắn nói rằng, nếu đã cho học sinh lựa chọn thì cái gì thuận học sinh, học sinh sẽ chọn. Theo thống kê mà thầy Nguyễn Tùng Lâm cung cấp, tỷ lệ học sinh tự chọn môn thi của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nghiêng hẳn về môn Địa lý chiếm tới 78% và thấp nhất là môn Lịch sử chỉ có 6%.
Nói về những con số này, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết, đa phần học sinh của thầy tự chọn môn Địa lý vì trong phòng thi được phép sử dụng Atlat Địa lý. Hơn nữa, kiến thức môn Địa lý dễ học và không nặng như các môn khác đặc biệt là môn Lịch sử.
“Một điều quan trọng là học sinh của tôi chọn thi khối D và khối A là phần lớn, việc các em học sinh lựa chọn môn thi còn phải phù hợp và thuận lợi cho việc ôn tập sao cho trùng khớp với môn thi trong khối mà các em chọn rường ĐH, CĐ sau này.
Vì vậy, học sinh chọn khối D hoặc khối A thì không thể ép các em chọn môn Lịch sử được. Mặt khác, đây không phải là lệnh cấm nên các em có quyền lựa chọn môn thi cho mình”, thầy Lâm nói.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm, không nên nhìn vào những con số mà đánh giá việc dạy và học môn Lịch sử đang có vấn đề. Bởi trong trường hợp này, việc một em học sinh có yêu môn Lịch sử hay không lại là một chuyện khác.
PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh
Trước đó vài ngày tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) duy nhất chỉ có một em đăng ký tự chọn môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, nhưng sau đó, em học sinh này cũng xin được chuyển sang thi một môn khác. Như vậy, tính đến thời điểm này, Trường THPT Lương Thế Vinh không có một em học sinh này đăng ký thi môn Lịch sử.
PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh phân trần, có rất nhiều em học sinh yêu sử nhưng khi lựa chọn môn thi thì các em ấy lại không chọn bởi vì các em ấy giỏi các môn Toán, Lý, Hóa hơn. Cho nên chúng ta không nên nhìn hiện tượng mà quy kết bản chất của vấn đề.
PGS.TS Văn Như Cương khẳng định, việc các em học sinh “né” môn Lịch sử diễn ra trên toàn quốc chứ không riêng gì Trường THPT Lương Thế Vinh.
Theo congly.com.vn