Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo
Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nhà sử học Anh John Callow. Ảnh: Hải Vân/TTXVN
Nhà sử học người Anh John Callow đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh về ý nghĩa của chiến thắng này.
Nhà sử học John Callow cho biết chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi một mạng lưới ban đầu là các nhóm du kích không chính quy thành một quân đội tiêu biểu có khả năng đánh bại các lực lượng phương Tây dày dạn kinh nghiệm, được trang bị kỹ càng và được huấn luyện bài bản trong một trận chiến được bày binh bố trận.
Ông John Callow chỉ ra rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ có tầm nhìn xa, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lý luận quân sự, giúp tôi luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng một đội quân cách mạng có khả năng giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập, thoát khỏi ách thống trị của các thế lực chính quyền và kinh tế nước ngoài.
Ông nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ chiến tranh là phương sách cuối cùng. Tuy nhiên, nếu không đấu tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ không bao giờ nhượng bộ.
Do đó phải có cách tiếp cận mới về đấu tranh vũ trang, theo đó khi tiến hành chiến tranh cách mạng” thì “phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng không đánh”.
Video đang HOT
Ông John Callow cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ và sau này là việc thống nhất đất nước là kết quả của quá trình hoạch định cẩn thận, kiên định về nguyên tắc và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Marx vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa Marx, bắt nguồn từ bối cảnh công nghiệp phương Tây, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm phong phú hơn rất nhiều, với việc áp dụng cốt lõi của chủ nghĩa Marx vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc Việt Nam và chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp, vốn bị chi phối bởi chế độ địa chủ và chủ nghĩa đế quốc và bóc lột thuộc địa, thành một nhà nước hiện đại, nơi địa vị của những người nông dân vừa và nhỏ được nâng cao và thành quả của lao động sản xuất được chia sẻ vì lợi ích của tất cả mọi người, đảm bảo quyền về nhà ở, y tế, việc làm và phúc lợi xã hội.
Kết quả là Đảng trở thành nơi mở rộng nhận thức của người dân, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của họ, đồng thời giữ vai trò lãnh đạo trung ương, đảm bảo ý chí chính trị tuyệt đối, có khả năng đương đầu với chủ nghĩa đế quốc. Ông John Callow nhấn mạnh, chiến thắng không chỉ mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà của cả dân tộc Việt Nam. Ông chỉ ra rằng, bằng cách này, Đảng Cộng sản có khả năng đảm nhận vai trò tiên phong trong các cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng nền hòa bình dựa trên độc lập dân tộc thực sự và xã hội hóa kinh tế và nhà nước một cách tiến bộ.
Đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới tại thời điểm đó, nhà sử học John Callow khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã phá vỡ sự thống trị thuộc địa của phương Tây (dù là về quân sự, văn hóa hay kinh tế) và mở ra tầm nhìn giải phóng dân tộc cho các dân tộc trên toàn cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng trực tiếp cho những chiến sĩ đấu tranh chống lại thực dân Pháp ở Bắc Phi, khơi dậy phong trào kháng chiến ở Algeria và đưa ra chiến lược chính trị kết hợp quân sự, giúp cung cấp thông tin cho Cách mạng Cuba và các cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng Frelimo ở Mozambique và nhóm MK (hay còn gọi là Ngọn giáo quốc gia) ở Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Một mặt, chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh với tầng lớp cai trị của các cường quốc thuộc địa cũ như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ, rằng cán cân quân sự đã thay đổi và họ không thể nắm giữ cũng như giành lại các đế chế, các hình thức thống trị, bóc lột mà họ từng thực hiện trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mặt khác, chiến thắng truyền cảm hứng hành động cho nhiều thế hệ những người đấu tranh cho tự do như Ben Bella, Samora Machel, Che Guevara, Angela Davis, Thomas Sankara và Chris Hani.
Ông Callow cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu trên cơ sở công bằng hơn.
Bàn về sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 1944, nhà sử học người Anh cho rằng sự ra đời của Việt Minh với tư cách là một Quân đội nhân dân thể hiện tinh thần đấu tranh và hy vọng của toàn dân tộc, đặt nền móng cho những thành công sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người đàn ông và phụ nữ trong hàng ngũ quân đội không khác biệt với nhân dân mà là một phần quan trọng của nhân dân. Họ chiến đấu vì lý tưởng, tự do, vì sự đoàn kết dân tộc và vì một tương lai xã hội chủ nghĩa mang lại phẩm giá, bình đẳng và công lý cho tất cả mọi người.
Ông John Callow chỉ ra đây chính xác là điều mà các chỉ huy Pháp như tướng Navarre và đại tá De Castries không hiểu được. Họ không thể hình dung được nỗ lực chung của cả một dân tộc nhằm tạo ra các tuyến tiếp tế và vận chuyển đạn dược, pháo hạng nặng, gần như hoàn toàn bí mật, để có thể bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Họ không thể tưởng tượng được sự kết hợp giữa sức mạnh và lòng nhân đạo đã tạo nên Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo ông Callow, chính điều này đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông chỉ ra rằng, những tội ác chiến tranh như vụ thảm sát ở Mỹ Lai, những đợt ném bom các thành phố và vùng nông thôn, rải chất độc da cam lên những cánh rừng và vùng đất nông nghiệp Việt Nam đã hằn sâu vào ký ức của cả dân tộc, song những khổ đau và hy sinh đó được đổi lại bằng việc hiện thực hóa một xã hội tốt đẹp hơn.
Ông John Callow cũng cho rằng việc giải phóng Campuchia khỏi chế độ Pol Pot vào năm 1979 ngay sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng là bằng chứng mạnh mẽ về chủ nghĩa quốc tế và cam kết của Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với nhân quyền phổ quát. Chính sự liên kết giữa người lính và những người họ phục vụ đã tạo nên sự khác biệt và mang lại vinh quang lâu dài cho Quân đội Việt Nam.
Đánh giá về thành tựu của Việt Nam, nhà sử học John Callow cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, Việt Nam vẫn là “ngọn hải đăng” cho các quốc gia đang phát triển, cũng giống như thời kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn dựa trên quan điểm về tinh thần dân tộc, độc lập và tôn trọng luật pháp và các hiệp ước quốc tế, cũng như nhờ vào những nỗ lực không ngừng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong các quyết định của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là chống tham nhũng và bất bình đẳng; duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đình trệ; và phát triển các thành tựu văn hóa và chính trị đạt được thông qua lao động cả đời của tất cả những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà sử học John Callow, cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, là một người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một người bạn lâu năm của Việt Nam.
Cách tiếp cận đúng đắn của Bác Hồ về giải phóng dân tộc dưới góc nhìn nhà từ thiện người Anh
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại London đã có buổi trò chuyện với bà Katrin Kandel, người đã nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh và các tác phẩm khác của vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc Việt Nam.
Bà Katrin Kandel. Ảnh: Hải Vân/TTXVN
Bà Katrin Kandel là Giám đốc điều hành tình nguyện của tổ chức Facing the World (FTW), một tổ chức từ thiện của Anh hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 nhằm hỗ trợ trẻ em mắc dị tật sọ mặt bẩm sinh.
Khi phóng viên tò mò hỏi lý do gì khiến bà, một phụ nữ phương Tây hoạt động từ thiện, quan tâm tới các tác phẩm của Hồ Chí Minh, bà Katrin cho biết, cách đây khoảng 10 năm, trong một lần trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Anh khi đó là ông Nguyễn Văn Thảo, bà được biết đến Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng hình thành và phát triển nhà nước Việt Nam.
Bà Katrin chia sẻ, là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, bà muốn tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng như thế nào tới đất nước mà bà dành sự quan tâm rất lớn. Vì vậy, bà đã tìm đọc, không chỉ Tư tưởng Hồ Chí Minh mà tất cả các tác phẩm bằng tiếng Anh của Người.
Bà Katrin cho biết, bà cảm thấy việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dành gần 30 năm đi khắp nơi trên thế giới để tìm ra con đường giải phóng dân tộc là một điều thật phi thường. Trong hành trình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các hình thức chính phủ khác nhau của phương Tây để tìm ra cách thức phù hợp nhất nhằm mang lại tự do, độc lập cho một đất nước đã chịu sự xâm lược của nhiều quốc gia trong hàng trăm năm. Quan trọng hơn, đó là tìm ra cách thức giúp Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ, không bị phụ thuộc.
Theo bà Katrin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định con đường giải phóng dân tộc đúng đắn thông qua việc tham khảo các mô hình của phương Tây, xét đến đặc điểm, điều kiện thực tế của đất nước để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất cho Việt Nam. Bà cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng cho những thành tựu Việt Nam đã đạt được, từ một đất nước chịu quá nhiều mất mát đã giành được tự do, độc lập, xây dựng và phát triển được bản sắc riêng, trở thành một đất nước hòa bình và mến khách.
Trong hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lọc và quyết định cách thức phù hợp nhất để giải phóng dân tộc, giành tự do cho nước nhà, thay vì áp dụng cứng nhắc các mô hình từ phương Tây. Theo bà Katrin, đây cũng chính là cách thức mà tổ chức FTW đang áp dụng trong hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức đã cử hàng trăm bác sĩ Việt Nam đến các bệnh viện hàng đầu thế giới, giúp họ lựa chọn và quyết định những phương pháp, công nghệ y học hiệu quả nhất với Việt Nam, mang về áp dụng cho người Việt Nam.
Bà Katrin chia sẻ, FTW không chọn cách tiếp cận áp đặt, thay vào đó giới thiệu tới các bác sĩ Việt Nam các phương pháp, công nghệ đang được áp dụng tại các bệnh viện trên thế giới để họ lựa chọn những gì phù hợp nhất cho Việt Nam. Theo bà, đây là lý do FTW thực sự coi trọng việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa tổ chức với không chỉ các bác sĩ giỏi mà với cả Chính phủ Việt Nam, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và tất cả các bệnh viện của FTW trên thế giới.
Là tổ chức từ thiện thành lập năm 2002 tại Anh, cho đến nay FTW đã hỗ trợ điều trị hàng chục nghìn bệnh nhi Việt Nam mắc dị tật sọ mặt. Tổ chức cũng gửi hơn 100 bác sĩ Việt Nam đi đào tạo tại các bệnh viện hàng đầu ở Anh, Australia, Canada và Mỹ.
Ngoài ra, FTW đã tài trợ thiết bị và công nghệ khám chữa bệnh từ xa cho các trung tâm phẫu thuật sọ mặt tại Việt Nam với tổng giá trị 2,4 triệu bảng (khoảng 3 triệu USD).
Trong vòng 5 năm tới, FTW dự kiến sẽ hỗ trợ 40.000 cuộc phẫu thuật dị tật sọ mặt trẻ em do các bác sĩ Việt Nam được đào tạo thực hiện. Tổ chức cũng có kế hoạch gửi 200 bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, đồng thời tiếp tục tài trợ các thiết bị y tế và công nghệ phục vụ khám chữa bệnh từ xa.
Người Việt tại Canada cùng đoàn kết hướng về Tổ quốc Ngày 14/4, Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa đã tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2024 trong không khí trang trọng và ấm cúng, góp phần duy trì bản sắc văn hóa, giáo dục truyền thống dân tộc và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết cho cộng đồng người Việt để cùng hướng về Tổ quốc. Đại sứ Phạm Vinh...