Nhà quản lý giáo dục đề nghị giữ nguyên khái niệm ‘học phí’
Bộ Giáo dục không nên loay hoay thay đổi vấn đề mang tính kỹ thuật, trong khi nội tại ngành giáo dục đang ngổn ngang nhiều việc phải làm.
Sinh viên Đại học Nông Lâm TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo dõi cách giải thích khái niệm “học phí” và “giá dịch vụ đào tạo” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Hoàng Đức Bình (Trưởng văn phòng đại diện một đại học nước ngoài tại Việt Nam) cho rằng ngay cả trường nước ngoài cũng không sử dụng khái niệm “giá dịch vụ giáo dục đào tạo”.
Ông Bình cho rằng dù là cơ sở đào tạo công hay tư, công thức tính tổng chi phí có thể hiểu nôm na là tổng các khoản chi phí của “đầu vào” nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục, đào tạo cộng với dự toán nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường (chẳng hạn trượt giá) và khoản lợi nhuận để tái đầu tư. Từ sự tính toán này, các trường sẽ cân đối số tiền phải thu với mỗi sinh viên và gọi là học phí.
Ông Bình cho biết, trường nước ngoài cũng dùng từ tuition fee (học phí) chứ không gọi là price of education service (giá dịch vụ đại học). Mặt khác, sự tính toán để đưa ra mức tiền phải thu từ người học là công việc nội bộ của trường, người học không quan tâm đến chuyện đó. Họ chỉ muốn tìm hiểu với mức tiền phải trả, họ nhận được gì từ chương trình học, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Thêm nữa, từ “học phí” vốn trở nên quen thuộc, đơn giản và dễ hiểu với người dân. Từ trước đến nay, phụ huynh cho con đi học cũng chỉ quan tâm đến học phí với khái niệm là khoản tiền phải đóng cho trường khi học. Do đó, việc sử dụng khái niệm khác như “giá dịch vụ đào tạo” không mang nhiều ý nghĩa, mất thời gian, trong khi ngành giáo dục còn nhiều vấn đề phải quan tâm hơn.
“Chất lượng giáo dục đào tạo, trình độ giảng viên, nghiên cứu khoa học, việc làm sau tốt nghiệp… mới là điều phụ huynh và người học quan tâm. Nếu sản phẩm họ nhận được thỏa mãn thì học phí hay giá lúc này không phải vấn đề”, ông Bình bày tỏ quan điểm và cho rằng Bộ chỉ nên hướng dẫn nhà trường minh bạch các khoản thu, còn chi tiết phải theo hướng dẫn từ ngành Tài chính. Đây cũng là biểu hiện cho tính tự chủ của trường đại học.
Không bình luận sự chính xác khi sử dụng “giá dịch vụ đào tạo” hay “học phí”, GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) nói: “Có thể theo giải thích của Bộ Giáo dục, sự thay đổi này để phù hợp với một số quy định luật pháp khác, hoặc có nguyên nhân sâu xa nào khác. Song theo thông lệ quốc tế, không ai gọi là giá. Họ vẫn dùng từ học phí và mức phí này cũng linh hoạt”.
Cụ thể, ở một trường đại học, sinh viên ngành Hóa học có thể đóng học phí cao hơn so với sinh viên ngành Kinh tế, bởi họ phải sử dụng nhiều loại hóa chất ở phòng thí nghiệm với chi phí cao. Hoặc, mỗi sinh viên phải đóng mức phí khác nhau nếu họ có nhu cầu khác nhau với những dịch vụ, tiện ích ở trường như sân chơi thể thao, hồ bơi, nhà ăn…
Song, tất cả đều được gọi là phí, hội sinh viên có quyền phản biện nếu trường điều chỉnh phí tăng lên mà không thỏa đáng. Thậm chí, cũng là phí nhưng các trường công khai, sinh viên có quyền lựa chọn nơi học phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích cá nhân và tất cả được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Hóa đơn học phí của một đại học ngoài công lập ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nếu là giá, sẽ có trục lợi, đầu cơ
PGS Nguyễn Lê Ninh (Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, kỹ thuật, môi trường của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM) khẳng định, bỏ qua yếu tố ngữ nghĩa thì “giá dịch vụ đào tạo” cũng không mang tính chính danh về pháp lý. Bởi trường đại học dù là công hay tư đều được hưởng ưu đãi của Nhà nước về chính sách, thuế phí trong quá trình hoạt động, do giáo dục, đào tạo được xác định là quốc sách. Với trường công, Nhà nước còn chi ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất từ ngày thành lập.
Theo ông Ninh, một sản phẩm dịch vụ được trao đổi bằng giá tức là thả nổi cho thị trường định đoạt, ắt sẽ có đầu cơ, hét giá trục lợi. “Đây là ngành đặc thù, được nhận nhiều ưu đãi nên sản phẩm nếu được định bằng giá là vô lý. Giá, nhất định sẽ có yếu tố trục lợi, hậu quả là người học lãnh hết”, ông Ninh nói.
Cũng theo chuyên gia này, từ trước đến nay, học phí của nhiều đại học, cao đẳng thay đổi theo thời gian, bởi mỗi khoản phí ẩn phía trong thay đổi theo thời giá trị trường. Song, tất cả khoản tiền phải đóng thông báo đến người học đều gọi là học phí. Do đó, cách lý giải học phí không bao trùm các khoản chi phí đào tạo để đề xuất thay đổi tên gọi trên của Bộ Giáo dục là việc làm “thừa thãi”.
Phòng thí nghiệm của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.
Về phía nhà trường, TS Trần Mạnh Thành (Hiệu phó Cao đẳng Bách Việt) cho biết, từ trước đến nay việc thu học phí của các trường biến động theo yếu tố thị trường và nằm trong khung cho phép. Các trường có thể tăng học phí nếu cung cấp thêm những tiện ích mới cho người học.
Do đó, học phí mà trường thu đã bao gồm các khoản chi phí phục vụ cho việc đào tạo, dạy nghề có tính đến yếu tố giá đầu vào. “Về bản chất thì phí hay giá cũng là khoản tiền mà người học đóng theo đề xuất từ phía trường, trên thế giới họ cũng dùng từ phí (fee) chứ không dùng từ giá”, ông Thành cho biết.
Video đang HOT
Phó giáo sư từng là lãnh đạo một đại học công lập lớn ở TP HCM khẳng định học phí mang tính chính danh, vừa phù hợp với quy định pháp luật, vừa thân quen với người dân nên không cần thay đổi tên gọi. Nếu thay đổi “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” sẽ khiến mọi thứ rối tung, kéo theo nhiều hệ lụy phiền toái.
Cụ thể, nếu là phí thì do Nhà nước kiểm soát trong khi giá thì thả nổi thị trường, do các trường tự lo. Không ai dám chắc không xảy ra việc trường tự nâng “giá dịch vụ đào tạo” lên đột ngột, trong khi chất lượng vẫn như cũ. Người học lúc này sẽ không có tiếng nói, hoặc là tiếp tục theo đuổi hoặc là bỏ dở giữa chừng.
“Về dài hạn, việc nâng học phí cho các trường tự chủ tài chính là cần thiết để nâng chất lượng đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tất cả đều cần sự giám sát của Nhà nước, bởi hậu quả của việc thị trường hóa nền giáo dục là tai hại khó lường”, ông bày tỏ.
Theo VNE
Cả nước đang kì vọng vào chương trình mới, xin đừng để mọi người phải thất vọng
Hơn lúc nào hết, Bộ Giáo dục, các chuyên gia khi xây dựng chương trình môn học, viết sách giáo khoa cần có những định hướng phù hợp với ngành giáo dục nước nhà
ảnh minh họa
LTS: Bày tỏ nỗi niềm lo lắng trước lần thay đổi chương trình mới, sách giáo khoa mới mà Bộ giáo dục và Đào tạo đã thông qua, thầy Nguyễn Cao có bài viết .
Qua đó, tác giả mong rằng, hơn lúc nào hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng làm xã hội thất vọng trong lần thay đổi tới đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ giáo dục và Đào tạo đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự thảo chương trình môn học cho thấy một quyết tâm, sự kì vọng của toàn xã hội trong lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới trong những năm tới đây. Hướng tới nền giáo dục Việt Nam hiện đại, xóa bỏ những trì trệ, lạc hậu là điều mà chúng ta đang hướng đến.
Vì thế, lần thay đổi này đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải thể hiện được sự quyết tâm, sự chỉ đạo và thực hiện đổi mới đúng đắn, phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu mong muốn của toàn xã hội đối với giáo dục nước nhà.
Trên cơ sở pháp lý, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Điều này cũng đồng nghĩa Đảng và Nhà nước ta luôn coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Chính từ những yêu cầu cấp bách của đổi mới giáo dục và để tránh dự đổi mới manh muốn, tự phát, làm theo dự án. Lần thay đổi này, Bộ giáo dục đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể như sau:
"Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp;
Biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội;
Biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời;
Khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiêp tuc hoc lên, học nghề hoăc tham gia vao cuôc sông lao đông; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới".
Như vậy, mọi điều kiện chúng ta đã có, ý Đảng, lòng dân đã thuận và mục đích của đổi mới giáo dục đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo vạch ra rõ ràng và cụ thể.
Vấn đề còn lại là chúng ta thực hiện nó như thế nào để đạt được những mục đích mà những người kiến tạo chương trình giáo dục mới đã vạch ra.
Tuy nhiên, từ dự thảo chương trình môn học mà chúng tôi đã có dịp tham khảo, tìm hiểu thì điều mà chúng tôi vẫn cảm thấy lo lắng cho lần thay đổi này.
Ban soạn thảo chương trình môn học tiếp thu như thế nào sau khi lấy ý kiến công luận?
Ngày 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua dự thảo chương trình các môn học. Đây là cơ sở để toàn xã hội có thể đóng góp ý kiến cho từng môn học. Những mục tiêu cụ thể của chương trình, của từng môn học và đề cương của từng môn học đã được vạch sẵn.
Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm nhận thấy đó là chương trình cấp tiểu học vẫn còn rất nặng và dàn trải, mục tiêu đề ra quá cao có phần chưa thực sự phù hợp.
Một số môn học ở cấp trung học cơ sở chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận đã lâu nay và một số chủ đề dạy học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông quá nặng về kiến thức chuyên ngành.
Đối với cấp tiểu học ở chương trình mới vẫn rất nặng về số lượng môn học. Lớp 1-2 có 8 môn học và hoạt động, lớp 3 có 10 môn học và hoạt động, lên đến lớp 4-5 có 12 môn học và hoạt động.
Đó là chưa kể các môn học lại kèm các phân môn nhỏ như: Môn Lịch sử và Địa lí (2 phân môn); Tiếng Việt (4 phân môn); Toán (2 phân môn)...
Như vậy, có quá sức đối với các em học sinh tiểu học hay không? Nhất là đối với các em học sinh lớp 1-2, khi các em vừa mới bước vào học chữ đã có tới 8 môn học và hoạt động thì liệu mục tiêu mà những thầy cô biên soạn chương trình đưa ra liệu có đạt được?
Đó là chưa kể một số môn học đòi hỏi các em phải khai phá một lượng kiến thức tương đối nặng nề và cao như môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lí...ở lớp 4 và 5.
Trong khi, thực tế chương trình, sách giáo khoa hiện hành thì giáo viên cũng chỉ chú trọng được môn Tiếng Việt, Toán (giáo viên chủ nhiệm dạy) và các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục (các môn có giáo môn chuyên đảm nhận) các môn còn lại gần như chưa được chú trọng, nhiều khi mỗi năm chỉ học vài tiết cho có hoặc dạy những bài trọng điểm để kiểm tra lấy điểm.
Thậm chí có những môn được xem là quan trọng cho việc hình thành nhân cách học trò như môn Đạo đức thì nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng ít khi dạy.
Vì sao vậy? Bởi vì chương trình của chúng ta quá nặng, các em thì còn quá nhỏ. Vậy nên, đa phần giáo viên chủ nhiệm chỉ hướng dẫn, dạy dỗ được 2 môn chính là Tiếng Việt và Toán, các môn còn lại mà giáo viên chủ nhiệm đảm nhận thì cũng thỉnh thoảng "nói qua" còn mục tiêu chủ yếu vẫn là 2 môn chính. Vì 2 môn này mang tính quyết định cho các chỉ tiêu thi đua, đánh giá của nhà trường.
Trong khi, Bộ cấm dạy thêm trước khi vào lớp 1 và thực tế học sinh ở nông thôn, ở những vùng khó khăn thì trước lớp 1 đa phần cũng chưa được học chữ, học số. Nhà nào có điều kiện cho con học mẫu giáo thì biết được 24 chữ cái và 10 số đầu tiên...
Vậy nhưng, khi vừa vào lớp 1 đã phải học các môn khác thì liệu các em có đủ khả năng để đọc những đoạn văn bản, những câu chuyện trong sách giáo khoa hay không?
Vì thế, chúng tôi thấy rằng đưa nhiều môn học vào vừa lãng phí tiền của ngân sách khi phải đầu tư viết sách giáo khoa, tập huấn, bồi dưỡng một số môn phụ nhưng thực tế thì lâu nay, giáo viên vẫn cho học sinh "cưỡi ngựa xem hoa" mấy môn học này.
Không thực nghiệm liệu có thành công?
Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ không dạy thực nghiệm như sách giáo khoa hiện hành mà chỉ thực nghiệm những nội dung khó, nội dung mới. Vì vậy, theo chúng tôi đây có thể là một bước phiêu lưu, có phần mạo hiểm.
Bởi sách giáo khoa viết xong mà đưa vào dạy, chưa có thực nghiệm sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn sau này. Khi áp dụng đại trà có nghĩa là chúng ta phải sử dụng, đầu tư rất lớn từ ngân sách và từ phụ huynh học sinh.
Nhưng, mỗi năm hàng triệu bản sách được xuất bản và bán ra, sang năm lại bổ sung, chỉnh lí thì có nghĩa là sách năm trước bắt buộc lại phải bỏ để phế liệu.
Bài học sách giáo khoa VNEN luôn là bài học đắt giá cho ngành giáo dục suy ngẫm về sự lãng phí của toàn xã hội.
Vì thế, đừng vì lợi ích của nhà xuất bản và một số người mà mỗi năm chúng ta phải đốt hàng ngàn tỉ đồng của toàn xã hội và năm nào cũng phải tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên như chương trình hiện hành, cho dù chương trình này đã mất 4 năm dạy thực nghiệm.
Mục tiêu đề ra đã sát thực tế?
Mỗi môn học đều có một vai trò vị trí riêng nên chương trình môn học cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng môn học, từng phân môn.
Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận thấy và cũng là vấn đề mà dư luận đang quan tâm lâu nay là những môn học tích hợp có lẽ chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại của giáo dục nước nhà.
Dù những người biên soạn chương trình nói hay như thế nào đi chăng nữa thì khi chính thức đưa vào giảng dạy sẽ không tránh khỏi bất cập và rất khó thành công.
Bởi, thực tế chúng ta chưa có gì cho việc thay đổi này cả. Thành hay bại của đổi mới giáo dục thì người giáo viên đóng vai trò quyết định nhưng giáo viên hiện tại chỉ đào tạo 1 chuyên ngành thì làm sao có thể đảm nhận 2-3 môn học khi chương trình mới đưa vào các môn học tích hợp?
Hơn nữa, việc đưa vào giảng dạy các môn tích hợp của cấp trung học cơ sở phải đầu tư thêm rất nhiều về cơ sở vật chất, sự rắc rối khi nhiều giáo viên lại dạy cùng 1 môn học, cùng một bài kiểm tra, cùng một cơ số điểm.
Các chủ đề của các môn học, các môn tích hợp ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được ban biên soạn chương trình đưa ra mục tiêu quá cao.
Có lẽ, đối với học sinh phổ thông thì chúng ta cũng chỉ cần cung cấp và dạy cho các em những kiến thức phổ thông là đủ.
Mục tiêu mỗi em mỗi khác, mỗi em có một sự lựa chọn con đường riêng cho mình thì cớ gì người lớn chúng ta cứ ép các em phải học những kiến thức chuyên sâu như những em sinh viên học chuyên ngành?
Giáo dục phổ thông được xem như những viên gạch đầu tiên và tạo nền tảng vững chắc cho mỗi em học sinh để trang bị cho các em kiến thức, nhân cách bước vào đời hoặc các trường chuyên nghiệp.
Vì thế, việc trang bị cho các em có những kiến thức phổ thông, có đủ nhân cách, tâm thế để vào đời là điều cần thiết.
Xã hội đang kì vọng ngành giáo dục sẽ đào tạo ra những con người có thể thích ứng với công việc, với xã hội và có thể hội nhập.
Vậy nên, hơn lúc nào hết, Bộ Giáo dục, các chuyên gia khi xây dựng chương trình môn học, viết sách giáo khoa cần có những định hướng phù hợp với ngành giáo dục nước nhà.
Ai cũng mong muốn ngành giáo dục nước nhà có những bước tiến vững chắc để để hướng người học vừa tiếp thu những tri thức tiên tiến của nhân loại, tiến tới gần hơn nền giáo dục của các nước phát triển nhưng đồng thời vẫn kế thừa được những tinh hoa giáo dục nước nhà.
Mỗi lần thay đổi, mỗi lần đổi mới là mỗi lần xã hội kỳ vọng, trông chờ sự thành công. Vì thế, hơn lúc nào hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng làm xã hội thất vọng trong lần thay đổi tới đây.
Theo Giaoduc.net
Viện Công nghệ châu Á tại VN đào tạo nhiều nhân tài trong 25 năm Nhiều năm qua, AITVN đã đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam hơn 4.000 thạc sĩ và tiến sĩ, 25.000 học viên khóa ngắn hạn. 25 năm thành lập và phát triển tại Việt Nam (1993-2018), Viện Công nghệ châu Á (AIT) đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật và...