Nhà khoa học trẻ giành giải thưởng Tạ Quang Bửu
Bo truong KH va CN Nguyen Quan trao giai nha khoa hoc trẻ, Giai thuong Ta Quang Buu, nam 2015 cho PGS,TSKH Pham Hoang Hiep. (ảnh: Dân Trí)
NDĐT – Nhận chức danh Phó giáo sư (PGS) ở độ tuổi trẻ nhất khi đó (29 tuổi, năm 2011), đồng thời lần đầu tiên giành luôn giải nhà khoa học trẻ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, với công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế hàng đầu. Đó là PGS, TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN).
Được sự giới thiệu của GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Toán học, tôi gặp Phạm Hoàng Hiệp sau vài ngày anh vinh dự được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu. Sau cặp kính cận là nét mặt kiểu “gà công nghiệp” của típ người chỉ biết đèn sách và chuyên tâm cho công việc chuyên môn.
Anh từ tốn, nhẹ nhàng: “Em mới &’nhập khẩu’ về Viện Toán được vài tháng, chứ lâu nay là cán bộ giảng dạy của Khoa Toán tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.
Rồi Phạm Hoàng Hiệp giới thiệu qua về công trình được công bố trên Tạp chí Acta Math năm 2014 “A sharp Lower bound for the log canonical threshold” (tạm dịch: “Một đánh giá chặn dưới tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc”). Anh cho biết: Ngưỡng chính tắc là một khái niệm quan trọng để đo mức độ kỳ dị của một hàm chỉnh hình trong giải tích và hình học phức. Hàm đa điều hoà dưới là đối tượng chính của lý thuyết đa thế vị và là một lớp hàm quan trọng có nhiều ứng dụng trong giải tích và hình học phức.
Kết quả của bài báo là chỉ ra một đánh giá chặn dưới tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc của hàm đa điều hoà dưới. Đánh giá này là một kết quả cơ bản của đại số địa phương đã và sẽ có những ứng dụng quan trọng trong giai tích và hình học phức. Đóng góp của tác giả ở đây chính là sử dụng các kết quả của lý thuyết đa thế vị để chứng minh một bất đẳng thức tốt nhất có thể giữa ngưỡng chính tắc và hệ thống các số Lelong của hàm đa điều hoà dưới…
Ba mươi ba tuổi đời, hơn mười năm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp đã có 33 công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Trong đó 29 công trình được đăng trên các tạp chí có chỉ số ISI cao, riêng công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu mới đây “Một đánh giá chặn dưới tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc” được công bố trong Acta Math – được GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho biết là Tạp chí hàng đầu quốc tế về chuyên ngành toán.
Với sự khiêm nhường, Phạm Hoàng Hiệp cho rằng, đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu không chỉ là niềm vinh dự của bản thân mà còn khích lệ các bạn đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ ở các cơ sở khoa học khác nhau trong cả nước, đang ngày đêm nghiên cứu để khám phá những điều mới lạ của khoa học, những vẻ đẹp bí ẩn của toán học.
Trò chuyện với PGS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp tôi mới hiểu, thực ra con đường dẫn anh đến với toán học không phải do tài năng thiên bẩm như nhiều người vẫn tưởng. Bởi ngay thời học bậc THCS hay THPT, Phạm Hoàng Hiệp cũng chỉ học ở những ngôi trường bình thường của tỉnh Hải Dương chứ không phải trường chuyên nào. Bước ngoặt trong nghiệp đèn sách có lẽ chỉ từ khi anh trở thành sinh viên lớp chất lượng cao của Khoa Toán – Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Môi trường và điều kiện học tập mới, được tiếp xúc và làm việc với thầy giỏi vốn là các giáo sư lâu năm ở trường đại học càng kích thích tư duy sáng tạo của anh. Bản tính ít nói, nhưng kiến thức sâu và chắc nên qua một vài lần cùng trao đổi, tranh luận với giáo viên trên lớp về một bài toán cụ thể, GS.TSKH. Nguyễn Văn Khuê đã từng bước dẫn dắt, khích lệ Phạm Hoàng Hiệp đi vào con đường nghiên cứu khoa học.
Không phụ lòng thầy, sau bốn năm nỗ lực phấn đấu, anh được giữ lai trường làm công tác giảng dạy. Rồi hơn ba năm sau, Phạm Hoàng Hiệp bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển (năm 2008) và đến năm 2013 anh hoàn thành luận án TSKH tại trường Đại học Aix – Marseille, Cộng hoà Pháp trước mặt Hội đồng gồm bảy Giáo sư quốc tế có uy tín. Nhờ được đào tạo một cách bài bản, từ trong nước lẫn nước ngoài, lại được sự khích lệ và gợi mở của các nhà toán học như GS. Nguyễn Văn Khuê, GS. Jean Pierre Demaily (Viện Fourier), GS. Andrei Teleman… PGS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp càng say mê trong nghiên cứu.
Từ năm 2005 đến nay, bên cạnh công tác giảng dạy, hàng năm anh đều có bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí Quốc tế; thậm chí năm 2014, nhà toán học trẻ này có bốn công trình được công bố trên các Tạp chí Quốc tế chuyên ngành được xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên, như Phạm Hoàng Hiệp bộc bạch: đó mới chỉ là một số kết quả bước đầu nhỏ nhoi. Trong môi trường làm việc mới, anh ý thức cần nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá những vấn đề lý thú của toán học hiện đại để không phụ lòng kỳ vọng của các bậc đàn anh và đồng nghiệp cùng trang lứa thuộc Viện Toán học, Viện HLKH và CNVN.
Theo NDO