Nhà giáo ưu tú của học trò vùng cao
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là một trong 3 gương điển hình của ngành Giáo dục Lào Cai vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2021.
NGƯT Bùi Thị Kim Chi luôn trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả giáo dục vì học sinh. Ảnh: NVCC
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo thời gian dài và trên nhiều cương vị công tác.
Hành trình lên vùng cao
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi sinh ra, lớn lên tại huyện Giao Thủy, Nam Định. Trước khi gắn bó với giáo dục Lào Cai, chị là giáo viên Trường cấp 1, 2 xã Giao Hương (Giao Thủy).
Năm 1993, chị quyết định lên Lào Cai công tác để đoàn tụ gia đình. Khi chuyển vùng, cô giáo trẻ không được gia đình 2 bên nội ngoại, bạn bè ủng hộ với lý do “Ở Nam Định đã là giáo viên được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá tốt, có cơ hội phát triển. Lên Lào Cai phải làm lại từ đầu. Ở lại quê hương sẽ ổn định, thuận tiện cho cuộc sống, công việc… “.
Mặt khác khi ấy, Lào Cai thuộc tỉnh miền núi nghèo mới tái lập, kinh tế xã hội khó khăn, nên bạn bè chị càng lo lắng can ngăn “Lên đó chẳng có nổi chai nước mắm mà ăn…”. Người thân cũng ôm chị khóc, khuyên đừng chuyển… Với cá tính mạnh mẽ, kiên định và suy nghĩ “mọi người sống được thì mình sống được; mọi người làm được mình cũng làm được” chị không ngần ngại lên đường. Với chị, quan trọng nhất khi chuyển vùng là không chuyển nghề. Chị đặt quyết tâm, dù ở đâu vẫn phải làm cô giáo.
“Tôi lên Lào Cai khi chưa kịp rút hồ sơ công tác vì gia đình giữ. 2 tháng sau thấy tôi không thay đổi quyết định, bố tối mới rút và gửi lên để tôi xin việc. Ở nơi hoàn toàn xa lạ, không người thân, bạn bè… dù khó khăn chồng chất nhưng chưa khi nào tôi nản trí hoặc có ý định quay về. Được làm cô giáo thì ở đâu với tôi cũng là hạnh phúc…”, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bày tỏ.
Năm 1993, nơi đầu tiên cô Chi nhận công tác là Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị xã Lào Cai) vừa được xây dựng. Trường hoàn thành nhưng đường chưa làm, thầy và trò người đi ủng, người lội bùn đất tới trường. Từ nhà tới trường, từ trường tới phòng GD&ĐT chỉ vài ba cây số nhưng đi lại vất vả vô cùng, hơn thế cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy cũng thiếu thốn.
Tuy nhiên, điều khiến cô giáo trẻ Bùi Thị Kim Chi thấy may mắn, hạnh phúc là đa số HS thuộc con em cán bộ, công chức… lên Lào Cai lập nghiệp, ý thức, và nền tảng tốt. Điều đó giúp cô có thể áp dụng ngay những đổi mới phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến được tích lũy từ vùng xuôi. Và với sự nỗ lực của mình, khóa học sinh đầu tiên khi cô chuyển công tác lên Lào Cai đã có em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia…
Từ năm 1993 – 2002, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Sau đó, với chuyên môn vững vàng, nhiều sáng tạo đổi mới, cô được điều động làm chuyên viên phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai tới năm 2008. Trải qua nhiều đơn vị, vị trí khác nhau, năm 2020, chị được điều động làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Hành trình gần 30 năm cống hiến, đổi mới, sáng tạo của nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đã được thử thách trên nhiều cương vị, từ giáo viên, chuyên viên, Phó Hiệu trưởng tới Hiệu trưởng. Và ở cương vị nào chị cũng tích cực đổi mới, sáng tạo, hết lòng vì học trò vùng cao…
Video đang HOT
NGƯT Bùi Thị Kim Chi nhận được sự tin yêu của học trò. Ảnh: NVCC
Nhà giáo mẫu mực, sáng tạo
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi được đồng nghiệp, học trò nhắc tới với sự say mê trong giảng dạy, tích cực tự học, bồi dưỡng, luôn tiên phong đi đầu trong đổi mới tại các nhà trường đã công tác.
Cô Nguyễn Thị Hải – Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ được nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bồi dưỡng trở thành giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia năm học 2012 – 2013 chia sẻ: “Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là người “giàu” và say chuyên môn. Chị trực tiếp bồi dưỡng tôi trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Luôn tận tình “cầm tay chỉ việc” từ phương pháp giảng dạy, xây dựng nội dung, dạy mẫu trên lớp”.
Đặc biệt, nói tới nhà giáo Kim Chi là nói tới tấm gương, tinh thần tự học. Các báo cáo, thống kê trên máy tính, bài giảng điện tử… cô đều tự học, nghiên cứu và tự làm. Dù là lãnh đạo nhưng cô luôn lắng nghe, cầu thị ý kiến đồng nghiệp cấp dưới. Từ chuyên môn tới công việc nhà trường với nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đều xuất phát từ quan điểm “Lấy học sinh làm trung tâm, chất lượng học sinh đặt lên hàng đầu…”.
“Chúng tôi khâm phục nhà giáo Bùi Thị Kim Chi. Được chị hướng dẫn, kèm cặp…, giáo viên nhanh trưởng thành trong chuyên môn, cuộc sống; Mặt khác cũng tự tin với tất cả cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, tỉnh…”, cô Hải chia sẻ.
Nhà giáo Kim Chi chia sẻ: “Hành trình từ giáo viên tới chuyên viên phòng GD&ĐT, Phó Hiệu trưởng và giờ đây là Hiệu trưởng đã giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, quyết tâm đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng quản lý trường học. Tôi luôn muốn tìm ra hướng đi riêng để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường”.
Bà Trần Thị Thùy Dung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai (Lào Cai) khẳng định: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú dành cho nhà giáo Bùi Thị Kim Chi hoàn toàn xứng đáng bởi những đóng góp, đổi mới cho giáo dục tiểu học tỉnh Lào Cai.
“Trên hành trình giáo dục của mình, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi nhận được tín nhiệm cao từ đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học toàn tỉnh, được các cấp quản lý giáo dục tin tưởng. Nhiều hiệu trưởng của ngành Giáo dục Lào Cai coi nhà giáo Bùi Thị Kim Chi như tấm gương và mục tiêu phấn đấu trên lộ trình giáo dục bản thân…”, bà Dung trao đổi.
Ấn tượng trong tôi tới nay vẫn là một giáo viên dịu dàng, quan tâm sâu sát tới học trò. Cô Chi có phương pháp dạy học dễ hiểu, luôn tìm ra cách động viên, khuyến khích học sinh trong học tập. Các tiết học của cô chúng tôi luôn cảm thấy vui vẻ, cuốn hút và thích học. Cô đã tạo cho chúng tôi “nền móng” vững chắc để tiếp bước vào các cấp học tiếp theo và cuộc sống sau này… - Anh Lương Đức Hải Thương (Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám năm 1993 – 1995)
Cô giáo trường chuyên "tự thay đổi" để giúp học trò yêu Toán
"Phải làm cho học sinh yêu thích môn học trước. Bởi trẻ có thích thì học mới hiệu quả. Muốn vậy, trước tiên giáo viên phải tự thay đổi" - nhà giáo ưu tú Trần Thị Thanh Thủy tâm niệm.
Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy luôn tâm niệm phải "tự thay đổi" để học trò yêu môn học. Ảnh: NVCC.
Dùng "chiêu" để "lấy lòng" trò
Tốt nghiệp khoa Toán - Tin, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên năm 2003, cô giáo Trần Thị Thanh Thủy về nhận công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) và gắn bó đến nay. Nghề giáo không hẳn là ước mơ thuở nhỏ của cô Thủy, mà đúng hơn với cô là duyên nợ.
"Duyên nợ với môn Toán, với trường chuyên của mình bắt đầu từ 1 người thầy. Mặc dù không được thầy chủ nhiệm, không học chính khóa, song thầy là người gieo đam mê với môn Toán trong tôi, và cũng là người giúp đỡ, dìu dắt tôi trong suốt hành trình từ khi vào giảng đường đại học, cho tới khi bước chân về trường chuyên giảng dạy", cô Thủy tâm sự.
Người mà cô giáo Thủy nhắc tới đó là nhà giáo ưu tú dạy Toán đầu tiên của Điện Biên - thầy Phạm Quang Tể. Cô học trò nghèo Trần Thị Thanh Thủy ngày ấy đang học lớp 12 và may mắn gặp thầy Tể khi tham gia lớp ôn thi học sinh giỏi Toán quốc gia do thầy hướng dẫn.
Thương hoàn cảnh cô học trò nghèo, lại hiếu học, thầy Tể không chỉ giảng dạy, truyền cảm hứng, mà còn giúp đỡ Thủy cả vật chất lẫn tinh thần trong suốt hành trình theo đuổi ước mơ đại học. Về sau khi công tác tại ngôi trường chuyên duy nhất của tỉnh, cô tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ phía thầy.
Sở hữu trong tay bảng thành tích "dày cộm" từ các kì thi học sinh giỏi, ngày đầu nhận công tác, cô Thủy đã được nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm lớp chuyên Toán. Cô còn được giao luôn đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường.
"Lúc đầu áp lực lắm vì vừa mới năm đầu tiên đứng trên bục giảng, tôi đã được giao trọng trách lớn. Nhưng cũng rất may là trong suốt quá trình học từ phổ thông đến chuyên nghiệp, tôi đã tham gia nhiều lớp ôn thi học sinh giỏi nên tích lũy được cho bản thân không ít kinh nghiệm thực tế có thể chia sẻ cùng các em", cô Thủy bộc bạch.
Với vốn kinh nghiệm đó, cô chia sẻ bằng sự chân thành, gần gũi để thu hút và giúp học sinh tiếp cận vấn đề nhanh hơn, dễ hiểu hơn. Đây cũng là "chiêu lấy lòng" học sinh hiệu quả được cô Thủy vận dụng suốt gần 20 năm xây dựng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Lê Minh Thư, học sinh chuyên Toán (khóa 2013 - 2016), đang học tập tại Cộng hòa Liên bang Đức đã hơn một lần chia sẻ rằng cô Thủy chính là người thầy đặc biệt nhất trong hành trình học phổ thông của mình.
"Ở cô Thủy, em luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực. Sau này, khi đã đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người và trải nghiệm những lối sống khác nhau, em mới nhận ra nguồn năng lượng tươi trẻ đó vô cùng đáng quý. Em may mắn được dạy dỗ trong tình yêu và sự bao dung, chứ không phải nỗi sợ nếu chẳng may vấp ngã", Thư cho hay.
Suốt gần 20 năm giảng dạy, cô Thủy đã đào tạo và dẫn dẵt hàng trăm học sinh giỏi Toán các cấp. Ảnh NVCC.
Liên tục "làm mới" mình
Toán vốn là môn học nhiều người cho rằng khô và khó. Nhưng với cô Thủy thì không hoàn toàn vậy. "Tôi nghĩ, tất cả là ở người giáo viên, có đủ thu hút, có đủ hấp dẫn để khơi gợi hứng thú học Toán của trò hay không?!", cô Thủy nói.
Việc tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, thiết kế bài học hay và bổ ích, tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh là điều cô Thủy luôn trăn trở trong suốt quá trình làm nghề. Đây cũng là động lực để cô liên tục sáng tạo, tìm tòi cách giải quyết hay và mới trong mỗi giờ lên lớp của mình.
"Ngay như công nghệ, thời tôi học không có điều kiện để tiếp cận, nhưng giờ những thứ đó lại gắn liền với cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, bản thân tôi phải tự học, tự mày mò, thậm chí không ngại học từ các em. Tôi tận dụng chính nó làm công cụ đắc lực để có những sáng tạo trong giảng dạy thu hút học sinh", cô Thủy chia sẻ.
Giảng dạy tại một trường THPT Chuyên ở miền núi, sẽ khác rất nhiều so với những vùng thuận lợi khác. Đó là lý do cô Thủy luôn cho rằng, nếu chỉ yêu nghề thôi thì chưa đủ.
Năm 2011 - 2013, cô Thủy tiếp tục tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ, nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu, để đáp ứng yêu cầu của công việc. 2 năm theo học là khoảng thời gian duy nhất cô không trực tiếp tham gia đào tạo học sinh giỏi song vẫn gián tiếp cùng đồng nghiệp hướng dẫn các em mỗi khi cần.
"Mỗi giờ học Toán của cô đều rất nhẹ nhàng, tự nhiên và nhiều điều mới mẻ. Bọn em được truyền cảm hứng, phương pháp để chủ động hơn trong việc rèn luyện tư duy toán và đôi khi là sáng tạo ra cách tiếp cận hiệu quả cho mình", Phạm Tố Uyên, học sinh lớp 11B3 cho hay.
Cô Trần Thị Thanh Thủy là một trong những giáo viên đi đầu trong tổ chức dạy học STEM ở Điện Biên. (Ảnh chụp năm học 2020 - 2021). Ảnh NVCC.
Biến hóa với Toán bằng STEM
"Khi có sự thay đổi của Bộ GD&ĐT về chương trình giáo dục phổ thông mới thì tôi rất may mắn khi ở trong nhóm giáo viên cốt cán của tỉnh. Ngay từ đầu, tôi đã được tham gia các khóa tập huấn về đổi mới sách giáo khoa và chương trình phổ thông. Ở đó, tôi đã học và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân", cô Thủy chia sẻ.
Từ những kiến thức nền, để có những sáng tạo trong giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, cô Thủy đã tham gia nhiều nhóm dạy học tích cực thông qua nền tảng công nghệ để thường xuyên kết nối, chia sẻ.
Mỗi giờ học, cô Thủy đều tự biến hóa để làm sinh động hơn kiến thức nền. Nhất là việc hướng dẫn học sinh tổ chức hoạt động nhóm; thiết kế các poster, hình ảnh liên quan đến công thức toán. Mỗi học sinh được cô khuyến khích sử dụng thành thạo đồ họa, để thiết kế ra các sản phẩm, công cụ phục vụ học tập phù hợp với thẩm mĩ và nhu cầu bản thân.
"Mỗi học sinh tôi dạy đều tự sáng tạo cho mình 1 cuốn sổ tay về các công thức Toán. Nhiều em đã mang các sản phẩm đó đi thi các cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp", cô Thủy cho hay.
Không những vậy, theo cô Thủy, điều hết sức quan trọng là sự đổi mới đến từ chính Ban giám hiệu nhà trường. Cùng với việc khuyến khích giáo viên thì hàng năm trường đều tổ chức rất nhiều giờ dạy đổi mới phương pháp để giáo viên dự giờ, học tập và chia sẻ kinh nghiệm chéo. Từ đó cùng nhau đổi mới.
"Chúng tôi luôn tự hào khi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những đơn vị giáo dục chất lượng hàng đầu của địa phương. Năm 2020 trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả cho sự nỗ lực của cả tập thể, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những nhà giáo sáng tạo như cô Thủy" - Thạc sĩ Bùi Thị Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết.
Ngành giáo dục thị xã Bỉm Sơn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện và vững chắc, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Bỉm Sơn đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và...