‘Nhà giáo trẻ tiêu biểu’ ở Hà Tĩnh khát khao nâng vị thế cho nghề điều dưỡng
Giảng viên Bá Chí Thanh luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng có chất lượng cao cho đất nước.
Trong 100 thầy cô nhận Giải thưởng “ Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ III, năm 2022 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thầy giáo Bá Chí Thanh, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh là 1 trong 6 nhà giáo trẻ của Hà Tĩnh xuất sắc được vinh danh.
Khát khao nâng tầm vị thế của nghề điều dưỡng trong xã hội
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cảm xúc của mình khi nhận được giải thưởng danh giá này, thầy Thanh cho biết, bản thân thầy vừa hạnh phúc, vừa bất ngờ.
Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” dành cho những nhà giáo từ 35 tuổi trở xuống. Năm nay thầy Thanh cũng vừa 35 tuổi. Hơn nữa, được trao đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nên với thầy Thanh, giải thưởng càng chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn.
Thầy giáo Bá Chí Thanh, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. (Ảnh: NVCC).
Sau khi tốt nghiệp ra trường, đứng giữa sự lựa chọn là vào Sở Y tế làm công tác điều dưỡng hoặc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thì một phần vì yêu thích nghề dạy học hơn, một phần vì mong muốn có cơ hội dùng khả năng của mình để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau nên thầy Thanh đã lựa chọn: trở thành giảng viên.
Theo thầy Thanh, ngành điều dưỡng còn khá mới, trước đây gọi là y tá nên chưa được xã hội ghi nhận nhiều. Do đó, thầy luôn mong muốn dùng tâm huyết, kỹ năng, kiến thức của mình để giúp các em học ngành này vững bước hơn khi ra trường làm việc và nâng tầm vị thế của nghề điều dưỡng trong cộng đồng.
Trước khi đạt được danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương Lần thứ III năm 2022 thì trong thời gian qua, thầy Thanh cũng đã đạt được một số thành tích nổi bật như: giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2017; giải Ba toàn tỉnh năm 2019 với dự án khởi nghiệp sáng tạo; hướng dẫn sinh viên lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc năm 2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học 2021-2022,…
Không những vậy, thầy Thanh luôn là một nhà giáo cố gắng không ngừng nghỉ để nâng cao chất lượng giảng dạy.
“Trước đây, tôi học chuyên ngành điều dưỡng của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tức là dự định làm nghề điều dưỡng, chứ không phải là nghề dạy học. Bước đầu khi giảng dạy tại trường, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng bồi dưỡng, trau dồi thêm các văn bằng chuyên môn sư phạm để có thể truyền đạt kiến thức tốt nhất cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, trong quá trình giảng dạy, tôi cũng học thêm Chuyên khoa 1 Điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế, và hiện tại tôi đang theo học thạc sĩ tại Trường Đại học Y tế công cộng.
Với vai trò vừa là giảng viên vừa là Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, tôi luôn đặt ra mục tiêu là: ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn thì còn cần phát triển mạnh phong trào đoàn cũng như là kênh kết nối các bạn sinh viên, để sau khi ra trường, các em dễ dàng tìm được việc làm, có công việc ổn định.
Video đang HOT
Thầy giáo Bá Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) luôn cố gắng giúp đỡ các em sinh viên có kết quả học tập tốt nhất (Ảnh: NVCC).
Mỗi sinh viên có những định hướng nghề nghiệp khác nhau, có bạn muốn làm việc trong nước nhưng có những bạn muốn đi xuất khẩu lao động, làm điều dưỡng tại nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản, Đức,…”, thầy Thanh nói.
Chia sẻ về công việc giảng dạy của mình, thầy Thanh cho rằng, điều làm thầy cảm thấy tự hào nhất là đã dìu dắt được các thế hệ sinh viên của trường vững chắc tay nghề, ra trường trở thành những cán bộ y tế vừa giàu y đức vừa giỏi về chuyên môn để giúp đỡ cho Nhân dân. Đặc biệt, gần như 100% các em sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh khi ra trường đều có việc làm với những kỹ năng, kiến thức cần thiết đã được trau dồi trong quá trình học tập. Từ bệnh viện công, bệnh viện tư đến các phòng khám đa khoa, các sinh viên của trường luôn thể hiện hết sức mình để cống hiến cho ngành y tế của nước nhà.
Tuy nhiên, theo thầy Thanh, ngành đào tạo điều dưỡng trong thời gian qua cũng gặp một số vấn đề khó khăn.
“Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ai cũng có thể nhìn thấy cán bộ y tế nói chung, cán bộ điều dưỡng nói riêng rất vất vả, phụ cấp thấp nên công việc, cuộc sống gặp khó khăn. Điều này đã dẫn đến việc nhiều đơn vị đào tạo ngành y tế năm nay tuyển sinh đang thiếu chỉ tiêu.
Đối với Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, trường đã xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp nhất để các em tập trung được nhiều thời gian vào việc học chuyên môn là chính.
Ngoài ra, hiện Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cũng có mở phòng khám đa khoa để các em có cơ hội được thực hành, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề ngay tại trường của mình”, thầy Thanh nói thêm.
Chia sẻ về những góp ý của mình trong việc đào tạo nhân lực ngành y hiện nay, thầy Thanh cho rằng, để thu hút được nhiều nguồn nhân lực cho ngành y tế nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng thì Nhà nước cũng nên có thêm chính sách đặc thù hơn cho ngành.
“Y tế là một ngành nghề đặc biệt về chăm sóc, điều trị, liên quan đến tính mạng của con người, ngoài lương cơ bản, thì phụ cấp độc hại về ngành y phải cao hơn những ngành khác để bù đắp được những công sức của họ.
Dẫu biết ngành y tế và ngành giáo dục trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn khiến xảy ra tình trạng một số lượng lớn cán bộ, nhân viên của hai ngành nghỉ việc, nhưng tôi tin rằng, Nhà nước dần dần sẽ có những chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ chân những người thầy (thầy giáo, thầy thuốc) luôn tâm huyết với nghề.
Vậy nên, tôi mong các thầy cô hãy luôn vững tâm, tự tin, có lòng yêu nghề, và tích cực trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nhiệm vụ của từng lĩnh vực, không chỉ giảng dạy về kiến thức mà còn giảng dạy cả về đạo đức, lối sống trong xã hội để xây dựng hình ảnh người giáo viên nhân dân tận tâm với công việc như Bác Hồ đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”", thầy Thanh nhấn mạnh.
Giáo viên, học sinh 'bội thực' với các phong trào chào mừng ngày 20/11
Việc 'bội thực' các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương làm gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh.
Ngày 20/11- ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, đây là thời điểm mà sở, phòng giáo dục, các trường học trên cả nước thường có những kế hoạch tổ chức các hội thi, phong trào nhằm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tổ chức quá nhiều các phong trào, hội thi trong cùng một thời điểm khiến cho giáo viên và học sinh quá tải. Đối với giáo viên, có người sẽ tham gia hội thi, tham gia làm giám khảo, có người phải tham gia cùng với học sinh lớp mình chủ nhiệm để chuẩn bị các phong trào mà trường phát động.
Nhiều em học sinh, nhất là những em nằm trong ban cán sự lớp cũng đuối sức khi phải phụ trách nhiều hoạt động, phong trào của lớp mình. Đó là chưa kể mỗi khi cô thầy tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ giao rất nhiều công việc cho học trò thực hiện.
Rất nhiều hội thi, phong trào được phát động, tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam(Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Cấp nào cũng muốn tạo điểm nhấn để chào mừng ngày 20/11
Như đã thành thông lệ, khi bước sang tháng 11, nhiều sở, phòng giáo dục, nhà trường thường lồng ghép một số hội thi để hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì thế, các hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi đều được đồng loạt tổ chức vào những tuần đầu của tháng.
Việc các cấp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng kéo theo sự vất vả của nhiều người liên quan. Giáo viên tham gia tất nhiên là phải chuẩn bị biện pháp cải tiến, chuẩn bị tiết thực hành cho tốt, nhất là đối với cấp huyện, cấp tỉnh.
Mặc dù hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh chỉ diễn ra 1 tiết thực hành trên lớp và vài chục phút báo cáo biện pháp cải tiến nhưng giáo viên tham gia và một số đồng nghiệp hỗ trợ phải tất bật chuẩn bị nhiều ngày mới có được sự thành công.
Bên cạnh đó, học sinh lớp nào được giáo viên lựa chọn dạy cũng vất vả không kém khi thầy cô giáo nhiệm vụ chuẩn bị các hoạt động trên lớp để đến ngày giáo viên dạy không có những hạn chế đáng tiếc xảy ra.
Một số thầy cô là ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn hay một số giáo viên đã có thành tích cũng được điều động tham gia làm giám khảo hội thi. Nhiều khi phải đi mấy chục cây số đến trường bạn để chấm 1 tiết thực hành giáo viên giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Những buổi phải đi như vậy, tất nhiên giáo viên phải sắp xếp công việc trường lớp, phải đổi tiết cho giáo viên khác dạy thay nên công việc dồn ứ lại. Nhất là giai đoạn này, các trường phổ thông đang bước vào ôn tập và tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I.
Ngoài các hội thi, các phong trào chuyên môn thì ngành giáo dục, các ngành khác tổ chức hội thao và cùng với đó các trường học cũng phải cử người vào đội tuyển để tập luyện, tham gia, đi cổ vũ cho trường.
Bên cạnh đó, các trường học thường tổ chức các tiết dạy tốt chào mừng 20/11. Tổ chức thi văn nghệ, làm báo tường và một số phong trào thể thao nên giáo viên chủ nhiệm và học sinh phải tất bật chuẩn bị, thực hiện.
Một số giáo viên không chủ nhiệm được điều động làm giám khảo chấm phong trào cũng phải bố trí thời gian để hoàn thành công việc được Ban giám hiệu phân công.
Một số thầy cô kiêm nhiệm công tác Đoàn- Đội, tổ trưởng chuyên môn còn phải lo hoàn thiện các loại kế hoạch, hồ sơ cho các hội thi, phong trào của trường để trình lãnh đạo nhà trường ký duyệt, xin kinh phí phát thưởng cho học trò.
Vì thế, gần như tháng 11 năm nào cũng khiến cho giáo viên, học sinh chạy đua cùng các phong trào theo các kế hoạch của sở, của phòng và Ban giám hiệu nhà trường triển khai nên rất áp lực và mệt mỏi.
Không nên tập trung quá nhiều phong trào trong cùng một thời điểm
Cho dù giáo viên, học sinh tham gia hội thi, phong trào nào đi chăng nữa thì hàng tuần giáo viên cũng phải dạy đủ số tiết theo định mức quy định của ngành. Học sinh vẫn phải học theo số tiết thời khóa biểu mà nhà trường phân công.
Trong khi, nhiều phong trào như tập dượt văn nghệ của các lớp thường phải chuẩn bị nhiều ngày mới ra sản phẩm.
Đối với những trường lớn thường thuê một số giáo viên về dạy nhảy, dạy múa, tập kịch nên mất rất nhiều thời gian mà thường tập vào cuối buổi học hoặc những ngày nghỉ cuối tuần nên học sinh gần như không được nghỉ ngơi.
Vì thế, cả thầy và trò đều phải sắp xếp thời gian để tham gia, tập luyện và tất nhiên học sinh phải đóng góp nhiều tiền cho mỗi tiết mục văn nghệ khi thuê giáo viên dạy và thuê trang phục biểu diễn.
Người Việt mình vốn trọng đạo lý, nghĩa tình nên việc thể hiện tình cảm, sự tri ân trong tháng 11 đối với những thầy cô giáo cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, không phải là các cấp của ngành giáo dục cũng dồn dập các hội thi, phong trào để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam vì nó gây ra sự quá tải cho cả thầy và trò ở các nhà trường.
Đối với ngành giáo dục ở các địa phương có 3 cấp quản lý là nhà trường, phòng và sở giáo dục thì cũng nên tổ chức luân phiên cho hợp lý. Cấp này tổ chức hội thi, phong trào này thì cấp khác lùi sang thời điểm khác.
Một năm có biết bao nhiêu ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn khác nhau, đâu nhất thiết cứ phải chào mừng ngày 20/11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam ở các nhà trường cũng nên đơn giản, không nhất thiết phải rình rang tổ chức giải thể thao, văn nghệ, báo tường cùng thời điểm- nhất là phong trào các lớp thi làm báo tường trong bối cảnh hiện nay thực ra đâu còn phù hợp mà năm nào cũng tổ chức.
Những bài thơ, những câu chuyện được học sinh chép trên mạng, kiểu hô khẩu hiệu nhạt nhẽo, không vần điệu được trình bày thành sản phẩm, sau đó trường chấm giải xong thì bỏ xó chứ bây giờ mấy giáo viên, học trò đọc những tờ báo tường như trước đây nữa.
Có lẽ, việc làm giản đơn nhất trong nhà trường ở tháng 11 là phát động những tiết học tốt, nói lời hay sẽ thiết thực hơn nhiều những việc làm vô bổ khác mà không phải tốn kinh phí của nhà trường và học sinh.
Ngày 20/11, chỉ cần giáo viên Âm nhạc lựa chọn một vài tiết mục văn nghệ giản đơn nhưng ý nghĩa là được. Sự tri ân thầy cô giáo không nhất thiết phải lôi kéo cả thầy và trò vào những phong trào hình thức, không mang tính thiết thực, hiệu quả nhưng lại rất tốn nhiều tiền bạc, công sức tập luyện, chuẩn bị.
Suy cho cùng, các hoạt động giáo dục trong trường học, trong đội ngũ nhà giáo là hướng tới chất lượng giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. Việc "bội thực" các phong trào, hội thi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam như một số địa phương, nhà trường đang làm chỉ gây nên sự quá tải, áp lực cho giáo viên và học sinh mà thôi.
Thời điểm này, học sinh đang rất cần dành nhiều thời gian cho việc ôn tập nhưng phải lao vào vòng xoáy phong trào của trường, rồi các thầy cô thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì làm sao các em có sự chuẩn bị tốt nhất để có thể tập trung cho việc kiểm tra giữa học kỳ I được hiệu quả nhất?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nữ tiến sĩ giành giải thưởng Quả Cầu Vàng 2022 khát khao thành nhà giáo từ nhỏ TS.Trần Thị Như Hoa luôn khát khao mang những công nghệ mới chất lượng nhất về Việt Nam giảng dạy và phát triển nền khoa học nước nhà. Với niềm đam mê, cống hiến những nghiên cứu khoa học, truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ của đất nước, Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, giảng viên Bộ môn Vật liệu Từ...