Nhà giáo 34 năm miệt mài dạy chữ, rèn người
Năm học 2022 – 2023, cô Vũ Thị Nhưng – Trường THCS Hà Bắc ( Hà Trung, Thanh Hóa) có 34 năm gắn bó với nghề.
Cô Vũ Thị Nhưng và học sinh Trường THCS Hà Bắc.
Trước khi rời xa bảng đen, phấn trắng, nữ nhà giáo vẫn miệt mài truyền lửa đam mê cho học trò.
Niềm vui trước ngày xa bục giảng
Năm học 2022 – 2023 là tròn 34 năm, cô giáo Vũ Thị Nhưng gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Đặc biệt, năm học này, nữ nhà giáo xứ Thanh còn đón nhận niềm vui khi tác phẩm “Người lái đò thầm lặng” mà mình là nhân vật chính đã đoạt giải Nhì, trong cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022 tại Thanh Hóa.
“Với tôi, đây là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa mà học trò đã dành cho mình. Cảm ơn các em đã lan tỏa truyền thống tôn sư trọng đạo giúp tôi thêm yêu và nhiệt huyết hơn nữa với nghề dạy học trước khi nghỉ hưu”, cô Nhưng bộc bạch.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức) năm 1989, cô Nhưng về giảng dạy tại Trường cấp 1-2 Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Sau một năm giảng dạy, nữ giáo viên chuyển công tác về Trường cấp 2 Hà Tiến (huyện Hà Trung).
Nhà ở xa trường gần chục km, song ngày nào cô Nhưng cũng đều đặn đến trường trên chiếc xe đạp cũ. “Hồi ấy, chồng tôi công tác xa nhà, con đầu lòng mới lên 5 tuổi, nên ngày nào tôi cũng mang con theo. Vào những ngày mưa bão, đường đất lầy lội, hai mẹ con phải hì hục đẩy xe cả đoạn đường dài”, cô Nhưng bùi ngùi nhớ lại.
Năm 1998, cô Nhưng xin chuyển công tác về Trường THCS Hà Bắc để tiện bề chăm sóc con nhỏ. Những ngày đầu về công tác, nữ giáo viên không khỏi xúc động bởi cơ sở vật chất của nhà trường khi ấy rất đơn sơ, cũ kỹ. Học sinh (HS) chủ yếu là con em gia đình thuần nông, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, việc học hành chưa được gia đình quan tâm, chú trọng.
Ngoài giảng dạy chuyên môn, cô Nhưng còn kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, ôn thi đội tuyển HS giỏi. Nhờ vậy, nữ giáo viên có dịp sát sao, tìm hiểu hoàn cảnh, sở trường của từng học trò. Từ đó, có phương pháp giảng dạy phù hợp, đồng thời khơi dậy đam mê, hứng thú học tập cho các em.
Video đang HOT
“Quá trình giảng dạy, tôi luôn quan tâm đến vấn đề của từng HS để có cách hướng dẫn, giao bài và kiểm tra phù hợp. Với HS đội tuyển, tôi thường đưa những câu hỏi nâng cao để nắm bắt độ nhanh nhạy của các em. Đặc biệt, tôi luôn hướng các em đến sự trung thực khi làm bài…”, cô Nhưng chia sẻ.
Bằng sự tận tâm, sát sao với học trò, cô Nhưng không khỏi vui mừng khi năm nào “cầm” đội tuyển ôn thi HS giỏi đều có HS đoạt giải. Với thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nữ giáo viên nhiều năm vinh dự nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhà giáo Vũ Thị Nhưng – giảng dạy môn Toán, Trường THCS Hà Bắc (Hà Trung, Thanh Hóa).
Không chỉ dạy chữ, mà còn “rèn” người
Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề “chèo đò”, nhà giáo Vũ Thị Nhưng luôn tâm niệm: Nghề giáo không chỉ dạy chữ, mà còn “rèn” người, giúp các em hoàn thiện cả về tri thức lẫn nhân cách tốt. Nhiều HS đã thay đổi tâm tính nhờ sự động viên và “cảm hóa” kịp thời của cô.
“Cách đây nhiều năm, có một cậu học trò khiến tôi nhớ mãi. Hồi cấp 2, em học rất tốt, đặc biệt là môn Toán. Thế nhưng sau này không hiểu vì lý do gì, em không còn chú trọng việc học mà sa đà vào thuốc lá.
Sau khi hỏi han nắm bắt sự tình, tôi vội vàng đến nhà em vào buổi trưa muộn. Thấy tôi ngồi đợi ngoài cổng, em đã òa khóc. Khi ấy, tôi đã động viên, phân tích cho em. Sau này, em dần thay đổi và thi đỗ vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Hiện, em có cuộc sống ổn định và sung túc khiến tôi thấy ấm lòng”, cô Nhưng niềm nở chia sẻ.
Không chỉ khích lệ học trò, nhà giáo xứ Thanh còn giúp HS thay đổi những thói quen rất nhỏ trong cuộc sống. Từ cách chỉnh đốn trang phục khi vào lớp hay những lần giúp trò bẻ cổ áo lại cho gọn gàng…
Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô Nhưng còn trích tiền lương mua tặng sách vở, quần áo. Đôi khi nữ giáo viên còn hỗ trợ học trò một phần thuốc thang để các em chữa bệnh cho người thân.
“So với nhiều ngành nghề khác, nghề dạy học có thể nói là không giàu được. Tuy nhiên, đã lựa chọn thì sẽ thủy chung và nhiệt huyết với nghề. Đặc biệt, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể đào tạo ra những thế hệ học trò trưởng thành. Có những em tiếp nối nghề, trong khi những em khác lại trở thành bác sĩ hay doanh nhân… với tôi điều đó thực sự ý nghĩa”, cô Nhưng bộc bạch.
Theo kế hoạch, nhà giáo Vũ Thị Nhưng sẽ nghỉ hưu khi năm học 2023 – 2024 khép lại. Nghĩ tới lúc phải xa bảng đen, phấn trắng, nữ giáo viên không khỏi bùi ngùi.
“Còn gần một năm gắn bó, tôi luôn nhắn nhủ bản thân sẽ cố gắng hết mình, thương yêu học trò như con để những “chuyến đò” còn lại cập bến thành công”, cô Nhưng xúc động nói.
Chia sẻ về người cô kính mến, em Tống Huy Thảo (lớp 9A) hồ hởi: “Em thật may mắn khi được học với cô từ năm lớp 6 cho đến bây giờ. Trong cảm nhận của mình, cô là nhà giáo mẫu mực, luôn sát sao và tận tâm với học trò. Đặc biệt, cô đã truyền cảm hứng và tình yêu với môn học cho chúng em, giúp em từ một HS rất ghét Toán đã bắt đầu gặt hái được điểm cao ở môn học này. Hiện, em tham gia đội tuyển ôn thi HS giỏi cấp tỉnh môn Toán nữa”.
“Tôi và nhà giáo Vũ Thị Nhưng có thời gian công tác cùng nhau hơn 20 năm. Cô Nhưng là tấm gương nhà giáo mẫu mực, nhiệt tình trong công việc. Mặc dù, đã gần đến tuổi nghỉ hưu, song cô vẫn nhiệt huyết với nghề. Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Nhưng rất nhiệt tình, thậm chí vào ngày nghỉ cuối tuần, cô vẫn tranh thủ đến trường dạy các em. Thành tích ôn thi vào lớp 10 THPT những năm qua của cô Nhưng đều nằm trong top 10 của huyện”, cô Vũ Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Bắc chia sẻ.
Nghe lớp học thông minh 'kể chuyện'
Tạm gác lại bảng đen, phấn trắng, thay vào đó là các bài giảng được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số.
Cánh cửa lớp học thông minh, phòng học thông minh mở ra, giáo viên và học sinh tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động...
Lớp học thông minh với thầy và trò lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung).
Tiết học của cảm xúc...
Gần 2 tháng nay, hơn 70 học sinh lớp 6 ở Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) đã được tiếp cận với lớp học 4.0. Không gian lớp học tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học và được kết nối các thiết bị như máy vi tính, màn hình tương tác... Máy tính được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn...
Những tiết học diễn ra sôi nổi hơn nhờ lớp học thông minh này. "Tất cả chúng em đều bị cuốn hút bởi các yếu tố công nghệ thông minh đó là hình ảnh, đồ thị, video..., qua đó sẽ nắm bắt các khái niệm nhanh chóng hơn", em Hoàng Ngọc Anh, học sinh lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt phấn chấn cho biết.
Giờ Sinh học ở lớp 6B hôm nay có bài: "Từ tế bào đến cơ thể sinh vật". Bài giảng sử dụng video. Khi học sinh quan sát video này, sẽ trả lời cho giáo viên hoặc làm nhiệm vụ ghi chép lại các đối tượng sinh vật xem có những hoạt động sống nào. Bài giảng sinh động, cắt ghép các vấn đề, học sinh quan sát xong sẽ đưa ra được những câu trả lời nhanh. Thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, giáo viên môn Sinh học cho biết thêm: "Bài giảng có sự tương tác bằng bút cảm ứng sẽ thực hiện các lệnh rõ hơn. Ví dụ, so sánh giữa tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ, muốn học sinh quan sát rõ, giáo viên có thể sử dụng bút cảm ứng tô các nội dung, chú thích trên kênh hình một cách trực quan giúp học sinh dễ hiểu. Điều này, nếu chỉ dùng máy chiếu như trước đây sẽ không làm được".
Theo giáo viên dạy môn Địa lý của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, ở lớp học thông minh, do có tính trực quan nên học sinh tiếp thu bài tốt hơn đồng thời rèn các kỹ năng thực tế hiệu quả hơn. Chị nói: "Ví dụ như bài "Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời", khi chưa có lớp học thông minh, bài giảng sử dụng bằng tranh ảnh, mô hình như quả địa cầu. Còn bây giờ bài giảng đã được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số với hình ảnh trực quan, học sinh thấy được sự chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất, rất sinh động, thực tế...".
Hiện nay, cùng với lớp học thông minh thì mô hình phòng học thông minh cũng đã được xây dựng. Ngoài máy vi tính, màn hình tương tác, phòng học thông minh có thêm bục giảng thông minh, máy chiếu vật thể, camera trực... Mô hình là giải pháp cho phép tăng cường khả năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh qua việc dạy nhóm, học nhóm, thảo luận nhóm thông qua phần mềm quản lý lớp học.
Trường TH&THCS Đông Thịnh, một trong 9 trường của huyện Đông Sơn đã xây dựng mô hình phòng học thông minh từ năm học 2021-2022. Một năm học qua đi, câu chuyện về phòng học thông minh đối với cô và trò ở ngôi trường này vẫn là một "đề tài" được nhắc đến nhiều nhất với hiệu ứng tích cực. Bởi, nếu so sánh giữa bài giảng theo giáo án điện tử power point và bài giảng ứng dụng công nghệ 4.0 thì bài giảng 4.0 có nhiều thuận lợi hơn cho việc dạy và học. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường TH&THCS Đông Thịnh thì: "Học sinh rất thích học, mỗi tiết học đều để lại ấn tượng tốt, có cảm xúc với các em. Phòng học thông minh không dùng phấn mà là bút cảm ứng, rất nhiều tiện lợi cho cả cô và trò. Đối với bài tập của học sinh, cô giáo dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập đó ra ngoài màn chiếu. Như vậy tất cả học sinh trong lớp đều thấy ưu, khuyết điểm để cùng rút kinh nghiệm. Hoặc đối với bài trắc nghiệm, khi cô giáo đưa ra các đáp án thì ở dưới các em có thiết bị bấm lựa chọn...".
Chung tay xây dựng mô hình
Xây dựng lớp học thông minh, phòng học thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đồng thời gắn với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiều lớp học và phòng học thông minh, nhiều địa phương chưa xây dựng được mô hình này. Khó khăn bắt đầu từ câu chuyện kinh phí.
Để xây dựng một lớp học thông minh cần khoảng 35 - 40 triệu đồng, một phòng học thông minh lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu không thực hiện công tác xã hội hóa thì mô hình khó được xây dựng.
Năm học 2022-2023, Trường THCS Lý Thường Kiệt, trường đầu tiên của huyện Hà Trung đưa vào sử dụng 2 lớp học thông minh ở khối 6 với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Nói về điều này, thầy giáo Nguyễn Danh Hoàng, hiệu trưởng nhà trường vẫn còn phấn chấn bởi trong điều kiện một số khoản thu của năm học mới tăng thì việc được phụ huynh chấp thuận phương án, đây là một sự ủng hộ lớn. Thầy hiệu trưởng cho hay: "Ngoài sự đóng góp của phụ huynh, nhà trường còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là điều bất ngờ. Thực tế, khi chúng tôi đi tham khảo, rất thích mô hình nhưng cũng nhiều băn khoăn vì với kinh phí đầu tư khá lớn như thế không biết có làm được không...".
Dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập ra ngoài máy chiếu (tiết học Tiếng Việt của lớp 2A tại phòng học thông minh, Trường TH&THCS Đông Thịnh).
Tại huyện Đông Sơn, mô hình phòng học thông minh ra đời không dựa vào công tác xã hội hóa. Trong năm học 2021-2022, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng chương trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào các trường học. Theo đó, với số kinh phí gần 3 tỷ đồng đã lắp đặt được 9 phòng học thông minh ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn, cho biết: "Sau khi đánh giá nghiệm thu hiệu quả các hoạt động dạy và học từ các phòng học 4.0, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho 26 phòng học còn lại của 26 trường với mục tiêu 100% các trường học, mỗi trường có 1 phòng học thông minh".
Với tính năng vượt trội, phòng học thông minh, lớp học thông minh hướng người dạy và người học được tiếp xúc trực tiếp trong môi trường giáo dục của thời đại công nghệ thông tin 4.0. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp mới, tuy nhiên, từ những phòng học thông minh, lớp học thông minh này đã mở ra một "chân trời mới" mà ở đó góp phần rút ngắn khoảng cách thời gian giảng dạy của giáo viên nhưng vẫn đảm bảo được nội dung, lượng kiến thức truyền đạt nhiều hơn cho học sinh.
Cô hiệu phó 33 năm nhiệt huyết với phấn trắng bảng đen 33 năm công tác, cô Đào Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng luôn nhiệt huyết đam mê với nghề cầm phấn. Cô Hoa (áo Hồng) luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh và cống hiến hết mình vì tập thể Nhà trường. Đam mê Vào nghề từ năm 1989, đến nay đã...