Nguyễn Thiếp – nhà sư phạm quyết tâm cải cách giáo dục
La Sơn phu tử giúp nhà Tây Sơn cải cách với quan niệm “ giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính, thiên hạ trị”.
Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 trong gia đình có truyền thống hiếu học tại làng Mật Thôn, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là Đức Thọ, Hà Tĩnh). Bố ông là Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch. Mẹ người họ Nguyễn, con của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.
Từ bị di chứng tâm thần đến đỗ Hương giải
Giống như Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp cũng được hấp thu vốn văn hóa đầu tiên từ mẹ. Ông ham học từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành phải xa nhà, theo chú lên Thái Nguyên học. Nhưng chỉ được hai năm, người chú mất, Nguyễn Thiếp phải tự tìm đường về Hà Nội. Đến Đông Anh thì ông ốm nặng, may có người giúp đỡ nên thoát chết nhưng lại mắc di chứng tâm thần.
Theo lời Nguyễn Thiếp kể trong Hạnh Am ký, khi bệnh phát, đầu óc ông hoang mang, không biết làm gì cả. “Chứng bệnh này, với người ham học như ông, quả là một tai họa ghê gớm”, tác giả Trần Lê Sáng viết trong cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp – ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam.
Dù bị chứng tâm thần, Nguyễn Thiếp vẫn tự đấu tranh tư tưởng, kiềm chế được bệnh và chủ động trong vấn đề học tập. Năm 1743, ông thi đỗ Hương giải. Việc học ngày xưa, khâu đầu tiên tất chú trọng chữ nghĩa, học thuộc lòng “thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” để đi thi, nghĩa là phải thuộc một nghìn bài thơ, một trăm bài phú, năm mươi bài văn sách. Đầu óc dành cho sự học thuộc lòng, học sâu, học tinh, suy rộng ấy không mấy ai đủ sức.
Nguyễn Thiếp đi học rồi “thoắt đậu Hương giải” cho thấy ông học thuộc lòng giỏi, nhưng chủ trương không dừng lại ở học thuộc lòng mà phải phát huy vốn kiến thức đó theo chiều sâu rộng. Trong bài thơ Sơn cư tác, ông viết “Học đừng vụn vặt, nên suy rộng/ Sách chẳng cần nhiều, cốt tinh hay”.
Bởi đặt hướng học tập như vậy, Nguyễn Thiếp sớm quan tâm đến việc lý giải xã hội, lưu ý các vấn đề kinh tế, địa lý, văn học, sử học và đặc biệt với triết học. Ông cũng lưu ý đến vấn đề tính, lý, lý số; am hiểu cả binh thư, binh pháp, thông hiểu thời thế và đoán trước được một số sự kiện có tích chất thời sự.
Tranh minh họa.
Dạy học khắp nơi, được vua tin cậy
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thi đỗ giải Hương khi Đàng Ngoài rối loạn, phong trào nông dân bùng lên như bão táp, tập đoàn thống trị Lê – Trịnh ngày càng thối nát, Nguyễn Thiếp đã bỏ về nhà làm ruộng, dạy học và đi đây đó khắp núi Hồng, sông Lam.
Việc dạy học của thầy giáo trẻ Nguyễn Thiếp khi đó như thế nào không ai rõ, nhưng ông không mở trường lớp cố định và đi đến đâu cũng được kính trọng, được mọi người coi là bậc thầy về mặt đạo đức.
Video đang HOT
Theo cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp – ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, có gia đình bất hòa nghe ông khuyên mà trở lại hòa thuận, có người già hiếu sắc nghe ông giảng giải mà trở nên đứng đắn. Có lẽ, những việc làm đó là những cống hiến ban đầu của nhà sư phạm Nguyễn Thiếp.
Qua hơn 10 năm dạy học trong dân dã, uy tín của Nguyễn Thiếp được lưu truyền. Đến năm 1756, ông được triều đình mời ra làm chức Huấn đạo phủ Anh Đô (Đô Lương và Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Lúc ấy, ông 34 tuổi.
Sau 13 năm giữ chức quan nhỏ, năm 1768, Nguyễn Thiếp từ chức, trở về lập trạ Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn, Nghệ An) để dạy học. Học trò xứ Nghệ tôn gọi ông là Lục Niên phu tử. Theo sách Lê mạt tiết nghĩa lục thì “Cách dạy học của ông, trước học sách Tiểu học để bồi đắp lấy gốc, sau học Kinh, Truyện để biết ngọn ngành. Học trò theo học đều thấm thía đạo nghĩa ông giảng. Họ đem về giảng lại cho làng xóm, luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng”.
Năm 1780, chúa Trịnh Sâm mời ông ra Thăng Long. Gia phả họ Nguyễn ghi rõ ý định của Trịnh Sâm bấy giờ là lật đổ nhà Lê, nhưng ông cương quyết can ngăn. Sau lần đó, Nguyễn Thiếp đã 60 tuổi, trở về trường cũ trong núi sâu và tiếp tục dạy học, nghiên cứu học thuật.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, giữa năm 1786, Nguyễn Huệ dẫn đại quân ra Thăng Long, đánh đổ tập đoàn thống trị họ Trịnh, tác động mạnh đến Nguyễn Thiếp. Tháng 4/1788, Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ hai, qua Nghệ An, gặp Nguyễn Thiếp ở Phù Thạch. Nguyễn Thiếp nhận giúp Nuyễn Huệ tổ chức xây dựng thành Phượng hoàng trung đô.
Cuối năm 1788, 290.000 quân Thanh xâm lược đất nước. Nguyễn Huệ, khi đó là vua Quang Trung lại kéo đại quân ra Bắc. Khi dừng chân ở Nghệ An, Quang Trung mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi mưu kế đánh giặc. Nguyễn Thiếp khẳng định “Chúa công đi chuyến này không quá 10 ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan”.
Cải cách giáo dục cho nhà Tây Sơn
Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật và đặc biệt giao hẳn cho ông việc tổ chức nền giáo dục mới. Vua Quang Trung rất quý trọng học vấn và tư cách của Nguyễn Thiếp nên phong ông là La Sơn phu tử, gọi là Tiên sinh chứ không gọi tên.
Năm 1791, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp viết tấu lên vua trả lời ba việc về đạo làm vua. Một là vua phải làm thế nào để thực hiện một ông vua có đức. Hai là vua phải làm thế nào để lòng dân quy thuận. Ba là việc giáo dục phải tổ chức thế nào cho có hiệu quả.
Theo Nguyễn Thiếp, việc học cần ở chỗ thiết thực. “Người không học, không biết đạo”, ông cho rằng kẻ đi học chỉ để học điều ấy.
Nguyễn Thiếp cũng cho rằng sự học thời Lê – Trịnh không còn giữ được điều cơ bản trên, “người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương, ngũ thường”, từ đó dẫn đến tình trạng “chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong”. Mọi tệ nạn xã hội đều từ đường hướng giáo dục không thiết thực.
Nguyễn Thiếp cũng đề nghị mở rộng ngành sư phạm ra toàn diện, học bao gồm cả học văn và học võ. Về cách dạy, ông vẫn lấy tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng dạy tứ thư, ngũ kinh, các bộ sử. “Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm. Làm như vậy họa may mới đào tạo được nhân tài, đất nước nhờ đó mà vững yên… Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị”.
Thời đó, vua Quang Trung muốn mời La Sơn phu tử ở lại Phú Xuân dạy học cho chính mình và khuếch trương nền giáo dục của đất nước nhưng Nguyễn Thiếp đã về trường cũ, tiếp tục hàng loạt cải cách giáo dục theo sự gợi ý của vua.
Khi vua Quang Trung thành lập Viện Sùng chính ở nơi ở của Nguyễn Thiếp, vua đã mời ông làm Viện trưởng với nhiệm vụ biên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm, thực hiện cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Tác giả Trần Lê Sáng viết việc phiên dịch của Nguyễn Thiếp một mặt giúp vua Quang Trung có tài liệu để chuẩn bị quyết định quy chế mới về học tập và thi cử – đưa chữ Nôm vào chương trình học và thi; mặt khác để chuẩn bị các sách giáo khoa bằng tiếng Việt nhằm tiến hành quy chế giáo dục mới.
Bởi vua Quang Trung mất quá sớm (tháng 9/1792), mọi lo toan cho sự nghiệp giáo dục mới của nhà vua bỗng đứt quãng; mọi cố gắng của La Sơn Phu tử cũng thành dang dở. Đầu năm 1802, khi triều Tây Sơn bị lật đổ, Nguyết Thiếp trở lại trại Bùi Phong. Ông mất năm 1804, thọ 81 tuổi.
Khi ông mất, giới sĩ phu và nhân dân hiếu học vô cùng thương tiếc vì ông đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà mà chí chưa thành, việc chưa trọn. Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác từ lâu đã có đường phố, trường học mang tên nhà sư phạm này.
Dương Tâm
Theo VNE
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan: Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức
Chủ trì hội thảo "Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn" được tổ chức ngày 30/10 tại Trường ĐH Mở TPHCM, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đào tạo, đi học chỉ để có bằng mà không coi trọng năng lực.
Kinh tế tri thức tụt hậu khá xa
Hội thảo này do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức, có sự tham dự của đại diện 25 trường đại học trên cả nước cùng các nhà quản lý, nghiên cứu giáo dục.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội thảo "Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn"
Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định nhân dân ta có truyền thống hiếu học, lại thông minh, sáng tạo và cần cù. Những tố chất quý báu đó không ngừng được nuôi dưỡng, phát huy và đã giúp đất nước phát triển không ngừng nhờ truyền thống tốt đẹp đó.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của nước ta và của nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội đang phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ (KHCN) hiện nay, và điều đó đang đe dọa phá vỡ nhiều kế hoạch trong chiến lược phát triển, trong đó có thị trường lao động. Nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục thì điều này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta nghĩ.
Bà Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đào tạo, đi học chỉ để có bằng mà không coi trọng năng lực
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết hiện nay trong khi các nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức do học tập, sáng tạo, nghiên cứu mà có. Phần lớn các thành tựu họ đạt được đều dựa trên sự hiểu biết và do nắm bắt nhanh chóng các thành tựu của KHCN hiện đại thì Việt Nam chúng ta, mặc dù đã có nhiều chủ trương phát triển đất nước phải dựa vào kinh tế tri thức, coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chính phủ có nhiều giải pháp triển khai chủ trương trên nhưng kinh tế tri thức vẫn chưa phát triển, sự hiểu biết đủ để vận dụng thành tựu KHCN hiện đại vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước, thậm chí có nước cách đây vài chục năm họ còn thua kém ta. Chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên đến cạn kiệt trong một thời gian dài như vậy. Việt Nam đã tụt hậu nhiều so với nhiều nước, tuy kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng còn thiếu bền vững. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước phát triển.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn phát triển về KHCN và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có 2 yếu tố: Một hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường đại học cung cấp. Nhiệm vụ thật nặng nề nhưng thật vinh quang vì như vậy sự phát triển bền vững của đất nước lại do hệ thống giáo dục đại học quyết định.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cho rằng trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học. Theo ông Độ, cần tính tới việc không hạn chế đầu vào và không định hướng văn bằng. Mục đích chính khi đi học của người lớn là phục vụ chất lượng công việc tốt hơn chứ không phải văn bằng đơn thuần.
Giải pháp vĩ mô là xóa bệnh thành tích trong giáo dục
Kết luận hội thảo, GS. TS Nguyễn Thị Doan cũng nêu lên các giải pháp mà các đại biểu đóng góp, trong đó phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập của người lớn ở tất cả các cấp, ngành mà trước tiên là người đứng đầu. Phải thay đổi nhận thức để tăng cường đầu tư việc học tập cho người lớn nhiều hơn. Đặc biệt, tạo cơ chế và luật hoá thông qua việc sửa đổi luật Giáo dục. Theo bà Doan, tuy luật từ lâu đã đưa vào vấn đề giáo dục thường xuyên nhưng chưa đậm nét, đặc biệt là giáo dục người lớn. Chưa quy định trách nhiệm của người lớn đối với việc học tập là chưa được. Trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc giáo dục cho người lớn là như thế nào? Quyền lợi người học sẽ phải ra sao?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cho rằng trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học
Bà Doan cũng cho rằng cần phải xem lại nội dung "trách nhiệm UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các trường ĐH trên địa bàn". "Họ chỉ có thể giao nhiệm vụ cho những trường mà họ thành lập, còn những trường do Bộ thành lập thì không giao được. Trong khi đây mới chính là nơi đào tạo nhân lực cho cả đất nước".
Đồng thời, theo bà Doan, "cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về việc học tập của người lớn cho toàn xã hội thấy tầm quan trọng. Người lớn ở đây chính là những người lãnh đạo đất nước hiện nay, là những người đề ra chủ trương, chính sách và xây dựng luật pháp hiện nay, là những người triển khai luật pháp hiện nay. Nếu người lớn không học, không có trình độ thì đất nước đi xuống là tất yếu".
Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học cho rằng "cần có giải pháp huy động đội ngũ tri thức, các chuyên gia, các nghệ nhân, những người về hưu đầy kinh nghiệm trong các lĩnh vực, các người tài phục vụ cho việc học tập của người lớn. Đặc biệt, trong các giải pháp cần phải tuyển chọn cho bộ máy lãnh đạo các cấp những người thực tài, có tri thức và tạo động lực cho người học chứ không chỉ dựa trên bằng cấp. Hiện nay chúng ta đang nặng về bằng cấp trong tuyển chọn, không khéo thì lại kích thích người lớn đi học vì bằng cấp, muốn đầy ắp bằng cấp, chứng chỉ để được quy hoạch vào các vị trí. Đây là vấn đề rất khó trong thay đổi tư duy, phải kết hợp giữa thực tế và những đòi hỏi của xã hội để dần dần thay đổi tư duy về việc này. Học vẫn cần có bằng nhưng chỉ trọng bằng cấp mà không chú trọng năng lực thì sẽ làm méo mó người cán bộ".
Tiếp ý này, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đào tạo, đi học chỉ để có bằng mà không coi trọng năng lực. Vừa rồi tôi có đi một số trường ở Hà Nội và lắng nghe được chuyện sắp đến kỳ thi thì cô giáo đưa cho học sinh 10 đề văn, 10 đề toán về học thuộc. Sau đó, khi ra đề thì sẽ trúng một trong những đề toán, văn đó. Vậy thì nếu em nào không đi học thêm sẽ bị điểm kém. Tôi đã phản ánh ngay cho lãnh đạo Sở GD-ĐT về thực trạng này ở một số trường cũng tương đối ở Hà Nội. Bệnh thành tích trong giáo dục bao giờ khắc phục được thì trách nhiệm phải do các thầy cô trong lĩnh vực giáo dục. Khắc phục bệnh thành tích chính là giải pháp vĩ mô".
Lê Phương
Theo Dân trí
Chính sách giáo dục miễn phí của Đan Mạch khiến nhiều SV "lười" tốt nghiệp Là một trong số ít các quốc gia miễn học phí cho sinh viên đại học, Đan Mạch đã giải phóng cho sinh viên khỏi áp lực tài chính nhưng lại gây ra tình trạng "sinh viên lười tốt nghiệp". Một số người Đan Mạch, đặc biệt là các công dân lớn tuổi trong lực lượng lao động, cho rằng sự miễn phí...