Nguy hiểm từ những bệnh tâm lý thường gặp hiện nay
Hầu hết chúng ta đều nghĩ bệnh tâm lý là những vấn đề trầm trọng về thần kinh, do yếu tố bẩm sinh tạo thành. Thế nhưng, môi trường hiện nay thay đổi, những áp lực trong công việc và học tập, những mối quan hệ xã hội… đều có thể là lý do khiến những bệnh tâm lý như: Trầm cảm, rối loạn nhân cách, chứng lo âu xã hội… phát triển và ngày càng phổ biến ở nhiều đối tượng.
Theo thống kê, đa phần bệnh nhân đều tự đối phó với chứng bệnh mà không cần tới sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý. Điều đó đã dẫn tới một hệ lụy nguy hiểm là cuộc sống của người bệnh trở lên khép mình và bế tắc hơn.
Rối loạn lo âu xã hội – Social Anxiety Disorder (SAD)
Những đặc điểm nổi bật của chứng SAD bao gồm: Nỗi sợ hãi dai dẳng về xã hội và các mối giao tiếp thường ngày, hoặc nỗi sợ hãi về những tình huống mà mình sẽ bị mất mặt.
Người bị chứng SAD khi bị bắt phải giao tiếp hay tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tương tác giữa những thành viên thì ngay lập tức sẽ bị kích động dẫn đến hoảng loạn, cơ thể sẽ có những phản ứng tương tự như bệnh đột quỵ ở người cao tuổi: Với hơi thở ngắn, tim đập nhanh và khó thở.
Bởi thế, những người mắc chứng SAD thường thu mình vào một góc, lựa chọn một “ốc đảo” để lui tới với mong muốn không ai chú ý tới mình.
Hội chứng SAD khiến người bệnh cảm thấy lo sợ nếu ai chú ý tới bản thân
Thế nhưng, không phải bất kỳ nỗi sợ nào khi phải giao tiếp với người khác cũng được coi là chứng rối loạn lo âu xã hội. Ví dụ, một người sợ phải phát biểu trước công chúng sẽ không được coi là mắc chứng SAD nếu nỗi sợ hãi của anh ta không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày hay công việc, học tập. Hơn nữa, anh ta cũng không quá lo lắng về tình huống của mình.
Thông thường cảm xúc của người mắc bệnh SAD sẽ bị đẩy lên một cách “thái quá” dù họ không cố tình làm thế. Điều đó, khiến người bệnh cảm giác mệt mỏi vì phải tránh né hay gồng mình quá sức.
Căn bệnh này xuất hiện nhiều ở những người làm văn phòng, học sinh, sinh viên,… buộc phải tiếp xúc với môi trường cần sự phối hợp cao. Nhiều trường hợp không chịu nổi áp lực đã lựa chọn phương thức tự tử.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế – Obsessive Compulsive Disorder (OCD)
OCD là một chứng rối loạn lo âu dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính cưỡng chế, lặp đi lặp lại. Những hành động như vậy giúp người mắc bệnh kiểm soát và giảm bớt những nỗi sợ gây ra bởi những ý nghĩ ám ảnh.
Bệnh nhân OCD sắp xếp lại kẹo theo màu sắc
Nỗi ám ảnh thường gặp nhất ở căn bệnh này là: Sợ nhiễm khuẩn từ đất bụi, vi trùng hoặc dầu mỡ, dẫn tới thói quen tắm rửa cưỡng chế. Một số những ám ảnh khác bao gồm bạo lực, ngăn nắp, bệnh tật, tình dục, sự cân đối và tôn giáo.
Khoảng 70% bệnh nhân OCD vừa có những ám ảnh vừa có những hành vi cưỡng chế, số bệnh nhân chỉ có những ý nghĩ ám ảnh chiếm khoảng 25% còn trường hợp chỉ có hành vi cưỡng chế không đi kèm suy nghĩ tương đối hiếm.
OCD vốn được coi là căn bệnh hiếm, nhưng, nghiên cứu cộng đồng của Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia của Mỹ chỉ ra số người mắc hội chứng này lên đến 2% dân số. Trong đó, phụ nữ chiếm số lượng nhiều hơn nam giới.
Căn bệnh OCD có thể hạn chế cuộc sống của người bệnh, đặc biệt với những người đã lập gia đình hay buộc phải tham gia những công việc lao động cộng đồng.
Bệnh nhân OCD dễ bị “bỏ rơi” bởi mọi người coi sự ngăn nắp, sạch sẽ một cách “thái quá” của họ là lập dị. Bởi thế, theo thống kê có 2/3 bệnh nhân OCD bị trầm cảm nặng trong suốt cuộc đời mình.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình – Body Dysmorphic Disorder (BDD)
Video đang HOT
BDD là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể mình (chủ yếu là khuôn mặt), thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại. Căn bệnh này được họa sĩ Toby Allen phác họa: “BDD như một bậc thầy lừa đảo thích hợp tác với ba quái vật là OCD, Lo Âu và Chán ăn để khuyếch đại ảnh hưởng của mình.”
Họa sĩ Toby Allen với serier “Quái vật thực sự” phác họa căn bệnh BDD – một con quái vật có cánh là những mảng gương méo mó, phản chiếu những điều dối trá.
BDD làm suy giảm chức năng xã hội, ảnh hưởng tới công việc và ở một số trường hợp nặng sẽ dẫn tới tình trạng tự cách ly bản thân với xã hội.
Ngày nay, BDD càng trở lên phổ biến hơn khi xã hội coi cái đẹp là chuẩn mực, là lợi thế cho nhiều vấn đề.
Bởi vậy, giải pháp mà nhiều bệnh nhân BDD thường nghĩ tới chính là phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng để chi trả cho những ca phẫu thuật đắt đỏ, nhiều bệnh nhân BDD trẻ tuổi lựa chọn đe dọa cha mẹ mình, trốn học, ăn cắp tiền… Tồi tệ hơn, khi không thỏa mãn được ước nguyện, họ sẵn sàng lựa chọn con đường tự sát.
Nhân vật có tầm ảnh hưởng như “Ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson cũng là một trong số những nạn nhân của BDD. Ông trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ chỉ bởi ám ảnh về gương mặt và màu da của mình.
Trầm cảm ( Major Depressive Disorder)
“Trầm cảm không phải là bạn thấy buồn vì mọi thứ không theo ý mình, mà thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn biến tốt đẹp”, Thomas F. Oltmanns.
Hình ảnh chú chó đen trở thành biểu tượng nổi tiếng của bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, văn hóa hay nghề nghiệp. Mọi người đều có thể mắc căn bệnh này vào bất kể thời điểm nào trong đời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.
Triệu chứng của trầm cảm là tổng hòa của nhiều dạng rối loạn cảm xúc, như: Buồn bã, lo lắng, cảm giác “trống rỗng”, tuyệt vọng, bi quan, dễ kích động, tự ngược, mặc cảm tội lỗi… Đi kèm với việc mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tỉnh giấc sớm do mơ thấy ác mộng. Và, người mắc chứng trầm cảm còn luôn có ý niệm về cái chết.
Nhiều người nhầm tưởng trầm cảm chỉ xuất hiện ở những người bế tắc về vật chất. Nhưng, ngày 18-12-2017, cái chết của ca sĩ JongHuyn cùng bức thư tuyệt mệnh của anh đã khiến người ta phải thay đổi suy nghĩ. Rằng, ngay cả khi có những thành tựu đáng nể con người vẫn trở thành nạn nhân của trầm cảm. Ngoài JongHuyn, nhiều người nổi tiếng khác như: IU, Kiều Nhậm Lương, Cara Delevingne… đều đã hoặc đang bị trầm cảm “trói buộc”.
Khi mắc bệnh, đa số người bệnh đều tự mình đối phó. Bởi, họ nhận thức rằng sẽ không có ai hiểu được cảm giác mà họ đang trải qua.
Chính bởi thế, người trầm cảm nhận rất nhiều áp lực từ mọi người xung quanh, khiến cuộc sống của họ ngày càng khép mình và bế tắc hơn.
“Giải độc” cho các căn bệnh tâm lý
Vì quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, sức ép của công việc, sức ép của những biến đổi xã hội đã tác động lên đời sống tình cảm của các cá nhân trong nhiều nhóm xã hội. Từ đó, “hệ miễn dịch” của con người bị phá vỡ trước những tác động của các bệnh liên quan tới tâm lý.
Vậy “phương thuốc” nào để “giải độc” cho những căn bệnh tâm lý mà con người đang và sẽ có nguy cơ mắc phải?
Về vấn đề này, các chuyên gia tâm lý đưa ra 7 phương thức trị liệu phổ biến thường áp dụng cho các bệnh nhân mắc các hội chứng tâm lý.
1. Trò chuyện: Nhà chuyên môn trò chuyện với người bệnh, tìm hiểu những khó khăn, nguyên nhân gây bệnh, giúp người bệnh bộc lộ tâm tư của bản thân.
2. Liệu pháp tâm lý cá nhân: Liên quan tới chuyên môn của bác sĩ áp dụng với từng bệnh nhân.
3. Liệu pháp tâm lý nhóm: Giúp người bệnh tiếp xúc với một nhóm nhỏ có khả năng đồng cảm, thấu hiểu những suy nghĩ của họ.
4. Lao động liệu pháp: Cho người bệnh tự mình tham gia những công việc để tạo thành phẩm, giúp họ lấy lại sự tự tin về giá trị của bản thân.
5. Âm nhạc trị liệu: Giúp người bệnh cải thiện trạng thái cảm xúc.
6. Thở dưỡng sinh – thư giãn: Là một cách giúp người bệnh “sống chậm” lại trong nhịp sống vội vàng của xã hội, giúp họ cân bằng cảm xúc một cách hiệu quả.
7. Thiền định: Một môn khoa học tâm lý cổ truyền giúp người bệnh hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Ngoài ra, việc kết hợp giữa sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả rõ rệt hơn. Nhưng, quan trọng vẫn là mọi người và môi trường xung quang tránh tâm lý kỳ thị, hỗ trợ để người bệnh thoát khỏi những “bóng đen” tâm lý mà nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội, cộng đồng.
Theo anninhthudo
Phân biệt 9 tình trạng bệnh giống tự kỷ
Tuy các triệu chứng có vẻ giống nhau, nhưng những tình trạng bệnh này thực sự không phải là tự kỷ. Dưới đây là cách phân biệt.
Tự kỷ là gì?
Tình trạng này thường xuất hiện sớm ở ở trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ dưới một tuổi, với đặc điểm là trẻ gặp khó khăn với việc nói, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi lặp đi lặp lại, theo Hội Tâm thần Mỹ (APA). Các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ có thể thuộc hai loại:
Các vấn đề về giao tiếp và tương tác xã hội: Theo APA, những vấn đề này có thể bao gồm khó khăn trong giao tiếp qua lại và không thể chia sẻ mối quan tâm hoặc cảm xúc.
Khó khăn liên quan đến con người, sự vật và sự kiện: Có thể bao gồm nhầm lẫn các tín hiệu xã hội, gặp khó khăn trong việc kết bạn và không thể đọc được biểu cảm trên khuôn mặt hoặc duy trì giao tiếp bằng mắt.
Số người bệnh tự kỷ có thể cao hơn con số mà các chuyên gia thừa nhận: Mặc dù số liệu gần đây nhất từ CDC chỉ ra rằng cứ 59 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ, một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Pediatrics cho thấy 1/40 số trẻ em ở Mỹ có tình trạng này.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Các triệu chứng của OCD, chẳng hạn như không thể cưỡng lại việc rửa tay, lau chùi hoặc sờ vào các đồ vật như tay nắm cửa, có thể giống với những động tác lặp đi lặp lại trong bệnh tự kỷ. Những người mắc OCD khó hướng sự tập trung ra khỏi nỗi ám ảnh của họ, một hiện tượng cũng gặp trong bệnh tự kỷ.
Sự khác biệt chính là những người mắc OCD thường cảm thấy khó chịu, bận tâm hoặc dằn vặt bởi sự cưỡng bạch của mình, trong khi những suy nghĩ lặp đi lặp lại hoặc gây phiền hà không phải lúc nào cũng khiến những người bệnh tự kỷ bận tâm. Không giống như tự kỷ, OCD có thể tấn công ở mọi lứa tuổi và xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, và nó có thể được quản lý bằng liệu pháp nói chuyện và thuốc.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội biểu hiện mô hình coi thường hoặc xâm phạm quyền của người khác, có thể khiến một người hành động bừa bãi và coi thường các quy tắc xã hội.
Điều này nghe có vẻ giống với tự kỷ, nhưng điểm khác biệt chính là những người mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội hành động theo kiểu đeo đuổi mục tiêu, sử dụng bất kỳ phương tiện nào để thực hiện mục tiêu phục vụ cho bản thân họ.
Nói cách khác, hành vi của họ là để tiếp tục một lịch trình; với chứng tự kỷ, không có lịch trình hay động cơ thầm kín nào. Một điểm khác biệt nữa là tuổi thơ bị lạm dụng, bỏ bê và bạo hành có thể đóng một vai trò trong việc hình thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội và điều đó chắc chắn không đúng với bệnh tự kỷ.
Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần nghiêm trọng này được đặc trưng bởi tư duy rời rạc hoặc phi logic, hành vi và lời nói kỳ quái, hoang tưởng hoặc ảo giác, như nghe thấy tiếng nói. Nó giống với tự kỷ ở chỗ cả hai tình trạng đều bao gồm những vấn đề về nhận thức và xử lý cảm giác, cả hai dường như đều có tính gia đình và cả hai đều liên quan đến sự phát triển não không điển hình.
Và cả hai tình trạng đều có thể dẫn đến sự cách ly với xã hội và thiếu nhạy cảm về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, tâm thần phân liệt hay được chẩn đoán hơn ở tuổi trưởng thành; Ngoài ra, tự kỷ không bao gồm hoang tưởng và ảo giác.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực (lưỡng cực I và lưỡng cực II) là những rối loạn ở não gây ra những thay đổi về tâm trạng, năng lượng và khả năng hoạt động của một người, theo APA. Người bị rối loạn lưỡng cực phải chịu các trạng thái cảm xúc cực đoan và dữ dội được gọi là các cơn cảm xúc; có thể là hưng cảm, thờ ơ hoặc trầm cảm.
Trong cơn trầm cảm, người mắc chứng rối loạn lưỡng cực sẽ cách ly khỏi xã hội, dễ bị phân tâm và hành động bột phát - tất cả đều là những đặc điểm có thể gặp trong bệnh tự kỷ. Sự khác biệt là ở chỗ các cơn này lúc có lúc hết ở những người bị rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, những người bị rối loạn lưỡng cực có thể được điều trị thông qua kết hợp giữa liệu pháp trò chuyện và thuốc.
Lo âu
Rối loạn lo âu toàn thể (GAD) bao gồm lo lắng dai dẳng và quá mức cản trở các hoạt động hàng ngày. Theo APA, tình trạng lo lắng và căng thẳng liên tục này có thể đi kèm với các triệu chứng thực thể, như bồn chồn, cảm giác khó chịu hoặc dễ mệt mỏi, khó tập trung, căng cơ và các vấn đề về giấc ngủ. Điểm khác nữa với tự kỷ là GAD cực kỳ phổ biến, 18% người Mỹ bị rối loạn lo âu, theo Hội lo âu và trầm cảm Mỹ. Và, không giống như tự kỷ, GAD dễ tấn công phụ nữ hơn nam giới.
Các rối loạn học tập
Về cơ bản, đây là bất kỳ khuyết tật nào cản trở việc đọc, viết và làm toán, theo APA. Trong khi trẻ tự kỷ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn với việc học, nhưng trẻ có khả năng tập trung cao độ và hiểu sâu sắc về chủ đề mà trẻ hứng thú. Đối với trẻ tự kỷ, cuộc chiến đấu chủ yếu bao gồm hiểu biết xã hội, giao tiếp và các thói quen hoặc hành vi lặp đi lặp lại, bao gồm cả những sở thích hẹp và ám ảnh. Những triệu chứng này là không điển hình ở trẻ có vấn đề về học tập và chú ý.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Có thể có sự chồng lấn giữa các triệu chứng tự kỷ và ADHD - khó tập trung, tăng động và cưỡng bách. Nhưng trong khi trẻ ADHD sẽ phản kháng lại trật tự và sự lặp lại, thì những điều như vậy lại có thể dễ chịu đối với một đứa trẻ tự kỷ.
Trẻ tự kỷ có thể rất miễn cưỡng khi phải nói chuyện hoặc giao tiếp với người khác trừ khi họ nói về chủ đề mà trẻ hứng thú; với ADHD, trẻ sẽ nói chuyện không cưỡng lại được, thường xuyên và ngắt lời người khác. Theo ước tính của APA, có khoảng 8,4% trẻ em và 2,5% người lớn mắc ADHD và giống như tự kỷ, bệnh hay gặp ở nam giới.
Rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD)
PTSD có thể bao gồm những hành vi tương tự một số triệu chứng của tự kỷ - ác mộng, bùng nổ cảm xúc, cảm giác tách biệt hoặc lạnh nhạt. Nhưng như APA chỉ ra, PTSD thường là kết quả của một sự kiện gây sang chấn, cộng với việc nó hay tấn công phụ nữ gấp đôi so với nam giới. (Bệnh tự kỷ phổ biến ở trẻ em nam hơn trẻ em nữ.) Ngoài ra, PTSD có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) và thuốc.
Hội chứng Tourette
Theo Hội Bệnh Tourette Mỹ, rối loạn này có thể bao gồm máy giật cơ như nháy mắt, nhún vai liên tục, lẩm bẩm hoặc nói một số cụm từ không muốn. Sự thiếu kiểm soát về chuyển động và phát âm cũng xuất hiện trong bệnh tự kỷ, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa tự kỷ và rối loạn tic là rối loạn tic có thể giảm hoặc hết khi trẻ lớn lên, theo Hội Tâm lý Trẻ em và vị thành niên Mỹ.
Cẩm Tú
Theo RD
Khi nào nên đi khám tâm thần? Áp lực công việc và học tập gia tăng được cảnh báo đang tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Áp lực học tập là một yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của học sinh - SHUTTERSTOCK Tọa đàm "Rối loạn liên quan stress và gánh nặng" vừa được Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT)...