Nguy hiểm khi người bệnh đái tháo đường ăn kiêng quá mức
Bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu – chuyên gia nội tiết đái tháo đường nhấn mạnh.
TS. BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo điều tra dịch tễ năm 2014, có gần 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được phát hiện bệnh tình cờ.
Vì vậy, để được phát hiện sớm, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sau đây nên đi khám bệnh định kỳ hàng năm: người thừa cân hoặc béo phì; người có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có bệnh tim mạch; người có người thân trong gia đình bị đái tháo đường type 2; phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc đẻ con to trên 4 kg; người đã được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường…
Người bị bệnh đái tháo đường có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước và gầy sút, một số người hay bị đói nên ăn nhiều. Tuy nhiên, có rất nhiều người bệnh đái tháo đường type 2 có thể không hề có triệu chứng nào trong thời gian dài và họ chỉ biết mình bị bệnh đái tháo đường khi đi khám sức khỏe, hoặc đi khám vì có các biến chứng của đái tháo đường như đục thủy tinh thể, tê bì chân tay, loét chân lâu lành hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não.
Tuyệt đối không được bỏ bữa
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, điều trị bệnh đái tháo đường gồm 3 trụ cột là: chế độ ăn, tập luyện thể lực và dùng thuốc. Bên cạnh mục tiêu kiểm soát tốt đường máu thì người bệnh đái tháo đường phải chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, nên tập thể dục thể thao và kiểm soát chế độ ăn phù hợp, không nên quá khắt khe để tránh nguy cơ bị mệt mỏi, dễ bị hạ đường máu.
Một nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là phải duy trì các bữa ăn đầy đủ, đều đặn hàng ngày, tuyệt đối không được bỏ bữa vì bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu.
Video đang HOT
Bỏ bữa ăn sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu ban ngày hơn do buổi sáng là thời điểm chúng ta làm việc và gắng sức nhiều, cần nhiều glucose và năng lượng nhất.
Theo hướng dẫn điều trị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2021, những bệnh nhân đái tháo đường nên duy trì đường huyết trước bữa ăn từ 4,4 – 7,2 mmol/l và đường huyết sau ăn (từ 1-2h) là dưới 10 mmol/l. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu đường huyết cho những người bệnh đái tháo đường nói chung, còn tùy mỗi người sẽ có mục tiêu đường huyết cụ thể cao hơn hoặc thấp hơn mức trên.
Cảnh giác các dấu hiệu hạ đường máu
TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho hay: Hạ đường máu là tình trạng nồng độ đường glucose trong máu hạ quá thấp, xuống dưới 3,9 mmol/L. Nó khiến cơ thể bị thiếu năng lượng và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là não, hệ thần kinh và hệ tim mạch.
Ở giai đoạn sớm, hạ đường máu nhẹ sẽ gây ra các triệu chứng như đói, run chân tay, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực. Nếu không được phát hiện và điều trị, đường máu hạ thấp hơn sẽ gây ra các dấu hiệu thần kinh do não thiếu glucose như đau đầu, hoa mắt, lơ mơ, một số trường hợp nặng có thể bị hôn mê và co giật.
Nồng độ glucose trong máu sẽ dao động thường xuyên, lúc cao lúc thấp giống như khi chúng ta đi xe máy trên đường, lúc nhanh lúc chậm, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp từ khoảng 5 – 8 mmol/L. Tuy nhiên ở người bệnh đái tháo đường, do tác động của bản thân bệnh (như thiếu insulin), dùng thuốc hạ đường máu và chế độ ăn thất thường sẽ khiến đường máu dao động nhiều hơn.
Hậu quả của đường máu dao động nhiều là làm tăng các stress oxy hóa gây các biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh… và làm tăng nguy cơ hạ đường máu.
Để kiểm soát đường máu ổn định, ít dao động, TS.BS Nguyễn Quang Bảy lưu ý người bệnh đái tháo đường cần thực hiện các biện pháp sau:
Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Duy trì chế độ ăn và tập luyện đều đặn giữa các ngày, khi tập thể dục thì phải ăn thêm bữa phụ.
Đo đường máu thường xuyên để biết đường máu của mình đang ở mức nào, cũng như để đánh giá xem chế độ ăn, tập luyện ảnh hưởng thế nào đến đường máu.
Tránh các stress, thức quá khuya.
Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá…
Những sát thủ vô hình của đái tháo đường
Ở người mắc bệnh đái tháo đường, các biến chứng về tim mạch, thận thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua
Bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nhiều trường hợp người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) khi nhập viện thì các biến chứng tim mạch đã ở giai đoạn nặng, gây khó khăn trong việc điều trị.
Nguy cơ tử vong vì loạn nhịp tim
Theo BS Nguyễn Xuân Vinh, cơ chế gây biến chứng tim mạch ở người bệnh ĐTĐ khá phức tạp. Đây là hậu quả của các tổn thương mạch máu do ĐTĐ gây ra. Lượng đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, rối loạn nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng tim, tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tùy theo vị trí của mạch máu bị tổn thương mà các biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau. Chẳng hạn tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử... Tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não... Đây đều là những biến chứng tim mạch nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tư vấn cho một người bệnh ĐTĐ tại BV Đại học Y Dược TP HCM
Hiện có khoảng 2/3 số trường hợp tử vong ở người bệnh ĐTĐ là do bệnh tim mạch, trong đó 40% là do bệnh động mạch vành, 15% do các bệnh tim mạch khác (chủ yếu là suy tim) và khoảng 10% do đột quỵ. "Đặc biệt, người bị suy tim nặng nếu không điều trị kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do rối loạn nhịp tim, dẫn đến đột tử" - BS Nguyễn Xuân Vinh cảnh báo.
Theo thống kê của Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF), toàn thế giới hiện có 463 triệu người bị bệnh ĐTĐ. Đây là bệnh lý tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Cần khám bệnh định kỳ
Trong các biến chứng ở người bệnh ĐTĐ, ngoài biến chứng tim mạch vừa nêu trên còn có biến chứng ở thận, biến chứng này được xem là nguy hiểm và tốn kém chi phí điều trị nhất. Theo BS chuyên khoa I Lê Hoàng Bảo, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bệnh ĐTĐ sẽ dẫn đến tăng lượng đường trong máu, từ đó làm tăng áp lực trong cầu thận và tổn thương các mạch máu trong thận. Bệnh thận do ĐTĐ thường diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện triệu chứng gì trong giai đoạn đầu.
Vì vậy để phát hiện, BS phải dựa vào xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Việc xuất hiện đạm trong nước tiểu, dù nhiều hay ít cũng là dấu hiệu của tổn thương thận. Khi độ lọc của thận suy giảm, thận không thể đào thải hết chất chuyển hóa dư thừa ra khỏi cơ thể, dần dần tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối.
Về mức độ nguy hiểm của suy thận ở người bệnh ĐTĐ, BS chuyên khoa I Lê Hoàng Bảo cho biết: "Tình trạng suy thận diễn tiến nặng nhất là giai đoạn thận ngưng làm việc hoàn toàn, khi đó nếu muốn sống sót, người bệnh phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo định kỳ. Ở giai đoạn này, chi phí điều trị rất cao, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh".
PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Liên chi hội ĐTĐ - Nội tiết TP HCM, khuyên người bị bệnh thận từ biến chứng của ĐTĐ cần phải lưu ý việc kiểm soát đường huyết (HbA1c
Theo các BS, biến chứng suy tim, suy thận ở người ĐTĐ đều là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người bệnh. Để tránh các biến chứng này, người bệnh cần nắm vững các phương pháp phòng ngừa, trong đó việc duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp hàng đầu.
Nguy cơ hạ đường huyết do thuốc trị đái tháo đường Bệnh đái tháo đường đã có thuốc điều trị, tuy vậy, cần thận trọng trong quá trình dùng thuốc, bởi có thể có nguy cơ hạ đường huyết do dùng thuốc, nếu không biết xử trí có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Đái tháo đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa, bệnh gặp khá nhiều trong cộng đồng, tuy không...