Nguy hại khi F0 trở thành bệnh nhân tâm thần
Dù điều trị tại nhà hay bệnh viện, người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn thuộc các đối tượng nguy cơ cao mắc trầm cảm.
Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mọi người dân, đặc biệt với nhân viên y tế và người nhiễm nCoV. Đối mặt với những điều chưa biết của dịch bệnh, sức khỏe tâm thần hơn lúc nào hết, là một chủ đề quan trọng.
Tỷ lệ mắc trầm cảm và lo âu gia tăng
Dịch Covid-19 gây tâm trạng lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng hoặc làm tăng nặng bệnh lý tâm thần đã có từ trước. Một đánh giá có hệ thống về tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm từ 14,6% đến 48,3% trong dân số nói chung.
Trong khi phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục sau những trải nghiệm này, một số sẽ phát triển các rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng dai dẳng. Lo lắng, trầm cảm và PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) được biết là ảnh hưởng lần lượt đến 40, 30 và 20% bệnh nhân sau bất kỳ đợt điều trị ICU nào ( Hatch và cộng sự, 2018 ).
Sau đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, những tác động này được phát hiện là kéo dài với 25% vẫn bị PTSD sau 2,5 năm (Mak và cộng sự, 2009) .
Bằng chứng với Covid-19 đang bắt đầu xuất hiện. Một nghiên cứu gần đây của Ý cho thấy 56% bệnh nhân được sàng lọc dương tính với ít nhất một vấn đề sức khỏe tâm thần sau một tháng (Genarro Mazza và cộng sự, 2020).
Người bệnh bị cách ly, không được thăm hỏi nhiều, phải độc lập chiến đấu với căn bệnh, cảm giác bất lực, cô lập, đau buồn. Dù điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà, người bệnh Covid-19 vẫn thuộc các đối tượng nguy cơ cao mắc trầm cảm.
Nhập viện với Covid-19 có thể là một trải nghiệm đáng sợ. Bệnh nhân cảm thấy bất lực, sợ hãi và dễ bị tổn thương, lạ lẫm và khó hiểu, tương tác với nhân viên có trang phục bảo hộ kín mít. F0 bị tách rời khỏi những người thân, nhận thức được những bệnh nhân xung quanh mình sắp chết và có thể lo sợ chính mình sẽ không qua khỏi.
Họ bị khó thở, nghẹt thở hoặc cảm giác nghẹt thở, đau ngực, khó chịu và sợ chết. Triệu chứng Covid-19 có thể liên kết với trường hợp rối loạn hoảng sợ. Trong đó, triệu chứng hô hấp xảy ra cùng với các triệu chứng hoảng sợ khác.
Người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có nhiều khả năng gặp lo lắng và sợ hãi hơn khi phản ứng với Covid-19 khiến tình trạng khó thở hoặc thể chất nặng hơn những bệnh nhân khác.
F0 trở về nhà sau khi điều trị Covid-19 cũng cần quan tâm. Họ có thẻ cảm thấy bị cô lập và xa rời mục đích và niềm vui hàng ngày. Nhiều người lo sợ gia đình gặp nạn, phải chịu đựng nỗi đau mất mát người thân.
Các thành viên trong gia đình cũng phải chịu đựng mức độ căng thẳng khi người thân nhập viện vì Covid-19, nghe tin tức đau buồn qua điện thoại, nhìn thấy video người thân buồn bã mà không thể an ủi. Họ chịu đựng trong khi đang bị cách ly. Nhiều người đã phải trải qua cú sốc khủng khiếp khi nhìn thấy người thân ốm yếu nhưng không thể nói về nỗi đau khổ của mình.
Video đang HOT
Căng thẳng, trầm cảm, cáu kỉnh, mất ngủ, sợ hãi, bối rối, tức giận, thất vọng, buồn chán là những cảm xúc phổ biến. Đặc biệt, kỳ thị liên quan đến cách ly vẫn tồn tại sau khi hết cách ly.
Kỳ thị với bệnh tâm thần cũng là rào cản khiến người bệnh tâm thần khó tiếp cận điều trị. Điều này dẫn đến thực trạng sức khỏe tâm thần thường bị giấu giếm.
Dịch bệnh Covid-19 khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng. Ảnh: Natasha Tracy.
Xóa bỏ sự kỳ thị
Khi có những cảm xúc không thoải mái, tốt nhất chúng ta nên chia sẻ với người thân. Làm như vậy thực chất là cách chúng ta bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.
Duy trì giao tiếp qua công nghệ là cách để tạo cầu nối và cải thiện sức khỏe tâm thần. Mọi người đều phải thích nghi, phải kiên cường, thậm chí biến nguy thành cơ, một số người tìm thấy những điểm mạnh mới.
Kỳ thị liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần có thể khiến bệnh nhân không chủ động tiếp cận sự hỗ trợ cho các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến Covid-19.
Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần nhất quán quan điểm chống lại sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần vì những người có tình trạng sức khỏe tâm thần vẫn thường bị phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Đừng ngại lên tiếng và và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa khi cảm thấy không khỏe hoặc đau khổ về tinh thần. Làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một thế giới trong đó mọi người, ở mọi nơi, đều được hỗ trợ tâm lý khi cần.
Hầu hết người bệnh Covid-19 điều trị bởi nhân viên y tế không chuyên sâu về sức khỏe tâm thần, nên việc đánh giá và can thiệp đối với các vấn đề tâm lý xã hội phải được thực hiện tại các cơ sở đó.
Lý tưởng nhất, tích hợp chăm sóc sức khỏe tâm thần với chăm sóc Covid-19 thông qua lập kế hoạch; chẩn đoán xác định, chuyển tuyến và điều trị các hậu quả tâm lý xã hội nghiêm trọng; cũng như đảm bảo năng lực tư vấn của các chuyên gia.
Đại dịch Covid-19 có những tác động đáng báo động đối với sức khỏe cá nhân và cộng động. Ngoài chăm sóc thể chất, cần mở rộng hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân, cho nhân viên y tế và dân chúng – các hoạt động cần được tích hợp vào chăm sóc sức khỏe đại dịch nói chung.
Hậu quả sức khỏe tâm thần của đại dịch vẫn hiện hữu đối với các nhân viên y tế, những người đang được cách ly, những người nhập viện Covid-19 và cả những người đã hồi phục sau khi nhiễm.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần từ lâu đã bị thiếu hụt và sự kỳ thị ngăn cản nhiều người tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể giúp giảm kỳ thị và tăng cường sử dụng các dịch vụ công nghệ chăm sóc từ xa.
Ngay lúc này, tất cả các bệnh viện Covid-19 nên có các chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Để bình yên đi qua mùa dịch
Việc trải qua giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài dễ làm nhiều người nảy sinh trạng thái chán chường, bức bối, mất ngủ...
Để đảm bảo sức khỏe tinh thần qua mùa dịch, mỗi người cần dành thời gian lắng nghe bản thân nhiều hơn, từ đó sớm có giải pháp để giữ sự cân bằng cho thể chất và tinh thần.
Lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là rất lớn. Ảnh SHUTTERSTOCK
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Theo tiến sĩ (TS) Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, để giữ thân khỏe tâm an, trước hết chúng ta cần ăn ngủ điều độ, ăn vừa đủ, không để cơ thể bị thừa cân, tránh gây bệnh từ ăn uống.
Giấc ngủ cũng cực kỳ quan trọng. Thức đêm, ngủ ngày sẽ rất có hại cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn nên ngủ đủ khoảng 7 tiếng, ngủ trước 23 giờ và thức dậy lúc 5 - 6 giờ sáng. Chúng ta nên ngủ sớm và tránh lướt mạng trước khi ngủ. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn cả số giờ ngủ. Bạn có thể đọc sách hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ có chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, cũng nên duy trì thói quen sinh hoạt giờ nào việc nấy, cân bằng giữa công việc, việc nhà và thời gian thư giãn của bản thân, để giúp cho thân tâm cân bằng.
Đừng quên tập thể dục tại nhà!
TS Phạm Thị Thúy cho rằng: "Nhiều người lấy lý do mùa dịch không được đến phòng gym, không có bạn tập cùng, nên trì hoãn việc tập thể dục. Đây là sự ngụy biện do chưa ý thức rõ lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe, đặc biệt trong mùa dịch. Những hình thức tập thể dục tại nhà rất dễ thực hiện. Đơn cử như chạy bộ tại chỗ, đạp xe tại chỗ, đấm bốc, khí công, yoga... hoàn toàn có thể tập trong nhà".
Cân bằng và tích cực
Kế đến, việc giữ tâm an liên quan đến sự cân bằng các trạng thái cảm xúc. Giữ được cảm xúc cân bằng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần. Theo TS Thúy, chúng ta nên giữ cho cảm xúc không thái quá, luôn tích cực, lạc quan. Đặc biệt, không nên quan tâm đến các loại tin tức tiêu cực chưa kiểm chứng, vì sẽ làm chúng ta bị căng thẳng không cần thiết.
"Có một bí quyết rất đơn giản là bạn hãy chú ý những con số thống kê. Một con số thống kê mang tính khách quan sẽ giúp bình an hơn. Cụ thể, nếu chỉ để ý đến số người chết vì Covid-19 bạn sẽ luôn lo lắng, nhưng nếu để ý con số người khỏi bệnh rất cao thì sẽ thấy tỷ lệ người chết do Covid-19 rất nhỏ. Tỷ lệ người mắc Covid-19 là hàng ngàn mỗi ngày, đồng thời tỷ lệ người khỏi bệnh cũng tương ứng. Khi bạn để ý đến mọi khía cạnh của vấn đề thì sẽ thấy lo lắng thái quá là không cần thiết, sẽ gây ảnh hưởng tâm trạng khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên, mất cân bằng tâm lý, dẫn đến sinh tâm bệnh", nữ chuyên viên chia sẻ.
Cơ hội để làm mới bản thân
Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhằm giữ cho thân tâm bình an, nhiều người tìm đến các giải pháp thiền hoặc yoga tự học trên internet. TS Phạm Thị Thúy cho rằng việc tự học này nên được khuyến khích, nhưng phải tìm hiểu nhiều phương pháp khác nhau nhằm chọn lọc cách thức phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, TS Thúy còn lưu ý, trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, chúng ta chỉ bị "hạn chế giao tiếp trực tiếp" chứ không bị "hạn chế cơ hội giao tiếp".
Có rất nhiều hình thức chia sẻ giúp chúng ta giải tỏa tâm trạng mà không cần ra ngoài hay gặp nhau trực tiếp, đơn cử như video call (chức năng gọi điện có kèm hình ảnh), hay tự tạo ra các cộng đồng giao tiếp thân thiết thông qua các mạng xã hội. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ có chất lượng cũng góp phần giảm căng thẳng trong mùa dịch.
TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh giai đoạn giãn cách xã hội là cơ hội để mỗi chúng ta làm mới bản thân, làm mới mối quan hệ và nghỉ ngơi thư giãn theo nhiều cách khác nhau. Mọi người nên tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện những mục tiêu mà trước đây đã bỏ lỡ, như học thêm những điều bổ ích hoặc dành thêm thời gian cho người thân, bạn bè.
Đặc biệt, nếu có ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, tinh thần, chúng ta sẽ có động lực tìm ra cách thích nghi phù hợp cho bản thân để bình yên đi qua mùa dịch.
ẢNH: NVCC
TS Phạm Thị Thúy ( ảnh ) là cử nhân xã hội học Học viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ thực hành phương pháp sư phạm, thạc sĩ tâm lý trị liệu. Hiện là giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM và là chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
TS Phạm Thị Thúy có rất nhiều công trình nghiên cứu giá trị, chủ trì hoặc tham gia biên soạn gần 15 đầu sách, như: Thai giáo - phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, Nghề làm cha mẹ, Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con ...
Kiên Giang: Tiêm vắc xin cho hơn 3.500 người mắc bệnh mãn tính, khuyết tật, tâm thần Trong hơn 127.000 liều vắc xin phòng Covid-18 được phân bổ lần 3, tỉnh Kiên Giang đã ưu tiên tiêm cho trên 3.500 đối tượng là người mắc bệnh mãn tính, người khuyết tật, tâm thần... Người dân Kiên Giang giữ khoảng cách an toàn trong lúc chờ tiêm vắc xin. ẢNH: XUÂN LAM Ngày 9.8, ông Cao Thành Nam, Giám đốc Trung...