Nguy cơ vòng xoáy nội chiến mới tại Libya
Libya đang có nguy cơ rơi vào cuộc nội chiến toàn diện khi cuối tuần qua, lực lượng đối lập trung thành với chính quyền ở miền Đông, do tướng Khalifa Haftar đứng đầu, đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Thủ đô Tripoli bất chấp các nỗ lực can ngăn của Liên hợp quốc.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Libya do Liên hợp quốc hậu thuẫn được điều động từ căn cứ ở tỉnh Misrata về tỉnh Tajura, ngoại ô Thủ đô Tripoli, ngày 6-4. Ảnh: EPA
Trận chiến giành quyền kiểm soát Tripoli đánh dấu sự leo thang bạo lực lớn nhất tại đất nước dầu mỏ Libya kể từ khi xảy ra vụ lật đổ ông Muammar Gaddafi năm 2011, kéo theo các vụ nổi loạn dân túy cùng các vụ đánh bom do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành.
Theo đài truyền hình Al-Arabiya, tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 5-4, tướng Khalifa Haftar cho biết, sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm vào Thủ đô Tripoli. Theo đó, lực lượng đối lập tự phong Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đã tiến gần đến ngoại ô Tripoli và đụng độ với lực lượng dân quân của Chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở miền Tây. Tối 5-4 (giờ địa phương), lực lượng LNA tuyên bố đã chiếm được sân bay quốc tế cũ ngoại ô Tripoli. Cuộc tấn công của LNA làm 21 người thiệt mạng và 90 người bị thương.
Nếu chiến tranh xảy ra giữa lòng Thủ đô Tripoli, điều này sẽ làm sâu sắc thêm sự hỗn loạn tại đất nước Bắc Phi – vốn đang là nơi tập trung nguồn di cư khổng lồ tới châu Âu. Sự bất ổn gia tăng có thể khiến các nhóm phiến quân tập hợp, đồng thời buộc người dân phải di cư sang các nước khác lánh nạn.
Lực lượng LNA liên kết chặt chẽ với chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ được quốc tế công nhận có trụ sở tại Thủ đô Tripoli, chỉ kiểm soát các khu vực phía Tây Libya. Một bộ phận không nhỏ lực lượng vũ trang tại Libya coi tướng Khalifa Haftarlà một nhà độc tài giống với cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Các lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở miền Tây đã tiến hành các cuộc phản công để bảo vệ Thủ đô Tripoli.
Video đang HOT
Cuộc tấn công của LNA khiến người dân Libya và cộng đồng quốc tế bất ngờ. Chuyến thăm tới Libya vào tuần trước của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres được cho là nhằm đưa các bên đối lập tham gia hội nghị hòa giải quốc gia dự kiến tổ chức cuối tháng này; đồng thời thiết lập lộ trình cho cuộc bầu cử đã bị trì hoãn từ lâu.
Mỹ và các nước khác đã lên tiếng kêu gọi LNA cần giảm leo thang căng thẳng khẩn cấp. Ngoại trưởng Mỹ Nike Pompeo cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc tình hình căng thẳng tại Libya sẽ gây nguy hại cho người dân và ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết tranh chấp tại Libya trong hòa bình. Bộ Chỉ huy quân sự của Mỹ tại châu Phi đang tạm thời rút quân khỏi Libya để đảm bảo an toàn cho binh lính nước này. Những năm gần đây, Mỹ duy trì một số lượng nhỏ binh lính tại Libya để giúp lực lượng địa phương chống lại phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời giúp bảo vệ các cơ sở ngoại giao. Ấn Độ cũng đã sơ tán một số binh lính gìn giữ hòa bình của nước này tại Libya do quan ngại chiến sự xảy ra trong Thủ đô Tripoli.
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc lực lượng LNA chiếm được khu vực gần ngoại ô Tripoli có đem lại ưu thế cho tướng Khalifa Haftar trong những cuộc đàm phán tương lai hay không. Theo các nhà điều tra của Liên hợp quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập đang hỗ trợ binh lính cho chiến dịch tấn công của tướng Khalifa Haftar. Pháp cũng đang ủng hộ tướng K. Haftar bằng cách hỗ trợ các cố vấn của nước này cho lực lượng LNA.
Sự tham gia của nhiều phía trong chiến dịch tấn công của tướng Khalifa Haftar cho thấy nguy cơ đẩy Libya vào cuộc nội chiến tồi tệ. Bên cạnh đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng tình hình rối ren tại Libya để củng cố lực lượng và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Hà Thu
Theo Baobienphong
Libya trước áp lực ngừng chiến ở Tripoli
Những tuyên bố kêu gọi ngừng bắn, tránh leo thang căng thẳng ở Libya liên tục được đưa ra nhưng vẫn bị phớt lờ.
Các bên tham chiến ở Libya ngày 9-4 đối mặt với áp lực quốc tế phải ngừng chiến ở khu vực quanh thủ đô Tripoli, một cuộc giao tranh đã kéo dài gần 5 ngày khiến hàng ngàn người tháo chạy và hàng chục người thiệt mạng.
Lực lượng trung thành với chính phủ được LHQ công nhận bảo vệ lối vào sân bay cũ ở Tripoli, trước sức ép tấn công của phe tướng Haftar. Ảnh: AFP
Hàng ngàn người phải di tản
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tiếp tục lên án tình trạng leo thang quân sự ở Libya, đồng thời kêu gọi các bên ngừng giao tranh ngay lập tức, để lực lượng cứu hộ khẩn cấp có thể giải cứu những người dân còn mắc kẹt ở Tripoli.
Cho đến nay, ước tính gần 3.500 người đã phải tháo chạy khỏi khu vực giao tranh. AFP dẫn lời người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric nói với các phóng viên ở New York: "Các cuộc đụng độ với vũ khí hạng nặng đang ảnh hưởng đến các khu dân cư và một số thường dân không xác định đã không thể chạy trốn khỏi các địa điểm này".
Nhà chức trách Libya đã đóng cửa sân bay Matiga - sân bay duy nhất còn hoạt động tại thủ đô Tripoli, sau một trận không kích. Các chuyến bay ra vào Tripoli tạm ngừng trong ngày 8-4 và chỉ mở cửa trở lại cho các chuyến bay đêm kể từ đêm 9-4. Cơ quan hàng không dân dụng Libya thông báo, "chỉ các chuyến bay đêm mới có thể hoạt động trở lại cho đến khi có thông báo mới". Các chuyến bay đầu tiên nhằm đưa du khách nước ngoài bị mắc kẹt về nước. Một nguồn tin khác xác nhận việc nối lại các chuyến bay vào ban đêm từ căn cứ không quân cũ nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Kể từ cuộc tấn công chớp nhoáng vào Tripoli hôm 4-4, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền đông của tướng Khalifa Haftar liên tiếp tăng cường tấn công để giành quyền kiểm soát thủ đô bất chấp nỗ lực kêu gọi ngừng bắn của LHQ và các nước. Cho đến nay, Bộ Y tế của chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Serraj được quốc tế công nhận cho biết, số người chết trong cuộc chiến đã tăng lên 35. Trong khi đó, tổn thất trong lực lượng của tướng Haftar là 14 người.
Thế giới chia rẽ
Tình hình chiến sự leo thang ở Tripoli đang từng giờ đẩy quốc gia Bắc Phi vào một cuộc nội chiến toàn diện và gây chia rẽ các cường quốc thế giới về cách chấm dứt sự hỗn loạn đã tàn phá Libya kể từ năm 2011.
Các nước đang rất quan ngại về những diễn biến quân sự bất ngờ tại Libya. Trong những ngày qua, một loạt các cuộc điện thoại từ nhiều nơi đã gọi đến chính phủ của Thủ tướng Serraj ở thủ đô Tripoli để nắm rõ thông tin tình hình chiến sự và tìm cách giải quyết căng thẳng. Những tuyên bố kêu gọi ngừng bắn, tránh leo thang căng thẳng ở Libya liên tục được đưa ra nhưng vẫn bị phớt lờ. Trong ngày 9-4, Tổng thống Macron đã điện đàm với Thủ tướng Sarraj về tình hình cuộc tấn công ở thủ đô Tripoli trong bối cảnh các nước Châu Âu cáo buộc Paris can thiệp vào Libya vì lợi ích riêng. Mỹ cũng liên tục nói chuyện với chính phủ của Thủ tướng Serraj kêu gọi ngừng chiến sau khi tạm thời rút một số lực lượng khỏi Libya. Ở phía bên kia của cuộc chiến, chính phủ được LHQ hậu thuẫn của ông Sarraj vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể từ Italia - quốc gia từng đô hộ Libya.
Trong khi đó, Nga không đứng về phía nào trong cuộc chiến ở Libya và đang nỗ lực kêu gọi toàn bộ lực lượng ở Libya tìm kiếm giải pháp chính trị. Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách khu vực Trung Đông và Châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lên tiếng, nói rằng, Nga kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Libya cần giữ bình tĩnh sau khi gần 50 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh gần thủ đô Tripoli.
KHẢ ANH
Theo CADN
Libya đình chỉ các chuyến bay đến thủ đô Tripoli sau vụ không kích Ngày 8/4, giới chức hàng không Libya đã đình chỉ các chuyên bay đến thủ đô Tripoli sau khi xảy ra một vụ không kích nhằm vào Mitiga, sân bay duy nhất còn hoạt động tại thành phố này. Lực lượng trung thành với Chính phủ được LHQ bảo trợ được điều động tới Tajura, ngoại ô thủ đô Tripoli ngày 6/4/2019. Ảnh:...