Nguy cơ té ngã, giảm trí nhớ khi dùng thuốc ngủ lâu dài
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, việc dùng thuốc ngủ trong một năm hoặc lâu hơn có thể sẽ không còn tác dụng, mà tăng nguy cơ bất lợi như té ngã, suy giảm trí nhớ…
Các nhà khoa học Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston đã so sánh một nhóm khoảng 200 phụ nữ được dùng thuốc để điều trị các vấn đề về giấc ngủ với hơn 400 phụ nữ có vấn đề về giấc ngủ nhưng không dùng thuốc; phát hiện ra rằng, thuốc ngủ dường như không có lợi khi sử dụng lâu dài. Sau một hoặc hai năm dùng thuốc ngủ, những phụ nữ trong nhóm dùng thuốc, không ngủ ngon hơn hoặc lâu hơn những người không dùng thuốc.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Daniel Solomon, tại Brigham and Womens, cho biết: Việc sử dụng thuốc ngủ lâu dài không có lợi ích rõ ràng đối với các vấn đề về giấc ngủ mãn tính.
Phát hiện này xuất phát từ cơ sở dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã theo dõi hàng nghìn phụ nữ để xem tuổi trung niên và mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.
Theo các nhà khoa học, thời kỳ mãn kinh là khi phụ nữ ngừng sản xuất một số nội tiết tố nữ và không còn kinh nguyệt. Đây được biết đến là nguyên nhân gây mất ngủ. Nhiều phụ nữ gặp vấn đề về giấc ngủ trong những năm tiền mãn kinh và mãn kinh. Các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như thức dậy quá sớm, khó ngủ và khó ngủ thường được báo cáo.
Tất cả những phụ nữ trong nghiên cứu đều báo cáo về chứng rối loạn giấc ngủ. Một số bắt đầu dùng thuốc và một số thì không. Các loại thuốc ngủ thường được kê đơn bao gồm benzodiazepine và “thuốc Z” như zolpidem (Ambien) và eszopiclone (lunesta)… Một số loại được dùng để thúc đẩy cơn buồn ngủ trong khi những loại khác chủ yếu được sử dụng để làm dịu lo lắng.
Tiến sĩ Fariha Abbasi-Feinberg, thành viên của Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết, những loại thuốc này hoạt động bằng cách thay đổi nồng độ hóa chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày và thư giãn vào ban đêm.
Video đang HOT
Giống như hầu hết các loại thuốc, thuốc ngủ cũng gây ra một số bất lợi nhất định như: Buồn ngủ vào ban ngày; các vấn đề về thăng bằng hoặc bị ngã (đặc biệt là khi một người dùng thuốc thức dậy vào nửa đêm để đi vệ sinh); phụ thuộc thuốc; giảm trí nhớ…
TS Solomon khuyến cáo, chỉ nên dùng thuốc ngủ ngắn hạn trong khoảng 1 tuần. Vấn đề quan trọng là cải thiện vệ sinh giấc ngủ để khắc phục các vấn đề về giấc ngủ đang diễn ra: Hạn chế sử dụng caffeine trong ngày; hạn chế sử dụng màn hình trong giờ đi ngủ… Thỉnh thoảng sử dụng thuốc ngủ hoặc chất bổ sung có thể hữu ích, nhưng chúng không nên trở thành phương pháp điều trị mãn tính cho các vấn đề về giấc ngủ.
Khi thay đổi thói quen ngủ không hữu ích có thể dùng liệu pháp hành vi nhận thức. Liệu pháp này có thể giúp điều chỉnh lại các vấn đề về giấc ngủ như: Điều chỉnh suy nghĩ, hành vi và học các chiến lược mới để giảm căng thẳng, thư giãn… sẽ giúp ngủ ngon hơn.
Như Quỳnh lụy thuốc ngủ: lời cảnh tỉnh chung!
Thông tin ca sĩ Như Quỳnh phải thường xuyên dùng thuốc ngủ để có thể bảo đảm các đêm diễn đang khiến nhiều khán giả lo lắng.
Cùng với đó, mạng xã hội mới đây xuất hiện những tranh cãi xung quanh lợi hại của việc dùng thuốc an thần gây ngủ. Để bạn đọc có thông tin chuẩn mực, Người Đô Thị ghi nhận ý kiến chuyên môn của chuyên gia sức khỏe.
Tại buổi họp báo giới thiệu đêm nhạc Chuyện ba người của ca sĩ Như Quỳnh, Mạnh Quỳnh và Phi Nhung sẽ diễn ra ngày 28.3 tại Hà Nội, Như Quỳnh lên tiếng về những tin đồn xung quanh việc cô thỉnh thoảng bị mất giọng:
"Trong đời người ca sĩ không phải lúc nào chất giọng cũng quân bình mãi mãi, cũng có lúc gặp những trở ngại và trục trặc trong kỹ thuật hay do bệnh. Nhưng khi đã gọi là ca sĩ và yêu nghề của mình thì chắc chắn không ai muốn mình mất giọng, bị bệnh và không thể hát. Với những tin đồn có thời gian Như Quỳnh hát không được và bây giờ hát được, vốn dĩ là chuyện bình thường. Mình không phải thần thánh nên cũng có lúc bệnh tật, có lúc khỏe khoắn...".
Như Quỳnh thừa nhận cô đã sử dụng thuốc ngủ để cố gắng gìn giữ giấc ngủ, chất giọng. "Không phải ai cũng thế, nhưng đối với Như Quỳnh, có lẽ do làm việc và áp lực quá nhiều. Múi giờ khi lưu diễn ở nơi xa như châu Âu, Úc châu, Mỹ, Việt Nam... thì đôi khi ngày và đêm không còn phân biệt được nữa, chỉ có giấc ngủ trên máy bay và đáp xuống là vào sân khấu trình diễn ngay, không có thời gian nghỉ ngơi. Chính vì lý do như thế nên Như Quỳnh đã dùng thuốc ngủ để nghỉ ngơi, tranh thủ có thể đáp ứng được một sức khỏe nhất định, giữ phong độ để có thể trình diễn...
Ca sĩ Như Quỳnh lên tiếng về những tin đồn mất giọng, quên lời do lạm dụng thuốc ngủ, tại buổi họp báo ngày 16.3 giới thiệu đêm nhạc Chuyện ba người. Ảnh: Hữu Dương
Đương nhiên đã nói tới thuốc thì phải có tác dụng phụ. Tác dụng phụ đó là dễ quên, mất trí nhớ. Nhất là càng về già như hiện nay, Như Quỳnh dễ quên hơn hồi xưa nhiều. Thật lòng mà nói, bây giờ với một lịch trình dày đặc, đi diễn và yêu nghề đến như thế mà nói Như Quỳnh phải bỏ đi thuốc ngủ thì cũng hơi khó quá nhưng có thể Như Quỳnh sẽ kết hợp hai phần trị liệu, giảm liều lượng thuốc uống xuống và tăng massage về thần kinh, đầu óc. Như vậy sẽ dung hòa được và dần dần Như Quỳnh sẽ sớm bỏ hẳn thuốc ngủ", Như Quỳnh chia sẻ.
Thuốc ngủ phải dùng theo chỉ định
PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức (nguyên giảng viên chính Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, mọi người thông thường hay tự ý dùng thuốc an thần để trị mất ngủ. Loại thuốc này còn được gọi tên "thuốc an thần gây ngủ" hay "thuốc an thần giải lo" vì có tác dụng an thần nếu dùng liều thấp (tức làm giảm sự đáp ứng với kích thích ngoại cảnh đưa đến giảm lo lắng, bồn chồn, bất an...) và gây ngủ nếu dùng liều cao hơn (tức khởi phát và duy trì giấc ngủ khi bị mất ngủ).
"Về bản chất, thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần nên phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ, người dân không tự ý mua dùng vì dùng sai sẽ rất nguy hiểm. Thuốc an thần gây ngủ có thể gây ra các tác dụng phụ có hại như: lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi... và nguy hại nhất là gây nghiện giống như ma túy", DS. Đức khuyến cáo.
Cụ thể, những hệ lụy thường gặp khi dùng sai thuốc an thần: nghiện một số thuốc nhóm benzodiazepines và nhóm "Z"; cảm giác bồn chồn bứt rứt, có thể đứng ngồi không yên, hồi hộp, cảm giác nặng ngực, giấc ngủ ngắn chập chờn hoặc thèm ngủ mà không thể chợp mắt...; quên nhiều và ngủ không sâu; suy nghĩ và hoạt động hàng ngày trở nên chậm chạp, tăng cân, dễ té ngã, có thể biểu lộ vui buồn nhưng chậm...
"Phải luôn xem thuốc ngủ là một trong các yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ. Cách thức mất ngủ hay chất lượng giấc ngủ ở nam nữ hay ở độ tuổi nào cũng thể hiện những tình trạng bệnh khác nhau. Do đó, ngay cả việc chọn lựa kê toa thuốc an thần cũng phải cẩn thận vì tương tác giữa các thuốc với nhau, không mang lại giấc ngủ mong muốn", DS. Đức nói.
Làm sao để ngủ ngon không lụy thuốc?
TS-BS. Đinh Vinh Quang (Trưởng khoa Nội Thần kinh tổng quát, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM) cho biết mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhiều người gặp. Trên thực tế, có những người cần 9 - 10 giờ ngủ trong một đêm và những người khác thì ngủ ít hơn, chỉ khoảng 3 - 4 giờ/đêm, do đó độ dài về thời gian giấc ngủ không luôn luôn tương ứng với rối loạn giấc ngủ. Quan trọng nhất là ở mỗi người làm sao để sau mỗi giấc ngủ không cảm thấy ủ rũ, chán nản mà có thêm sinh khí làm việc, sinh hoạt hằng ngày. Điều này chứng tỏ người đó đã có một giấc ngủ tốt.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ nhưng chung quy gồm ba nhóm chính: rối loạn giấc ngủ liên quan với rối loạn tâm thần; rối loạn giấc ngủ khác (do bệnh nội khoa và sử dụng chất gây mất ngủ); rối loạn giấc ngủ nguyên phát (hay còn gọi mất ngủ không tìm được nguyên nhân). Giấc ngủ bị xáo trộn lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ như mắc trầm cảm, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ...
"Hiện nay chưa có thời gian nhất định để xác định một người bị mất ngủ và cần can thiệp. Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng nếu một tuần có ba đêm không ngủ được và tình trạng này kéo dài khoảng một tháng trở lên thì lúc này nên đi khám và điều trị...", BS. Quang nói. Các thuốc ngủ phải dùng thận trọng, nói chung không nên dùng quá hai tuần vì có thể gây phụ thuộc thuốc. Một số biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc:
Thư giãn tâm lý: Khi lên giường ngủ, không nên lo lắng, suy nghĩ hay làm gì khác. Bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài thường rất sợ buổi tối, vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được, và càng lo sợ thì giấc ngủ càng khó đến. Nếu trong ngày còn những vấn đề chưa giải quyết xong thì cũng tạm gác lại, không nên vừa nằm ngủ vừa nghĩ cách giải quyết. Nếu chưa ngủ được sau 5 - 10 phút nằm trên giường, nên đứng dậy và làm một điều gì đó thư giãn.
Vệ sinh giấc ngủ: Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...) vào buổi chiều; tránh ngủ nhiều vào ban ngày; tập thể dục buổi sáng đều đặn; tập những bài thể dục nhẹ nhàng có tính chất thư giãn trước khi ngủ; tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe nhạc quá to, đọc sách quá hay và cuốn hút, xem những phim đòi hỏi phải chú ý cao, theo dõi sát sao...; tắm nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 20 phút; tránh những bữa ăn quá thịnh soạn hay ăn quá no gây khó tiêu trước khi đi ngủ; phòng ngủ cần thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh; thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Dù có bị mất ngủ cũng chỉ nên nằm trên giường với thời gian bằng thời gian ngủ bình thường trước khi bị mất ngủ.
Một số trường hợp thay đổi giường và phòng khác là cần thiết. Sự thỏa mãn về tình dục sẽ đẩy mạnh giấc ngủ ở nam nhiều hơn nữ. Cần bổ sung trong chế độ ăn cho những người bị mất ngủ các chất như Melatonin và L- tryptophan. Melatonin là một hormone nội sinh được sản xuất bởi tuyến tùng và nó giúp điều hòa giấc ngủ. "Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể trở thành bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, khi bị mất ngủ dài ngày người bệnh nên đi khám để được hướng dẫn và điều trị thích hợp, nhằm cải thiện tình trạng giấc ngủ nói riêng và phục hồi sức khỏe nói chung" - BS. Quang lưu ý.
Căng thẳng có làm chức năng nhận thức xấu đi không? Căng thẳng kéo dài thường liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe như các bệnh tim mạch, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology cho thấy nồng độ cortisol (hormone liên quan đến tình trạng căng thẳng) trong máu liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ và giả...