Nguy cơ rò rỉ thông tin từ thói quen sử dụng nhiều công cụ công nghệ
Theo công ty Zivver, khoảng 90% các vụ rò rỉ thông tin là do lỗi của con người và sự thiếu tập trung khi làm việc, kể cả làm ở nhà hay tại văn phòng, là một trong số yếu tố dẫn đến sự cố này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: computing.co.uk)
Trong bối cảnh làm việc tại nhà đang trở thành xu hướng ngày cảng phổ biến, an ninh mạng và nguy cơ rò rỉ thông tin trở thành mối quan ngại lớn đối với doanh nghiệp hơn bao giờ hết.
Theo công ty an ninh mạng Zivver, khoảng 90% các vụ rò rỉ thông tin là do lỗi của con người. Sự thiếu tập trung khi làm việc, kể cả làm ở nhà hay tại văn phòng, là một trong số yếu tố dẫn đến sự cố này.
Các công ty công nghệ đã đưa ra nhiều công cụ để giúp con người giao tiếp, song những công cụ này lại khiến nhân viên thiếu tập trung, cản trở năng suất làm việc.
Chuyên gia về năng suất và hướng dẫn doanh nghiệp Jess Salamanca nhận định công nghệ giúp giao tiếp nhanh hơn, hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn, cho phép mọi người từ khắp nơi trên thế giới làm việc cùng nhau, song công cụ này lại gây ra nhiều phiền nhiễu.
Theo bà Salamanca, việc mở nhiều trang trình duyệt, hay sử dụng cùng lúc các nền tảng giao tiếp, không biết cách sử dụng các công cụ này một cách chính xác… sẽ khiến con người bị phân tâm.
Video đang HOT
Bà nhấn mạnh một nhân viên văn phòng có thể mất đến 23 phút để tập trung lại vào một công việc sau khi chuyển từ việc này sang việc khác. Nếu bạn quên mật khẩu hoặc loay hoay tìm tài liệu phù hợp, sự tập trung của bạn có thể bị gián đoạn và khi điều đó xảy ra nhiều lần trong ngày sẽ dẫn đến lãng phí thời gian.
Một cuộc khảo sát đa quốc gia toàn diện của Zivver cho thấy 98% nhân viên muốn chủ động tập trung trong công việc. Để giảm thiểu số lần gián đoạn mà nhân viên gặp phải, nhà tư vấn an ninh mạng và chuyên gia bảo mật James Bore đưa ra lời khuyên rằng cần hợp lý hóa công nghệ của mình.
Theo ông Bore, giới nhân viên văn phòng cần suy nghĩ cẩn thận về các công cụ sử dụng, thay vì mở liên tiếp những công cụ này. Ông cho rằng cần cân nhắc đến tính năng, mức độ sử dụng và hiệu quả của các công cụ giao tiếp, chẳng hạn như việc có 1 hòm thư điện tử và 1 nền tảng nhắn tin nhanh sẽ hợp lý hơn là vận hành cùng một lúc 5 nền tảng liên lạc khác nhau.
Việc sử dụng nhiều công cụ liên lạc buộc người dùng phải ghi nhớ nhiều quy trình, trong đó có chế độ bảo mật. Điều này sẽ khiến nhân viên văn phòng mất tập trung đến mức dễ gây ra sai lầm.
Chuyên gia Bore chỉ rõ phạm sai lầm dù là nhỏ nhất cũng để lại hậu quả khủng khiếp, do vậy, những người bận rộn bàn giấy sẽ từ bỏ quy trình bảo mật nếu điều này quá phức tạp và họ cho rằng dù nỗ lực thế nào thì điều tồi tệ cũng xảy ra.
Để ngăn chặn nguy cơ này, người sử dụng lao động nên đảm bảo tính bảo mật nghiêm ngặt trong hệ thống mạng của mình trước lỗi của con người bằng một nền tảng truyền thông an toàn, đồng thời hướng dẫn nhân viên sử dụng an toàn các nền tảng liên lạc. Một khảo sát cho thấy 62% nhân viên thừa nhận gây ra các lỗi khi sử dụng thư điện tử.
Những lỗi mắc phải của con người là do công việc quá tải và thời gian thực hiện hạn chế, do vậy, các nhân viên không đủ thời gian để tập trung vào việc mình làm và quản lý bảo mật thông tin một cách chặt chẽ.
Chuyên gia an ninh mạng Bore cho rằng một khi bị quá tải công việc, con người thường bỏ qua phần bảo mật trong các công cụ để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng.
Chiến lược gia về hệ thống Elle Baldry chỉ ra ví dụ như khi đang di chuyển trên đường và phải xử lý nhiều công việc, sự lựa chọn phổ biến của các nhân viên là tính năng tự động điền từ hoặc cụm từ sẵn có trong công cụ liên lạc, điều này dẫn đến thông tin truyền tải khó hiểu đến người tiếp nhận. Đáng quan ngại hơn là trường hợp gửi nhầm, sao chép nhầm thông tin hoặc tài liệu cho mọi người bởi người dùng chỉ nhập ba chữ cái đầu tiên trong tên của họ, phần mềm tin nhắn hoặc thư điện tử sẽ tự động chọn người địa chỉ người gửi và bạn không có thời gian để kiểm tra.
Thống kê cho thấy việc chia sẻ dữ liệu nhạy cảm ngoài ý muốn chiếm gần 74% tổng số vụ rò rỉ dữ liệu (tệp Excel) – và do các công ty nên ưu tiên sử dụng công cụ liên lạc không phổ biến để đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu.
Số lượng website lừa đảo bị chặn trong tháng 8 tăng gần 90%
Theo Cục An toàn thông tin, trong tháng 8/2022, số lượng website lừa đảo bị chặn là 163, tăng 83,1% so với tháng 7/2022 và tăng 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, khi phát hiện hoặc nghi ngờ các trang web lừa đảo, giả mạo, ngoài việc gửi phản ánh tới cơ quan công an địa phương gần nhất, các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân có thể thông tin trực tuyến tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, qua trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn.
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận report (báo cáo) của người dùng về website giả mạo, lừa đảo đến các hệ thống kỹ thuật, Cục An toàn thông tin, trực tiếp là NCSC sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá và xác định các website giả mạo, lừa đảo.
"Trên cơ sở kết quả đánh giá và xác định này, các đơn vị chuyên trách về CNTT cũng như an toàn thông tin sẽ có quyết định xử lý, ngăn chặn những website vi phạm", đại diện NCSC chia sẻ.
Trong 8 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã ngăn chặn 926 website lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính. (Ảnh: T.Dung)
Nhiều chuyên gia đều nhận định rằng, những năm gần đây, tình trạng các đối tượng lập website giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là đơn vị khối tài chính, ngân hàng để phục vụ một mục đích nào đó, thậm chí là lừa đảo, đánh cắp thông tin, tài sản của người dùng tương đối phổ biến.
Trong chia sẻ về xu hướng tấn công mạng, đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay, đã có sự dịch chuyển mục tiêu tấn công của tin tặc. Thay vì tập trung vào các nhà mạng viễn thông, công ty truyền thông giải trí như trước thì gần đây các cuộc tấn công mạng lại chủ yếu nhắm vào khối ngân hàng, tài chính.
Qua ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật, Cục An toàn thông tin đã đưa ra nhận định, lừa đảo trên mạng có xu hướng gia tăng. Thống kê trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn cho thấy, chỉ tính từ giữa tháng 2/2022 đến trung tuần tháng 7/2022, đã có gần 3.500 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông tin tới hệ thống cảnh báo. Qua kiểm tra, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, công ty tài chính.
Hàng tuần, trên Cổng không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin đều cảnh báo và khuyến nghị người dùng tuyệt đối không truy cập vào tên miền của các website giả mạo thương hiệu các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều tên miền giả mạo các ngân hàng như: vcbntlbink.com, vcbtiebink.com, vcbtinbing.com, acb.onlinsh.com, acb.onlinevn.xyz, isacambank.com, isacembank.com, vaynhanhviettin.comvaythechap-bidv.com...
Số liệu mới nhất của Cục An toàn thông tin chỉ ra rằng, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã ngăn chặn tới 926 website lừa đảo, nhiều hơn gần 140 trang so với tổng số website bị chặn trong 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, với 163 website bị chặn, tháng 8/2022 là tháng có lượng trang web lừa đảo bị chặn lớn nhất tính từ năm 2021 đến nay.
Bảo đảm an toàn cho người dân trên môi trường mạng, trong đó có việc bảo vệ người dùng trước các hình thức tấn công lừa đảo đã được Cục An toàn thông tin xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh việc giám sát 24/7, phát hiện, cảnh báo, xử lý website lừa đảo, vi phạm pháp luật; hỗ trợ xử lý ngăn ngừa người dùng Internet Việt Nam truy cập vào các trang lừa đảo, Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng Google duy trì trang DauhieuLuadao.com cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.
Các đơn vị phía Nam chi cho an toàn thông tin vẫn thấp Theo kết quả khảo sát được Chi hội An toàn thông tin phía Nam công bố mới đây, có tới 65% tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ rằng khoản đầu tư cho an toàn thông tin chiếm chưa tới 5% chi phí CNTT của đơn vị. Đợt khảo sát tình trạng an toàn thông tin khu vực phía Nam được VNISA phía Nam...