Người truyền năng lượng tích cực cho học trò
Mới đây, tại lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; tuyên dương, khen thưởng các gương điển hình ngành giáo dục và đào tạo năm 2020 do UBND TPHCM tổ chức, thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), đã vinh dự là nhà giáo duy nhất của thành phố được nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Thầy Bùi Trí Hiệp và học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: THANH HÙNG
Hạnh phúc bình dị
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với thầy Bùi Trí Hiệp là gương mặt phúc hậu, mái đầu bạc phơ nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Thầy Hiệp cho biết, cả gia đình thầy 3 đời theo nghề giáo. Kỷ niệm đối với 7 anh em trong gia đình là hình ảnh người mẹ ngồi miệt mài bên trang giáo án. Ở đó có mồ hôi, nước mắt nhưng trên hết là sự tự hào và vui lây với những thành quả mẹ trồng được ở ngôi trường tiểu học. Thế rồi không ai bảo ai, 3 trong số 7 anh em lần lượt theo nghề giáo.
Chúng tôi hỏi cắc cớ: “Nếu được quay ngược thời gian, thầy có chọn nghề khác?”. Giọng miền Nam, thầy bộc bạch: “Tính tôi hiền nên chọn nghề giáo em ạ. Chọn nghề khác e rằng không bon chen nổi với người ta”.
Nhà ở quận 5 nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được phân công nhiệm sở tại một trường ở huyện Duyên Hải, nay là huyện Cần Giờ, TPHCM. Không quản đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng, nhiều hôm xe cộ “trái gió trở trời”, người giáo viên trẻ chưa một ngày đến lớp muộn. Vùng quê nghèo khó, vật chất không đầy đủ như các quận trung tâm thành phố nhưng tình cảm thầy, trò lúc nào cũng gắn bó. Mỗi năm đến ngày 20-11, trò có gì tặng đó cho thầy, thầy nhận được cũng chia sẻ lại với học trò. 5 năm trôi qua như một tích tắc. Năm 1988, thầy Hiệp chuyển công tác về Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) và gắn bó với ngôi trường này suốt 32 năm.
Nhìn lại quãng đường đã đi qua, thầy Hiệp cho biết từng kinh qua nhiều vị trí như giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng nhà trường. Công việc có những lúc khó khăn, đôi khi không tránh khỏi chạnh lòng khi xã hội có cái nhìn chưa đúng về nghề giáo nhưng chưa khi nào thầy có ý định bỏ nghề.
Video đang HOT
“Cái nghề này nó lạ và hay lắm. Mệt mỏi trong cuộc sống ai cũng có nhưng khi bước chân vào lớp, nhìn học sinh đứng dậy chào mình, rồi bao nhiêu tâm huyết của mình được các em đón nhận, hứng thú học tập nên mọi buồn bực tan biến hết. Học sinh vui, mình buồn sao được vì thầy còn phải truyền năng lượng tích cực cho trò”, thầy Hiệp bày tỏ.
Không chỉ quan tâm chuyện buồn, vui của học trò, trong quá trình điều hành và quản lý, thầy còn quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời nâng đỡ, giúp các em tiếp tục con đường học tập. Nghĩ là làm, thầy hiệu trưởng đã phát động trong chi bộ trường chương trình Vòng tay nhân ái, gây quỹ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn suất ăn nghĩa tình. Phong trào ngày càng lan rộng và đến nay, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ học sinh ở cả ba khối 10, 11 và 12.
Nói về những dự định trong tương lai, người thầy với trái tim nhân ái cho biết muốn xây dựng môi trường học tập thân thiện, để mỗi ngày đến trường đối với học sinh là một ngày hạnh phúc. Ở đó, các em không chỉ được truyền thụ tri thức mà còn trưởng thành về nhân cách thông qua các hoạt động chia sẻ, tương thân tương ái, quan tâm nhau như những người thân trong gia đình.
Xây dựng tập thể sư phạm vững mạnh
Vuốt nhẹ mặt kính tấm bằng khen rồi đưa tay sờ lên ngực áo, nơi Huân chương Lao động vẫn còn ấm nóng, thầy Hiệp cho biết bản thân cảm thấy rất tự hào và vinh dự; song thầy cũng nói đây không phải phần thưởng cá nhân mà là sự ghi nhận chung với tập thể Trường THPT Mạc Đĩnh Chi.
Vị “thuyền trưởng” chia sẻ, thành công chỉ đến khi có sự đồng lòng, hỗ trợ nhau từ tất cả thành viên trong một tập thể. Dưới mái trường thân thuộc gắn bó hơn 30 năm, thầy hiệu trưởng luôn cố gắng phát huy truyền thống dạy và học lâu đời của đơn vị. Trong đó, việc xây dựng môi trường sư phạm tốt đẹp, giáo viên tận tâm, nhiệt tình công tác, học sinh nề nếp, thân thiện, được học tập trong điều kiện tốt nhất là mục tiêu phấn đấu thầy luôn tự nhắc mình mỗi ngày.
Hiện nay, trước hàng loạt yêu cầu đổi mới và sáng tạo đặt ra cho ngành giáo dục, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã đẩy mạnh mô hình câu lạc bộ học thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và dạy học. Nhiều năm trở lại đây, nhà trường giữ vững phong độ là một trong 10 trường THPT có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 cao nhất thành phố. Khi được hỏi về bí quyết điều hành và quản lý, người thầy giàu nhiệt huyết nhưng hết sức khiêm tốn khi nói về mình.
“Tôi không có sáng kiến gì đâu, chỉ dùng nhân tâm đối xử với tất cả mọi người với tâm niệm những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”, thầy Hiệp trải lòng. Tập thể nào cũng có những quy định “cứng” nhưng điều khiến các đồng nghiệp trong trường yêu quý người lãnh đạo là cách hành xử khéo léo, luôn tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện năng lực của mình. Bước chân vào ngôi trường với bề dày thành tích hơn 60 năm, chúng tôi cảm nhận được sức mạnh đến từ sự đoàn kết, một tập thể sư phạm vững mạnh trong từng sợi dây kết nối giữa các tổ bộ môn.
Thầy Hiệp chia sẻ, nhờ quá trình gắn bó nhiều năm, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” nên khi có việc xảy ra trong trường, dù trong quan hệ thầy – trò hay giữa đồng nghiệp với nhau, thầy hiệu trưởng luôn là người đầu tiên tiếp cận, nắm bắt tình hình và giải quyết thấu tình đạt lý.
Chia tay chúng tôi, hình ảnh người thầy với nụ cười hiền hòa, “tuổi già nhưng nhiệt huyết không già” và một trái tim ấm nóng giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào những “trái ngọt” đã, đang và tiếp tục được các thầy, cô vun xới, góp thêm sức trẻ xây dựng thành phố.
Giáo viên hãy cho học sinh thấy sự tâm huyết và sống thật!
Thầy Võ Kim Bảo chia sẻ bí quyết để được học sinh yêu mến, giáo viên trẻ cần nhất 2 điều: Một là cho các em thấy sự tâm huyết của mình và hai là sống thật.
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy bên học trò của mình - NGUYỄN TUẤN
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 không chỉ là ngày tôn vinh nghề mình theo đuổi mà còn là dịp để các giáo viên trải lòng về mục tiêu giáo dục của mình.
Kích thích hứng thú của học sinh
Theo định hướng mới của chương trình giáo dục 2018 thì giáo dục hình thành kiến thức sẽ thay thế bằng định hướng giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực. Từ đó, thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM, nhìn nhận, trước đây việc dạy học hướng đến câu hỏi "học sinh biết gì?" thì nay được thay đổi bằng quan điểm "học sinh làm được gì". Như vậy có thể thấy theo định hướng mới nhiệm vụ của giáo dục hướng hình thành kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức.
Để học sinh hứng thú hơn với việc học thì vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Người thầy phải chủ đạo, còn trò thì chủ động, có như thế việc dạy và học mới đạt hiệu quả tốt. Tức việc dạy và học không mang tính một chiều mà phải đến từ 2 phía. Người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức còn có vai trò kích thích, khơi gợi sự ham thích, hứng thú, để từ đó mới có thể kích hoạt được những phẩm chất và năng lực của học sinh.
"Thay vì kiến thức được học sinh ghi chép, thậm chí thuộc lòng tất cả các vấn đề, thì cá nhân tôi thường khơi gợi cho các em sự thú vị, tìm tòi. Trước tiết học, tôi sẽ giới thiệu sơ về tác giả, tác phẩm văn học sẽ dạy, sau đó giao nhiệm vụ cho các em tìm hiểu bằng hệ thống các câu hỏi (một hình thức soạn bài trước). Vào lớp, thầy trò cùng nhau đọc, trao đổi, tìm hiểu. Hôm sau vào lớp các em thuyết trình, chia sẻ thông tin mà các em hiểu bằng nhiều hình thức", thầy Huy cho biết.
Cũng theo thầy Huy, bước sau cùng, giáo viên sẽ là người bình giảng, khắc sâu những vấn đề các em đã hiểu và mở rộng những điều mà các em chưa tìm hiểu tới.
Thầy Võ Kim Bảo vui vẻ cùng học sinh - BẢO CHÂU
Ý tưởng phải dựa trên đặc điểm tâm lý của học sinh
Luôn luôn cùng các thành viên tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) thiết kế và xây dựng những ý tưởng đổi mới cách dạy và học, thầy Võ Kim Bảo rút ra kinh nghiệm, ý tưởng phải dựa trên đặc điểm tâm lý và sở thích của học sinh. Và không hẳn ý tưởng nào cũng hoàn toàn của riêng mình, giáo viên có thể đi dự giờ, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp ở các trường khác, hay tham gia các buổi tập huấn phương pháp dạy học để có được những hiểu biết ban đầu về các hình thức, phương pháp dạy học hiện đại.
Các ý tưởng đổi mới là một điểm nhấn của quá trình thay đổi phương pháp dạy học. Các tiết học bình thường trên lớp, có những bài khó chỉ có thể dùng cách thuyết giảng, truyền đạt tri thức thông thường nhưng giáo viên cũng phải dạy thật tốt thì các em mới bắt nhịp với các hoạt động học tập mới được.
Theo nhìn nhận của thầy Bảo, học sinh bây giờ lớn nhanh, các em hiểu biết nhiều và có nhận thức rất tốt. Các em sớm nhận ra thầy cô nào nhiệt tình, công bằng, có tâm huyết. Có khi các em yêu mến một cô giáo tính tình khá nghiêm khắc nhưng lại cực kỳ công bằng. Hay có khi các em yêu mến một thầy giáo vì thầy sẵn sàng nhận lỗi sai của mình trong bài giảng vì vô ý...
Từ đó thầy Bảo chia sẻ bí quyết, để được học sinh yêu mến, giáo viên trẻ cần nhất 2 điều: Một là cho các em thấy sự tâm huyết của mình và hai là sống thật. Sống thật là trung thực, công bằng, dám nhận sai, không thiên vị...
Thầy giáo Vũ Công Minh: "Yêu nghề tôi nguyện cống hiến sức trẻ" Đam mê bộ môn Toán, yêu quý và trân trọng nghề dạy học, thầy giáo Vũ Công Minh- GV Trường THCS Hồng Bàng (TP Hải Phòng) mong muốn được cống hiến công sức, trí tuệ để "ươm mầm" giáo dục thế hệ trẻ. Thầy giáo Vũ Công Minh. Giáo viên trẻ nhiệt huyết Nhận xét về thầy giáo Vũ Công Minh, nhà giáo...