Người Trung Quốc – vũ khí bí mật giúp Mỹ dẫn đầu ngành AI
Các nhà khoa học Trung Quốc giúp Mỹ độc chiếm nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nhưng căng thẳng chính trị có thể khiến Washington mất lợi thế này.
Khi Lầu Năm Góc khởi động Dự án Maven – hiện đại hóa công nghệ quân sự Mỹ nhờ AI, họ trông đợi vào nhóm hơn 10 kỹ sư làm việc tại Google. Nhiều người trong số đó là công dân Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ không phản đối điều này, bất chấp căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh gần đây, với lý do dự án không liên quan tới các thông tin mật và quân đội Mỹ cần những người tài giỏi nhất.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bắt đầu giới hạn quyền tiếp cận của Trung Quốc với những công nghệ và nghiên cứu của Mỹ, trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở mức tồi tệ nhất suốt hàng chục năm qua. Điều này gây lo ngại cho nhiều công ty và nhà khoa học trong lĩnh vực AI, vì nhiều tiến bộ đột phá của Mỹ lại bắt nguồn từ những bộ não Trung Quốc.
Tiến sĩ Li Deng trong một hội thảo năm 2018.
Nghiên cứu của MacroPolo, tổ chức trực thuộc Viện Paulson chuyên thúc đẩy quan hệ hợp tác Mỹ – Trung, ước tính, các nhà khoa học được đào tạo ở Trung Quốc chiếm gần một phần ba danh sách tác giả có tài liệu được quảng bá tại một hội thảo AI nổi tiếng hồi năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Tuy nhiên, phần lớn những người này đang sống và làm việc tại các công ty, trường đại học của Mỹ.
Tổ chức MacroPolo cho rằng các khoa học gia Trung Quốc đang hỗ trợ sự thống trị của Mỹ trong AI, lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược, cho phép máy tính tự đưa ra quyết định, nhận diện khuôn mặt, truy tìm tội phạm, lựa chọn mục tiêu quân sự và nhiều lợi ích khác.
Nhiều công dân Trung Quốc đã học tập tại Mỹ và quen với cuộc sống ở đây, nhưng nguồn sinh viên và chuyên gia có trình độ cao có thể sớm kết thúc. “Hy sinh các sinh viên quốc tế giống hành động diệt con gà đẻ trứng vàng. Nó sẽ hủy họa năng lực cạnh tranh của Washington trong tương lai”, Lisa Li, kỹ sư Trung Quốc mới tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins, cho hay.
Bắc Kinh coi AI là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược và đã đầu tư nguồn tiền khổng lồ cho các nhà nghiên cứu, nhằm mục tiêu thu hút họ về làm việc cho các công ty và cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc.
Mỹ đã cảnh giác với tham vọng công nghệ của Trung Quốc, khi triệt phá nhiều nỗ lực gián điệp và đẩy mạnh việc minh bạch thông tin tại các cơ sở nghiên cứu trong nước. New York Times hồi tháng trước cho biết chính quyền Trump xem xét hủy bỏ thị thực đối với hàng nghìn sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp tại các trường đại học Mỹ, đây là những người liên quan đến các cơ sở giáo dục liên kết với quân đội Trung Quốc tại quê nhà.
Nhiều chuyên gia cảnh báo nỗ lực chặn các học giả Trung Quốc có thể cản trở khả năng dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI.
“Đó là những bộ não thông minh nhất ở Trung Quốc và họ chọn làm việc cho các phòng nghiên cứu Mỹ, đào tạo sinh viên Mỹ và giúp xây dựng các công ty Mỹ. Bắc Kinh sẽ nhanh chóng dang tay chào đón các nhà khoa học này nếu Washington từ chối họ”, Matt Sheehan, nhà phân tích tại MacroPolo, cho hay.
Video đang HOT
Các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc được tiếp cận nhiều cơ hội tại Mỹ. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đang làm việc tại Google, Đại học Stanford, Carnegie Mellon, Viện Công nghệ Massachusetts và Microsoft Research, trong khi Trung Quốc chỉ có Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh nằm trong top 25 cơ sở được họ lựa chọn.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy công dân Trung Quốc trong ngành AI sẽ gắn bó Mỹ sau khi hoàn tất chương trình đào tạo. 90% người Trung Quốc nhận bằng tiến sĩ năm 2018 quyết định ở lại Mỹ ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp, theo báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi thuộc Đại học Georgetown.
Những con số này không có dấu hiệu đi xuống, nhưng một số tổ chức cho biết căng thẳng Mỹ – Trung gần đây đã ảnh hưởng tới nguồn nhân tài.
Những chuyên gia gốc Trung Quốc cũng là gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực AI của Mỹ. Li Deng, cựu kỹ sư Microsoft và hiện là trưởng nhóm AI tại quỹ đầu tư Citadel, đã tham gia xây dựng lại công nghệ nhận dạng tiếng nói trên điện thoại và trợ lý ảo trên bàn. Fei-Fei Li, giáo sư tại Đại học Stanford và từng làm việc hai năm ở Google, tham gia nỗ lực thúc đẩy cuộc cách mạng về tầm nhìn máy tính, ngành khoa học chuyên phát triển phần mềm nhận diện được vật thể.
Tiến sĩ Li từng giám sát nhóm phát triển Dự án Maven tại Google. Tập đoàn này từ chối gia hạn hợp đồng với Lầu Năm Góc hồi năm 2018 sau khi một số nhân viên phản đối Google có liên hệ với quân đội Mỹ. Đội phát triển đã xây dựng công nghệ cho phép tự động nhận dạng phương tiện cơ giới, các tòa nhà và vật thể được quay trong video của máy bay trinh sát không người lái (UAV). Vào đầu năm 2018, ít nhất gần một nửa nhóm nghiên cứu là công dân Trung Quốc.
UAV Mỹ tham chiến tại Afghanistan năm 2008.
Nhiều nỗ lực hạn chế của chính phủ là điều tất yếu. Bộ Quốc phòng Mỹ thường cấm công dân các cường quốc đối thủ tham gia những dự án bí mật, trong khi Trung Quốc từ lâu đã tiến hành gián điệp công nghiệp trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lĩnh vực AI khác biệt. Các nhà nghiên cứu thường công bố thành quả và tất cả mọi người đều có thể sử dụng. Ngành công nghệ không theo đuổi tài sản sở hữu trí tuệ, mà chính là những nhân tài thực hiện dự án nghiên cứu cho ra sản phẩm đó.
“Trong nghiên cứu AI cơ bản, yếu tố chủ chốt thúc đẩy phát triển là con người, không phải các thuật toán. Có rất nhiều công nghệ nguồn mở để mọi người sử dụng, nhưng rất ít nhà nghiên cứu có mục tiêu xa và đủ sức thay đổi lĩnh vực này.”, Jack Clark, Giám đốc chính sách của OpenAI và đồng chủ tịch AI Index, dự án theo dõi tiến bộ ngành AI, nói.
Peter Chen, nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc mang quốc tịch Mỹ, cho biết các biện pháp giới hạn của Washington có thể gây hại cho toàn bộ cộng đồng phát triển AI. “Nếu điều này tiếp diễn, sẽ có những người mà chúng tôi không thể mời về làm việc. Nó chắc chắn ảnh hưởng tới khả năng tuyển chọn nhân tài của chúng tôi”, Chen nói.
Mỹ cấm vận chip bán dẫn, hàng loạt tên lửa Trung Quốc sẽ 'tịt ngòi'?
Gần đây, Mỹ đã tăng cường lệnh cấm vận đối với chip bán dẫn mà Trung Quốc đặt mua, nhằm ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc tiếp cận thị trường công nghệ cao
Nhưng liệu hành động của Mỹ có ngăn cản được Trung Quốc phát triển vũ khí công nghệ cao?
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang nghiêm trọng; lệnh hạn chế xuất khẩu cho Trung Quốc các sản phẩm bán dẫn, luôn là một biện pháp quan trọng của Mỹ, nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận thị trường công nghệ cao; trong bối cảnh đó, vũ khí của Trung Quốc cũng không thể tách rời khỏi các chip bán dẫn tiên tiến.
Khi Mỹ tiến hành áp dụng các biện pháp cấm vận với lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, và trong trường hợp đặc biệt, khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận chip đối với Trung Quốc, liệu tất cả máy bay và tên lửa của Trung Quốc có cơ hội hoạt động?
Công nghệ sản xuất chip Trung Quốc tương đối yếu so với Mỹ và Nhật, nhưng Trung Quốc vẫn tự sản xuất được một số lượng chip nhất định; hiện nay phần lớn các loại vũ khí của Trung Quốc đều sử dụng các loại chip do chính Trung Quốc sản xuất.
Đoán biết được việc Mỹ trước sau cũng tiến hành cấm vận đối trên các lĩnh vực công nghệ cao với Trung Quốc, nên các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có chiến lược phát triển ngành sản xuất chip dùng trên lĩnh vực quân sự, nhất là trên các lĩnh vực hàng không, vũ trụ, vũ khí tiến công, tên lửa ...
Vào năm 2016, Trung Quốc đã độc lập phát triển thiết bị lõi của chip năng lượng cao trạng thái rắn, dùng cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới J-20, được thiết kế bởi Viện Công nghệ Điện tử Số 55; phát minh này được xếp hạng 10 phát minh hàng đầu của Trung Quốc trong ngành khoa học và công nghệ quốc phòng năm 2016.
Ngoài ra, theo các nguồn tin công khai, chip xử lý trung tâm của tên lửa đạn đạo tầm xa Dongfeng-41A, hay các chip của vũ khí và khí tài tiên tiến như, máy tính điều khiển hỏa lực của máy bay chiến đấu J-10 và J-11, đều do Trung Quốc sản xuất.
Tại sao Trung Quốc có thể tự chủ về chip giành cho thiết bị quân sự của họ; câu trả lời trước hết là trong những năm qua, với việc đầu tư lớn cho quốc phòng, nên ngành sản xuất chip quân sự của Trung Quốc cũng được đầu tư lớn, do vậy họ đã thu được nhiều thành tựu; tiếp đến là chip quân sự rất khác với chip thương mại.
Trên thực tế, yêu cầu về hiệu suất của chip quân sự không cao, nhưng nó có yêu cầu rất cao về tính ổn định, độ tin cậy và khả năng chống nhiễu trong các môi trường điện từ phức tạp khác nhau.
Hiện nay, nhiều máy bay chiến đấu hiện đại của quân đội Mỹ vẫn đang sử dụng chip 486 hoặc Pentium. Các chip thương mại tiên tiến đã áp dụng các quy trình sản xuất 14 nanomet và 7 nanomet, trong khi hầu hết các chip quân sự trong quân đội Mỹ vẫn đang sử dụng các quy trình sản xuất 65 nanomet.
Mặc dù nhu cầu về nhập khẩu chip dân sự của Trung Quốc rất lớn, nhưng không có nghĩa là chip quân sự Trung Quốc không thể tự cung cấp. Hơn nữa, chip quân sự có đặc điểm là không yêu cầu hiệu năng cao, các loại chip được thiết kế và sản xuất trong nước như CPU và GPU, hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh trên thị trường dân sự; nhưng sau khi chuyển đổi, chúng hoàn toàn đáp ứng được trong lĩnh vực quân sự.
Các viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc, các công ty quốc phòng và cả các công ty tư nhân, đang tích cực đầu tư nghiên cứu, copy và thậm chí là đánh cắp tình báo... Do vậy, họ đã tạo ra bước đột phá trong chế tạo chip dùng cho lĩnh vực quân sự, hoàn toàn đáp ứng khả năng của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Với đầu tư mạnh vào công nghệ bán dẫn và quy trình sản xuất, Trung Quốc sẽ tự chủ trong việc sản xuất chip quân sự. Hiện tại, tỷ lệ tự cung cấp linh kiện điện tử lõi quân sự trong nước đã đạt 70%. Theo yêu cầu của lắp ráp cuối cùng, Trung Quốc sẽ đạt 80% vào năm 2020.
Bất kỳ quốc gia nào cũng không yêu cầu phải nội địa hóa 100%, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ; điều này không phải Trung Quốc không làm được, mà là họ thấy không cần thiết.
Hiện tại, chip nội địa của Trung Quốc đã có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc; do vậy, ngay cả khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận toàn diện việc cung cấp chip cho thị trường Trung Quốc, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể cung cấp các sản phẩm thay thế, dùng trong các vũ khí và khí tài quân sự của Trung Quốc.
Mỹ dùng 150 vệ tinh theo dõi vũ khí siêu thanh của TQ Mỹ đã lên kế hoạch phóng 150 vệ tinh theo dõi vũ khí siêu thanh trong không gian vào năm 2024, động thái được giới quan sát đưa ra nhận định là nhằm giúp Lầu Năm góc giám sát chặt các hoạt động của Trung Quốc. Trang công nghệ quân sự trực tuyến C4ISRNET đưa tin, Cơ quan Phát triển không gian Mỹ...