Người trẻ Trung Quốc vỡ mộng du học
Đại dịch kéo dài, nạn phân biệt chủng tộc với người châu Á gia tăng ở các nước phương Tây khiến nhiều học sinh Trung Quốc giảm hứng thú đi du học, chuyển sang ôn thi gaokao.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) năm 2020, Nan Zhaojin đang theo học chương trình quốc tế tại một trường cấp 3 địa phương, chuẩn bị đi du học ở Mỹ.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, gia đình khuyên Nan nên thay đổi dự định và học đại học trong nước. Điều đó đã trở thành vấn đề nan giải đối với nữ sinh này.
Thực tế, ngày càng nhiều học sinh xứ tỷ dân từ chối hoặc hủy bỏ kế hoạch du học kể từ khi dịch bệnh xuất hiện vì lo ngại ảnh hưởng của virus đến học tập, sinh hoạt và nạn phân biệt chủng tộc đối với người châu Á ở nước ngoài.
Nhiều học sinh Trung Quốc đang cân nhắc lại kế hoạch du học sau khi dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ. Ảnh: Xinhua.
Lo dịch bệnh, bị phân biệt chủng tộc
Theo khảo sát do tạp chí Fortune thực hiện, lượng đơn đăng ký của học sinh Trung Quốc vào các trường đại học ở Mỹ năm 2022 giảm 18% so với năm ngoái.
Báo cáo tháng trước của chương trình Du học sinh và Trao đổi sinh viên Mỹ chỉ ra có 348.992 sinh viên người Trung hiện sống tại xứ cờ hoa, ít hơn 33.569 người so với năm 2020.
Số lượng học sinh Trung Quốc nộp đơn đăng ký vào các trường đại học ở nước ngoài đã giảm đáng kể sau 2 năm đại dịch. Ảnh minh họa: VCG.
Tại Anh, số lượng sinh viên xứ tỷ dân theo học năm 2021 là 119.334 người, có dấu hiệu tăng đáng kể so với mức giảm 32% vào năm 2020.
Canada, điểm du học phổ biến thứ 3 với người Trung Quốc, cũng chứng kiến mức sụt giảm 25% trong số học sinh đến từ xứ tỷ dân trong năm 2021.
Với Nan, cô đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi xem xét giữa việc tham gia kỳ thi “gaokao” (kỳ thi đại học Trung Quốc) hoặc tiếp tục nộp hồ sơ du học. Cuối cùng, nữ sinh này vẫn theo đuổi ước mơ học tập ở nước ngoài.
“Tôi đã chuẩn bị cho việc du học từ năm 10 tuổi nên chương trình học khác biệt với nội dung ôn thi đại học ở Trung Quốc. Trong khi bạn bè miệt mài làm bài tập, đi học thêm, tôi lại dành thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ”.
Hiện, Nan đã được nhận vào ĐH Washington ở St. Louis (Mỹ) và dự kiến nhập học vào mùa thu năm nay. Cô khẳng định dịch bệnh vẫn là mối lo lớn nhất, song sẽ duy trì nhịp học tập và sinh hoạt.
Tình trạng phân biệt đối xử với người châu Á ở nhiều nước phương Tây kể từ khi đại dịch bùng phát khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngần ngại du học. Ảnh minh họa: AFP.
Ngoài nguy cơ nhiễm Covid-19, tình trạng phân biệt chủng tộc với người châu Á là nguyên nhân thứ 2 khiến các bậc phụ huynh, học sinh Trung Quốc lo sợ. Kể từ sau khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người châu Á ở nước ngoài đã xảy ra.
He Enxing, một học sinh lớp 12 đến từ Nam Kinh, cũng e ngại vấn nạn này sau khi nhận được thư chấp nhận của ĐH Washington.
“Tôi chấp nhận sống chung với Covid-19 nếu điều đó có thể đảm bảo cho tương lai học tập của tôi. Song, tôi khá sợ hãi khi thấy các vụ xả súng, phân biệt chủng tộc ở Mỹ được đưa lên báo đài. Tôi không biết mình sẽ nhận được sự đối xử thế nào khi đến đó học tập”, He nói.
Thi “gaokao” – Lựa chọn an toàn
Video đang HOT
Zhong Jue, một cố vấn học tập đến từ Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), kể với Sixth Tone rằng không ít học sinh đang cân nhắc lại kế hoạch du học.
“Trước dịch, một trường trung học có tiếng ở Nam Kinh thường có khoảng 220 học sinh ra nước ngoài học tập mỗi năm. Song, con số này giảm còn 145-200 người do dịch bệnh”, Zhong nói.
He Jiaying, học sinh lớp 12 ở Nam Kinh, đã suy nghĩ về việc du học trong năm đầu tiên của đại dịch.
“Tôi có nguyện vọng ra nước ngoài học tập, nhưng đôi lúc lại thấy lo sợ và nghĩ tới việc tham gia ‘gaokao’. Nhiều bạn bè có lực học tốt xung quanh tôi cũng bị lung lay, đắn đo giữa 2 lựa chọn này”, cô kể.
Nhiều học sinh chuyển sang tập trung ôn thi “gaokao”, thay vì chuẩn bị hồ sơ du học. Ảnh: Yu Haiyang/CNS/IC.
He nói rằng đa số bạn bè trong lớp cô đã bớt quan tâm với việc du học từ khi dịch bệnh bùng phát. Họ dần quay lại với guồng ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi đại học hối hả như hàng triệu học sinh khác.
Theo Sixth Tone, đại dịch đã củng cố niềm tin của nhiều người trẻ vào các trường đại học trong nước.
Zhang Yuxuan, học sinh lớp 8 tại tỉnh Hà Nam, tự tin vào cơ hội giành học bổng ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Cô có thành tích học tập ấn tượng, đạt vài giải thưởng quốc gia và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Dù thế, cô quyết định sẽ ôn tập “gaokao”, đặt mục tiêu thi đỗ ĐH Thanh Hoa.
“Tôi chưa bao giờ có ý định ra nước ngoài học tập. Gia đình tôi đồng tình rằng học đại học trong nước sẽ an toàn hơn. Môi trường giáo dục nước ngoài có thể bị đánh giá quá cao so với thực tế”, cô nói.
Khám phá trường đại học được mệnh danh "Harvard châu Á"
Nếu như châu Mỹ nổi tiếng với ĐH Harvard (Hoa Kỳ), châu Âu tự hào về ĐH Cambridge (Vương Quốc Anh) thì một trong những trường tiêu biểu của châu Á chính là ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc).
Đại học (ĐH) Thanh Hoa - trường đại học có nền giáo dục hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và được mệnh danh là "Harvard châu Á". Đây là điểm đến và niềm mơ ước của học sinh Trung Quốc và sinh viên quốc tế.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á năm 2021 do tạp chí Times Higher Education (THE Châu Á) công bố, Đại học Thanh Hoa đã vượt qua 551 cơ sở giáo dục để dẫn vị trí đầu bảng.
Thành lập từ năm 1991, Đại học Thanh Hoa được xem là trường khoa học và công nghệ hàng đầu với 20 trường thành viên và 58 khoa trực thuộc, đào tạo, 41 viện nghiên cứu, 35 trung tâm nghiên cứu, 167 phòng thí nghiệm chất lượng cao.
"Nhị môn giáo" - cổng trường biểu tượng của Đại học Thanh Hoa.
Với hơn 50.000 sinh viên hệ đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh học tập ở 51 chương trình đào tạo cử nhân, 139 chương trình đào tạo thạc sĩ và 107 chương trình đào tạo tiến sĩ các ngành như: Khoa học, Kỹ thuật, Nhân văn, Luật, Y, Lịch sử, Triết học, Kinh tế học, Quản lý, Giáo dục và Nghệ thuật...
Phó giáo sư Yang Fang (Đại học Thanh Hoa) - người đi đầu trong việc giáo dục trực tuyến và phát huy hết lợi thế của các nền tảng trực tuyến gồm Edx, Coursera và XuetangX.
Tòa nhà chính của Đại học Thanh Hoa khi mùa xuân đến.
Vốn là ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt nhất tại Trung Quốc hiện nay, Đại học Thanh Hoa có tỉ lệ chọi cực kỳ cao. Chính vì vậy, để đỗ vào ngôi trường này, các ứng viên đòi hỏi phải cực kỳ xuất chúng.
Bên trong phòng học của sinh viên đại học Thanh Hoa.
Dù mang nhiều nét truyền thống, Đại học Thanh Hoa cũng có những tòa nhà rất hiện đại mang đậm phong cách phương Tây.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1985, Hải Phòng) đang công tác tại Viện Nghiên cứu học thuật và Thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết nơi đây được ví như là địa ngục của trần gian, sinh viên ngồi khóc ở gốc cây vì áp lực là chuyện rất bình thường.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu học thuật và Thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa.
TS. Thu Hà cho biết: "Hệ Đại học khổ sở lắm, phải hoàn thành 160 học phần, trượt một môn được thi lại duy nhất một lần. Nếu lần thi lại đó vẫn "tạch" thì mời về nước luôn, không có nợ môn.
Cả sinh viên bản địa và du học sinh đều học hành rất căng, có sinh viên đeo balo nặng trịch ngồi gốc cây trong trường khóc vì áp lực. Giờ học của đại học là 7h50 đến 12h. Thư viện 11h đêm vẫn sáng trưng và rất đông đúc. Nhiều sinh viên chỉ cắm đầu vào học và thi".
Shan Sisi, một sinh viên tốt nghiệp tại Trường Y khoa Thanh Hoa, vừa được vinh danh là Sinh viên Thanh Hoa của năm 2020 vì đã thể góp phần phát triển một loại vắc xin điều trị Covid-19.
Shan Sisi - Sinh viên tiêu biểu ĐH Thanh Hoa năm 2020 vì đã thể góp phần phát triển một loại vắc xin điều trị Covid-19.
"Là một nhà nghiên cứu y học, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Làm việc dưới áp lực vô cùng lớn, nhiều lúc tôi không khỏi cảm thấy căng thẳng và cô đơn", Shan Sisi cho hay.
Trải qua những thử thách và gian khổ, Shan Sisi và nhóm của cô đã đạt được những kết quả đáng khen ngợi.
Punyawee Thanasombutkun (Thái Lan) cho hay: "Đại học Thanh Hoa đã khiến tôi trở thành một người thành công như ngày hôm nay thông qua việc thúc đẩy con đường tương lai và sự nghiệp của tôi".
Đại học Thanh Hoa có những học bổng gì?
Với vị thế là trường Đại học số 1 tại Trung Quốc, Thanh Hoa có chế độ học bổng "cao cấp" và cực kỳ hấp dẫn đối với sinh viên. Hiện nay, trường có đến 4 loại học bổng khác nhau.
Học bổng Chính phủ Trung Quốc (CGS): Hệ học bổng này được cấp cho du học sinh quốc tế với hình thức toàn phần và một phần.
Cụ thể: Học bổng toàn phần dành cho học phí, ký túc xá, sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế. Học bổng một phần sẽ chia theo tỷ lệ của số học phí, ký túc xá, sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế.
Học bổng Chính phủ Bắc Kinh: Học bổng Chính phủ Bắc Kinh viết tắt là BGS được quản lý bởi Chính quyền thành phố Bắc Kinh. BGS ra đời với mục đích thu hút sinh viên quốc tế xuất sắc đến học tập, nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa.
Học bổng Chính phủ Bắc Kinh cũng gồm hệ toàn phần và một phần.
Học bổng Đại học Thanh Hoa: Đây là chế độ học bổng được thành lập bởi Đại học Thanh Hoa, ra đời nhằm mục đích hỗ trợ sinh viên quốc tế bậc tiến sĩ đến đây học tập. Học bổng được sử dụng để trang trải học phí một phần hay toàn bộ, và cần được áp dụng theo từng năm.
Sinh viên Thanh Hoa thảo luận tại Hội nghị mô hình về biến đổi khí hậu lần thứ 6 của các bên (MCCCOP 6) về việc trao quyền cho thanh niên trong các vấn đề khí hậu.
Học bổng của Học viện Khổng Tử: Nhằm khuyến khích và hỗ trợ du học sinh xuất sắc đến học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc, Học viện Khổng Tử đã thành lập ra Học bổng của Học viện Khổng Tử. Học bổng của Học viện Khổng Tử chỉ áp dụng cho các ngành học liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa Trung Hoa.
Pouya Amani (Iran), du học sinh Học viện nghệ thuật và Thiết kế luôn cảm thấy tự hào vì mình được học tại Thanh Hoa. Anh nói: "Mình tự hào về những thành tựu khoa học, nghiên cứu và văn hóa, nền giáo dục sáng tạo, đổi mới nơi đây".
Cụ thể, những du học sinh theo học ngành Ngôn ngữ Trung từ một đến 2 năm sẽ được phép đưa đơn xin học bổng của Học viện Khổng Tử hoặc Bộ phận Giáo dục của Đại sứ quán Trung Quốc.
Với tấm bằng tốt nghiệp ở trường Đại học Thanh Hoa - Trường Đại học số 1 châu Á luôn được các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu đất nước săn lùng. Ngoài ra, bằng tốt nghiệp tại Thanh Hoa sẽ giúp bạn có đủ điều kiện để làm việc tại nước ngoài, các nước châu Âu, châu Mỹ.
Đại học Thanh Hoa là ngôi trường đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo, nhân tài của đất nước Trung Quốc như: Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa - Tập Cận Bình; Hồ Cẩm Đào - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Chu Dung Cơ - nguyên Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa...
Ngôi trường thay đổi theo mùa
Điểm đáng chú ý của Đại học Thanh Hoa không chỉ nằm ở chất lượng và quy mô các chương trình đào tạo, mà còn nằm ở kiến trúc đa dạng độc đáo theo phong cách Đông - Tây, vừa hiện đại, vừa cổ kính mà không trường học nào có được, mỗi mùa lại mang một vẻ khác nhau.
Nằm trong khuôn viên vườn ngự uyển của nhà Mãn Thanh, Đại học Thanh Hoa sở hữu những công trình đẹp tựa như phim.
Khuôn viên của Đại học Thanh Hoa được bao trùm bởi màu trắng của tuyết.
Có thể thấy, Đại học Thanh Hoa là ngôi trường đáng mơ ước của mỗi học sinh. Ngoài ra, mỗi sinh viên trúng tuyển và theo học tại Thanh Hoa cũng tương tự như đã nắm chắc một tay vào tương lai sáng lạn sau này.
(Ảnh: Tsinghua_uni)
Úc mở cửa đón du học sinh Việt Thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ sớm mở thêm nhiều chuyến bay để du học sinh sang Úc tiếp tục con đường học tập Du học Úc luôn là chủ đề được bàn tán bởi những học sinh muốn trải nghiệm, tìm kiếm đam mê tại một đất nước phát triển hàng đầu về giáo dục. Việt Nam hiện đứng thứ tư...