Người thầy tiên phong của nền giáo dục mới
KTĐT – Đó là GS Nguyễn Cảnh Toàn – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội.
Tại lễ thượng thọ mừng ông tuổi 90 do khoa Toán Tin – nơi GS từng công tác tổ chức vừa qua, người thầy đáng kính đã dành thời gian chia sẻ về cuộc đời phấn đấu cũng như quan điểm về giáo dục của ông trong suốt 70 năm qua.
Tự học và tự nghiên cứu
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học ở Nghệ An, năm 1947, khi ông bước sang tuổi 21 cũng là lúc bắt đầu đứng trên bục giảng của trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, mặc dù mới có một chứng chỉ ĐH Toán học đại cương. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, tiếng tăm về thầy giáo Toàn dạy giỏi môn Toán lan truyền cả khu 4. Đến năm 1949, Bộ Giáo dục mở kỳ thi cho những người chưa có bằng cử nhân mà đã dạy chuyên khoa và thầy Toàn có trong tay tấm bằng ĐH. Nhờ dạy giỏi, lại qua một kỳ thi thắng lợi, ông được đưa lên dạy ĐH. Trong suốt thời gian từ năm 1951 làm công tác giảng dạy, quản lý ở khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho đến tận bây giờ, ông vẫn là tấm gương tự học và tự nghiên cứu.
Video đang HOT
Học trò, đồng nghiệp chúc mừng thượng thọ GS Nguyễn Cảnh Toàn.
Vị GS ngồi im lặng và suy nghĩ trong giây lát rồi chia sẻ: “Hồi dạy ở ĐH Sư phạm Khoa học, tôi luôn tự hỏi: Môn này tại sao mình chưa biết? Trường chưa có sách, tôi mày mò tìm hiểu và nghiên cứu. Sau khi hoàn thành, tôi mang công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên “Những tính chất mới của các đường và mặt bậc hai trong không gian eliptic” báo cáo với Hiệu trưởng – GS Lê Văn Thiêm và được đánh giá cao”. Khi Bộ Giáo dục cử 9 nhà giáo sang Liên Xô học bổ túc nâng cao trình độ, thầy Toàn rất muốn mang công trình nghiên cứu đi theo để nhờ các nhà khoa học nước ngoài đánh giá, nhưng ông lại sợ người ta nghĩ mình dốt. Ông đã vượt qua mặc cảm. Ba tháng sau, GS người Liên Xô thông báo công trình nghiên cứu có kết quả rất tốt. Đây chính là công trình khoa học đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng phó tiến sĩ.
Dáng vẻ trầm ngâm, GS Toàn chậm rãi kể, trong suốt thời gian sau đó làm Chủ nhiệm khoa Toán, ông luôn có sự đổi mới. Ông phản đối khẩu hiệu phong trào thi đua dạy tốt “Giảng dạy dễ hiểu, dễ ghi, dễ nhớ” và thay bằng khẩu hiệu của mình: “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Nghĩa là người thầy phải có cách dạy để học trò cảm thấy thích, hứng thú và tự học. Từ việc thực hiện theo phong trào này, ông được mời báo cáo kết quả đào tạo tại một hội thảo quốc gia với sự tham gia của đông đảo các trường ĐH và báo chí. Từ đấy, mọi người luôn coi khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội là quê hương của phong cách giảng dạy và học tập mới.
Một thành tích nữa rất đáng nể của thầy giáo Nguyễn Cảnh Toàn chính là phát động phong trào tự học trong đội ngũ giảng viên. Lúc đầu, khoa Toán chỉ có 9 thầy giáo, tuyệt đại bộ phận chỉ tốt nghiệp ĐH Sư phạm hệ 2 năm. Trước sự thiếu hụt về nhân sự, với vai trò là Trưởng khoa, ông quyết định lấy nguồn từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Ông yêu cầu các giảng viên vừa dạy vừa ra kế hoạch tự học, trong vòng 3 – 4 năm phải hoàn thành chương trình ĐH chính quy 5 năm của Liên Xô. Người nào đạt yêu cầu thì có thể học lên một trình độ cấp 1 (thạc sĩ), rồi lên cấp 2 (tương đương phó tiến sĩ của Liên Xô). Bằng sự chỉ đạo kiên quyết và vượt qua nhiều khó khăn, cộng với bản lĩnh kiên trì, cuối cùng, 3 luận văn đầu tiên của khoa Toán về sinh học đã được bảo vệ thành công. Chính phủ đã công nhận và chính thức mở ra chế độ nghiên cứu sinh ở trong nước.
Học phải hứng thú, đam mê
Thật bất ngờ, khi hỏi về những việc làm thực hiện đổi mới giáo dục trong thời gian qua, ông tỏ ra rất hào hứng: “Chương trình và sách giáo khoa chưa phải là số 1. Cái tôi quan tâm là cách dạy và cách học”. Và, “tôi không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT cho phép thi THPT quốc gia chỉ có 4 môn. Nếu chúng ta cứ giảm áp lực cho học sinh không phải thi nhiều môn thì không còn là phổ thông nữa. Bộ GD&ĐT đã quên một điều, không có con đường nào thênh thang để tiến đến đỉnh cao của khoa học. Cho nên sự nỗ lực cũng như cố gắng tự học vẫn là điều quyết định chất lượng”.
Từ bản thân, GS Toàn rút ra kinh nghiệm, học phải gian khổ. Không phải bằng con đường gian khổ mà phải hứng thú, đam mê, tự lao vào học. Phương châm ông luôn thực hiện gồm 6 chữ “mọi”, đó là học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi người, học bằng mọi cách, học qua mọi nội dung, học trong mọi điều kiện. Mỗi cách học thích hợp với một hoàn cảnh, cho nên không bị mệt vì có hứng thú. Gần 70 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in quãng thời gian sống cùng học trò trong ngôi nhà lá ở vùng kháng chiến. Buổi tối mùa hè, 4 cậu học trò ngồi học 4 góc nhà, thầy giáo Toàn mang chiếc ghế dài ra sân nằm và nhìn lên bầu trời. Ông không ngắm nhìn những vì sao sáng mà suy nghĩ đến nội dung sẽ dạy trong buổi học ngày mai. Khi trời mùa đông, ông nằm trên giường đắp chăn và nhìn lên đình màn nghĩ về bài giảng hôm sau. Hay, mỗi lần được bố mẹ cho đi tàu hỏa, cậu bé Toàn dù mới học lớp 6 lại tận dụng dịp này để tìm hiểu vận tốc của nó mỗi giờ chạy được bao nhiêu cây số…
“Tôi đang suy nghĩ làm thế nào để đi theo con đường: Loài người muốn truyền được vốn liếng của thế hệ trước sang thế hệ sau thì phải lọc ra kiến thức phổ thông và yêu cầu mọi người phấn đấu đạt được” – ông chia sẻ. Theo ông, sở dĩ phải là kiến thức phổ thông vì nó rất cần trong cuộc sống thường ngày của mọi người, cái khó nhất là tìm ra cách học. Và ông đưa ra hai cách, một là thông qua kiến thức phổ thông hiện hành, hai là qua con đường tư duy, đã được ông thực hiện thành công đối với môn Toán ở giáo dục THPT. Hai cách học này mang lại hai cái lợi khác nhau: Một thao tác kiến thức ta đi được ít, một thao tác tư duy ta đi được nhiều. “Tôi rất muốn thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học về nội dung này. Làm được như vậy thì nền giáo dục nước nhà tiến rất nhanh, bây giờ hệ thống giáo dục phổ thông là 12 năm, có thể rút xuống chỉ còn 6 năm”.
Chia tay GS Nguyễn Cảnh Toàn, càng thấy phục ông vì quan điểm giáo dục của ông từ mấy chục năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc dạy và học phải tuân theo khẩu hiệu biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo mà ông đã đề xướng từ năm 1958, được dư luận chung chấp nhận. Chỉ cần nhìn vào thế hệ học trò của ông như GS Vật lý Nguyễn Văn Hiệu, GS Toán học Phan Đình Diệu, GS Toán học Đỗ Đức Thái… là có thể thấy việc tự học, tự nghiên cứu đã mang đến thành công…
Theo ktdt.vn