Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt
Đã 8 năm kể từ ngày về công tác tại Trường Trung cấp nghề Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, thầy Lê Thanh Tùng, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin (CNTT) đã làm được những điều tưởng chừng vô cùng khó đối với một người mang trong mình nỗi đau vì khuyết tật.
Đón chúng tôi bằng những bước đi tập tễnh, khó nhọc, nở nụ cười hiền hậu xen lẫn chút e dè len lỏi trong ánh mắt, người thầy trẻ tuổi nói: Mời chị vào thăm lớp học. Hôm nay trời trở lạnh nên có một số bạn nghỉ học chứ bình thường lớp cũng đông và rôm rả lắm.
Vừa bước chân tới cửa phòng học, chưa kịp quan sát xung quanh, tôi ngỡ ngàng bởi tiếng chào hỏi hồn nhiên, liên tiếp từ phía các em học sinh: “Cháu chào cô”, “Cô là cô giáo mới ạ?”… Rồi thì các em trò chuyện rôm rả mà chủ đề xoay quanh là sự có mặt của “cô giáo mới”. Những câu hỏi có phần ngây ngô, ánh mắt tươi vui thấy rõ cho tôi cảm nhận sự thân thiện, thơ ngây của các bạn nhỏ. Phải sau 1 hồi nhắc nhở và ổn định trật tự thì thầy Tùng mới giới thiệu được với chúng tôi cụ thể hơn về từng em học sinh của mình.
Lớp sơ cấp (CNTT) có 25 học sinh với nhiều dạng khuyết tật khác nhau từ khuyết tật vận động đến trí não. Với những em bị khuyết tật vận động (chân, tay) thì phần lớn tiếp thu tốt và chỉ gặp khó khăn trong những tiết học về lắp đặt, bảo trì và sửa chữa máy tính mà thôi. Còn khó khăn nhất là dạy những em bị thiểu năng trí tuệ và những học sinh khiếm thính.
Do đặc thù của môn tin học đòi hỏi phải dùng đến trí não để ghi nhớ mới có thể thao tác trên máy tính nên chỉ những em bị thiểu năng trí tuệ dạng nhẹ mới có thể theo học. Tuy nhiên để các em nhận biết và tiến bộ từng ngày thì đó là cả một quá trình gian nan. Một bài học cơ bản nếu giảng cho những đối tượng học sinh bình thường thì chỉ cần 1 đến 2 buổi thì với những học trò đặc biệt này, thầy Tùng phải kiên trì tới cả tuần, thậm chí nhiều hơn nữa.
Dừng chân bên cạnh một cậu học trò đang loay hoay tìm phím dấu để đánh cho chữ “tốt” đang hiện trên màn hình, thầy Tùng hỏi: “Muốn đánh dấu “sắc”, em phải bấm phím nào nhỉ?”. “Là…phím… F…”, cậu học trò đáp một cách khó khăn. “Không, phím S mới là ký hiệu của dấu “sắc” chứ, phím F là dấu “huyền”, em nhớ nhé?”. Nói rồi, thầy chăm chú nhìn theo những ngón tay đơ cứng đang rà trên bàn phím một cách khó nhọc và xoa đầu động viên cậu bé. Bài học cứ thế tiếp tục thầy nhắc trò quên. Đọc đi đọc lại, những ngón tay thao tác hàng chục lần vẫn chưa thể nhớ.
Để đạt được hiệu quả cao trong mỗi giờ lên lớp, thầy Tùng thường xuyên tổ chức dạy theo hình thức một thầy – một trò. Thầy luôn chủ động tìm hiểu rõ đặc điểm tính cách, thể trạng sức khỏe của mỗi học sinh để từ đó đưa ra mỗi phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp với mỗi bạn nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
“Vất vả lắm, sau mỗi giờ dạy tôi cũng mệt nhoài vì phải nói và đi lại nhiều. Ngoài việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức đơn thuần, nhiều lúc mình còn trở thành bảo mẫu thường xuyên dỗ dành, tâm sự để các em ngoan ngoãn ngồi học, rồi làm cả việc của nhân viên y tế khi gặp những tình huống có em bị lên cơn động kinh, co giật ngay trong lớp học. Những lúc ấy mình phải bình tĩnh xử lý giúp học sinh của mình qua cơn nguy kịch”, thầy Tùng chia sẻ.
Nói với tôi về cơ duyên đưa thầy đến với ngôi trường đặc biệt này, thầy Tùng tâm sự: Bản thân tôi cũng là người khuyết tật bẩm sinh. Ngay từ khi chào đời, đôi chân tôi đã không được lành lặn như những đưa trẻ khác. Đi lại khó khăn, những cơn đau dày vò sau những lần trượt ngã nhưng niềm khát khao được học tập, được hòa mình với các bạn cùng trang lứa và trên hết là có thể làm chủ cuộc sống của bản thân khiến tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT , muốn chia sẻ một phần công sức của mình đến với những bạn trẻ không may mắn, tôi đã nộp đơn xin vào trường công tác mặc dù biết điều kiện làm việc ở đây còn rất nhiều khó khăn. Tôi muốn bằng nhiệt huyết của mình cùng với sự đồng cảm của người có cùng hoàn cảnh không may mắn, tôi sẽ giúp cho các em có vốn kiến thức cơ bản về tin học để sau này có thể tự mình tìm việc làm, kiếm sống bằng chính khả năng của mình.
Video đang HOT
Nói với chúng tôi về cán bộ giáo viên của mình, thầy giáo Hoàng Đình Tưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thầy giáo Lê Thanh Tùng là người có năng lực và lòng nhiệt, say mê với công việc. Mặc dù bản thân cũng là người khuyết tật nhưng thầy Tùng luôn cố gắng hết mình, kiên trì nhẫn nại để dìu dắt từng học sinh trong lớp. Đây chính là tấm gương sáng, là động lực lớn nhất để mỗi học sinh của chúng tôi nhìn vào để có thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên số phận.
Đã 8 năm trôi qua, dù vất vả nhưng chưa bao giờ thầy Tùng có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. “Những đứa trẻ dạy tôi sự kiên trì, nhẫn nại, cho tôi niềm hạnh phúc từ sự tiến bộ nhỏ như lời chào hỏi hay những thao tác thuần thục trên máy tính… Đó là cả nguồn động viên lớn cho tôi thêm yêu nghề, yêu những đứa trẻ của mình. Tôi mong mọi người có cái nhìn cởi mở hơn, thân thiện hơn để các em có thể trở thành người bình thường, được sống cuộc sống như bao người khác trong xã hội”, thầy Tùng tâm sự.
Kiên trì và yêu thương, đồng cảm với học sinh chính là phương pháp tốt nhất để người thầy giáo trẻ đang từng ngày, từng giờ đồng hành với những cô cậu học trò của mình. Giờ đây, với các em, thầy Tùng không chỉ là thầy giáo mà còn là người bạn, người thân giúp các em hòa nhập cuộc sống và có thể bước đi trên con đường tương lai một cách tự tin, vững vàng hơn.
Thu Hà
Theo baohatinh
Bà giáo U90 của lớp học 20 năm không bảng đen phấn trắng
Suốt gần 20 năm qua, người dân quanh khu vực An Dương Tây Hồ, Hà Nội đã quá quen với hình ảnh cụ bà tóc bạc, lưng còng, gạt nắng, đội mưa dưới trời sấm sét đến lớp để dạy chữ miễn phí cho học sinh khuyết tật. Bà là Nhà giáo Hồ Hương Nam (Tây Hồ, Hà Nội), nay đã ngoài 80 tuổi.
Bà Nam phân trình độ học sinh theo từng bàn và mỗi bàn lại áp dụng phương pháp dạy riêng.
Trước mỗi học trò là một bục giảng
Những học sinh trong lớp của bà Hồ Hương Nam, em thì khoèo tay, em khoèo chân, em khiếm thị, khiếm thính, em thì bị động kinh khi thì im lặng nhưng đột nhiên lại lăn ra hò hét, quậy phá... Những lúc như thế, bà Nam lại nhẹ nhàng đến ôm cậu học trò rồi xoa đầu, động viên để cậu tĩnh tâm lại ngồi học cùng chúng ban.
"Bài giảng" hàng ngày trong lớp của bà tùy thộc vào từng học trò, người thì bà dạy viết chữ, người thì bà giao làm bài tập, người thì bà vừa dạy viết chữ vừa xoa bóp chân cho,... Có em học sinh đang học lăn ra ngủ, thậm chí có người còn đi vệ sinh ngay trong lớp.
Học sinh của bà có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Người cao tuổi nhất đã ngoài 30, người nhỏ nhất mới 8 tuổi. Có người bị liệt, người bị câm điếc hay thiểu năng trí tuệ,...
Một số em có hoàn cảnh rất đáng thương, như một em ở phường Phúc Xá đã vừa câm vừa điếc, bố lại nhiễm HIV, mẹ thì đi lấy chồng khác, em ở với bà ngoại. Một em khác ở phường Yên Phụ thì mồ côi mẹ từ nhỏ mà lại bị liệt nửa người . Em thì đã 38 tuổi vẫn bị liệt tứ chi, chân tay co quắp run rẩy,...
Hoàn cảnh gia đình của các học sinh bà Nam đa phần là nghèo khó. Có em 26 tuổi nhưng theo học ở đây đã lâu, "ra trường" được rồi nhưng vì bố mẹ mất sớm, em ở với anh trai nên 18 năm nay em vẫn đến lớp. Hàng ngày, anh trai đưa em đến đây vui cùng bà Nam và các bạn, hết buổi lại đón về.
Lớp học của bà Nam chủ yếu dạy học viết, đánh vần và những phép tính đơn giản.
Hay một em học sinh 10 tuổi, vừa câm vừa điếc, bố mẹ ly hôn, nhà không có điều kiện đến trường nên bà ngoại gửi đến lớp của bà Nam.
Có cậu học trò phải nửa tháng mới nhớ được chữ A, viết tròn trịa chữ O nên "giáo án" của bà Nam cũng vì thế mà linh động theo từng học trò. Lớp học là thế. Lớp học này đâu có thước với bảng. Bà Nam bảo, trước mỗi học trò là một bục giảng!!!
Để dạy cho học sinh câm điếc, bà Nam phải sang một trung tâm ở quận Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Buổi tối về nhà, bà đọc và nghiên cứu sách về tâm lý của trẻ tự kỷ, khuyết tật.
Có tận mắt cảnh cụ bà mảnh mai, gầy guộc, tóc bạc phơ đang cặm cụi cầm tay một học sinh khuyết tật để luyện cho trò từng nét chữ mới thấy với không ít người chỉ cần sinh ra được là người bình thường thôi cũng đã là một hạnh phúc vô bờ.
"Đánh cược" để có trò!!!
Bà Hồ Hương Nam, sinh năm 1933, ở Đông Ba, Huế. Sau khi lấy chồng bà ra Hà Nội, về dạy ở Trường cấp II An Dương, phường Yên Phụ (Tây Hồ) cho đến lúc nghỉ hưu.
Khi nghỉ hưu, bà Nam tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, làm cộng tác viên dân số nên bà thấy ở địa phương có nhiều trẻ bị tật nguyền không được đi học.Sinh ra ở Huế nên bà thấu hiểu "Nón rất Huế mà đời không phải thế " vậy mà sau khi gặp trẻ khuyết tật bao đêm bà vẫn không thể nào ngủ được... Thế rồi lớp học tình thương ra đời. Bà tự mình
đi đến những nhà có trẻ khuyết tật để vận động gia đình họ cho con, em tham gia lớp học miễn phí do bà dạy.
Trong lớp học của bà, có những em 17 năm nay vẫn chỉ dừng ở học đọc, học viết.
Bà ki cóp những đồng lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết cho các em.
Vậy mà ban đầu đâu có dễ được chấp nhận. Nhiều gia đình có trẻ tật nguyền không thích cho con đi học, vì nghĩ bà thương hại. Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ mục đích của bà nên không ít lần bà bị đuổi ra khỏi cổng. Có người còn nói bà bị "khùng", "ôm rơm nặng bụng",...
Thế là bà phải "đánh cược" với họ để có hai học trò đầu tiên cho lớp học tình thương.
Lớp học đầu tiên của bà chỉ có hai học sinh. Vậy mà bà vẫn dạy không nghỉ buổi nào. Thế rồi các em học về biết đọc - biết viết, biết đúng - biết sai..Lâu dần, học sinh đến với lớp của bà cứ tăng dần. Ngày lên lớp, đêm đến bà lại đi vận động, thấy bà thành tâm và những đứa trẻ học bà dạy rất tiến bộ nên nhiều gia đình trước đây xua đuổi bà đã đến xin lỗi và xin cho con đến lớp. Đến bây giờ, lớp học của bà đã có gần 100 trẻ khuyết tật.
"Mới đầu đi vận động từng nhà cho các cháu theo học, tôi bị xua đuổi nhiều lắm. Nhiều người không hiểu, lại mặc cảm cho rằng tôi khơi lại nỗi đau", bà Nam tâm sự.
"Yêu trường không phải trường to..."
Những ngày đầu "khai giảng", lớp học chỉ có ba cô trò, chỗ học không có, phải lót từng tầm ván để ngồi. Nhiều cụ già ở phường ví von như "lớp binh dân học vụ".
"Nhiều đêm trằn trọc không ngủ tìm nơi dạy học, không ít lần tôi khóc, lo sợ chuyện dạy học đứt gánh giữa đường", bà Nam tâm sự.
Bà giáo Hồ Hương Nam hướng dẫn một học sinh có đến ngót 20 năm gắn bó với lớp.
Rồi bà mượn được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi dạy học. Thế nhưng, được 2 năm thì bà phải trả lại để xây dựng nhà văn hóa phường. Thấy nhà trẻ gần đấy có một phòng còn trống, bà lại dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu cho các cháu vào học . Sau nhiều lần, bà lên tận Phòng Giáo dục quận Tây Hồ để xin nơi dạy học.
Cảm nhận được sự thành tâm của bà, cô Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường THCS An Dương đã đồng ý cho bà dạy tại trường.
Cứ đến thứ Sáu hàng tuần, bà thường trích một khoản từ lương hưu của mình mua bánh mì, bim bim, kẹo,... để thưởng cho các em. Học sinh của bà ai cũng háo hức, vui vẻ đón nhận. Nhiều học trò của bà nhớ trường, nhớ lớp đến mức nghỉ học là không chịu được, như em Nguyễn Thanh Thúy, bị liệt nửa người, bị bố ngăn cản, song hằng ngày em vẫn tìm cách trốn nhà đến lớp.
Giờ đây, không chỉ người dân ở trong phường An Dương gửi con em khuyết tật đến học chỗ bà mà những gia đình khó khăn ở phường Nhật Tân, Phú Thượng, phường Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ) hay từ tận quận Hai Bà Trưng cũng đưa con cháu đến xin học.
Sau một thời gian theo học với bà giáo Nam, nhiều gia đình nhận thấy con mình có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào hỏi nên vô cùng phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều học sinh đến gõ cửa xin bà dạy chữ.
Nhờ có con chữ do bà Nam dày công luyện rèn nên nhiều em khuyết tật đã tìm được bến đỗ hạnh phúc, lấy chồng, lấy vợ, có công ăn việc làm ổn định. Tính đến nay học trò của bà đến cả trăm người.
Nhiều em tưởng như cuộc sống chỉ tẻ nhạt suốt đời nhưng bây giờ đã đọc được báo, truyện tranh, biết giao tiếp, chào hỏi mọi người,... Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn đều đặn 5 buổi/tuần lên lớp dạy học và suốt gần 20 năm qua bà chưa bao giờ nhận một đồng tiền thù lao nào.
Những ngày gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp học của bà Hương Nam càng rộn ràng vui vẻ...Tiếng cười của trẻ làm bà thêm khỏe, thêm vui. Với bà đó là phần thưởng cao quý nhất.
Nghe các cụ già ở phường nói về lớp học bà Nam, tôi nhớ đến mấy câu thơ khi về thăm trường cũ: "Yêu trường không phải trường to/ Mà vì cái chữ làm cho ấm lòng/ Kính thầy đâu phải nhiều bằng/ Kính thầy ở chính tấm lòng sáng trong"!
Theo vietimes
Xóa bỏ mặc cảm, giúp học sinh khuyết tật tự tin trong học tập Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ (Hưng Yên) hiện đang dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc và can thiệp sớm cho 221 học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Lớp dạy nghề Công nghệ thông tin cho các học sinh khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết...