Người thầy của nhiều học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa đại học
Nhiều thế hệ học sinh của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu vẫn thường tự hào kể rằng, tại ngôi trường này, có một người thầy dạy Sử cực kì đỉnh. Đó là thầy giáo Trần Trung Hiếu…
Người thổi hồn cho môn Lịch sử
Thầy Trần Trung Hiếu từng có ước mơ trở thành một chiến sỹ công an nhưng không có cơ hội để thực hiện điều đó nên thầy quyết định dự thi vào trường ĐH Sư phạm Vinh và chọn ngành Sư phạm Sử.
Thầy Trần Trung Hiếu
Thời điểm ấy, đất nước còn nhiều khó khăn, đồng lương ít ỏi khiến nhiều nhà giáo phải bỏ nghề, nhiều người quan niệm rằng “chuột chạy cùng sàng mới vào sư phạm”. Thế nhưng, chính niềm đam mê, sở thích được tìm hiểu, khám phá kiến thức lịch sử của thế giới, dân tộc đã tạo động lực cho thầy vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đứng vững với nghề.
Sau hơn 20 năm gắn bó với bục giảng, thầy đã trở thành một trong những giáo viên dạy Sử giỏi ở bậc THPT được biết đến nhiều nhất trong cả nước, góp mặt thường xuyên tại các Hội thảo khoa học cấp quốc gia về môn Lịch Sử, đồng thời là giáo viên Sử đầu tiên của tỉnh Nghệ An được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mời ra dự Lễ tôn vinh và phát thưởng HSG Quốc gia môn Lịch Sử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám .
Là một giáo viên dạy Sử, thầy cũng không ít lần cảm thấy chạnh lòng vì nhiều học sinh không coi trọng môn học này. Thế nhưng, bằng chính sự tận tâm với nghề và tận tụy với trò, thầy vẫn luôn biết cách “thổi hồn” cho những số liệu, những sự kiện lịch sử khô khan, khơi gợi niềm hứng thú của học sinh với môn học vốn bị nhiều học sinh thờ ơ. Luôn quan niệm không dạy những gì mình có mà phải dạy những gì học trò cần, thầy Hiếu “trị buồn ngủ” cho học sinh bằng cách giảng bài sinh động, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn thay vì chung thủy với phương pháp đọc – chép truyền thống.
10 năm là “thủ lĩnh” của đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia
Thầy Hiếu bên các bạn học trò cùng say mê môn Sử
20 năm đứng trên bục giảng, nhưng thầy Hiếu đã có “thâm niên” đến hơn 10 năm đảm nhiệm vụ trực tiếp dìu dắt đội tuyển học giỏi thi quốc gia của tỉnh Nghệ An. Với thầy, “huấn luyện” đội tuyển học sinh giỏi Sử đã trở thành mối duyên nợ khó dứt trong nhiều năm nay. Dưới sự dìu dắt của thầy và các đồng nghiệp, đội tuyển học sinh giỏi môn Sử của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, của tỉnh Nghệ An luôn đạt được những thành tích rất đáng nể, trong đó có những học sinh giỏi đạt giải Nhất, giải Nhì, được dự Lễ tôn vinh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám như bạn Nguyễn Thanh Hải (giải Nhất quốc gia năm 2007), Mai Việt Dũng (giải Nhì quốc gia 2013 khi đang học lớp 11).
Video đang HOT
Đặc biệt hơn, với tâm huyết, kinh nghiệm và thành tích có được trong nhiều năm dạy học sinh giỏi, thầy Hiếu đã trở thành giáo viên Sử duy nhất trong các trường THPT được các tỉnh khác mời thỉnh giảng cho đội tuyển học sinh giỏi Sử.
Không những thế, rất nhiều thế hệ học trò của thầy đã xuất sắc trở thành thủ khoa, á khoa của các trường ĐH lớn, trong đó có bạn Đặng Thị Tình (thủ khoa khối C với 27 điểm của HV Cảnh sát nhân dân, năm 2010); Trịnh Minh Nga (thủ khoa khối C với 25 điểm của trường ĐH Luật HN, năm 2009); Nguyễn Quỳnh Thương (á khoa khối C với 26 điểm của Học viện An ninh, năm 2010); Pay Thị Dung (á khoa khối C của trường ĐH Luật Hà Nội năm 2013).
Thầy Hiếu và cựu thủ khoa HV Cảnh sát Đặng Thị Tình
Thủ khoa Đặng Thị Tình (hiện đang học năm thứ 4 của HV Cảnh sát Nhân dân) xúc động chia sẻ về người thầy của mình: “Thầy là một người rất nhiệt huyết với nghề nghiệp của mình. Qua từng bài giảng, học trò chúng mình lại càng thấy rõ điều đó hơn. Thầy có một phương pháp truyền thụ kiến thức rất đặc biệt, dễ hiểu và giúp bọn mình nhanh thuộc bài”.
Thầy giáo dạy Sử 2 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của dân tộc và với thầy Trần Trung Hiếu, vị tướng ấy luôn luôn có một vị trí vô cùng thiêng liêng, quan trọng. Thầy đã từng có vinh dự được gặp Đại tướng 2 lần, khi còn là 1 học sinh học lớp 10 của trường THPT Nghi Lộc 1 và khi trở thành sinh viên năm nhất của trường ĐH Sư phạm, đều trong dịp đón Đại tướng về thăm trường. “Mỗi lần được gặp Đại tướng lại đem đến cho thầy một cảm xúc thật đặc biệt về vị tướng lừng danh của dân tộc và thế giới, tác động sâu sắc tới việc học Sử, dạy Sử của thầy” – thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy Hiếu cùng đội tuyển HSG quốc gia môn Sử 2013 của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu
Cuối tháng 8/2013, thầy Hiếu cũng là giáo viên dạy Sử duy nhất nhận được mời tham dự cuộc Giao lưu trực tuyến đặc biệt mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 103, do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức. Với niềm tôn kính và ngưỡng mộ đặc biệt dành cho Đại tướng, ngay khi nhận được lời mời, thầy Hiếu đã vội vàng bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội để kịp tham gia buổi giao lưu. Dù phải vượt qua 300km trong đêm nhưng đối với một giáo viên dạy Sử, thầy coi đó như một cơ hội vô cùng quý giá.
Ngày Đại tướng mất, thầy Hiếu quyết định gác lại mọi công việc để hòa cùng dòng người vào Quảng Bình. Thầy đến viếng Đại tướng tại Nhà lưu niệm ở làng An Xá và đưa tiễn Đại tướng đến Vũng Chùa – Đảo Yến. Thầy Hiếu chia sẻ, đó là chuyến đi của một thầy giáo dạy Sử nhỏ bé đến tiễn biệt một người thầy dạy Sử lớn về trí tuệ và nhân cách, tài năng và đức độ.
Trong những bài giảng lịch sử của mình, thầy Hiếu vẫn luôn giới thiệu tới học trò của mình về Đại tướng, về vai trò đặc biệt của Người trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cùng những quyết định lịch sử, thay đổi vận mệnh dân tộc.
Câu nói mà thầy Hiếu tâm đắc nhất của Đại tướng là: Nếu không có chiến tranh, tôi đã là thầy giáo dạy Sử”.
Theo Trithuc
Con trai người phụ hồ thành thủ khoa đại học
12 năm liền là học sinh giỏi, liên tục đứng đầu lớp... nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Cao Minh Tiến thi trường ĐH Xây dựng miền Tây để giảm chi phí. Tiến đã đậu thủ khoa...
Dự tính được khoảng 20 điểm thi ĐH nhưng Cao Minh Tiến (HS Trường THPT Vĩnh Long, TP. Vĩnh Long) vẫn khá bất ngờ khi hay tin mình trở thành thủ khoakhối A và A1 Trường ĐH Xây dựng miền Tây với điểm số 20,5.
Cao Minh Tiến, Thủ khoa Trường ĐH Xây dựng miền Tây (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
12 năm liền là học sinh giỏi, thành tích học tập THPT luôn đứng đầu lớp và các lớp khối A nhưng Tiến vẫn quyết định thi vào trường ĐH Xây dựng miền Tây, khoa Kĩ thuật xây dựng công trình.
Lí do như cậu bạn cho biết: "Hoàn cảnh gia đình em khó khăn. Học xa sợ bố mẹ không lo đủ chi phí hàng tháng. Trường ĐH Xây dựng miền Tây chỉ cách nhà em 4km. Ngành học em lựa chọn cũng là đam mê từ lâu. Dù biết trường mới từ CĐ lên ĐH nhưng tìm hiểu thì thấy cơ sở vật chất của trường cũng khá tốt".
Thi ĐH, Tiến chỉ đăng ký nguyện vọng duy nhất vào Trường ĐH Xây dựng miền Tây. Em cho biết, nếu không đỗ năm nay thì sẽ theo học hệ CĐ của trường và tiếp tục thi lên ĐH vào năm sau.
"Khi biết đậu thủ khoa của trường em và gia đình hết sức vui mừng" - Tiến hồ hởi.
Hay tin con đỗ thủ khoa, chú Cao Văn Sếnh - bố của em vừa mừng vừa lo. Bởi cả gia đình không ruộng vườn. Kinh tế gia đình trông cả vào công việc phụ hồ....
Cả gia đình sống trong căn hộ cấp 4 lợp bằng mái tôn, mùa đông gió lùa lạnh buốt, mùa hè nóng như rang. Công việc phụ hồ theo lời kể của chú Sếnh nay đây mai đó, bữa no bữa đói.
Nghề phụ hồ theo chú đã ngót 30 năm. "Nhưng giờ nếu ngả bệnh cũng không biết xoay sở thế nào...." - lời chú Sếnh.
Chú nói, con đỗ ĐH cha mẹ nào không mừng. Nhưng trong nụ cười của chú Sếnh vẫn không giấu được âu lo vì sắp tới phải cố gắng làm hơn để lo tiền học cho con. Cũng may, trời cho sức khỏe...
Không phụ lòng cha mẹ, suốt 12 năm liền Tiến đều là học sinh giỏi. Riêng lớp 12, em đạt 9,0 điểm tổng kết cả năm. Ngoài giỏi các môn tự nhiên, năm lớp 11, em còn được giải Ba HSG tỉnh môn Địa, năm lớp 12 là giải Khuyến khích HSG tỉnh cũng ở bộ môn này.
"Ba già" là tên các thành viên lớp 12/7 đặt cho chàng lớp phó học tập Cao Minh Tiến. Tự nhận mình là "người cổ hủ", Tiến cười tươi tâm sự: "Em thường hay phản bác khi mọi người đưa ra đề xuất kiểu tốn kém, lãng phí nên bị trêu gọi là cổ hủ.
Cao Minh Tiến chụp chung với các bạn học (Ảnh: NVCC)
Có lần lớp cắm trại, mọi người đề xuất dùng nhiều đèn màu hiện đại. Em không đồng ý vì như vậy tốn kém. Các bạn lúc đầu cũng phản đối nhưng nghe em giải thích cuối cùng cũng đồng ý".
Trầm tính, hiền lành là những lời ngắn gọn mà chú Sếnh nói về cậu con trai. Là người cha, chú chỉ có thể cho con tình thương và những lời động viên. Còn việc học và lựa chọn ngành nghề như thế nào đều do Tiến quyết định.
Phương pháp học của Tiến là chăm chú lắng nghe và nắm kiến thức cơ bản ngay trên lớp.
Tiến bật mí, môn Hóa cần tập học phương trình phản ứng và các phương pháp giải nhanh. Môn Vật lí, Tiến thường nhờ thầy giáo tổng hợp công thức để học.
Riêng môn Toán là môn "đuối nhất" của Tiến nên em dành nhiều thời gian làm các dạng bài khác nhau để rút ra kiến thức tổng hợp. Những khi mệt mỏi Tiến thường tìm đến cầu lông hoặc bóng chuyền để thư giãn.
Tiến hạ quyết tâm, vào ĐH em sẽ cố gắng ngay từ những ngày đầu. Em muốn mình học thật giỏi, sau này ra làm kĩ sư có thể tìm được một nơi làm việc tốt để bố mẹ không còn vất vả nữa...
Theo Vietnamnet
Phải tập trung lo cho người thầy Sáng 23.1, tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và kết luận Hội nghị T.Ư 6 về đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới chất lượng người thầy và coi đó là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Giáo viên đóng vai trò quan trọng...