Người Sài Gòn mê mẩn bún mắm nêm miền Trung gia truyền 30 năm
Chỉ với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/tô, người Sài Gòn đã có thể thưởng thức tô bún mắm nêm chuẩn vị miền Trung tại quán bún mắm nêm Dì Bảy Đà Nẵng trên đường Bàu Cát 2, quận Tân Bình, TP.HCM.
Tô bún mắm nêm chuẩn vị Đà Nẵng ở Sài Gòn.
Không khó để tìm được một quán bún mắm nêm ở Sài Gòn nhưng để tìm được quán có đủ vị mặn mòi chính gốc của Đà Nẵng thì quả không hề dễ dàng. Trong số ít đó, quán bún mắm nêm Dì Bảy Đà Nẵng là quán chính gốc người Đà Nẵng gây dựng và duy trì hơn 5 năm nay, khiến nhiều người Sài Gòn mê mẩn, kéo nhau đến thưởng thức.
Mặn mà vị mắm nêm miền Trung
Dì Bảy là cái tên thân thương được nhiều thực khách mến gọi. Đó là tên người mẹ quá cố của anh Hồ Văn Hậu (45 tuổi) – chủ quán. Anh Hậu nói: “Vợ chồng tôi đặt tên như vậy để mọi người đến ăn thấy gần gũi, thân thương, ai cũng có thể đến quán như nhà của mình vậy”.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào quán là mùi mắm nêm thơm nồng đến nức mũi bốc ra từ gian bếp và cả từ những bàn ăn của khách. Mắm nêm hay còn gọi là mắm cái, là gia vị phổ biến của các tỉnh duyên hải miền Trung và đó cũng là gia vị chính của món bún mắm nêm bình dân, phổ biến nhất ở thành phố Đà Nẵng.
Mắm nêm quán Dì Bảy do chính tay anh Hậu tự pha chế để ăn kèm với bún tại quán, ngoài ra có nhiều người đến ăn còn đặt riêng mắm mang về vì mắm quá “bén miệng”, ăn ngon cơm.
Một điểm đặc biệt về nguyên liệu nấu bún mắm nêm ở đây là đa phần được chuyển từ Đà Nẵng vào mỗi ngày rồi sáng hôm sau sử dụng ngay.
Quán bún mắm nêm Dì Bảy nằm trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình
Bún mắm nêm Dì Bảy mỗi tô gồm ba tầng. Dưới cùng là tầng rau xanh, rau có xà lách, rau húng, đu đủ bào. Ở giữa là tầng bún, bún ở đây sợi nhỏ, mềm và rất mịn. Tầng trên cùng là đồ ăn kèm bao gồm thịt heo luộc, thịt ba chỉ heo quay vàng giòn, ăn bao nhiêu cũng không ngán, chả bò, tai heo sần sật, mít non luộc và hành phi cho bớt độ nồng của mắm nêm.
Ngoài ra, một số gia vị ăn kèm bún mắm nêm như là ớt, hành củ, lát chanh…
Khách ăn mắm nêm nhiều hay ít, bỏ một lần hay nhiều lần đều tự phục vụ vì mắm nêm được quán để sẵn vào lọ đặt trên bàn. Nếu thực khách là người miền Trung giống như tôi thì ăn sẽ cảm thấy rất bén, rất vừa miệng nhưng nếu là người miền Nam ưa ngọt hơn thì có thể để thêm đường hoặc cho ít mắm nêm lại.
Video đang HOT
Là quán “ruột” từ khi vào Sài Gòn công tác, chị Nguyễn Hiền Nhân (ngụ quận Tân Bình) tâm sự: “Mình vừa ăn tại quán và còn thường đặt về nhà để ăn. Mình là gốc Huế nên cũng thích ăn những món đậm vị kiểu bún mắm nêm miền Trung này. Ăn bún mắm nêm thì mình chỉ ăn ở quán này thôi vì ở đây pha mắm nêm cực kỳ ngon”.
Công thức lưu truyền 30 năm
Anh Hậu cho biết quán mở tất cả các ngày trong tuần từ 6 giờ sáng đến 13 giờ, sau đó mở lại lúc 16 giờ 30 đến khi nào quán hết bún thì đóng cửa.
Anh Hậu chia sẻ rằng hầu như giờ nào quán cũng có khách nhưng đông nhất là thời điểm chiều tối, giờ tan tầm có nhiều gia đình đến ăn hơn. Ngoài bán trực tiếp, hiện nay các dịch vụ giao đồ ăn cũng giúp số lượng đơn hàng đặt về quán tăng lên đáng kể.
Bún mắm nêm
Chả bò Đà Nẵng
Ngoài ra, còn có bún bò kiểu Đà Nẵng
Anh Hậu từng có thời gian phụ mẹ bán bún từ năm 16 tuổi, đến năm 1990 mẹ anh mất và từ đó đến nay đã gần 30 năm. Suốt 30 năm, anh Hậu học đại học, rồi làm công việc văn phòng ổn định ở TP.HCM và cuối cùng anh đã lựa chọn phục hồi, phát triển món bún mang tên mẹ mình ngay giữa Sài Gòn đông đúc.
Anh được mẹ mình truyền lại những kinh nghiệm chế biến món bún mắm nêm Đà Nẵng từ cách chặt thịt thế nào cho lát thịt còn nguyên, chế biến mắm thế nào cho vừa bén, gia vị thế nào để có chất riêng… Những công thức ấy từ đó đến nay anh vẫn không hề thay đổi.
Bởi không muốn thất truyền thứ ẩm thực gắn bó với cả đời mẹ mình nên anh Hậu quyết định mở quán duy trì và phát triển tâm huyết của người mẹ quá cố. Đồng thời, đây cũng là cách anh giúp những người con xa xứ được thưởng thức món ăn đậm vị quê nhà như bún mắm nêm ngay giữa lòng Sài Gòn.
Theo Thanhnien
Tìm tô bún bò ngon nhất Sài Gòn
Phở Hà Nội và bún bò Huế "di cư" vào Sài Gòn đã làm cho hủ tiếu bớt đi phần nào vị trí thống trị. Phở thì có vẻ hơi "khó tính" một chút, tức là hàng quán phải tươm tất, thành phần tô phở hùng hậu nên giá bán cũng khá cao.
Còn với món bún bò thì tiệm sang cũng có, mà bình dân trong hang cùng ngõ hẻm cũng có.
"Nhiều người nấu là để bán, tui nấu là để thỏa sức và thỏa hồn, chăm chút hết sức cho nồi bún nên không thể nào nấu khác đi được", chị Út chia sẻ.
Bún bò Huế ở Sài Gòn cũng có hai dòng: bún bò Huế "lai" với khẩu vị đã thay đổi để phù hợp với người Sài Gòn, hoặc bún bò Huế giữ nguyên Huế dành cho người Huế tha hương hay người miền Trung ưa vị mặn mòi của mắm ruốc.
Theo chỉ dẫn của nhiều người bạn Huế, tôi tìm đến quán bún bò Út Hưng trong hẻm 6C Tú Xương (quận 3). Những người "rặt Huế" vẫn thường tìm đến quán bún không biển hiệu này để thưởng thức một tô bún đúng vị của quê hương.
Chị tên Út, anh tên Hưng nên thực khách quen thường gọi là bún bò "Út Hưng". Gia đình chị đã bán bún bò ở Sài Gòn hơn 13 năm nay, với 11 lần thay đổi địa điểm, khởi nghiệp chỉ là gánh bún trên vỉa hè.
"Bà nội tui là người nấu bún bò từ thuở rất xưa ở làng An Cựu. Nếu còn sống thì bà nội đã hơn 100 tuổi. Bà nội truyền lại cho các con và bây giờ là các cháu nối nghề", chị Út tự hào kể.
Cũng như nhiều o (cô), nhiều mụ (bà) gánh bún bò ở Huế, bà nội chị Út cũng gánh bún bò đi bán rong khắp nơi, sau đó thì ngồi bán ở chợ An Cựu. Chị Út thì đi tìm một chân trời mới để bán món này, đó là Sài Gòn.
Hỏi rằng tại sao chị không bán bún bò "lai" (bún bò kiểu miền Nam, có bỏ đường, ít ruốc và sả, nhiều nơi cho thêm cả thơm để tăng vị ngọt), chị Út cho hay, chị nấu bún bò bằng cả tâm hồn, nỗi nhớ Huế của mình nên không thể thay đổi cách nấu được.
Tô bún bò Huế thuộc hàng ngon nhất nhì Sài Gòn.
Hấp dẫn những lát bắp bò.
"Nhiều người nấu là để bán, tui nấu là để thỏa sức và thỏa hồn, chăm chút hết sức cho nồi bún nên không thể nào nấu khác đi được", chị Út chia sẻ.
Nếu tới số nhà 6C Tú Xương (quận 3), bạn sẽ thấy một gánh bún đúng kiểu Huế, với nồi nấu bún là loại nồi nhôm đáy tròn, cổ eo, miệng loe nhưng thân phình to. Kiểu nồi này xuất hiện vào thập niên 60 ở Huế, thay thế cho nồi đất ngày trước.
Nồi sâu lòng nhưng nhỏ miệng nên giữ nhiệt rất tốt. Điểm thú vị là khi bán hết, chỉ cần nghiêng nồi lúc nước gần cạn hết vẫn có thể múc được đến tô cuối cùng. Cái nồi trông nhỏ nhắn mà dường như múc vô tận, chỉ cần chao cái muôi là múc được đủ thứ trong lòng nồi: miếng giò heo, miếng huyết, cục thịt bò gân hay miếng giò viên...
Khách sành ăn món Huế thường tìm gánh bún nào có chiếc nồi này vì họ cho rằng nấu nồi đó bún bò mới ngon. Bởi vậy chiếc nồi là tài sản vô giá của người nấu bún bò Huế.
Chị Út cho biết, bún bò Huế khởi thủy rất đơn giản, chỉ có giò heo và bò bắp hầm mềm, không ăn kèm rau, giá như bây giờ. Bà nội chị trước đây vẫn bán thêm cả giò sống - chả lụa viên tròn (thịt nạc heo quết nhuyễn trong cối đá với nhiều tiêu hạt).
Nồi bún hiện tại của chị Út có đủ thứ mà người Huế hiện đại cần: chả lụa, chả cua, giò heo, bắp bò, huyết (bún bò Nam không nấu với huyết heo), có cả bò tái và chả bò tùy theo sở thích của khách. Để tăng thêm độ ngọt cho nước lèo, chị Út còn dùng thêm cả xương đầu heo.
Đi tìm tô bún Huế đích thực ở Huế thời nay cũng đã khó rồi, huống chi ở Sài Gòn. Ngay cả người Huế cũng rất tranh cãi khi nói về bún bò Huế đích thực.
Có lẽ, nên dẫn lời của một người con xứ Huế nặng lòng với quê hương dù đang là giảng viên đại học trên đất Mỹ Trần Kiêm Đoàn:
"Theo thời gian và không gian, bún bò Huế có lúc và có nơi chỉ còn là một cái tên nhưng phẩm chất, đặc tính, mùi vị... đã hoàn toàn biến đổi. Nhiều người vẫn tẩn mẩn tự hỏi, không biết tô bún bò Huế thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và tô bún thời vua Bảo Đại thoái trào năm 1954 có gì khác nhau trong cung đình và ngoài phố chợ.
Có điều rõ ràng là khách ăn bún Huế sẽ cảm thấy tô bún An Hoà khác hẳn tô bún An Cựu, nơi nầy có thêm lát chả, nơi kia có thêm miếng huyết, nơi nọ có chút rau thơm và chuối cây xắt mỏng lơ thơ. Càng đi xa, tô bún ở Đà Nẵng không giống tô bún Sài
Gòn; tô bún Huế Ca-li khác xa tô bún Huế Texas".
Bàn về ẩm thực, 9 người 10 ý, nên thường gây tranh cãi về độ ngon và tính chính thống của món ăn. Nhưng thôi, mảnh đất Sài
Gòn đã cho bạn quá nhiều lựa chọn. Vì vậy cũng không quá khó để tìm được tô bún bò rất "Huế" giữa lòng thành phố đa văn hóa này.
Bún bò Út Hưng, 6C Tú Xương, phường 7, quận 3
Mở cửa: từ 6h30 đến tầm 9, 10h sáng
Giá: Bún bò (45.000đ/tô), cơm hến, bún hến (30.000đ/phần)
Theo: Xaluan
5 quán đồ chay lạ miệng tại Sài Gòn Nếu những bữa ăn hàng ngày với đầy đủ chất đạm như thịt cá đã làm cho bạn cảm thấy chán ngán, hãy thay đổi khẩu vị bằng cách đặt chân đến những tiệm đồ chay dưới đây. Phóng to Chay Mandala: Tọa lạc tại đường Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, đây là quán đồ chay mang sắc màu Tây Tạng. Không...