Người phụ nữ Myanmar đào tạo trẻ đường phố thành đầu bếp
Từng trải qua cảnh nghèo khó, Ma Khin thấu hiểu tâm lý của trẻ đường phố, mong muốn giúp các em tìm được hướng đi đúng cho tương lai.
Khi hướng dẫn viên du lịch Ma Khin thành lập một nhà hàng để đào tạo trẻ vô gia cư trở thành đầu bếp và bồi bàn, cô suy nghĩ rất nhiều về quãng đời mà chúng trải qua.
“Trẻ đường phố gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Nhiều đứa có tên trong hồ sơ tội phạm. Đôi khi chúng tôi nhận cả những kẻ trộm và đối mặt với thử thách rất lớn là dạy chúng không được động vào đồ đạc của khách. Khi lang thang ngoài đường, chúng từng ăn trộm để có thứ vào bụng”, người phụ nữ 40 tuổi giải thích.
Một lần nọ, một cậu bé vừa đến nhà hàng được hai tuần đã lén mở khóa cửa cho bạn bè vào, trộm tiền và chia nhau. “Trải qua những chuyện như vậy, chúng tôi đã vài lần nghĩ đến việc đóng cửa, nhưng sau đó tiếp tục”, Ma Khin nói. Sự kiên trì của cô đối với dự án mạo hiểm này đến từ tình yêu và tấm lòng của một người mẹ, và bởi cô từng lớn lên trong cảnh nghèo khó.
Ma Khin trải qua nhiều khó khăn khi đào tạo trẻ đường phố. Ảnh: Mediacorp
Nhờ đóng góp to lớn cho cộng đồng, Ma Khin trở thành một trong 20 nhân vật truyền cảm hứng trong chương trình Champions for Change, series đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập kênh Channel NewsAsia.
Ngoài Ma Khin, chương trình tôn vinh những cá nhân xuất sắc khắp châu Á như một cựu kiến trúc sư ở Singapore đã cung cấp việc làm cho người lớn mắc chứng tự kỷ và đào tạo họ trở thành nghệ nhân kim hoàn, hay một doanh nhân Ấn Độ chuyên gom thực phẩm dư thừa để phân phát cho người nghèo.
Chặng đường thoát nghèo thông qua giáo dục
Ma Khin, tên thật là Khin Hnit Thit Oo, đã sớm hiểu tầm quan trọng của giáo dục kể từ khi còn rất nhỏ. Cô xem đó là con đường tốt nhất để thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Người mẹ đơn thân của cô đã phải vất vả loay hoay với công việc và vai trò trụ cột trong gia đình, mong muốn lớn nhất là kiếm đủ tiền nuôi sáu miệng ăn.
Video đang HOT
“Sự thiếu thốn vật chất thể hiện rõ trong hộp cơm trưa chúng tôi mang đến trường những ngày gần cuối tháng”, Ma Khin nói. Cô đã hoàn thành bậc trung học phổ thông nhờ sự giúp đỡ từ người thân.
Năm 1996, trong thời gian chờ đợi trước khi vào đại học, Makhin đã tham gia các khóa học tiếng Anh từ 7h đến 10h sáng, làm gia sư từ trưa đến 3h chiều và tiếp tục bán hàng trong một hiệu thuốc từ 4h30 chiều đến 9h30 tối.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu năm học mới, chính quyền đã đình chỉ hoạt động của trường đại học do các cuộc biểu tình của sinh viên. Không được đi học, Ma Khin đành tìm việc và trở thành nhân viên tiếp tân ở khách sạn, nhưng điều đó hóa ra là một phước lành.
Trong thời gian làm việc, cô tranh thủ học tiếng Pháp để phục vụ cho số lượng khách nói tiếng Pháp ngày càng tăng. Những lúc rảnh, cô tập trung học bài ở sau quầy lễ tân và góc cầu thang để chuẩn bị cho kỳ thi.
Một khách Nhật thường chuyện trò với Ma Khin đã rất tò mò muốn biết tại sao cô lại quyết tâm học ngôn ngữ đó. Ma Khin trả lời rằng cô muốn đến Pháp vào một ngày nào đó.
Một thời gian sau, vị khách Nhật tìm đến cô lễ tân chăm chỉ, nói rằng anh đang trao học bổng cho thanh thiếu niên ở Myanmar và hỏi cô có quan tâm không. Từ lời đề nghị bất ngờ, Ma Khin có cơ hội sang Pháp học ở một trường đại học với học bổng toàn phần.
Sau khi trở về quê hương, cô bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch và hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận, một trong số đó đã cử cô đi học một khóa tại Campuchia vào năm 2009.
“Đó là khóa học kéo dài một tuần và tôi tình cờ dùng bữa trong một nhà hàng. Nhà hàng đó thuê trẻ em đường phố và dạy chúng kỹ năng nấu ăn. Tôi lấy cảm hứng từ đó”, Ma Khin chia sẻ.
Trả ơn bằng cách cho đi
Tại Myanmar, cảnh trẻ mưu sinh trên đường phố không hiếm thấy. Các em đôi khi là nạn nhân của nghèo đói hoặc bị gia đình lạm dụng.
Với một số trẻ, khi đến khoảng 10-11 tuổi, chúng sẽ bị cha mẹ đẩy ra đường làm việc và họ sẽ ứng trước sáu tháng tiền lương. Những bậc phụ huynh ít học nghĩ điều này là bình thường bởi vì họ đã lớn lên theo cách đó. “Họ không quan tâm đứa trẻ cảm thấy như thế nào”, Ma Khin nói.
Theo báo cáo năm 2015 của chính phủ, một phần năm trẻ em 10-17 tuổi đang làm việc thay vì đi học, nhưng con số thực được ước tính cao hơn.
Tháng 2 năm ngoái, U Thein Swe, Bộ trưởng Lao động, Nhập cư và Dân số cho biết rất khó để ngăn chặn số lượng lao động trẻ em tăng lên, do nạn nghèo đói và thiếu giáo dục đang lan rộng.
Ma Khin thấu hiểu tâm lý trẻ đường phố do từng trải qua hoàn cảnh thiếu thốn ngày nhỏ. Ảnh: Mediacorp
Mong muốn cải thiện thực trạng này, Ma Khin và một người bạn đã đề xuất ý tưởng về nhà hàng đào tạo trẻ đường phố và nộp cho Đại sứ quán Pháp, giành giải thưởng Nhân quyền trị giá 15.000 euro (23.000 đôla Singapore).
Đó là bước khởi đầu của Nhà hàng Dạy nghề LinkAge, khai trương tại Yangon năm 2011. Đơn vị quản lý là Forever, tổ chức phi chính phủ do Ma Khin và bạn bè thành lập.
Tọa lạc ở một shophouse (mô hình khu nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh), nhà hàng hiện đào tạo thanh niên từ 15 đến 24 tuổi trong thời gian một năm trước khi giúp họ tìm việc ở nơi khác. Những người trẻ hơn được học nghề miễn phí và hỗ trợ về học tập.
“Một số em là trẻ đường phố, một số em đến từ những gia đình nghèo khó. Chúng tôi khuyến khích chúng học càng nhiều càng tốt, để khi lớn lên, chúng có thể giúp thêm nhiều người khác nữa”, chủ nhà hàng cho hay.
Việc quản lý những đứa trẻ đường phố đi kèm với nhiều thách thức. Bị ép buộc lao động từ khi còn bé, nhiều người cần được tư vấn và giải tỏa tâm lý trước khi học nghề. Thi thoảng, Ma Khin rất đau lòng khi chứng kiến một số em bỏ đi đột ngột, nhưng cô nhận ra hành vi của trẻ em chính là kết quả của hoàn cảnh sống.
“Chỉ khi giúp chúng giũ bỏ được những cảm xúc tiêu cực, chúng tôi mới bắt đầu dạy chúng kiến thức và lòng từ bi. Tôi giống như một người mẹ của bọn trẻ, bởi vì chúng đã bị tước đi tình yêu”, Ma Khin giải thích.
Niềm hy vọng lớn lao
Làm quen với những quy tắc trong nhà hàng không phải là chuyện dễ dàng đối với những đứa trẻ quen sống vô tổ chức trên đường phố.
Đầu bếp trưởng Ye Htut, người thường được gọi là “anh Ye”, đánh thức trẻ từ rất sớm để sẵn sàng cho hoạt động của nhà hàng.
“Tôi đã khá gay gắt với chúng và Ma Khin liên tục nhắc nhở tôi rằng phải kiềm chế cơn tức giận”, người đàn ông 43 tuổi thừa nhận. Dù rất khó khăn, anh đã nỗ lực để chấp nhận và uốn nắn những đứa trẻ một cách từ từ.
Myat Thu Aung, một trong những đứa trẻ đường phố đang học việc tại LinkAge, cho biết ban đầu rất sợ anh Ye vì khuôn mặt nghiêm khắc và lối đào tạo khắt khe. Nhưng cuối cùng, em nhận ra anh Ye có ý tốt, muốn rèn kỷ luật cho mọi người.
Nhà hàng của Ma Khin phục vụ các món ăn địa phương và có danh tiếng nhất định nhờ quảng cáo trên các tờ báo địa phương và thậm chí trong một số cẩm nang du lịch. Lượng du khách đến quán ngày một tăng và cô đã dùng tiền lãi để tiếp tục giáo dục trẻ đường phố.
Lúc mới bắt đầu, Ma Khin nhận năm đứa trẻ, dạy chúng nấu ăn và phục vụ khách. Sang năm sau, bốn em trong số đó đã “tốt nghiệp” và tìm được việc làm ở các nhà hàng khác, em thứ năm đăng ký theo học ở một trường công.
“Trẻ đường phố giỏi hơn chúng ta. Chúng ta chỉ thành công nhờ có cha mẹ làm bệ đỡ, trong khi chúng cố xoay xở để tồn tại trên đường phố và có thể tự giải quyết mọi vấn đề của bản thân”, Ma Khin nhận xét.
Cô nhắn nhủ mọi người tôn trọng những em nhỏ vô gia cư, không nhìn xuống bằng ánh mắt khinh miệt. Trẻ đường phố không cần sự thông cảm, chúng chỉ cần một chút hỗ trợ để đạt được những điều lớn lao.
Thùy Linh
Theo VNE
Từ vựng tiếng Anh chỉ hoạt động diễn ra ở nhà hàng
Khi chồng các cốc lên nhau, chúng ta dùng động từ "stack". Hành động bê khay đồ uống của bồi bàn có thể được diễn tả bằng từ "lift".
Theo 7 ESL
Câu đơn giản phụ huynh nên hỏi con trong bữa tối Khi hỏi "Chuyện vui nhất trong ngày của con là gì?", phụ huynh vừa hiểu thêm về con, vừa giúp trẻ học cách khám phá bản thân. Tác giả Steven John chia sẻ trên Business Insider ngày 13/11 về bí quyết dạy con. Vợ chồng tôi có một con trai năm tuổi và một con gái bảy tháng tuổi. Chúng tôi thường xuyên...