Người nghèo sẽ được miễn viện phí
Theo dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tới đây, những đối tượng thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% phí khám chữa bệnh.
Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) hiện hành, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí, nhóm người cận nghèo là 20%… Tuy nhiên, theo dự thảo Luật BHYT đang sửa đổi, những quy định này sẽ được bãi bỏ.
Khốn đốn vì cùng chi trả
Tại Bệnh viện K (Hà Nội), bệnh nhân Lý Thị Thuận (58 tuổi, ở Thái Nguyên) cho biết, dù thuộc hộ nghèo nhưng chi phí mỗi đợt khám chữa bệnh của bà cũng ngốn cả triệu đồng. “Với người khá giả, cùng chi trả vài trăm ngàn đồng sẽ chẳng thấm vào đâu nhưng với dân lao động nghèo, tăng thêm một đồng là thêm một phần túng khó” – bà Thuận than.
Trong khi đó, dù đã được BHYT chi trả tới 95% chi phí khám chữa bệnh nhưng người thân bệnh nhân Phạm Văn Quyến (73 tuổi, ở Sơn La), phẫu thuật tim tại Viện Tim mạch Quốc gia, vẫn chạy đôn chạy đáo vì khoản tiền gần 3 triệu đồng cùng chi trả và một số thuốc không có trong danh mục được Quỹ BHYT thanh toán.
Theo con trai ông Quyến, mỗi lần đưa cha đi chữa bệnh là cả nhà anh “đau đầu vì tiền”. “Lên Hà Nội chữa bệnh cũng đồng nghĩa với các khoản phí ăn ở, đi lại. Trong khi đó, để nhận được khoản hỗ trợ từ quỹ người nghèo ở địa phương thì chẳng biết đến bao giờ. Bác sĩ chỉ định bố tôi phải mổ tim từ năm ngoái nhưng gia đình chần chừ vì không có tiền. Mãi gần đây, bệnh của ông tái phát nặng hơn, buộc gia đình phải vay mượn để ông mổ” – anh cho biết.
Quyền lợi của bệnh nhân nghèo sẽ được mở rộng khi Luật BHYT sửa đổi đi vào đời sống. Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
Hộ cận nghèo cũng được lợi
Video đang HOT
Theo ông Vũ Xuân Bằng – Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – quy định mức cùng chi trả đối vơi một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cận nghèo… đã làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng này, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh man tính.
Vì thế, theo dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tới đây, những đối tượng thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% phí khám chữa bệnh. Đối tượng thuộc hộ cận nghèo cũng được thanh toán 95% thay vì 80% như hiện nay. Ngoài ra, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Giữ nguyên hỗ trợ ở địa phương
Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – cho biết hiện có 14 triệu người thuộc diện hộ nghèo được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Năm 2013, tổng số tiền mà người nghèo phải cùng chi trả chiếm khoảng 100 tỉ đồng. Tuy vậy, việc bãi bỏ cùng chi trả với người nghèo và người cận nghèo chỉ còn phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh sẽ không ảnh hưởng đến việc cân đối Quỹ BHYT.
Ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế – cho biết kể cả khi người nghèo được Quỹ BHYT thanh toán 100% phí khám chữa bệnh thì Quỹ 139 tại các địa phương vẫn sẽ hỗ trợ các khoản chi về ăn ở, vận chuyển và một số thuốc, dịch vụ ngoài danh mục được Quỹ BHYT thanh toán. Ngoài ra, nguồn quỹ này cũng sẽ hỗ trợ chi trả cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo không đủ khả năng trả viện phí.
Viện phí tăng khiến người cận nghèo thêm nặng gánh. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng quy định tăng mức thanh toán lên 95% sẽ bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân tham gia BHYT.
“Hiện nay, khoảng cách của người nghèo và cận nghèo rất hẹp nhưng đối tượng cận nghèo vẫn phải chi 30% để mua thẻ BHYT, nếu đi khám chữa bệnh lại tiếp tục phải cùng chi trả 20% viện phí như người bình thường là chưa công bằng. Do đó, việc rút ngắn khoảng cách cùng chi trả sẽ giúp đối tượng này bớt đi gánh nặng viện phí và tránh rơi vào “bẫy nghèo” sau một trận ốm nặng” – một chuyên gia y tế nhận định.
Siết lạm dụng quỹ bằng hậu kiểm Để tránh tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng phương thức giám định bằng cách hậu kiểm chi phí khám chữa bệnh tại 50% cơ sở y tế trên toàn quốc. Sau khi giám định khoảng 10% hồ sơ này, nếu phát hiện có sai sót bao nhiêu, cơ quan bảo hiểm sẽ quy ra số tiền sai sót của 90% hồ sơ còn lại để xuất toán.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Đi khám bệnh không cần mang tiền mặt
Thực hiện "Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015", Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai giải pháp thanh toán viện phí thông qua thẻ ATM của ngân hàng VietinBank. Như vậy, người bệnh đi khám không cần mang tiền mặt, tránh được nguy cơ mất cắp, rút ngắn thời gian đóng viện phí, giảm tiêu cực.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bên cạnh thanh toán viện phí bằng tiền mặt thì người bệnh có thể sử dụng linh hoạt các hình thức thanh toán viện phí đa dạng như thông qua thẻ ATM, internet Banking, máy Kios Banking của VietinBank mà không cần xếp hàng hay mang theo tiền mặt.
Trong tương lai, chiếc thẻ ATM này không chỉ được dùng để thanh toán viện phí mà còn tích hợp thông tin bệnh án điện tử của bệnh nhân để tiện theo dõi, giảm bớt các loại giấy tờ. Mỗi bệnh nhân sẽ có một mã code riêng và sử dụng mã này vĩnh viễn trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện này.
Điểm thanh toán viện phí bằng thẻ ATM tại BV Bạch Mai (Ảnh: C.Q)
Để có thể sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, người bệnh sẽ được ngân hàng VietinBank mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ khám bệnh - thanh toán viện phí. Để thanh toán phí khám bệnh, bệnh nhân thanh toán trực tiếp qua thẻ ATM do VietinBank phát hành với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Khoa - Giám đốc Trung tâm Thẻ của ngân hàng VietinBank lưu ý 1 triệu đồng này không phải phí phát hành thẻ hay phí mở tài khoản mà hoàn toàn là tiền của người bệnh. Số tiền này sẽ được trừ dần trong quá trình khám chữa bệnh để tránh tình trạng bệnh nhân phải đi nộp tiền nhiều lần như hiện nay.
Nếu khám xong và còn dư tiền, bệnh nhân có thể để dành trong thẻ để thanh toán cho lần sau hoặc dành cho người nhà đi khám, nếu muốn rút toàn bộ số tiền thừa thì có thể rút tại tất cả các cây ATM của VietinBank trên toàn quốc hoặc rút tiền thừa ngay tại P409 của khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai). Tiền thừa có thể được rút hết, không yêu cầu để lại số dư.
Trong trường hợp chi phí khám chữa bệnh vượt quá số tiền có trong tài khoản và người bệnh không mang đủ tiền có thể điện thoại thông báo người nhà ra ngân hàng nạp tiền vào tài khoản để tiếp tục làm các thủ tục xét nghiệm.
Đăng ký khám bệnh qua website, điện thoại, tin nhắn Ông Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh viện này đang xây dựng một trang web chuyên nghiệp mà thông qua đó, người bệnh có thể chủ động đăng ký, đặt lịch, chọn bác sỹ khám theo yêu cầu. Dự kiến trong vài tháng tới, website này được hoàn thiện và sẽ bắt đầu triển khai các hình thức đăng ký này để tạo thuận lợi cho người bệnh.
Sau 6 tháng ứng dụng đã có hơn 110.000 bệnh nhân BV Bạch Mai lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí qua thẻ của VietinBank, hơn 30.000 bệnh nhân được cấp thẻ khám bệnh - thanh toán viện phí.
Việc thu ngắn thời gian thanh toán viện phí cụ thể là bao nhiêu hiện chưa có con số lượng hóa chính xác, tuy nhiên ông Hiền cho biết người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi thanh toán viện phí bằng tiền mặt như trước đây.
Dịch vụ này được coi là giải pháp công nghệ hiện đại nhằm đơn giản hóa thủ tục chi trả viện phí, tránh nộp viện phí nhiều lần. Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho biết có thực tế là không phải người bệnh nào cũng biết cách sử dụng thẻ ATM và hiểu đúng tính chất của giao dịch này, đặc biệt là người bệnh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Vì thế, hàng ngày nhân viên của VietinBank đều túc trực trong quầy giao dịch đặt ngay trong bệnh viện để hướng dẫn cụ thể cho người bệnh. "Có người không hài lòng song số đó không nhiều. Chúng tôi xác định việc gì mới làm cũng sẽ khó khăn, song giải pháp này cần được thực hiện để mang lại thuận lợi cho cả người bệnh lẫn bệnh viện", ông Hiền nói.
Ngoài bệnh viện Bạch Mai, hình thức thanh toán này cũng được triển khai tại các bệnh viện khác như Chợ Rẫy, Nhiệt đới Trung ương, BV ĐH Y Hà Nội, BV Bãi Cháy và nhiều bệnh viện khác với tỷ lệ bệnh nhân sử dụng dao động từ 10-15%.
Cẩm Quyên
Theo_VietNamNet
Nhật viện trợ cho những người nghèo nhất Việt Nam Hôm (5/3), tại Đại sứ quán Nhật Bản đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại dành cho dự án "Cải thiện dinh dưỡng trẻ em và đảm bảo an ninh lương thực cho những người nghèo nhất"(giai đoạn 2) năm tài khóa 2013, giữa tổ chức Save the Children Japan (NGO) với Chính phủ Nhật Bản. Ảnh...