Người làm việc tại nhà bày cách tiết kiệm điện
Tiền điện tăng cao trong bối cảnh phải làm việc tại nhà, nhiều người tìm cách cắt thời gian sử dụng laptop, thay thế đồ điện để giảm chi phí.
Với đặc thù công việc có thể làm được trên điện thoại, chị Bùi Yến, làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại Hà Nội, dành phần lớn thời gian làm việc trên smartphone thay vì máy tính. Theo chị, cách làm việc này hiệu quả và cũng phần nào giúp tiết kiệm tiền điện trong thời gian phải làm việc tại nhà. Chị cho rằng “điện thoại nhỏ hơn laptop đồng nghĩa với tiêu thụ điện ít hơn”.
Việc tiêu thụ điện nhiều hay ít phụ thuộc vào tần suất sử dụng thiết bị. Nếu xét trong cùng một thời gian, lượng tiêu thụ điện trên điện thoại được chứng minh là nhỏ hơn đáng kể so với máy tính. Theo thử nghiệm của trang ZDnet, một chiếc điện thoại có pin 3.000 mAh, tiêu tốn khoảng 19 Wh mỗi lần sạc và dùng được trung bình ít nhất 4 đến 5 giờ. Với cùng thời gian đó, một chiếc laptop công suất trung bình 100W, tiêu thụ 400 – 500 Wh, cao hơn gần 20 lần.
Một số người cho biết, họ chọn giải trí trên smartphone thay TV hay máy tính, vì “vẫn đủ tính năng trong khi tiện lợi và tiết kiệm đáng kể”.
Cắm nhiều thiết bị vào cùng một ổ điện
Trên một diễn đàn công nghệ, thành viên có tên Trung Nguyễn gợi ý cắm chung nhiều thiết bị vào cùng ổ điện, để khi không cần dùng sẽ ngắt điện đồng loạt. Trong trường hợp làm làm việc tại nhà, anh gợi ý mọi người ghép màn hình cùng case máy tính vào cùng một ổ; TV, TV Box, máy chơi game cùng một ổ. Khi nào không sử dụng sẽ rút điện hoặc gạt công tắc để ngắt điện toàn bộ thay vì tắt bằng điều khiển từ xa. Điều này, theo anh Trung, sẽ giảm tiêu thụ điện do các thiết bị không sử dụng nhưng vẫn ở chế độ chờ.
Ngắt nguồn thiết bị cũng là cách tiết kiệm điện được nhiều chuyên gia khuyên dùng.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Nytimes, 25% lượng điện tiêu thụ của các thiết bị điện tử nằm ở chế độ Stand by hay Sleep.
Thay thế các thiết bị lạc hậu
Có thời gian ở nhà nhiều, anh Quách Phú, một kỹ sư điện tử tại Hà Nội, đã thay thế hàng loạt bóng đèn trong nhà. Trước đây, nhà anh sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, nay chuyển toàn bộ sang LED để tiết kiệm điện và sử dụng được lâu dài.
Theo một đơn vị chuyên sản xuất thiết bị điện, hiệu suất phát quang của đèn LED gấp rưỡi so với bóng huỳnh quang compact, vì vậy, có phòng ở trước đây phải dùng đèn compact loại 50 Watt, nay có thể dùng đèn LED 30 – 40 Watt là đủ sáng. “Một chiếc đèn huỳnh quang 50 Watt giá khoảng 150 nghìn đồng, tuổi thọ 8 nghìn giờ, trong khi một bóng đèn LED 30 Watt giá khoảng 220 nghìn, nhưng tuổi thọ 15 nghìn giờ, chưa kể mỗi tháng tiết kiệm được vài số điện. Một nhà sử dụng khoảng 4-5 bóng loại này, lượng điện tiết kiệm được đáng kể”, anh Phú tính.
Theo kinh nghiệm của kỹ sư này, không chỉ đèn, hầu hết thiết bị điện tử luôn đi kèm công nghệ giúp tiết kiệm điện. Chẳng hạn, TV LCD tiết kiệm điện đáng kể so với TV Plasma, hay tủ lạnh, điều hòa đời mới có thêm những tính năng giúp điều tiết lượng điện để lúc nào cũng hoạt động với mức tiêu thụ điện ít nhất.
Vệ sinh thiết bị dùng lâu ngày
Nhiều chuyên gia khuyên người dùng nên vệ sinh thường xuyên các thiết bị điện tử đang sử dụng trong nhà, đặc biệt là quạt, điều hòa. Ở khu vực không khí có nhiều bụi, phần lưới lọc sẽ bị bám bụi kín chỉ sau ít tháng sử dụng, giảm khả năng trao đổi nhiệt và gió, gây lãng phí điện.
Các lưới lọc của điều hòa, quạt, có thể bị bụi bám kín sau thời gian sử dụng, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Video đang HOT
“Bật điều hòa 18 độ mà vẫn không thấy mát, đến khi mở ra thì lưới lọc đã đầy bụi. Tôi đã mất 5 phút để tháo xuống và vệ sinh, nay nó đã mát lạnh như thường”, Nguyễn Huyên, một người dùng tại TP HCM chia sẻ trên Facebook. Cô cho biết sau khi vệ sinh, điều hòa để 25 độ là đủ mát.
Ngoài các biện pháp trên, một số người có kinh nghiệm còn áp dụng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, như rút những thiết bị ngoại vi của máy tính, như ổ cứng gắn ngoài, nếu không sử dụng; cố gắng làm việc hiệu quả để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn; đồng thời sử dụng các thiết bị được chứng nhận tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí điện.
Quý Văn
Tôi đã làm việc tại nhà hiệu quả theo cách này
Nếu có sự chuẩn bị và nghiêm túc tuân thủ, làm việc tại nhà sẽ đem lại những trải nghiệm mới mẻ.
Từ cuối tháng 2, công ty tôi bắt đầu kế hoạch cho nhân việc làm việc tại nhà. Là một nhân viên văn phòng, công việc của tôi gắn chặt với Internet và máy tính. Vì vậy, những lời khuyên dưới đây chỉ phù hợp với người làm công việc tương tự như tôi.
Sau một tuần trải nghiệm, tôi và đồng nghiệp nhận ra sẽ có nhiều điều ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Tuy vậy, làm việc tại nhà cũng có những mặt tích cực riêng.
Làm việc tại nhà giúp tiết kiệm thời gian
Đầu tiên, tôi muốn bàn đến mặt tích cực. Mỗi buổi sáng, tôi tiết kiệm được một giờ chuẩn bị cá nhân trước khi đi làm. Những việc như vệ sinh, chải chuốt, ăn mặc... tốn khá nhiều thời gian.
Tiếp đến, tùy vào quãng đường từ nhà đến công ty, bạn tiết kiệm được 1-3 giờ để di chuyển đi. Nhiều người còn tránh được kẹt xe, khói bụi...
Làm việc tại nhà giúp tránh được kẹt xe. Ảnh: Liêu Lãm.
Ngoài ra, giờ nghỉ trưa bạn không mất thời gian để đi ăn. Đến chiều nếu công việc vẫn chưa hoàn thành, bạn có thể tiếp tục làm mà không phải lo lắng đứng dậy về nhà sẽ gây gián đoạn.
Thực tế, trên đường về nhà, bạn sẽ bị ngắt quãng dòng suy nghĩ dẫn đến việc mất thêm thời gian để khởi động lại mọi thứ.
Chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi bắt đầu làm việc
Tuy vậy, để làm việc tại nhà hiệu quả, bạn cần chuẩn bị rất kỹ. Trong những ngày đầu, đúng như tôi tưởng tượng, làm việc tại nhà chứa rất nhiều cám dỗ.
Từ việc đi vệ sinh, ghé ngang bếp lấy một ít đồ ăn, nước uống rồi lại chuẩn bị chiếc loa mở nhạc nhẹ, mất thời gian để lựa chọn thể loại...
Chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi bắt đầu công việc sẽ giúp bạn tập trung hơn.
Điều này ngốn của tôi kha khá thời gian. Rút kinh nghiệm, những ngày sau đó, tôi lên danh sách thứ cần chuẩn bị và hoàn thành nó trước khi bắt đầu làm việc.
Nước uống, ghế ngồi thẳng lưng, âm thanh, không gian, sạc máy tính, điện thoại, giấy ghi chép, quạt hoặc máy lạnh. Khi đi vệ sinh tôi không cầm theo điện thoại. Như vậy, tôi chỉ đi thẳng tới nơi cần đến, giải quyết và quay trở lại ngay bàn làm việc.
Kỷ luật thép với mạng xã hội
Ngoài việc tập trung vào công việc, tôi còn phải giữ liên lạc với đồng nghiệp. Dù họ nhắn, đợi tôi trả lời hay ngược lại đều ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và rất bị động.
Tôi thấy đó là khó khăn chính của việc làm tại nhà. Tốt nhất nên tranh thủ thời gian để trao đổi, bàn bạc trước khi bắt tay vào làm, tránh trao đổi nhỏ lẻ và phải chờ nhau lắng nghe.
Mạng xã hội sẽ ngốn hết thời gian làm việc tại nhà nếu sử dụng mất kiểm soát. Ảnh: Oberlo.
Đa phần đồng nghiệp tôi thường chọn Zalo và Facebook để giao tiếp. Zalo thì không có gì để phàn nàn nhưng Facebook lại khác. Đây cũng chính là cạm bẫy khiến người làm việc ở nhà như tôi mất tập trung.
Có quá nhiều thứ để tò mò trên mạng xã hội này. Cách đơn giản nhất tôi có thể làm ngay là chỉ mở liên kết www.messenger.com để trao đổi với đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi tự đặt ra luật cho bản thân mỗi ngày chỉ check thông báo và lướt Facebook 4 lần để cập nhật thông tin, mỗi lần 20 phút. Tôi chia giờ cập nhật gồm buổi sáng sớm trước khi bắt đầu công việc, giờ nghỉ trưa, 6 giờ chiều và 9 giờ tối.
Tin tức cập nhật từ Facebook theo khung giờ trên là quá đủ cho một ngày với tôi, đặc biệt nó không tạo tâm lý lo lắng khi làm việc. Cứ đúng giờ thì tôi lướt, hết giờ tôi lại nghỉ.
Chia khung giờ cho những ứng dụng khác
Ngoài thời gian dành cho Facebook, tôi cũng sử dụng những ứng dụng khác như Netflix, YouTube, Spotify, Mail và các ứng dụng đọc báo.
Trong đó, Netflix và YouTube dùng cho nhu cầu giải trí. Vì vậy, tôi thường dùng Netflix sau giờ làm việc, xem bộ phim dài 1-2 tiếng. Riêng YouTube và Spotify tôi chỉ dùng để nghe nhạc. Thể loại nhạc tôi chọn thường là không lời để đảm bảo sự tập trung.
Cần chia khung giờ sử dụng những ứng dụng thường ngày để tránh xao lãng.
Ngoài ra, thời gian rảnh trong ngày tôi sẽ chơi một số game như PUBG, Brain Out để thư giãn. Tôi nhận ra việc lên khung giờ cho từng ứng dụng là rất quan trọng khi làm việc ở nhà.
Bản chất của ứng dụng là cố làm cho người dùng dành nhiều thời gian nhất trên nền tảng. Vì vậy, việc đặt khung giờ sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát ra khỏi chúng. Đặc biệt, với ứng dụng Tiktok, tôi tuyệt đối không dùng trong khoảng thời gian từ 6-21 giờ bởi nó dễ dàng ngốn thời gian dành cho các ứng dụng khác.
Mua sắm trực tuyến khi không ra khỏi nhà
Cũng trong thời gian làm việc tại nhà, tôi hầu như không mua sắm online. Tôi nghĩ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. Vì vậy, không chỉ tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng cho rằng đây là thời gian để tiết kiệm chi tiêu.
Đặt đồ ăn về nhà tiện lợi nhưng tốn kém. Ảnh: Chí Hùng.
Tuy sử dụng nhiều ứng dụng, nhưng tôi không chi tiền cho nền tảng nào trừ Netflix. Tôi cũng không đặt hàng online. Nhưng đó là với tôi, một người sống cùng gia đình, vấn đề ăn uống không gặp nhiều khó khăn.
Một số đồng nghiệp của tôi chia sẻ họ phải dùng ứng dụng giao đồ ăn để tiết kiệm thời gian, phí giao hàng mỗi ngày ngốn của họ trên 50.000 đồng.
Cũng chính vì vậy, họ mạnh tay cắt giảm các khoản chi phí khác như mua ứng dụng giải trí hay mua hàng online hoặc nếu có họ chỉ mua nhu yếu phẩm. Điều này dẫn tới việc 10/10 đồng nghiệp của tôi trả lời họ chi tiêu ít hơn khi làm việc ở nhà.
Cải thiện tốc độ Internet là khoản đáng để chi
Cơ sở hạ tầng mạng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả khi làm việc tại nhà. Những khung giờ cao điểm tôi thường lựa chọn liên lạc với đồng nghiệp qua các nền tảng có server trong nước như Zalo để tránh tình trạng nghẽn mạng.
Các nền tảng thuộc Google như Gmail, YouTube thường bị ảnh hưởng ít bởi hạ tầng mạng.
Tuy vậy, tôi cho rằng việc chi thêm tiền để nâng cấp hạ tầng mạng gồm phần cứng như router và nâng cấp gói cước là việc nên làm. Tôi nghĩ những nâng cấp này có giá trị về lâu dài nên không phải khoản chúng ta cần tiết kiệm trong mùa dịch.
Ô nhiễm tiếng ồn khi làm việc tại nhà
Cuối cùng, yếu tố gây xao lãng được nhiều người phàn nàn nhất là không gian làm việc quá ồn ào. Nếu sống cùng gia đình, bạn nên nói chuyện thẳng thắn với mọi người về công việc của mình cần được yên tĩnh. Nếu hàng xóm quá ồn thì cách tốt nhất là xây dựng không gian cách âm riêng cho bản thân.
Tai nghe chống ồn giúp tập trung làm việc tốt hơn.
Tôi chọn cách nghe nhạc để tránh phân tâm bởi tiếng ồn. Chuẩn bị cho mình một tai nghe có chống ồn chủ động là cách hiệu quả nhất. Tuy vậy, để tránh tổn thương cho tai, chỉ nên đeo khi thật sự cần tập trung.
Ngoài ra, chuẩn bị bộ loa phát những bản nhạc không lời cũng là một cách hiệu quả. Tuy vậy, nên mở khoảng 20-30% âm lượng và đặt loa ở xa sẽ cho kết quả tốt hơn trong việc tập trung.
Tóm lại, chỉ cần chuẩn bị mọi thứ thật tốt trước khi bắt đầu làm việc tại nhà, tuân thủ giờ giấc, kỷ luật, chủ động hạn chế được những thứ gây mất tập trung, tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời với cách làm việc này.
Trọng Hưng
Nở rộ dịch vụ cho thuê laptop trong dịch Covid-19 Do nhu cầu sử dụng laptop để làm việc, giải trí tăng lên trong mùa dịch nên nhiều cửa hàng đang cho thuê laptop theo ngày, tháng với giá cả khác nhau. Có nơi cho thuê laptop với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Trong thời gian dịch bệnh này, không khó để tìm kiếm những thông tin về cho thuê laptop để làm việc...