Người học gánh chi phí cho giáo dục đại học nhiều hơn nhà nước
Theo thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, phần chi trả của người học và gia đình thông qua học phí đang chiếm tới hơn 50% nguồn đầu tư cho giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo tại hội thảo – ẢNH LÊ HIỆP
Trong báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trình bày tại hội thảo Giáo dục đại học – chuẩn hóa và hội nhập quốc tế sáng 17.8, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, đầu tư tài chính cho giáo dục đại học của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
[ VIDEO] Sinh viên với câu hỏi “ra trường bạn muốn mức lương bao nhiêu” – Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên
Theo đó, từ 2013 tới nay, chi ngân sách cho giáo dục đại học tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9-10% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; khoảng 2% so với tổng chi ngân sách nhà nước và chỉ bằng hơn 0,5% so với GDP của cả nước.
Theo ông Phúc, một khảo sát cho thấy, phần đóng góp của người học và gia đình tại Việt Nam rất nhiều, lên tới hơn 50%. Trong khi ở các nước phát triển, nhà nước đóng góp phần lớn, phần còn lại là từ các nguồn tài trợ của xã hội. Người học chỉ đóng góp rất ít.
“So với các nước, chúng ta là một trong những nước mà người học và gia đình đang phải đóng góp nhiều nhất cho giáo dục đại học thông qua học phí”, ông Phúc nói.
So sánh tỉ lệ đầu tư cho GDĐH từ ngân sách nhà nước và từ gia đình, người học của Việt Nam và các nước – ẢNH CHỤP TỪ MÀN HÌNH
Nếu so sánh tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học với GDP trên đầu người vào năm 2015 thì của Việt Nam là khoảng 15%, trong khi đó, mức trung bình của các nước phát triển OECD vào năm 2014 là 41%.
Bên cạnh đó, chi phí bình quân cho 1 sinh viên mỗi năm của Việt Nam cũng chỉ khoảng 630 đô la, rất thấp so với các nước phát triển. Nếu so với GDP trên đầu người thì của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/4 so với các nước khác.
“Các nước phát triển thì tỉ lệ chi phí một năm cho sinh viên so với GDP trên đầu người là 40-50%, còn đối với các nước đang phát triển, theo một số nghiên cứu 60-70%, thậm chí 100% mức GPD trên đầu người”, ông Phúc nêu.
Từ phân tích trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng, nếu các trường muốn đào tạo chất lượng thì phải có đủ chi phí cho đào tạo, nghiên cứu. Do đó, nếu như nhà nước cấp ngân sách ít thì buộc các trường phải thu từ các nguồn khác để bù lại cho đủ.
“Nếu nguồn của nhà nước cấp ít mà lại giữ học phí ở mức thấp thì sẽ dẫn đến vấn đề chất lượng của các trường không được đảm bảo”, ông Phúc khẳng định.
Từ đó, ông Phúc đề xuất cần phải đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học như một giải pháp cho giáo dục đại học Việt Nam.
“Phải đổi mới để làm sao tạo ra động lực thật sự và các trường có nguồn tài chính toàn diện mới phát triển được. Hiện nay chủ yếu dựa vào học phí, còn ngân sách Nhà nước càng ngày càng giảm thì các trường sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn”, ông Phúc khẳng định.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Đại học Quốc gia TP.HCM, báo cáo của Bộ Giáo dục – Đào tạo rất chi tiết, nhưng đó chỉ mới là những con số. Trong khi đó, cần có việc phân tích sâu hơn nữa mới đảm bảo được rằng đã nhận diện được bức tranh giáo dục đại học, để tìm ra nguyên nhân kìm hãm sự phát triển.
“Báo cáo đó cũng chưa nói được kế hoạch của Bộ Giáo dục – Đào tạo thế nào trong 10 – 20 năm nữa. Vì thế, cần phải nhìn lại, phân tích hiện trạng và đưa ra một định hướng cho tương lại, ít nhất phải có chiến lược phát triển cho 20 năm, phải biết rõ trong 20 năm nữa mình sẽ đi đến đâu, đạt được những chỉ số gì.
Khi nào chúng ta định hướng rõ, dựa trên việc phân tích số liệu, khi đó chúng ta mới có căn cứ để xây dựng chiến lược cho mình”, TS Nguyễn Quốc Chính nói.
Theo thanhnien.vn
"Các trường đại học không thể tự nhận trường tốt, trường lớn được"
Việc hội nhập quốc tế của giáo dục đại học là cả một quá trình dài để ta xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận là trường tốt, mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế cũng như trong nước.
Đó là ý kiến của ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về chuẩn hóa giáo dục đại học để hội nhập quốc tế.
Phóng viên Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng về vấn đề hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.
Ông Phạm Tất Thắng
Hội nhập quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với giáo dục đại học
Thưa ông, chúng ta có tiêu chí hay tiêu chuẩn nào để đánh giá một trường ĐH hay một nền GD ĐH được cho là hội nhập đạt chuẩn quốc tế?
Việc chuẩn hóa và hội nhập quốc tế chính là chủ đề của Hội thảo giáo dục năm 2018 về chất lượng giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tới đây.
Những tiêu chuẩn mang tính định lượng thì đến nay mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí riêng nhưng cũng có những yêu cầu chung nhất định. Nhưng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, những yêu cầu trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thì rõ ràng hội nhập quốc tế là một yêu cầu bắt buộc với các trường ĐH.
Giáo dục ĐH với tư cách là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ cao là nơi nghiên cứu, sáng tạo những tri thức mới. Do đó, việc hội nhập quốc tế của GD ĐH cần phải đặt ra những yêu cầu cấp thiết và đòi hỏi cao hơn những lĩnh vực khác.
Đối với hội nhập quốc tế, khi chúng ta đã bước vào một sân chơi chung với các nước khu vực và trên thế giới thì chúng ta phải chấp nhận, phải đáp ứng được luật chơi chung. Các trường ĐH sẽ phải đạt được những yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có thể thích ứng với hội nhập quốc tế, không đơn thuần chỉ trong phạm vi đất nước. Như vậy, chất lượng đào tạo của chúng ta phải được thế giới công nhận và đồng thời phải đủ trình độ để hội nhập.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có 2 ĐH được nằm trong top 1.000 ĐH xếp thứ hạng cao nhất thế giới. Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Những công nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế phần nào đã thể hiện được chuẩn hóa trong hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục ĐH nước ta.
Ông có nhắc đến một tiêu chí rất quan trọng đó là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta, vậy phải đào tạo làm sao để đạt yêu cầu hội nhập của khu vực và quốc tế. Nhưng thực tế, câu chuyện này có vẻ đang rất khó khăn đối với các trường ĐH Việt Nam kể cả đối với 2 ĐH đã lọt top 1.000 của thế giới ?
Phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH luôn tương ứng với trình độ phát triển của nền kinh tế, xã hội của mỗi đất nước. Nghĩa là kinh tế - xã hội phát triển tới đâu thì giáo dục sẽ phát triển tới mức độ đó. Giáo dục ĐH có thể có những bước phát triển, hội nhập quốc tế nhanh hơn, sớm hơn so với cả nền kinh tế nhưng vẫn bị phụ thuộc bởi vì nó có liên quan đến việc đầu tư của Nhà nước, của xã hội cho giáo dục.
Cho nên việc hội nhập của giáo dục ĐH là một quá trình để xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận trường tốt, trường lớn mà được xã hội công nhận mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế.
Các tổ chức xếp hạng quốc tế luôn tồn tại độc lập và có một bộ tiêu chí riêng. Cho nên khi các trường tham gia vào xếp hạng thì kết quả là khách quan và công bằng. Đây là chuẩn chung được hệ thống giáo dục ĐH Thế giới công nhận, nên các trường ĐH của Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, muốn được so sánh vị trí với các trường trên toàn cầu thì cần trải qua khâu kiểm định này là đương nhiên.
Thưa ông, những tiêu chuẩn cơ bản mà các trường ĐH của VN cần phấn đấu để đạt được ngưỡng hội nhập với giáo dục ĐH quốc tế là gì?
Hiện nay chúng ta mới có 2 ĐH đã được lọt vào top 1000 đại học tốt nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hạng này được các tổ chức quốc tế công nhận trên nhiều tiêu chí khác nhau nhưng cũng nằm trong các tiêu chí chung về: chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, công trình nghiên cứu khoa học, số bài báo...mỗi một tổ chức sẽ có những tiêu chí xếp hạng riêng. Cho nên đặt ra 2 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đối với hội nhập quốc tế, khi chúng ta lọt vào các bảng xếp hạng lớn thì chúng ta phải tuân thủ luật chơi của tổ chức xếp hạng đó. Các trường ĐH phải xác định, định phấn đấu theo bảng xếp hạng nào thì cần cố gắng đạt được các tiêu chí xếp hạng của tổ chức đó.
Thứ hai, các tổ chức kiểm định trong nước cũng đang tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục ĐH đối với các trường trên nhiều phương diện, mức độ: chương trình đào tạo, các đơn vị, khoa - trên các mặt, cơ sở vật chất, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp... Chính câu chuyện kiểm định và xếp hạng sẽ giúp chúng ta có đánh giá chính xác về các trường ĐH theo hệ thống phân loại cụ thể.
Chính quá trình sàng lọc bên trong bản thân các trường không thật nghiêm khắc nên đã gây ra tình trạng lượng sinh viên "vào được là ra được".
Tiêu chuẩn quốc tế là thước đo sự phát triển các trường
Như vậy, có thể hiểu chúng ta đang khuyến khích các trường ĐH VN tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế. Điều này đang là minh chứng rõ nét nhất cho việc hội nhập quốc tế. Cách hiểu này có đúng không thưa ông ?
Tôi cho rằng đó cũng là cách hiểu đúng. Chúng ta đang đẩy mạnh chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học nên khi các trường ĐH tuyên bố mình có chất lượng, uy tín, có trường mang đẳng cấp quốc tế thì phải có minh chứng cụ thể được thừa nhận.
Chúng tôi cho rằng khuyến khích các trường đại học căn cứ vào các yêu cầu của các bảng xếp hạng, các tổ chức mà chọn hướng đi rồi các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá và khi đủ điều kiện họ sẽ đưa vào bảng xếp hạng của họ làm chuẩn cho chính bản thân các trường phát triển.
Điểm chuẩn đầu vào ĐH yêu cầu rất cao nhưng chất lượng đầu ra lại chưa đáp ứng được yêu cầu cho nguồn nhân lực của xã hội. Ông nhận xét như thế nào về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?
Trong suy nghĩ bình thường của xã hội hiện nay, đã đỗ đại học thì đồng nghĩa sẽ tốt nghiệp được đại học. Đồng thời, trước đây chúng ta từng áp dụng mô hình đại học đại cương, trong quá trình đào tạo chia ra làm 2 giai đoạn: đào tạo kiến thức cơ bản và đào tạo kiến thức chuyên môn. Khi sinh viên hoàn thành qua được 2 giai đoạn sẽ được công nhận tốt nghiệp.
Nhưng trong xã hội vẫn chưa quen và cho rằng giai đoạn giáo dục đại cương không cần thiết, gây lãng phí, mất thời gian cho người học, bằng ĐH đại cương không có giá trị đối với thị trường lao động.
Từ sức ép của xã hội nên nhiều trường đã bỏ mô hình đào tạo này đi và tự đào tạo kiến thức cơ bản trong chương trình đào tạo của trường.
Khi vào được ĐH, sinh viên nào không thể đáp ứng được yêu cầu thì sẽ bị thôi học, nhưng trên thực tế thì cơ bản các sinh viên vẫn đủ điều kiện vượt qua. Chính quá trình sàng lọc bên trong bản thân các trường không thật nghiêm khắc nên đã gây ra tình trạng lượng sinh viên "vào được là ra được".
Nhưng sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp phản ánh cơ bản không đạt yêu cầu tuyển dụng, yếu về mặt kỹ năng, nghiệp vụ...
Đánh giá chung là chất lượng giáo dục đại học chưa tốt, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số nguyên nhân gây ra điều này là việc đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo của nhiều trường ĐH còn rất chậm, cơ sở vật chất còn hạn chế, thậm chí nhiều trường vẫn sử dụng giáo trình cách đây hàng chục năm. Đồng thời, phương pháp giảng dạy của giảng viên và cơ sở vật chất yếu kém, đào tạo theo khả năng của mình có, không bám sát vào yêu cầu của thị trường lao động. Khoảng cách từ yêu cầu của xã hội tới chất lượng đào tạo còn rất lớn.
Không phải cuộc đua của những trường "giàu"
Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chạy đua vào các bảng xếp hạng trên thế giới chỉ dành cho các trường "giàu". Vậy theo ông, liệu có phải chỉ những trường có điều kiện về vật chất tốt mới có thể bứt phá được trong đường đua hội nhập quốc tế hay không?
Theo tôi ý kiến như vậy là không chính xác, cũng không nên dùng trường đại học "giàu" mà dùng trường đại học mạnh sẽ đúng hơn. Các trường đại học luôn có sự khác biệt về uy tín, thương hiệu trường; quy mô và chất lượng đào tạo; quá trính hình thành, xây dựng, phát triển.
Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có một đánh giá chung bắt buộc hay đồng loạt đối với các trường. Nhưng dư luận và xã hội vẫn luôn gọi đó là các trường top trên hoặc trong quản lý vẫn gọi là các trường trọng điểm.
Trong một hệ thống giáo dục ĐH, có trường mạnh, trường yếu, đó là điều hết sức bình thường. Bởi vì nó phụ thuộc vào lịch sử, truyền thống các lĩnh vực đào tạo; phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của giảng viên và nguồn lực đầu tư tài chính đến đâu. Cho nên việc xếp hạng các thứ bậc giữa các trường đại học là đương nhiên.
Từ sự đánh giá của xã hội cho thấy, những trường trọng điểm, trường top trên đó mới có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu đánh giá quốc tế. Các trường đầu tàu sẽ mang sứ mệnh dẫn dắt các trường trong hệ thống cùng phát triển.
Từ thực tế giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, theo ông đâu là điểm vướng mắc của chúng ta trong câu chuyện chuyển hóa và hội nhập Quốc tế?
Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố, cụ thể:
Thứ nhất, về bản thân các trường khi đã xác định tham gia vào sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định chặt chẽ, cố gắng nỗ lực hơn để đạt được ngưỡng theo yêu cầu, theo luật chơi chung.
Thứ hai, về mặt thể chế, chúng ta sẽ phải tạo ra các cơ chế giúp các trường được tự chủ nhiều hơn, nhanh chóng hoàn thiện để đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, về đầu tư của Nhà nước, trong lúc các nguồn lực đầu tư của ta còn có hạn nhưng vẫn phải đầu tư cho giáo dục đại học, cần thiết nhà nước cần phân loại, giao nhiệm vụ để có những đầu tư trọng điểm, tập trung.
Kiểm định và xếp hạng đại học là yếu tố mang tính chuyên môn cao. Nếu những người không am hiểu hoặc không để ý thì rất khó lĩnh hội được đầy đủ thông tin. Nhưng khi chúng ta tham gia "cuộc chơi" nào thì chúng ta phải chấp nhận những "luật chơi" đó
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh - Hà Cường
Theo Dân trí
Bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học "Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học tập trung vào việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo bước đột phá theo hướng tăng cường quyền tự chủ, xã hội hóa, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học"...