Người học có nhiều lựa chọn nơi học, trường ĐH gánh áp lực cạnh tranh
Hôm nay 7/5, đại diện gần 90 trường ĐH tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 13 hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức ĐH Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại TP.HCM. Các chuyên gia trao đổi về thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH.
Đây là lần đầu tiên trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) trở thành địa điểm tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức ĐH Pháp ngữ. Hội nghị này thu hút gần 100 đại diện của 88 trường ĐH, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu đến từ 11 quốc gia tham dự với chủ đề “Đối thoại ĐH-doanh nghiệp: thách thức và trách nhiệm xã hội của giáo dục ĐH”.
Lần đầu tiên trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức ĐH Pháp ngữ
Dịp này, các đại biểu đã thảo luận các nội dung về chính sách giáo dục và khoa học, những thách thức mà các trường ĐH đang phải đối mặt về chất lượng chương trình đào tạo, cơ hội tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cũng như trách nhiệm xã hội của các trường.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế -luật, Chủ tịch phiên họp toàn thể này, cho rằng ngày nay thế giới đang mở ra những cơ hội kèm theo nhiều thách thức với các trường ĐH. Các trường ĐH chịu áp lực cạnh tranh càng lúc càng quyết liệt, do người học có những điều kiện thuận lợi hơn trước để lựa chọn nơi học, đặc biệt nhờ sử dụng các phương tiện là kết quả của việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phát biểu trong vai trò Chủ tịch phiên họp toàn thể tại hội nghị
Theo ông Điện, để giải toả áp lực cạnh tranh, ĐH phải tiến hành một loạt các biện pháp, đáng chú lý nhất là cải thiện chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng nghiên cứu. Việc cải thiện đó chỉ được thực hiện một cách có hiệu quả một khi bản thân ĐH tự hoàn thiện được chính mình thông qua việc đổi mới với hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Cũng phát biểu tại hội nghi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nói, chủ đề hội nghị lần này là minh họa rõ nét về một trong những thách thức đang đặt ra với giáo dục ĐH. Đó cũng chính là mối quan tâm sâu sắc của các trường ĐH Việt Nam cũng như là vấn đề của tất cả các trường ĐH nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bộ GD-ĐT tiếp tục thúc đẩy đổi mới giáo dục ĐH
Ông Phúc nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, làm thế nào để chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, để các hoạt động nghiên cứu có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển xã hội. Điều này còn được thể hiện ở việc coi trường ĐH không những là một đơn vị tự chủ mà còn phải gánh vác trách nhiệm đối với những thách thức mà xã hội và cộng đồng đang phải đương đầu.
Theo ông Phúc, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ĐH thông qua việc tạo điều kiện cho các trường được tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp lời Thứ trưởng Phúc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định một trong những trọng tâm mà ĐH này đang hướng tới là thúc đẩy quá trình tự chủ của từng đơn vị thành viên nhằm tăng cường trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Lê Phương
Theo Dân trí
Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học - Kinh nghiệm của Israel
Từ quốc gia khởi nghiệp đi lên từ chiến tranh và nghèo khó, Israel trở thành một quốc gia có khả năng sáng tạo và đổi mới nhiều nhất trên thế giới. Hiếm có đất nước nào có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lại nhiều và phát triển nhanh chóng thần kỳ đến thế.
Để làm được điều đó, vai trò của hệ thống giáo dục, chính sách giáo dục, mô hình giáo dục đóng vai trò không nhỏ.
Mô hình quản lý thúc đẩy các trường đại học sáng tạo tối đa
Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Israel về đổi mới, sáng tạo trong phương pháp quản lý, giảng dạy, nghiên cứu cho cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ phụ trách đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và giảng viên tại các trường đại học, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học - kinh nghiệm của Israel" vào ngày 18/4 tại Hà Nội.
Là một người tham gia khóa học trải nghiệm giáo dục tại đất nước Israel, PGS.TS Vũ Cường - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, đặc trưng giáo dục của Israel là giáo dục khai phóng, giáo dục sáng tạo.
Quan điểm phát triển giáo dục đại học của Israel đặt trọng tâm vào phát triển con người sáng tạo. Con người là tài nguyên lớn nhất bởi vậy giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để đảm bảo mức độ tự chủ rất cao của các trường, Israel trao quyền sáng tạo rất lớn cho hiệu trưởng, hiệu trưởng như một doanh nhân khởi nghiệp. Hệ thống quản lý hỗ trợ tối đa, trên nguyên tắc cạnh tranh và tôn trọng quyền tự chủ của các trường.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu mở đầu hội thảo.
Xét về hệ thống quản lý giáo dục, Israel có những điểm tương đồng và khác biệt so với Việt Nam. Bộ Giáo dục của Israel có vai trò quản lý giáo dục phổ thông.
Riêng hệ thống các trường đại học, nước này có Hội đồng Giáo dục Đại học riêng - tổ chức này hoạt động ngang cấp Bộ. Song có một điểm khác là các thành viên ở tổ chức này hoạt động chuyên môn nhiều hơn là quản lý hành chính.
Ngoài ra, Hội đồng này có một Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách cấp tiền cho các trường đại học nghiên cứu (chủ yếu là nghiên cứu cơ bản). Các nghiên cứu ứng dụng của đại học có thể tìm nguồn tài trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Các trường phải chứng minh khả năng ứng dụng nghiên cứu của mình để có thể được cấp vốn từ Bộ này.
Ủy ban này lập kế hoạch phát triển giáo dục đại học (GDĐH) ở cấp quốc gia, gắn với nhu cầu học tập và thị trường lao động. Sau đó, họ thảo luận với Bộ Tài chính về ngân sách trung hạn dành cho GDĐH nhằm phân bổ ngân sách cho các trường dựa trên kết quả hoạt động, đảm bảo cân đối trong phân bổ ngân sách giữa các trường.
"Chúng tôi đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao hội đồng Giáo dục Đại học này không nhập luôn với Bộ Giáo dục mà phải tách riêng như vậy? Một người bạn Israel giải thích, quan điểm của Israel rằng giáo dục phổ thông và đại học khác nhau về tính chất.
Giáo dục đại học là giáo dục khai phóng cho nên cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo cao nhất, bởi vậy nếu đặt giáo dục đại học dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước mang tính hành chính cao thì quy trình, thủ tục rườm rà sẽ thủ tiêu mất sự sáng tạo. Israel xác định một tổ chức tương đối độc lập và có quyền lớn", PGS.TS Vũ Cường chia sẻ.
PGS.TS Vũ Cường cho rằng, mô hình quản lý giáo dục của Israel là mô hình hay, chúng ta có thể tham khảo học hỏi về một tổ chức đệm nhằm thúc đẩy tính thuận tiện về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đại học sáng tạo.
Mô hình quản lý thúc đẩy các trường đại học sáng tạo tối đa của Israel
Các trường cao đẳng không được nhà nước cấp ngân sách nghiên cứu nhưng vẫn có quyền đấu thầu cạnh tranh nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hệ thống giáo dục Đại học ở Israel gồm 300,000 sinh viên theo học ở 62 trường đại học. Trong đó có 9 trường ĐH công lập (8 đại học định hướng nghiên cứu và 1 đại học mở), 53 trường cao đẳng (32 trường ngoài sư phạm (20 công, 12 tư) và 21 trường sư phạm (công lập).
"Nhìn vào cơ cấu này dễ thấy, Israel rất coi trọng đào tạo giảng viên với 21/53 trường cao đẳng là trường sư phạm. Đổi mới sáng tạo trong trường đại học đầu tiên là đổi mới phương pháp sư phạm trong các trường đại học", ông Cường nhận định.
PGS.TS Vũ Cương - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ về mô hình giáo dục đại học ở Israel.
Đáng chú ý, một kế hoạch dài hạn với cam kết chắc chắn về nguồn lực tạo động lực để các trường đầu tư nghiên cứu. Theo đó, Israel xác định GDĐH là lĩnh vực nhận ngân sách nhà nước lớn thứ 6 của quốc gia, ngân sách được cam kết trong 6 năm. Bởi lẽ, các nghiên cứu cơ bản ở trường cần thời gian dài và khi có nguồn lực thì trường đại học sẽ tự tin để tập trung nghiên cứu.
Các đại học tập trung quốc tế hoá, hạ tầng nghiên cứu trong kỷ nguyên công nghệ đám mây, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, củng cố và kiện toàn hệ thống, ưu tiên quốc gia và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Phương pháp sư phạm mới trong giáo dục đại học
TS. Bùi Thanh Hương - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia khóa học 20 ngày tại Israel gồm 22 đại diện trên toàn thế giới nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Chị Hương cho biết, khi tiếp xúc với học sinh ở Israel có thể cảm nhận thấy các em học tập rất say mê nhưng để phục vụ trước nhất cuộc sống của mình chứ không phải học tập vì mục đích hàn lâm hay mục tiêu lấy giải thưởng nobel.
Giáo viên ở Israel đứng trên bục giảng với phương châm "dạy học gắn liền với cuộc sống" và "dạy học trò biết cách yêu thương". Chương trình học tập ở đây gắn liền với công nghệ. Thầy cô chú trọng áp dụng STEM vào giảng dạy.
"Israel thu hút các công ty công nghệ lớn Facebook, Google, Microsoft đến đầu tư tại các trường đại học Israel rất nhiều, thậm chí lớn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ. Và đầu tư chủ yếu ở đây là cho đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong các trường đại học", TS. Bùi Thanh Hương chia sẻ.
TS. Bùi Thanh Hương - giảng viên Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chị Hương cũng nhấn mạnh đến tư duy giáo dục coi trọng tính độc lập, sáng tạo của Israel. Đáng chú ý, những trường đại học ở quốc gia này có các trung tâm, đơn vị khởi nghiệp và chính những đơn vị đó thu hút vốn đầu tư mạo hiểm không chỉ ở trong nước và trên khắp thế giới nhiều nhất hiện nay .
Phát biểu tại hội thảo, ông Doron Lebovich - Phó Đại sứ - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam khẳng định hiệu quả từ chủ trương khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường học của Israel.
Để trở thành nước phát triển, phát triển sản xuất công nghiệp không phải con đường duy nhất. Israel đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ dựa vào tri thức, khẳng định vai trò dẫn dắt của kinh tế tri thức, phát huy năng lực đổi mới sáng tạo để làm giàu. Vai trò của giáo dục đại học thực hiện đồng thời chức năng sáng tạo tri thức, truyền đạt tri thức và ứng dụng tri thức.
Ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.
"Các trường đại học ở nước chúng tôi tập trung vào hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng. Các viện nghiên cứu và các trung tâm y tế tìm cách tiến hành nghiên cứu ứng dụng, xây dựng nó dựa trên nghiên cứu cơ bản.
Các nghiên cứu mang tính đổi mới sáng tạo thường sẽ được áp dụng vào thực tiễn các ngành công nghiệp ở Israel nhằm mang lại giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, người có ý tưởng kết hợp với nhau để thương mại hóa ý tưởng và tạo ra những công việc kinh doanh có giá trị cao", Phó Đại sứ - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tiết lộ về bí quyết thúc đẩy sáng tạo của nền giáo dục Israel.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển sinh bằng 5 phương thức trong năm 2019 Tối 1/4, trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) vừa công bố thông tin chính thức về tuyển sinh đại học chính quy năm 2019. Điểm mới nhất là trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực lên 30% và có thêm 3 chương trình đào tạo mới. Thí sinh tìm hiểu thông...