Người gieo mầm hạnh phúc
“Cất bằng thạc sĩ để đi… lau nhà”, “Cô giáo Hóa học chuyên dạy nấu ăn” là những nét phác họa về cô Nguyễn Thị Kim Phượng, giáo viên lớp Kỹ năng 7, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Cô giáo ấy có một trái tim ấm nồng yêu thương, “…càng dấn thân, được thấy tận mắt, nghe tận tai những thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh nơi đây, trái tim đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho các em”, cô Kim Phượng tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng hướng dẫn học trò những kỹ năng hàng ngày, giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngã rẽ bất ngờ
Tốt nghiệp khoa Sư phạm Hóa học, Đại học Cần Thơ, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kim Phượng trải qua 3 năm công tác tại một trường THPT thuộc tỉnh Bến Tre. Với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô khăn gói lên TPHCM học tiếp thạc sĩ. Khi cầm tấm bằng thạc sĩ Hóa học trong tay, cô được một hệ thống trường quốc tế mời về cộng tác.
Cuộc sống ngỡ sẽ êm đềm trôi qua, cho đến khi một người bạn vô tình tiết lộ thông tin Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đang thiếu giáo viên dạy môn Hóa học.
“Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là có thể tận dụng thời gian rảnh trong hè để chia sẻ khó khăn với một đơn vị trường bạn. Nhưng càng dấn thân, được thấy tận mắt, nghe tận tai những thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh nơi đây, trái tim đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho các em”, cô Kim Phượng chia sẻ về nguyên do quyết định rẽ hướng, gây bất ngờ không chỉ với đồng nghiệp mà còn với tất cả người thân trong gia đình.
“Tôi xin nghỉ việc ở trường quốc tế nhưng không dám nói với ai về tên đơn vị công tác mới, vì sợ mọi người sẽ lo lắng, bàn ra, thuyết phục mình suy nghĩ lại. Một số đồng nghiệp sau này biết chuyện, nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, bởi quyết định từ bỏ một công việc đang ổn định, thu nhập tốt để đến với một trường công lập, lại là trường dạy học sinh khuyết tật với đồng lương chỉ vừa đủ nuôi sống bản thân là điều chưa ai nghĩ đến”, cô Kim Phượng nhắc lại chuyện đã qua.
“Ở trường tư, mình không dạy sẽ có nhiều người khác dạy. Nhưng với học sinh ở trường khuyết tật, các em cần mình lắm nên khả năng có thể làm được gì cho các em thì mình làm thôi”, cô giáo trẻ chia sẻ.
Video đang HOT
Hơn 5 năm công tác tại một trong những ngôi trường đặc biệt nhất TPHCM, nơi mà hầu hết học sinh đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân các em không có đủ điều kiện hòa nhập với học sinh bình thường ở các trường phổ thông công lập khác, nên cả giáo viên lẫn học sinh đều xem nơi đây như gia đình thứ hai của mình.
Cô Kim Phượng tâm sự: “Dạy học sinh bình thường đòi hỏi kiên nhẫn một phần thì dạy các em khuyết tật phải nỗ lực và kiên nhẫn gấp trăm lần”.
Chỉ tay về cậu học trò cao ráo Trần Đặng Minh Sơn, 16 tuổi, nhưng chưa biết cầm dao gọt rau củ do thị lực yếu, cô Kim Phượng cho biết, đã phải cầm tay em lặp đi lặp lại thao tác với dao hàng trăm lần. Hay như với Nguyễn Hoàng Minh Trung, 13 tuổi, cậu học sinh có thị lực tốt nhất lớp, nhưng cũng phải mất nhiều tháng “huấn luyện” em mới làm quen được với bếp điện và giờ đây đã có thể tự nếm thức ăn, cắm dây vào ổ điện.
“Làm mẹ” của 10 đứa trẻ kém may mắn chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nếu không muốn nói là quá lạ lẫm với người phụ nữ trẻ, chưa từng có kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật. Nhưng bằng sự tận tâm, tự mày mò học hỏi thêm kiến thức trên mạng và quan sát các đồng nghiệp khác, cô Kim Phượng đã dần trở thành người thân, người bạn tri kỷ đồng hành cùng mỗi bước tiến bộ của học sinh. Cô Kim Phượng cho biết, dù học chung trong một lớp nhưng mỗi em phải có một giáo án riêng, hướng đến những mục tiêu giáo dục khác nhau, phù hợp với thể trạng sức khỏe và mức độ khuyết tật của các em. Với từng hoàn cảnh, cô Phượng đều nhẹ nhàng chia sẻ và tìm phương pháp đồng hành cùng các em. Thậm chí, trong hầu hết sinh hoạt hàng ngày, học sinh cũng tìm đến cô như tìm đến một người mẹ, một chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất.
Niềm vui của sự an yên
Nhận xét về người em đồng nghiệp của mình, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Cô Kim Phượng là một giáo viên rất tận tâm và chịu khó. Gia đình cô đang ở nhà ở xã hội tận huyện Bình Chánh, con nhỏ mới 11 tháng tuổi nên trong một số hoạt động, nhà trường có ưu ái để cô có thêm thời gian chăm sóc gia đình nhưng cô luôn từ chối”. Dù có chuyên môn là giáo viên dạy bộ môn Hóa học nhưng do đặc thù của ngôi trường đang công tác, cô Kim Phượng phải kiêm nhiệm thêm nhiều môn học khác, như: dạy nấu ăn, kỹ thuật chế biến, kỹ năng sống. Mỗi ngày lên lớp của cô giáo Kim Phượng gắn bó nhiều hơn với chai lọ thủy tinh, hành, ngò, rau củ, chứ không phải những công thức hóa học, dung môi, chất xúc tác.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, cô Kim Phượng bộc bạch, chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định rẽ hướng của mình. “Mình gắn bó với các em học sinh ở đây như một cái duyên khó lý giải. Dù đã đứng lớp nhiều năm nhưng cảm xúc dành cho các em vẫn nguyên vẹn như ngày đầu tiên nhận lớp, vẫn thổn thức với từng hoàn cảnh, vẫn vui vì những sự tiến bộ nhỏ nhất của học trò. Đặc biệt, công việc của mình càng trở nên có ý nghĩa khi biết được sau khi ra trường, các em có thể làm một số công việc đơn giản như: tập vật lý trị liệu, trông giữ xe, nấu ăn, bán nhang để nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, cô giáo trẻ bộc bạch.
Do là trường học dành cho đối tượng học sinh khuyết tật nên mỗi ngày lên lớp của giáo viên đều gắn với trang phục gọn nhẹ, thoải mái, dễ di chuyển. Nếu như ở trường phổ thông quy định rõ ràng về thời khóa biểu với những môn học bắt buộc, tiết học, giờ lên lớp thì với Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, toàn bộ hoạt động dạy và học trong ngày đều lặp đi lặp lại một số nội dung cơ bản, không có giáo án cứng, không đánh giá thi đua.
“Môi trường công tác nào cũng có niềm vui và động lực phấn đấu riêng, chỉ cần tâm mình an yên, cảm thấy hạnh phúc vừa đủ là được”, cô Kim Phượng tâm sự. Và để theo đuổi hạnh phúc vừa đủ đó, người phụ nữ với khuôn mặt thanh tú, dáng người cao, gầy nhưng trên môi lúc nào cũng thường trực nụ cười, phải mỗi ngày tất bật sắp xếp cuộc sống cá nhân còn vất vả để toàn tâm toàn ý cho các em có hoàn cảnh kém may mắn.
Chia tay cô Kim Phượng và 10 học trò nhỏ, chúng tôi đã có thêm một định nghĩa mới về “hạnh phúc”. Giữa dòng đời bon chen, hối hả, hình ảnh cô giáo Kim Phượng như một dòng suối nhỏ len lỏi, tắm mát những mảnh đời bất hạnh, gửi trọn tình thương yêu và sự tin tưởng để thắp lên niềm tin yêu cuộc sống của chính các em.
MINH QUÂN
Theo SGGP
Nhiều ý kiến ủng hộ, lắm góp ý băn khoăn
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo. Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít băn khoăn cho rằng điều này có thể làm giảm động lực của người học và "cào bằng" trong đánh giá chất lượng giữa các loại hình đào tạo.
Còn nhiều băn khoăn
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Theo Dự thảo này, những nội dung chính được ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm: Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng, tên của người được cấp văn bằng... Dự thảo cũng cho phép các cơ sở đào tạo được bổ sung thêm nhiều nội dung khác phù hợp với quy định pháp luật.
Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi xếp loại và loại hình đào tạo. (Ảnh minh họa)
Nếu so với quy định cũ thì ở Dự thảo mới, bằng tốt nghiệp sẽ không ghi hình thức xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá...); không thể hiện loại hình đào tạo (chính quy, tại chức...) như hiện nay. Điều này khiến nhiều người lo ngại về sự cào bằng, làm giảm động lực phấn đấu của người học. Theo bạn Phạm Minh Phúc (Sinh viên năm 3, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), điểm số chỉ đánh giá một phần năng lực của sinh viên ở thời điểm hiện tại, không nên lấy đó làm thước đo cho cả đời đi xin việc. Phần khác, điểm số khiến sinh viên học hành áp lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự áp lực đó giống như khuôn khổ để sinh viên tự rèn mình, tự cố gắng mỗi ngày trên giảng đường. Do vậy, muốn bỏ ghi xếp loại trong bằng tốt nghiệp thì bản thân sinh viên phải tự giác học và quan trọng hơn là các nhà tuyển dụng không còn coi trọng bằng cấp thì tự nhiên giá trị xếp loại của tấm bằng lúc đó sẽ biến mất.
Cùng quan điểm này, bạn Nguyễn Thu Huyền (đang học cao học tại Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Cơ chế tuyển dụng hiện nay thì bằng cấp không phải yếu tố quyết định nhiều nhưng nếu để học tốt và chưa tốt cũng chỉ một tấm bằng có giá trị như nhau thì tôi thấy chưa phù hợp với Việt Nam hiện nay. Tôi tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng hiện nay học thạc sĩ không xếp loại nên cũng "chây ì" hơn. Học viên lớp cao học của tôi cũng hay nói với nhau rằng có xếp loại đâu mà cần điểm cao, chẳng ai quan tâm bảng điểm cả, cứ qua môn là được. Vì thế, tôi lo sợ suy nghĩ cào bằng, vàng - thau lẫn lộn".
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ (Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, việc thay đổi là phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn. Thực trạng đào tạo và chuẩn "đầu ra" ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm và đào tạo từ xa ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức... Để giảm sự chênh lệch này cần một khoảng thời gian dài và đòi hỏi sự nỗ lực từ chính nhà trường trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Do vậy, hiện tại, việc xếp loại tốt nghiệp vẫn là cần thiết để tạo động lực cho sinh viên.
Phù hợp với xu thế
Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến lại đồng tình với Dự thảo Thông tư. Theo ý kiến của một số trường dân lập, thực tế các trường vẫn cấp bằng tốt nghiệp đồng thời cả bảng điểm, quá trình học tập của sinh viên. Do đó, việc in xếp loại trên bằng là không cần thiết, nhà tuyển dụng cần thêm thông tin thì có thể xem bảng điểm.
Dự kiến ngoài thông tin cá nhân, phụ lục văn bằng sẽ có thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng gồm: Tên cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, nơi tổ chức đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, kết quả học tập, tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm xếp loại tốt nghiệp... Với những thông tin như thế này, các đơn vị tuyển dụng hoàn toàn có đủ căn cứ sàng lọc trong quá trình xét hồ sơ tuyển dụng. Và như vậy, để có cơ hội có việc làm, người học vẫn cần cố gắng.
Bạn Phạm Thị Lê Na (Cựu sinh viên Đại học Dược Hà Nội) cho rằng, việc không ghi xếp loại tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn kỹ vào bảng điểm hơn. "Cá nhân tôi rất đồng tình với Dự thảo. Thực tế, khi đi làm đòi hỏi khả năng thích ứng tốt với môi trường xung quanh. Nếu chỉ có học lực giỏi mà không có kỹ năng cần thiết, thái độ đủ tốt để thích ứng thì rất nhanh sẽ bị đào thải. Điều này lý giải tại sao rất nhiều sinh viên ra trường có bằng đại học loại giỏi cũng bị thất nghiệp. Hiện nay, tất cả các trường đại học đều cấp bằng tốt nghiệp trong khi chất lượng đào tạo khác nhau, chương trình khác nhau. Ghi xếp loại trên bằng, nếu nhà tuyển dụng không tìm hiểu kỹ thì sẽ thiệt thòi cho sinh viên những trường có đánh giá chặt chẽ" - Lê Na chia sẻ.
Theo ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT), việc xây dựng các nội dung của Dự thảo dựa trên quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư, Ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Quy định như trong Dự thảo Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với các nước.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, Dự thảo "Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Dự thảo "Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân", trong đó có quy định về phụ lục văn bằng.
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi. "Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam trong giai đoạn mới" - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Giáo dục đặc biệt: "Bật mí" của chuyên gia Theo các chuyên gia, GD hòa nhập đối với học sinh khuyết tật là một xu thế thời đại và được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. GD hòa nhập được tiến hành với các tiền đề mà theo đó nhà trường sẽ tốt hơn nếu thu nhận mọi trẻ em trong cộng đồng. GV sẽ tốt hơn...