Người gieo cái chữ nơi ‘miền đất cuối’ Nà Hang
Núi rừng thẳm sâu, cái đói, cái nghèo bao trùm nơi “miền đất cuối” Nà Hang đã tự bao đời. Ở nơi ấy, có những cô giáo cắm bản, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để gieo con chữ cho con em dân tộc…
Cô giáo cắm bản
Na Hang (Nà Hang) tiếng dân tộc có nghĩa là “miền đất cuối” của tỉnh Tuyên Quang. Là một nơi vùng sâu, vùng xa thiếu thốn đủ điều và cái đói, cái nghèo luôn thường trực bao trùm địa phương này.
Cô giáo Nông Thu Hoài trên bục giảng
Ở trung tâm thị trấn Nà Hang, công tác giáo dục những xã, bản ở nơi núi rừng sâu thẳm thì sự học của con em đồng bào dân tộc khổ chăm bề.
Video đang HOT
Từ trước đến nay, công tác giáo dục tại các trường vùng sâu, vùng xa luôn là thách thức đối với ngành Giáo dục. Cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp… là những khó khăn thường trực các thầy, cô giáo phải đối mặt. Tuy nhiên, vất vả gian nan hơn cả vẫn là những cô giáo trực tiếp đứng lớp ngày ngày mang cái chữ đến với con em đồng bào dân tộc.
Men theo những con đường đá núi hiểm trở, chúng tôi tìm đến điểm trường thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Nà Hang (Tuyên Quang), trong ngày cả nước đang hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong căn phòng học dựng tạm bợ, giọng nói của một cô gái trẻ trầm bổng những tiếng I, T khiến chúng tôi chăm chú theo dõi. Đó là cô giáo Nông Thu Hoài, một cô giáo cắm bản đang dạy tại điểm trường Bản Bung
Cô Hoài ân cần chỉ bảo các em học sinh
Tuổi còn rất trẻ nhưng trông Hoài có vẻ già dặn hơn so với lứa tuổi của mình. Nước da ngăn ngăm đen, giọng nói trầm bổng và đôi mắt cô luôn toát lên những ánh nhìn tươi sáng.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nông Thu Hoài chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Hà Giang, năm 1988, em lên nhận công tác tại huyện Quản Bả (Hà Giang) được 3 năm. Đến năm 1990, được chuyển về dạy tại trường Tiểu học xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Sau đó không lâu, em được phân công dạy ở điểm trường thôn Bản Bung, và công tác từ đó đến nay.
Những năm đầu mới ra trường, kinh nghiệm trong công việc chưa có, lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, tưởng như bản thân không thể vượt qua được. Nhưng với nghị lực, lòng yêu nghề và thương các em học sinh, em quyết tâm bám trụ và dạy học nơi này” – Cô Hoài cho biết thêm.
Đến nay, cô giáo Nông Thu Hoài đã gắn bó với Bản Bung hơn 10 năm. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng người dân, các em nhỏ và cuộc sống nơi đây đã giúp cô có thêm niềm tin và tình yêu với nghề.
Khi hỏi về những khó khăn khi là một cô giáo cắm bản, Hoài bịt miệng cười: “Khó khăn thì nhiều lắm, ở địa phương kinh tế còn nghèo, người dân đa phần là bà con dân tộc. Những ngày đầu mới lên Bản Bung, đã phần bà con dân tộc không cho con em đi học. Em phải đến vận động từng nhà, động viên gia đình và khuyến khích các em đến lớp. Các em đến học được vài buổi, rồi lại tự dưng không đến lớp nữa, sau rất nhiều lần đến nhà, thuyết phục và động viên gia đình và các em đến lớp học chữ”.
Năm học 2015 – 2016, điểm trường Bản Bung có 11 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Đây là niềm vui của các cô giáo Hoài vì tỷ lệ học sinh luôn được đến lớp cùng với đó là nỗi lo về cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện chăm lo cho các em học tập. Việc một mình phụ trách lớp thực sự rất vất vả đối với các cô giáo. Nhưng vì tấm lòng nhiệt huyết, các cô luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ, trồng người.
Học sinh ôm lợn đến tặng cô
Xác định là người gieo con chữ nơi vùng cao, nên những cô giáo cắm bản luôn tự nhận thức được việc sẽ không có hoa chúc mừng ngày nhà giáo. Ngày kỷ niệm, của những người thầy, người cô nơi vùng sâu, vùng xa này chỉ được thực hiện một cách sơ sài dù họ đã cố gắng hết sức.
Sau những giờ trên bục giảng, cô giáo Nông Thu Hoài lại lo đời sống thường ngày
Không giống như học sinh dưới xuôi là tặng hoa, tặng quà thầy cô, học sinh vùng cao chẳng có gì để đem tặng cô giáo. Bởi với gia đình chúng, lo ăn còn đã khó huống chi là nghĩ đến tặng quà. Có học sinh mang đến trường tặng cô củ sắn, thâm chí có em ôm lợn đến tặng cô giáo.
Cô giáo Nông Thị Sinh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Tương chia sẻ: “Quả thực không thể kể hết những khó khăn của cô giáo cắm bản. Một năm học với 9 tháng là từng ấy ngày, các thầy, cô giáo gắn bó với trường lớp, với các em học sinh. Dù nắng hay mưa, hễ có học sinh nghỉ học là các cô lại lặn lội đến tận nhà để thăm hỏi, cùng gia đình chăm sóc để sớm đưa các em trở lại trường”.
Tâm huyết với nghề, âm thầm gieo chữ nơi “miền đất cuối” Bản Bung, những cô giáo cắm bản luôn thể hiện trách nhiệm, lòng yêu nghề dù còn nhiều khó khăn, vất vả.
Chia tay cô Hoài, chia tay Bản Bung, phía sau lưng chúng tôi là những tiếng I, T vẫn vang lên đều đặn nơi núi rừng thẳm sâu. Chúc cho các thầy, các cô giáo cắm bản luôn mạnh khỏe, tâm huyết để gieo cái chữ và thắp sáng khát vọng cho những học sinh vùng cao.
Theo Nguoiduatin