Người đưa tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học
Mỗi năm, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi thường nhớ nhiều hơn về những người đã từng nâng bước mình trưởng thành.
Bố tôi mất khá sớm từ khi tôi chưa đến tuổi cắp sách đến trường. Cuộc sống của những năm tháng đất nước mới giải phóng còn nhiều khó khăn nên mẹ tôi đưa anh em chúng tôi về sống chung với ông bà ngoại.
Vì thế, tuổi thơ của chúng tôi quen với ông bà ngoại và những cậu, dì của mình. Mẹ tôi ngày ấy luôn tất bật với ruộng đồng, khi hết làm đồng lại buôn bán ngược xuôi để kiếm tiền nuôi anh em chúng tôi ăn học.
Những năm 80 của thế kỷ trước đất nước còn nghèo và gia đình tôi cũng không tránh khỏi cái khó khăn chung lúc bấy giờ. Thế nhưng, cái nghèo về vật chất đó đã bị lấn át bởi tình yêu thương của ông bà ngoại dành cho chúng tôi quá nhiều.
Đặc biệt là ông ngoại tôi – một thầy giáo của phong trào Bình dân học vụ năm nào luôn giữ trong mình một cốt cách thanh cao, giản dị và cực kỳ yêu thích văn chương đã kéo tôi đến với văn chương lúc nào không hay.
Những khi màn đêm buông xuống, bên chiếc quạt mo cau phe phẩy của mùa hè là những câu chuyện dân gian, những câu có ca dao, tục ngữ được ông kể, đọc cho nghe rất nhiều.
Tôi đã lớn đến bằng sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có tình yêu thương vô bờ của gia đình ngoại.
Lớn lên, lúc cắp sách đến trường và biết chữ, biết đọc thì tôi lại được tiếp cận với rất nhiều cuốn sách trong tủ sách của ông ngoại. Sách của ông ngoại tôi thời đó không phải là những truyện tranh được minh họa bằng những hình ảnh và giấy đẹp như bây giờ.
Những quyển sách chỉ có chữ và chữ được in dày cộp nhưng đều là những tác phẩm văn học kinh điển, những tác phẩm nói về đạo lý hay những tấm gương sáng thời xưa.
Lúc đó, nhà cũng chẳng có đài, chẳng có ti vi, điện thoại như bây giờ. Ở trường cũng chỉ dạy chính khóa chứ không có dạy thêm. Vì thế, sau mỗi giờ học thì tôi lại cắm cúi và những cuốn sách, đọc đi, đọc lại nhiều lần mà không thấy chán.
Video đang HOT
Chính vì thế mà nhiều bài thơ, nhiều đoạn văn hay không chỉ nắm được ý mà tôi còn thuộc làu làu cho đến tận bây giờ.
Thỉnh thoảng, ông có đi chợ huyện mua được tờ báo Tiền phong hay mượn của ai đó được cuốn sách, tờ báo nào mới là cả 2 ông cháu đều thay nhau đọc. Tình yêu văn chương cứ thế lớn dần trong tôi lúc nào không hay.
Lớn lên, tôi xung phong vào bộ đội, đến năm thứ 2 thì nhận được tin ông ngoại tôi mất qua điện báo của gia đình. Dù thương nhớ, hẫng hụt nhưng tôi không về được bởi môi trường quân đội khó khăn mà đơn vị lại đóng quân xa nhà đến mấy trăm cây số.
Tôi chỉ biết gửi nhớ thương trong âm thầm cho người ông của mình bằng một lời thầm hứa sẽ sống tốt, sống có ích đời.
Rời quân ngũ, tôi quay lại học tập, ôn luyện và thi đỗ vào khoa Ngữ văn của một trường đại học để tiếp tục nuôi dưỡng những sự đam mê, yêu thích của mình.
Ngày tiễn tôi lên đường, bà ngoại tôi cầm tay tôi rưng rưng và nói: “Giá như ông ngoại còn sống thì ông sẽ mừng lắm, ráng học hành cho tốt nghe con”. Nghe ngoại nói, lòng tôi cũng rưng rưng theo và nghĩ về người ông của mình đã khuất.
Sau 4 năm đại học, tôi ra trường và rồi đi dạy học như bao nhiêu những bạn bè khác. Mỗi năm, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi thường nhớ nhiều hơn về những người đã từng nâng bước mình trưởng thành.
Không chỉ là những người thầy, người cô mà có những người thân yêu của mình nữa. Và, ông tôi- người không được tôi gọi là thầy nhưng lại chính là người thầy đầu tiên cầm tay tôi uốn nắn từng nét chữ đầu đời.
Ông đã chuẩn bị cho tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học bằng tủ sách cá nhân của mình. Ông đã đưa cho tôi những cuốn sách, những tờ báo cũ mèm cho để tôi say sưa đọc từ lúc thiếu thời.
Ngày Nhà giáo năm nay, tôi lại nhớ về ông của mình- một người đã khuất mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi.
Và, tôi tin, ở một nơi đâu đó rất xa, ông tôi vẫn dõi theo tôi từng ngày như những ngày đầu gia đình tôi về sống cùng với ngoại…
KHÁNH VĂN
Theo giaoduc.net
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11): Món quà vô giá
Món quà ngày 20-11 chỉ là những lá thư với tâm sự mộc mạc của học trò nhưng đã mang lại cho các thầy cô giáo niềm xúc động, tự hào. Nhờ những tình cảm chân thành này, họ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.
Cô Nguyễn Thị Lý với niềm vui khi nhận được thư của học trò cũ. Ảnh: Hải Yến
26 năm gắn bó với nghề dạy học, đây là kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam khá đặc biệt với cô Nguyễn Thị Lý (Trường tiểu học Nguyễn Huệ, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú). Cô đã nhận được nhiều lá thư của học trò cũ để bày tỏ tình cảm và kể lại những kỷ niệm khó quên đối với cô.
* Những lá thư tri ân
Cầm lá thư của cậu học trò Nguyễn Hoàng (hiện đang học ở Trường THCS Quang Trung, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) trên tay, cô Lý rưng rưng nhớ về cậu học trò cũ: "Trong lớp, Hoàng là học sinh khá nghịch, thỉnh thoảng em còn trốn học nhưng nếu được cô kèm cặp thì em học rất tiến bộ. Có lần, Hoàng trốn học, bị tôi phạt. Từ lần đó trở đi, Hoàng không trốn học nữa. Em chăm chỉ học hơn và lên lớp 5 thì tiến bộ hẳn. Em viết thư cho tôi kín hai mặt giấy, có nhắc lại chuyện bị cô phạt. Dù em viết thư không hay nhưng đây chính là tình cảm thật của em và tôi rất trân trọng điều đó".
300 lá thư gửi thầy cô giáo
Đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Quang Trung thành lập Câu lạc bộ văn học và lên kế hoạch hoạt động riêng cho từng khối lớp. Trong dịp kỷ niệm ngày 20-11 này, câu lạc bộ tổ chức hoạt động chung cho toàn trường là viết thư gửi thầy cô giáo. Hưởng ứng phát động của câu lạc bộ, 300 học sinh của trường đã viết thư để gửi lời tri ân đến các thầy cô giáo, trong đó phần lớn thư là gửi thầy cô giáo cũ.
Nguyễn Hoàng là một trong 300 học sinh của Trường THCS Quang Trung đã hưởng ứng hoạt động viết thư gửi thầy cô giáo cũ do Câu lạc bộ văn học của nhà trường phát động. Sau khi tiếp nhận thư của học sinh, câu lạc bộ soạn theo địa chỉ và chuyển đến tận trường cho các giáo viên.
Cầm lá thư đề tên người gửi Lương Đạt Sâm, cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, nhận ra ngay cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn từng học ở trường cách đây 5 năm, dù cô không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy.
"Chỉ nhìn nét chữ rõ ràng, sạch sẽ mà em viết bên ngoài lá thư gửi cô giáo chủ nhiệm cũ thôi là tôi đã thấy vui rồi. Tôi nghĩ rằng những lá thư này sẽ tiếp thêm nghị lực để các thầy cô giáo bám trụ với nghề" - cô Thương cho hay.
Cô Nguyễn Thị Lý cũng chia sẻ: "Với những món quà có giá trị vật chất thì có thể là do sự sắp xếp của cha mẹ nhưng khi chính học sinh đặt bút viết thư thì đây là tình cảm chân thật mà các em dành cho mình. Nhờ những bày tỏ của các em, tôi hiểu rằng tâm huyết của mình với nghề đã được đền đáp xứng đáng. Tôi càng tin rằng mình đã chọn đúng nghề. Với tôi, đây chính là những món quà vô giá, không gì so sánh bằng".
* Dạy học bằng trái tim
Như một cái duyên, cô Trần Cao Vân Nam (giáo viên Trường THCS Quang Trung) thường được giao chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh "đặc biệt": gia đình nghèo, mồ côi, cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà... Vì không có nhiều điều kiện chăm lo cho việc học nên đa số những học sinh này chỉ có học lực trung bình. Bù lại, đa số các em ngoan, lễ phép. Thương học trò, cô Nam thường gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh sống của các em để có sự giúp đỡ kịp thời như tìm học bổng, lấy tiền túi để mua bảo hiểm tai nạn cho học trò...
Năm học này, cô Nam được giao chủ nhiệm lớp 7. V. là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của lớp. Tuy được ở với cả cha và mẹ nhưng V. không được sống trong không khí hạnh phúc. Cha thường xuyên say xỉn. Những lúc như vậy, ông thường "rượt" mẹ con V. khắp nơi. Ba mẹ con V. đành phải tìm nơi ở nhờ, đợi cha qua cơn say rồi mới dám về nhà. Gánh nặng gia đình đè nặng cả lên vai mẹ. Vì thế, gia đình V. không thoát được cảnh nghèo.
Em Hồ Thị Bạch Dương, lớp 9/1 Trường THCS Quang Trung cho biết: "Hoạt động viết thư cho thầy cô giáo cũ nhân ngày 20-11 có ý nghĩa rất thiết thực. Bản thân em đã xa trường tiểu học nhiều năm mà chưa có dịp bày tỏ lòng biết ơn với các thầy cô. Đây là cơ hội để em bày tỏ cảm xúc và ôn lại kỷ niệm với thầy cô giáo cũ. Em hy vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm sau, đồng thời lan rộng trong học sinh".
Cô Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho V., giúp V. hiểu rằng xung quanh em có rất nhiều người sẵn sàng che chở, yêu thương em. Mấy ngày trước, V. đã gặp riêng cô Nam và tận tay gửi cho cô một bức thư. Trong thư, V. kể lại tâm trạng lo lắng, mong ngóng cô chủ nhiệm đến lớp trong khoảng thời gian cô bị tai nạn. Em bày tỏ: "Trong số thầy cô giáo dạy em, thật khó tìm ra cô nào như cô Nam lớp em. Em yêu quý cô".
Bằng sự gần gũi, chân thành của mình, cô Nam đã chiếm trọn "trái tim" của các thành viên lớp cô chủ nhiệm, Đ. là một trong số đó. Từ một học sinh có thái độ bất cần, thường xuyên nghỉ học, bị lưu ban 2 năm, Đ. đã trở nên chăm chỉ hơn rất nhiều. Từ đầu năm học đến nay, em chưa nghỉ buổi học nào. Trong lớp, Đ. còn mạnh dạn phát biểu ý kiến, em quyết tâm được lên lớp và hoàn thành được chương trình THCS.
Cô Nam chia sẻ: "Nhiều năm đi dạy, tôi nhận ra rằng phương pháp dạy học hiệu quả nhất chính là dạy bằng trái tim chứ không phải chỉ là tri thức. Điều này càng đúng đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là học sinh có biểu hiện "nổi loạn". Nếu đem điểm số ra để "hù dọa" các em thì khó có tác dụng. Phải gần gũi, chinh phục các em. Khi học trò tin tưởng mình rồi thì mình nói gì học trò cũng nghe. Với những học sinh học quá yếu, quan trọng là chúng ta phải dạy cho các em kỹ năng sống, nhân cách sống. Khi có được nhận thức tốt rồi thì các em sẽ tự thay đổi theo hướng tích cực".
Hải Yến
Theo baodongnai
Sáng mãi tinh thần tôn sư trọng đạo Dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống. Mỗi một lĩnh vực, mỗi một cộng đồng xã hội đều có những truyền thống chung của dân tộc và có cả truyền thống riêng. Trong đó ngành giáo dục Việt Nam có một truyền thống vô cùng đặc biệt đó là truyền thống "tôn sư trọng đạo", một truyền thống nổi bật trong...