Người dân Tây Nguyên quay quắt trong hạn hán lịch sử
Tây Nguyên đang vào những tháng cao điểm của mùa khô, nhiều tháng liên tục hầu như không có một giọt mưa khiến cho giếng cạn, đồng khô dẫn đến tình trạng người thiếu nước uống, cây cối khô héo…
Mùa khô năm 2015-2016 tại Gia Lai và Kon Tum được đánh giá là mùa khô hạn lịch sử, việc thiếu nước trầm trọng đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và kinh tế của hàng nghìn hộ dân. Nhiều nơi giếng nước khô cạn, các hộ dân phải dành tiền mua nước bình để ăn uống. Những sinh hoạt khác như tắm, giặt… đều phải dựa vào những con sông, suối đang bắt đầu cạn trơ đáy.
Tại xã Ia Tơi (Ia H’Drai, Kon Tum) có hơn 1.000 hộ dân, hầu hết người dân trong xã đều phải bỏ tiền ra mua nước bình về uống và dùng để nấu ăn. Chị Phan Thị Nghĩa (SN 1990, trú thôn 8) cho biết, gia đình chị có 3 người, cứ trung bình khoảng 2 ngày thì dùng hết 1 bình nước 20 lít có giá 12 nghìn đồng. Nói là nước sạch nhưng gia đình chị cũng chỉ biết nhắm mắt dùng chứ cũng không biết chất lượng nước như thế nào, bởi đã có nhiều vụ cơ quan chức năng xử phạt hành chính các cơ sở sản xuất nước bình mất vệ sinh. “Giờ mình không dùng thì cũng không biết lấy nước nào mà uống”, chị Nghĩa cho biết.
Nhiều gia đình ở xã Ia Tơi phải bỏ tiền mua nước bình về nấu ăn và uống
Ngoài nước ăn, nước uống phải mua thì tất cả các sinh hoạt còn lại của gia đình chị Nghĩa đều phải dựa vào con suối sắp cạn đường sau nhà. “Nước ở con suối này nhiều phèn lắm, khi suối cạn váng phèn vàng đóng rêu nhưng không dùng nó thì chúng tôi không biết lấy nước đâu để tắm, giặt, rửa rau, rửa chén bát…”, chị Nghĩa kể.
Đang loay hoay tắm giặt dưới suối vào giữa trưa, ông Nguyễn Văn Tâm (trú thôn 8) cho biết, cả gia đình ông và hầu hết những người dân ở đây đều tắm ở dưới các con suối. Sau khi tắm xong, bác Tâm còn phải xách thêm 1 can nước về để rửa chén bát…
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Tâm ra suối tắm và xách nước suối về để sinh hoạt
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Nhàng – Chủ tịch xã Ia Tơi cho biết, hiện tại tất cả các giếng đào trên địa bàn đã không còn nước, 6 tháng nay trên địa bàn xã cũng không xuất hiện một cơn mưa nào khiến tình trạng thiếu nước càng trầm trọng. “Ở đây giếng khoan phải khoan trên 100m chiều sâu mới có nước. Thiếu nước làm cho cuộc sống của người dân rất khó khăn”, ông Nhàng cho biết.
Hàng trăm người dân xã Ia Tơi dùng nước dưới con suối này để tắm, giặt…
Trước diễn biến hạn hán ngày càng phức tạp, ngày 16/3, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chính thức công bố thiên tai hạn hán trên địa bàn tỉnh với cấp độ rủi ro thuộc cấp 1. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, hạn hán đã gây thiệt hại rất lớn về cây trồng. Về nước sinh hoạt, có 4 công trình nước tự chảy bị khô hạn, thiếu nước; hơn 4.000 giếng nước bị khô cạn, thiếu nước, kéo theo hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Tại Gia Lai, gần 1 tháng nay, hầu hết các giếng nước ở một số làng tại xã Ia Phang (Chư Pưh) đã cạn khô. Nhiều gia đình phải bỏ tiền ra mua nước về sinh hoạt với giá 20.000 đồng/3 phuy dùng để tắm giặt… còn nước uống phải mua riêng. Gia đình chị Kpuih Hring (làng Phun B) cho biết, cứ 3 ngày gia đình chị lại hết 50.000 đồng tiền mua nước.
Cũng trong cảnh quay quắt vì nước, nhiều người dân ở xã Ayun (Chư Sê) đang phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua nước về sinh hoạt. Để giúp người dân trong cơn hạn nặng, từ ngày 23/2 đến nay, UBND huyện Chư Sê đã xuất kinh phí mua nước sạch chở về cung cấp, phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho các hộ gia đình. Mỗi ngày, chính quyền địa phương chở nước 2 lần về tận các làng, với khối lượng 16.000m3, chi phí 1,5 triệu đồng/ngày.
Nhiều sông, hồ ở Gia Lai cạn trơ đáy
Hạn hán đã “tấn công” khắp các huyện, thị ở Gia Lai. Tại huyện Kbang. Theo thống kê của cơ quan chức năng, huyện này có 4 hồ chứa nước thì đã có 2 hồ cạn trơ đáy, 37 công trình thủy lợi khác cũng đang dần cạn kiệt. Nhiều diện tích cây lương thực đã và đang chết dần, nguy cơ thiếu lương thực, đói và tái nghèo đang cận kề trước mắt người dân.
Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 10/3, ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông-Xuân 2015-2016 đã gần 100 tỷ đồng.
Nhiều diện tích cây trồng đã và đang chết khô khiến nhiều người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói
Các vùng thiếu nước uống và nước sinh hoạt như huyện Krông Pa, Chư Sê, chính quyền địa phương đã phải hỗ trợ kinh phí mua lu, bồn chứa nước và vận chuyển nước sạch từ nơi khác đến để cấp nước uống, nước sinh hoạt cho người dân.
Theo đài khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, phần lớn các hồ thủy điện trên địa bàn Gia Lai ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2.00 – 5.50 mét; Cá biệt hồ KaNak ở mức thấp hơn 12.9 mét, hồ IaLy ở mức thấp hơn 15.9 mét. Nhiều hồ (vùng hạ lưu) ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn mực nước chết như Sê San 4, Sê San 4A. Với mực nước này việc sản xuất điện của hơn 40 nhà máy thủy điện tại Gia Lai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thiên Thư
Theo Dantri
Mua từng can nước về dùng
T ừ tháng 5 đến nay, dù mùa nắng nóng mới bắt đầu nhưng người dân H.Phù Mỹ (Bình Định) đã phải quay quắt chống hạn.
Người dân xã Mỹ Chánh đạp xe qua xã Mỹ Thọ mua từng can nước sạch về dùng - Ảnh: Văn Lưu
Theo Phòng NN-PTNT, toàn huyện có hơn 1.100 ha lúa, 1.000 ha cây trồng cạn bị thiếu nước, khả năng giảm năng suất từ 70% trở lên và nhiều xã thiếu nước sinh hoạt như Mỹ Chánh (1.500 hộ), Mỹ Chánh Tây (300 hộ), Mỹ Phong (500 hộ)... Người dân xã Mỹ Chánh phải sang các xã lân cận để mua nước sạch về dùng, do nắng nóng, 70% giếng nước trong xã bị nhiễm mặn và nước ngầm trên sông La Tinh cạn kiệt nên Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh chỉ hoạt động cầm chừng, không cấp đủ nước cho người dân. Nước khan hiếm, giá nước tăng khiến cuộc sống của nhiều gia đình nông dân gặp khó khăn. "Hằng ngày, gia đình tôi phải mua 1.000 đồng/can 20 lít để dùng cho việc nấu cơm, nước uống, còn nước tắm, giặt mua 500 đồng/can 20 lít. Việc gì cần thiết lắm mới dùng nước ngọt, không thì dùng nước nhiễm mặn! Dẫu vậy, mỗi ngày ít nhất cũng hết 11 can", ông Dương Công Mót (57 tuổi, ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh) kể.
Người dân xã Mỹ Tài (H.Phù Mỹ) cũng đang gồng mình chống hạn, đào vét khắp nơi để tìm nguồn nước ngầm cứu lúa, mong tránh một vụ mùa trắng tay. Thậm chí, nhiều người dù biết đang đối mặt với nguy cơ thiếu ăn nhưng đành phải cắt bỏ lúa cho trâu bò ăn vì không còn nước tưới.
Đến nay, Sở NN-PTNT Bình Định thống kê trên địa bàn có 7.682 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 4.628 ha lúa hè thu ảnh hưởng nắng hạn... "Nếu xảy ra nắng hạn, không chỉ có H.Phù Mỹ mà toàn tỉnh Bình Định sẽ có gần 10.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt", ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, lo lắng.
Hoàng Trọng
Theo Thanhnien
Hàng nghìn hécta cây trồng chờ chết vì hạn 1.000 ha sắn, 500 cà phê cùng nhiều diện tích hồ tiêu, chuối... ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang úa vàng, héo rũ vì khô hạn. Lượng mưa năm 2014 ở huyện Hướng Hóa chỉ đạt 1.000 mm, trong khi bình quân hàng năm 1.800-2.200 mm, khiến mực nước nhiều sông hồ, khe suối cạn kiệt. Từ đầu 2015 đến nay, số...