Người con dâu thầm lặng nhà Bush
Liệu ông Jeb Bush có tạo nên lịch sử khi trở thành thành viên thứ 3 trong gia đình Bush nắm chiếc ghế tổng thống Mỹ?
Liệu bà Columba Bush – người con dâu đặc biệt của nhà Bush với cuộc đời nhiều phiên bản – có là người phụ nữ gốc Hispanic đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng với tư cách đệ nhất phu nhân? Cuộc đua chỉ mới manh nha. Câu chuyện sẽ có hồi kết vào năm 2016.
Từ cuối năm 2014, sau nhiều lần bỏ ngỏ khả năng chạy đua để giành chiếc vé đại diện đảng Cộng hòa cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, người con trai thứ 2 của “Bush cha” là cựu Tổng thống George H.W.Bush đã thông báo trên Facebook rằng ông sẽ “tích cực thăm dò” cuộc chạy đua năm 2016 và sau đó đã “bớt việc” tại một số tập đoàn lớn. Thế thôi cũng đủ để các báo chạy đua tìm hiểu về cựu Thống đốc bang Florida (1999 – 2007).
Người ta nói rằng sự không sẵn lòng (đối với chính trị) của bà Columba có thể sẽ là rào cản lớn nhất đối với ông Bush trong cuộc đua lớn này. Nhưng những người bạn của gia đình và những người làm việc với họ lâu nay lại nói ẩn dưới tính cách kín đáo của bà là sự rắn rỏi khủng khiếp. “Bà ấy rất mạnh mẽ. Nếu Jeb đã quyết thì bà ấy sẽ là một người bạn đồng hành quan trọng. Tôi nghĩ bất kỳ ai nghĩ rằng bà ấy không sẵn sàng cho những nhiệm vụ khắc nghiệt thì họ đã đánh giá thấp bà ấy” – đó là nhận định của Brett Dobster, cố vấn của ông Jeb Bush trong chiến dịch giành chiếc ghế thống đốc hồi năm 1994.
Cuộc đời của bà Columba cũng đầy những phiên bản và nhận định mâu thuẫn như thế, hay nói ví von hơn, vẫn là một ẩn số cho dù bà đã bước vào một gia đình danh giá nhất nước Mỹ hơn 40 năm. Người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Mexico được báo chí Mỹ gọi là “công chúa lọ lem đời thực” bởi cuộc đời bà chia làm 2 nửa rõ rệt: trước và sau khi gặp ông Jeb. Còn với ông Jeb, sự ảnh hưởng mang tên Columba là không có gì bàn cãi. “Cuộc đời tôi có thể được định nghĩa theo một cách rõ ràng – đó là B.C. và A.C.: Trước Columba và Sau Columba”, ông Jeb từng nói trước khán giả khi dùng cách chơi chữ để thể hiện điều này (B.C trong tiếng Anh nghĩa là trước Công nguyên). “Tôi yêu bà ấy điên cuồng, đúng kiểu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những gì tôi làm trước đó, tôi chỉ loáng thoáng nhớ được. Nhưng sau đó cuộc đời tôi được sắp xếp thực sự”.
Trước
Cuốn sách tiếng Tây Ban Nha của Beatriz Parga Columba Bush: the Cinderella of the White House phần nào hé lộ tuổi thơ buồn bã của bà. Dù có trả lời câu hỏi của tác giả nhưng bà không đồng ý xuất bản và khi cuốn sách đưa ra lời trích dẫn khác với những nguồn tin khác nhưng bà không bác bỏ. Đó là câu nói “cha tôi đã tạo ra những ký ức đau đớn nhất trong cuộc đời tôi và khiến cho cuộc sống của mẹ tôi không khác gì địa ngục”. Bìa cuốn sách này còn có một dòng tít nhỏ It’s too late, Papa (tạm dịch: Đã quá trễ rồi ba) phản ánh những ẩn ức suốt thời con gái của Columba khi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đến nỗi người cha phải vượt biên để sang Mỹ làm việc.
Nhưng gia đình ông Jose Maria Garnica Rodriguez lại còn chịu cảnh cơm không lành canh không ngọt bởi cha mẹ bà Columba có xuất thân hoàn toàn trái ngược: mẹ bà là con một gia đình giàu có ở Leon. Chuyện cha thường xuyên đánh mẹ rồi đánh gãy ngón tay cô con gái út Columba bằng cái khóa dây nịt khép lại năm 1963, khiến cô gái 10 tuổi vốn đã nhút nhát và sùng đạo cảm thấy mình bị bêu xấu, bị bạn bè lảng tránh bởi Leon là nơi của những con chiên ngoan đạo và bảo thủ. “Ly dị ở Mexico vào thời những năm 1960 là một tội lỗi”, Columba từng nói.
Người ta hết thêu dệt rồi tìm đến những “nguồn tin” khác nhau để khắc họa thời con gái của Columba trước năm 1970 – năm mà cô gái Columba 16 tuổi và Jeb – chàng sinh viên 17 tuổi đến Mexico trong chuyến đi thực tế. Mẹ kế của Columba cho biết: “Khi Columba gặp Jeb, nó không thèm nói chuyện với cha nó nữa. Josefina (vợ đầu của ông Garnica – NV) có lẽ đã đi rêu rao rằng ông ấy đánh họ nhưng tôi không tin điều đó”. Còn Columba thì chưa bao giờ gặp mẹ kế và phát ngôn viên của gia đình Bush cũng từng phải lên tiếng: “Bà ấy dường như chẳng biết hết câu chuyện này vì những gì bà ấy nói đều không đầy đủ và dối trá”. Mối quan hệ cha – con của bà Columba thì chỉ thể hiện rõ qua một chi tiết: ông Garnica mất năm 2013 nhưng bà không có mặt để tiễn ông ấy lần cuối.
Video đang HOT
Sau
Chưa bao giờ rời khỏi quê nhà cho đến khi gặp Jeb nhưng khi đến Mỹ, Columba được chào đón rất nồng hậu. Giáng sinh năm 1973, Jeb tuyên bố với cả nhà rằng mình muốn kết hôn. Mẹ của Jeb – bà Barbara Bush trong cuốn hồi ký của mình đã viết: “Chúng tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên vì Columba là cô gái duy nhất mà Jeb hẹn hò. Tôi lo lắng thế nào về chúng ư? Cô gái ấy có yêu Jeb? Tôi chỉ biết rằng khi tôi gặp cô gái ấy, tôi đã hết lo âu”.
Không ai khác ngoài bà Barbara đã giúp họ lưu giữ được kỷ niệm ngày cưới vào tháng 2.1974 tại trung tâm sinh viên Công giáo của Đại học Texas. Vì vô tình mà toàn bộ hình ảnh mà “nhiếp ảnh gia” được chỉ định là cậu em trai Marvin của Jeb phụ trách đều bị phơi sáng. Chỉ 1 tấm ảnh duy nhất còn sót lại và đó là thời điểm hạnh phúc hiếm hoi với đại gia đình Bush vì lúc ấy đang diễn ra scandal Watergate.
Có một người mẹ chồng như Barbarba thật đáng quý với Columba lúc bấy giờ vì bà Barbara cho biết “bà hiểu được cảm giác của Columba khi bước vào gia đình này. Nó rất hiếm khi nói tiếng Anh mặc dù thông thạo”. Và món quà bất ngờ mà cô con dâu dành cho gia đình khi “Bush cha”, sau thất bại lần đầu, đang chạy đua chiếc ghế tổng thống năm 1988 là cái quốc tịch Mỹ mà bà được trao. Cũng đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 35 năm đó, bà đã khiến mọi người một lần nữa ngạc nhiên khi có bài phát biểu thuyết phục bằng tiếng Tây Ban Nha ở New Orleans.
Thế rồi sau lần ấy, bà lại làm người Tây Ban Nha trầm lặng trên đất Mỹ. Ông Jeb tham gia tranh cử chức thống đốc bang Florida lần đầu vào năm 1994 và thất bại. Ông thừa nhận mình đã bỏ bê gia đình còn bà thì thể hiện mình không quan tâm đến chuyện chính trị. Nhưng lần thử thách thứ 2 năm 1998 thì ông Jeb thành công và bà được báo chí gắn cho danh hiệu “đệ nhất phu nhân vô hình của Florida”.
Năm 2016 vẫn còn ở phía trước và vai trò của bà Columba trong chiến dịch của ông Jeb vẫn là một ẩn số. Nhưng có một sự thật mà ai cũng biết, đó là trong nhà họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha và sau hai mươi năm sống chung với nhau Jeb cải sang đạo của vợ, từ Công giáo sang Anh giáo.
Nguyệt Hàn
Theo Washington Post, MSNBC, People
Tổng thống Obama đề nghị được trao quyền phát động chiến tranh chống IS
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã đệ trình Quốc hội dự luật cho phép ông sử dụng vũ lực có giới hạn để tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đồng thời nhấn mạnh lực lượng này chắc chắn sẽ bị đánh bại.
Tổng thống Obama muốn được Quốc hội trao quyền lớn hơn trong cuộc chiến tiêu diệt hoàn toàn lực lượng IS (Ảnh: Popist)
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đề nghị được trao quyền phát động chiến tranh kể từ sau đề nghị tương tự của Tổng thống George W. Bush về cuộc chiến tranh Iraq năm 2002.
Dự luật do Tổng thống Obama đệ trình được biên soạn trên cơ sở điều chỉnh Đạo luật năm 2002 về trao quyền cho Tổng thống George W. Bush phát động chiến tranh tại Iraq và Đạo luật năm 2001 về trao quyền cho Tổng thống sử dụng các lực lượng vũ trang (được thông qua ngay sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/9/2001).
Dự luật có thời hạn 3 năm, cho phép Tổng thống Obama sử dụng lực lượng đặc biệt và cố vấn quân sự để tiêu diệt IS. Các chiến dịch tấn công này sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý, nhưng không được "sử dụng lực lượng bộ binh lâu dài".
Phát biểu tại Quốc hội khi trình dự luật trên, Tổng thống Obama khẳng định lực lượng IS sẽ bị đánh bại dưới tay liên minh quốc tế do Mỹ cầm trịch.
"Liên minh của chúng ta đang trên đà tấn công. Hiện IS chỉ ở thế phòng thủ và chúng sẽ bị đánh bại", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.
Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ để hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống IS, đồng thời khẳng định đây không phải là dấu hiệu của việc nước Mỹ sẽ lại sa lầy vào "một cuộc chiến không có hồi kết".
"Tôi có niềm tin rằng nước Mỹ sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chiến trên bộ kéo dài khác ở Trung Đông", Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Nếu dự luật trên được thông qua, Tổng thống Obama sẽ có được sự chấp thuận chính thức của Quốc hội trong việc sử dụng các lực lượng Mỹ tấn công IS, phiến quân al-Qaeda ở Yemen và Somalia bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Obama đã thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố với sự tham gia của khoảng 60 nước nhằm tiêu diệt các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.
Từ đó đến nay, liên minh quốc tế đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào IS. Mặc dù các cuộc không kích chưa thể tiêu diệt được lực lượng này nhưng cũng đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công và làm suy yếu đáng kể các tiềm lực của IS.
Tranh cãi trong chính giới Mỹ
Việc Tổng thống Obama đệ trình Quốc hội dự luật cho phép phát động chiến tranh đang mở ra cuộc tranh luận trong chính giới Mỹ về cách thức triển khai lực lượng quân đội Mỹ cũng như việc mở rộng can dự của Mỹ ở Iraq và Syria.
Đáng ngạc nhiên là nhiều thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền phản đối dự luật này, trong khi các thành viên của đảng Cộng hòa đối lập lại lên tiếng ủng hộ.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng họ đã "mệt mỏi" sau hơn một thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, do đó họ sẽ phản đối bất kỳ việc trao quyền phát động chiến tranh nào cho Tổng thống, bao gồm việc "đưa quân tham chiến".
Đứng đầu trong số này là Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện. Trong tuyên bố đưa ra hôm 11/2, bà Nancy Pelosi tuyên bố sẽ không phê chuẩn dự luật của Tổng thống Obama mà chỉ đồng ý chỉ trao quyền hạn chế trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, một số nghị sỹ cực hữu của đảng Cộng hòa đối lập lại bày tỏ sự ủng hộ khi phản đối việc giới hạn quyền sử dụng quân đội của Tổng thống với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng Tổng thống cần được trao quyền triển khai lực lượng bộ binh khi cần thiết vì đây là điều quan trọng để đánh bại IS.
Một số nghị sỹ Cộng hòa khác, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham có nhiều ảnh hưởng, thậm chí kêu gọi trao quyền lớn hơn cho Tổng thống như cho phép Mỹ bảo vệ lực lượng đối lập ở Syria (hiện do các lực lượng Mỹ đào tạo), hay đáp trả các cuộc không kích của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vũ Anh
Theo dantri/BBC
Gia đình Bush có thêm thành viên tham gia chính trường George P. Bush, cháu nội cựu Tổng thống George H.W. Bush trở thành thành viên trẻ mới nhất và đầy triển vọng của gia tộc chính trị Bush tham gia vào chính trường Mỹ. George P. Bush phát biểu trong Hội nghị Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại New Orleans, Louisiana, 18.6.2011 - Ảnh: Reuters Ngày 2.1, George P. Bush đã tuyên thệ...