Người có IQ cao hơn thiên tài Einstein giờ ra sao?
Trong số những người có IQ cao hơn thiên tài Einstein, có người trở thành nhà nghiên cứu khoa học hay nhà tâm lý học, cũng có người lại là chủ của một trang trại ngựa.
Jacob Barnett: IQ 170
Jacob Barnett (sinh năm 1998) là một trong những thiên tài nổi tiếng nhất thế giới. Mặc dù mắc chứng tự kỷ từ năm 2 tuổi nhưng cậu lại có chỉ số IQ 170. Barnett học trung học chỉ trong 2 tuần theo chương trình học sớm của Đại học Purdue Indiana, sau khi bỏ dở lớp 5. Năm 10 tuổi, cậu trở thành sinh viên nghiên cứu Toán học và Vật lý Thiên văn của ngôi trường này.
Năm lên 9, Jacob đã tự nghiên cứu Thuyết tương đối của Einstein và cố gắng mở rộng nó. Sau đó, ở tuổi 15, cậu là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo (bang Ontario, Canada).
Judit Polgár: IQ 170
Judit Polgár (sinh năm 1976) được biết tới là một kiện tướng quốc tế và cũng là nữ đại kiện tướng đầu tiên của làng cờ vua thế giới. Bên cạnh đó, Judit còn nổi tiếng nhờ chỉ số IQ 170.
Ở tuổi lên 10, Judit đã đánh bại kiện tướng quốc tế Dolfi Drimer. Chiến thắng này trở thành sự kiện đối với giới truyền thông khi đó. Năm 11 tuổi, Judit tiếp tục thắng đại kiện tướng Lev Gutman.
Ở tuổi 15, cô đã trở thành Kiện tướng quốc tế trẻ nhất và giữ danh hiệu nữ kỳ thủ số một thế giới trong suốt 26 năm. Tuy nhiên, cô đã tuyên bố rút khỏi các giải đấu vào năm 2014 để tập trung hoạt động cho Quỹ Cờ vua Judit Polgar. Cô muốn dùng trò chơi trí tuệ này như một công cụ để dạy học.
Richard D. Rosner: IQ 192
Richard D. Rosner (sinh năm 1960) là nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng với chỉ số IQ 192. Vì yêu thích trường trung học nên ông đã dành 10 năm học chương trình phổ thông. Để làm được điều đó, ông đã đột nhập văn phòng trường, đánh cắp hồ sơ của bản thân rồi sử dụng giấy tờ giả để đăng ký học trung học ở một trường khác.
Vì vậy, ông học trung học đến năm 26 tuổi, sau đó theo học và tốt nghiệp Đại học Colorado. Ra trường, ông trở thành vũ công thoát y trong hội sinh viên Phi Kappa Tau, làm những công việc không liên quan như bảo vệ quán bar, người mẫu khỏa thân, bồi bàn.
Rosner từng lý giải nguyên nhân ông làm các công việc khác thường này: “Tôi hay nghĩ về vật lý, vũ trụ và cấu trúc của nó. Những suy nghĩ ấy khiến tôi căng thẳng và khó tập trung. Vì thế, tôi muốn làm những việc thú vị và lộn xộn”. Sau này, ông nghiên cứu lý thuyết về vũ trụ và viết cuốn hồi ký “Thiên tài ngốc nghếch”.
Chris Langan: IQ 195-210
Chris Langan (sinh năm 1952) được mệnh danh là người thông minh nhất nước Mỹ. Chris có chỉ số IQ ở mức 195.
Video đang HOT
Ông bắt đầu nói từ lúc 6 tháng và biết đọc khi chưa đầy 4 tuổi. Ở năm cuối trung học, ông chủ yếu tự học Toán cao cấp, Vật lý, Triết học, tiếng Latin và Hy Lạp. Sau khi đạt điểm tuyệt đối SAT, ông vào đại học. Nhưng do gặp nhiều vấn đề về tài chính, đồng thời tin rằng mình tự học tốt hơn nên ông đã bỏ học.
Sau khi rời khỏi giảng đường, ông làm nhiều công việc tay chân nặng nhọc như công nhân xây dựng, cao bồi, lính cứu hỏa tại rừng, nông dân, bảo vệ tại quán bar. Tuy nhiên, dù tham gia vào công việc gì, ông vẫn không từ bỏ việc tự học. Sau đó, Christopher đã viết một cuốn sách tên ” Kiến tạo vũ trụ” để giới thiệu về mô hình Lý thuyết – Nhận thức vũ trụ của mình.
Từ năm 2004, ông cùng vợ, một nhà tâm lý học thần kinh, chuyển tới bắc Missori, nơi ông làm chủ một trang trại ngựa và tiếp tục điều phối các hoạt động của Quỹ Mega – vốn nhằm hỗ trợ những người tài năng.
Sho Yano: IQ 200
Sho Yano (sinh năm 1990) biết đọc năm 2 tuổi, biết viết năm 3 tuổi, 4 tuổi chơi piano, 5 tuổi bắt đầu sáng tác nhạc. Năm 9 tuổi, Sho Yano theo học tại Trường ĐH Chicago và tốt nghiệp ở tuổi 12.
Sang tuổi 22, chàng trai 9X đã nhận tấm bằng Tiến sĩ Y khoa và trở thành sinh viên trẻ nhất của Trường ĐH Chicago có được tấm bằng danh giá này.
Không chỉ Sho Yano, em gái anh – Sayuri cũng được coi là thần đồng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sinh vật học tại Trường ĐH Roosevelt năm 2010, ở tuổi 15, Sayuri đã theo đuổi tấm bằng tú tài thứ 2 – chuyên ngành Trình diễn Violin ở Trường ĐH Johns Hopkins.
Edith Stern: IQ 200-205
Edith Stern (sinh năm 1952) được người bố tên Aaron Stern sớm lên kế hoạch đào tạo con gái thành thiên tài. Edith Stern đã bắt đầu thực hiện các phép tính đơn giản khi chưa tròn 1 tuổi, 2 tuổi biết toàn bộ chữ cái và đọc hết cuốn bách khoa toàn thư trước năm lên 5. Ở tuổi 12, Edith theo học Đại học Florida Atlanti.
Ở tuổi 15, Edith Stern đã trở thành một giảng viên thực thụ và bắt đầu giảng dạy chương trình Toán tại Đại học bang Michigan trước tuổi 20.
Với IQ 200, Edith nhận bằng thạc sĩ Toán học từ Đại học Michigan và hoàn thành chương trình tiến sĩ năm 18 tuổi. Tiếp đó, nữ thiên tài gia nhập IBM, hoạt động trong lĩnh vực Toán ứng dụng. Bà được ghi nhận vì đã tạo ra tính năng quay số trực tiếp và gọi lại cuộc gọi cuối cùng, đồng thời có hơn 100 bằng sáng chế của Mỹ.
Kim UngYong: IQ 210
Thần đồng người Hàn Quốc Kim UngYong (sinh năm 1962) có chỉ số IQ 210. Kim UngYong có tài năng về ngôn ngữ, nói được tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nhật từ khi còn nhỏ.
Năm 8 tuổi, cậu bé Kim đã được NASA mời đến Mỹ để học. Kim UngYong đã có gần 10 năm học tập và làm việc tại một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học danh tiếng nhất thế giới. Ở Mỹ, ông Kim đã học xong chương trình đại học rồi lấy bằng tiến sĩ Vật lý tại Đại học bang Colorado trước năm 15 tuổi.
Sau 10 năm làm việc cho NASA, Kim Ung Yong quyết định nghỉ việc và trở về Hàn Quốc, bắt đầu học lại. Lý do là bởi ông nhớ gia đình, bố mẹ và cả tuổi thơ đã bị “đánh cắp” của mình.
Sau này, Kim Ung Yong trở thành giáo sư tại Đại học Shinhan. Ngoài ra, ông còn là giảng viên bán thời gian của nhiều đại học danh tiếng khác, trong đó có Yonsei, Sunkyunkwan và KAIST.
Terence Tao: IQ 220-230
Terence Tao (sinh năm 1975) là nhà toán học người Úc gốc Trung Quốc, có chỉ số IQ từ 220 – 230. Terence Tao phát hiện ra khả năng giải toán của mình ngay từ khi còn nhỏ.
Tao học đại học lúc 9 tuổi và là một trong hai đứa trẻ duy nhất trong lịch sử của chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Johns Hopkins đạt trên 700 điểm kỳ thi Toán SAT (Tao được 760 điểm).
Trong 3 năm liên tiếp 1986, 1987 và 1988, Terence Tao là thí sinh trẻ tuổi nhất tham dự kì thi Olympic Toán quốc tế và giành lần lượt huy chương Đồng, Bạc, Vàng. Tao tham gia Viện Khoa học nghiên cứu vào năm 14 tuổi, lấy cả bằng cử nhân và thạc sĩ tại ĐH Flinders khi bước sang tuổi 16.
Terence Tao trở thành nghiên cứu sinh tại ĐH Princeton và nhận bằng tiến sĩ khi mới 20 tuổi. Cùng năm đó, Tao gia nhập đội ngũ giảng dạy của Đại học California, Los Angeles.
Christopher Hirata: IQ 225
Christopher có chỉ số IQ đáng kinh ngạc là 225. Khi mới 13 tuổi, Christopher Hirata đã trở thành người nhỏ tuổi nhất đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý Thế giới. Năm 16 tuổi, ông đã làm việc cho NASA và sau đó nhận bằng tiến sĩ ở ĐH Princeton khi chỉ mới 22 tuổi. Ông hiện là nhà Vật lý thiên văn và Vũ trụ học tại Đại học Ohio (Mỹ).
Mặt tối trong sự phát triển của thần đồng
Nằm trong số 0,1% người thông minh nhất nước Anh, tuổi thơ của Tom không mấy hạnh phúc. Em từng đập đầu vào tường vì muốn tự sát.
Hiện, Tom đã 12 tuổi, sống tại phía nam London, Anh. Ban đầu, Chrissie, mẹ của Tom, nghĩ việc con trai thích các con số là bình thường. Cô đưa con đến các buổi diễn thuyết về vật chất tối tại Đài quan sát Hoàng gia London, nhưng nhận thấy không đứa trẻ nào tham gia.
Giáo viên của Tom cũng nhận xét thay vì chơi với bạn bè vào giờ giải lao, Tom thích ngồi trong lớp làm toán. Vào dịp Giáng sinh năm 2018, em xin bố mẹ lệ phí thi môn Toán trong kỳ thi GCSE - chứng chỉ Giáo dục Trung học dành cho học sinh 14-16 tuổi.
Vợ chồng Chrissie quyết định kiểm tra trí thông minh của con trai tại tổ chức Potential Plus, trước đây là Hiệp hội Trẻ em năng khiếu Anh. Sau nửa ngày kiểm tra với hàng loạt câu đố, Chrissie nhận được kết quả, con trai nằm trong nhóm 0,1% người thông minh nhất nước Anh.
Điều này khiến gia đình Chrissie bàng hoàng. Tom là con một, lớn lên ở vùng khó khăn nằm ở phía nam London. 97% học sinh tại trường mẫu giáo của em không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Khi Tom nói đến những con số hoặc đam mê về tiếng Latin, Vật lý thiên văn, vợ chồng Chrissie hoàn toàn không hiểu con đang nói gì. Tố chất thiên tài của Tom không phải di truyền.
Những thần đồng nhí như Tom luôn được xã hội chú ý, coi trọng và được cho rằng sẽ rất nhanh thành công. Tuy nhiên, vẫn luôn có mặt tối trong việc sở hữu trí thông minh xuất chúng. Tuổi thơ của Tom không mấy hạnh phúc. Em thừa nhận khi 5 tuổi thường đập đầu vào tường vì muốn tự sát. Bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc bệnh trầm cảm nặng do tố chất thiên tài tạo nên cảm giác thất vọng, bị cô lập.
Tom khó làm quen với những đứa trẻ khác và có ít bạn bè. Ở trường, em hay trốn ra ngoài hành lang hoặc khu văn phòng vì các bạn không thích Tom ở trong lớp. Để loại bỏ cảm xúc tiêu cực, Tom thường làm câu đố, phép tính vào ban đêm, từ đó gây ra chứng mất ngủ.
"Tôi không hiểu tại sao phụ huynh tìm kiếm tố chất thần đồng ở con cái. Tôi không thể đương đầu với nó. Tôi chỉ muốn mang nó đi", Chrissie nói và cho hay sự căng thẳng của Tom ảnh hưởng đến không khí cả gia đình.
Chrissie đã tìm kiếm các lựa chọn giáo dục dành cho Tom, có hai phương án. Để Tom học tại nhà hoặc đăng ký vào trường tư thục dành cho trẻ tài năng. Cả hai ý tưởng đều "bất khả thi" với gia đình em. Chrissie không muốn con trai học tại nhà để bị cô lập và càng khó xây dựng kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, học phí tại trường tư thục vượt quá khả năng tài chính của gia đình.
Sau đó, Tom nhận được học bổng và đang theo học tại một trường chuyên năng khiếu tại London với học phí 20.000 bảng Anh một năm (khoảng 600 triệu đồng). Em đang cố gắng kết bạn với mọi người xung quanh, cho biết rất thích học tập.
Giống như Tom, Ophelia Gregory, 18 tuổi, sở hữu trí thông minh vượt trội. 6 năm trước, em đạt 162 điểm trong bài kiểm tra IQ của Mensa, số điểm cao nhất một người dưới 18 tuổi có thể đạt, ngang với IQ của nhà vật lý Stephen Hawking. Gregory cho biết tài năng mang lại cho em nhiều rắc rối hơn hạnh phúc. Em bị bắt nạt, phải chuyển trường nhiều lần.
Ảnh: Shutterstock.
Từ lâu, xã hội đã chú ý đến những cá nhân có trí thông minh cao hơn mức bình thường. Nhưng gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu nghiên cứu năng khiếu có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Những đứa trẻ có năng khiếu thường trải qua "sự phát triển không đồng bộ". Chẳng hạn, trẻ có năng khiếu có thể thông thạo toán học, nhưng khả năng thích nghi với xã hội sẽ hạn chế hơn.
Andrea Anguera, nhà nghiên cứu tại Potential Plus cho biết các bộ phận của não chi phối việc học sẽ phát triển rất nhanh chóng ở trẻ tài năng. Tuy nhiên, thùy trán, nơi kiểm soát biển hiện cảm xúc, không phát triển cùng tốc độ này.
Nhiều trẻ tài năng thường xuyên lo lắng do suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ xung quanh. Các em cũng rất khó ngủ do không thể ngừng suy nghĩ. Học cách đối phó với thất bại cũng là "bài toán khó" với trẻ tài năng.
Năng khiếu thậm chí có liên quan đến các vấn đề sinh lý như dị ứng thực phẩm, hen suyễn hoặc rối loạn xử lý cảm giác. Nhiều trẻ phản ứng thái quá với những đồ vật xung quanh như nhạc nền radio, màu sắc hoặc thức ăn.
Cuộc sống của trẻ tài năng đầy thách thức và xung đột. Một mặt, các em làm chủ kiến thức, thông tin nhanh hơn bạn bè đồng trang lứa. Mặc khác, do các kỹ năng xã hội kém phát triển, các em gặp khó khăn để hòa nhập hoặc trưởng thành.
Giáo dục trẻ tài năng không hề dễ dàng. Nếu học vượt cấp, các em có thể gặp khó khi hòa nhập với xã hội. Nhưng nếu giữ các em ở lại, tài năng có thể bị thui chột. Leonie Kronborg, nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Monash, Australia cho rằng trẻ tài năng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý và xã hội. Cô lấy ví dụ về Chương trình nhập học sớm tại Đại học Washington, Mỹ. Trẻ tài năng tham gia chương trình có thể đăng ký một số lớp đại học, đồng thời vẫn theo học chương trình đúng tuổi để giao lưu với bạn đồng trang lứa.
Một số quốc gia đã xây dựng mô hình học dành cho trẻ có năng khiếu. Singapore có chương trình chọn lọc để xác định những học sinh thông minh nổi bật mỗi năm. Ở tuổi 8-9, trẻ em được kiểm tra Toán, tiếng Anh và lý luận. 1% đạt điểm số hàng đầu sẽ chuyển từ lớp bình thường sang Chương trình Giáo dục năng khiếu. Chương trình này bao gồm giảng dạy các chủ đề cụ thể ở mức sâu rộng, tự học trực tuyến, học theo trình độ riêng đến năm 12 tuổi. Sau đó, học sinh có thể chọn chương trình học trung học phù hợp. Nhưng mô hình tập trung vào trình độ học vấn như vậy gây tranh cãi vì không giúp tăng cường xã hội hóa cho trẻ.
Ngoài ra, chắc chắn không phải tất cả trẻ năng khiếu đã tỏa sáng khi trưởng thành. Nhiều em không thành công do không thể phát triển kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng mềm ở nơi làm việc. Ngay cả Albert Einstein từng tâm sự vào năm 1952: "Thật kỳ lạ khi được cả thế giới biết đến nhưng vẫn rất cô đơn".
Đắk Lắk: Kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT Ngô Gia Tự Chiều 21/11/2020, trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây cũng là dịp để các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường nhìn lại những kết quả đã đạt được để tự đó thêm tự hào và quyết tâm thực hiện tốt hơn...