Người Canh Nậu rong ruổi khắp cánh đồng săn chuột
Chẳng biết tự bao giờ, chuột đồng được coi là món đặc sản đồng quê và thường dành cho những thực khách sành ăn. Thế nhưng, để bắt được những chú chuột đồng thơm ngon ấy, đòi hỏi những thợ săn chuột phải có nhiều “món nghề” mà không phải ai cũng biết. Những câu chuyện săn bắt chuột được các thợ săn ở vùng đất cổ Canh Nậu kể lại chắc hẳn sẽ khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác…
Ông Đỗ Đăng Mức một thợ săn có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc săn chuột chia sẻ cách bắt chuột hiệu quả.
“Kỹ nghệ” săn chuột đồng
Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội lại nô nức rủ nhau ra đồng để săn chuột. Việc săn bắt và chế biến chuột đồng không chỉ là thú vui mà nó còn góp phần bảo vệ mùa màng, mang lại thu nhập “khủng” cho người dân nơi đây.
Nhiều người dân cho biết, họ cũng không nhớ rõ nghề săn chuột đồng ở Canh Nậu bắt đầu từ thời điểm cụ thể nào, họ chỉ nhớ việc bắt chuột đồng có từ rất nhiều năm về trước. Ban đầu, việc bắt chuột đồng đơn giản chỉ để cải thiện, thay đổi thực phẩm trong bữa ăn của từng hộ gia đình hay đơn giản là để bảo vệ mùa màng. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này có xu hướng gia tăng nên nhiều người dân mới bắt đầu đi săn bắt để phục vụ mục đích kinh doanh.
Công việc săn chuột diễn ra quanh năm nhưng náo nhiệt nhất là vào độ giữa tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch), thời điểm khi vụ mùa mới thu hoạch xong, nguồn thực phẩm nhiều và chuột phát triển mạnh nhất.
Có mặt tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất vào một ngày đầu tháng 11 Âm lịch, thời điểm được coi là “tháng cao điểm” của những thợ săn chuột, chúng tôi được người dân giới thiệu đến gặp ông Đỗ Đăng Mức (SN 1956, thôn 2, xã Canh Nậu), một thợ săn có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc săn chuột.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Đăng Mức cho biết, hằng ngày ông đi săn chuột ở khắp cánh đồng tại xã Canh Nậu, có khi phải di chuyển hàng chục cây số để săn chuột về bán. Đồ nghề đi săn chuột cũng khá đơn giản, người săn chuột chỉ cần chuẩn bị vài bó rơm khô, chiếc bật lửa, thuổng, vợt để đào hang hoặc chiếc xô để đổ nước vào hang của chuột.
Theo ông Mức, thú săn chuột ở canh Nậu lâu dần thành thói quen. Trước đây ở xã chỉ có vài gia đình làm nghề nhưng sau này, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nên nhiều người bắt đầu săn bắt, một số hộ gia đình còn mở dịch vụ thu mua, chế biến.
Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi được ông Mức dẫn ra khu đồng ở gần nhà để mục sở thị kỹ năng “sát thủ” của tay săn chuột nổi tiếng tại xã Canh Nậu. Để phát hiện dấu vết của “cu tý” một cách nhanh nhất, ông Mức nói sẽ dẫn theo một trợ thủ đắc lực là chú chó xám của gia đình. Ông Mức cho biết, loài chó có khả năng đánh hơi, phát hiện ra hang chuột rất tốt nên thường được người dân đem đi bắt chuột cùng.
Video đang HOT
Thịt chuột sau khi làm sạch có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc ép lá chanh, rang khô…
Ông Mức chia sẻ: “Trời càng về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu lại càng đông hơn bởi những tốp người đang hì hụi đào hang, hun chuột. Dân săn chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con ở đây lên 7 đã theo người lớn ra đồng, thậm chí những cụ già ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn rất ham bắt chuột. Chuột sau khi bắt về được cạo lông, làm sạch, thui rơm vàng óng, thịt thơm và ngọt, ăn nhiều thành “nghiện”, có khi ngon hơn cả thịt gà, thịt lợn”.
Di chuyển trên bờ ruộng đất, chốc chốc người thợ săn này lại dừng lại vạch bụi cỏ tìm hang chuột rồi cuốc đất, đào hang, múc nước ổ vào hang cho chuột sặc nước để chạy ra chui vào rọ.
Chỉ sau khi vài xô nước được đổ vào tổ, ông Mức đã “túm gọn” được một chú chuột đồng béo mũm mĩm. Ngay sau đó ông dùng chính lưỡi xuổng để bẻ răng nanh của con chuột vừa bắt được. Ông Mức cho biết việc bẻ răng nanh là rất cần thiết, bởi bẻ như vậy chuột không cắn được nhưng vẫn sống. Chuột phải sống thì thịt mới ngon. Còn chết trước khi làm thì coi như vứt, mất hết độ tươi, giòn thơm, còn có mùi hôi.
Cũng theo ông Mức, ngoài cách đào hố rồi đổ nước vào hang chuột thì dùng bẫy để bắt chuột cũng được nhiều người lựa chọn. Theo đó, người thợ sẽ đặt những chiếc lồng nhỏ được làm bằng lưới thép có hệ thống lò xo và lẫy sập cửa. Vị trí đặt bẫy là giữa lối đi của chuột ở các bụi rậm, bẫy phát huy tác dụng khi chuột chạy vào đạp trúng lẫy làm lò xo kéo sập cửa.
Sau một buổi theo chân ông Mức đào hang, đặt bẫy,… chúng tôi bắt được hơn 5kg chuột đồng. Theo ông Mức, một buổi chiều mà bắt được bằng đó là khá rồi, nếu hôm nào may mắn thì có thể bắt được 15 – 20kg, cũng có hôm thì chỉ đủ cho bữa tối của gia đình.
Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc ép lá chanh, rang khô… trong đó nấu giả cầy ăn kèm với bánh mỳ được người dân lựa chọn là món ăn ngon nhất.
Thu nhập “khủng” từ thú vui
Vào mùa săn chuột, các hàng quán ở Canh Nậu hoạt động tấp nập, thương lái ở địa phương khác đổ xô về đây thu mua ngày càng nhiều. Chuột đồng tự nhiên sau khi chế biến có giá khá cao, giao động khoảng 80.000 – 120.000 đồng/kg. Đây là món ăn bình dân được rất nhiều người dân ưa thích.
Theo chia sẻ của ông Mức, nếu may mắn, một buổi một thợ săn chuột ở Canh Nậu có thể bắt được từ 15 – 20kg chuột. Trung bình mỗi ngày, sau khi trừ mọi chi phí, họ có thể dễ dàng bỏ túi từ 500.000 – 1 triệu đồng, đây được coi là số tiền “khủng” đối với nhiều người dân.
Vừa thoăn thoắt sơ chế chuột bán cho khách, bà Nguyễn Thị Tính (SN 1962, xã Canh Nậu) chia sẻ: Mặc dù có giá khá cao từ 80.000 – 120.000 đồng/kg, thế nhưng mặt hàng này bán vẫn rất chạy. Chuột đồng thường nhỏ, tròn mình, trung bình mỗi con nặng khoảng từ 2 – 3 lạng. Chuột sau khi sơ chế có thể chế biến thành các món ăn đặc sản như thịt chuột xào sả ớt, chuột luộc, chuột hấp… Món ăn có vị thơm, béo ngậy, được rất nhiều thực khách yêu thích.
“Nhiều người chưa ăn thịt chuột bao giờ thì thấy có vẻ kinh sợ nhưng nếu đã ăn một lần thì sẽ nghiện ngay. Mỗi ngày, sạp hàng của tôi bán được từ 7 – 10kg thịt chuột đồng. Mặc dù có giá đắt ngang với thịt lợn, thịt gà, thế nhưng đây là mặt hàng không bao giờ ế, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, thậm chí nhiều hôm tôi bày ra chưa đầy 30 phút đã hết sạch hàng” – bà Tính cho hay.
Nghề săn chuột đồng hiện nay đang được xem như một nghề kiếm ra tiền của người dân xã Canh Nậu. Việc đi “săn” chuột vừa là thú vui, vừa diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng, đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.
Theo Doisongphapluat
Top 5 những món ăn không thể bỏ qua khi đến Bắc Ninh
Thịt chuột Đình Bảng là một thứ đặc sản nếu không thử qua sẽ "phí cả một đời".
Người dân Đình bảng bắt chuột đồng để ăn quanh năm nhưng chủ yếu họ đi săn vào vụ gặt, bởi khi ấy là lúc chuột sinh sản nhiều và thịt béo nhất. Thịt chuột đồng màu trắng và thơm ngon không thua gì thịt gà ta, thường được sử dụng như một thứ nguyên liệu chính rồi được kết hợp với các phụ gia khác nhau để chế biến thành nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Trong các món được làm từ thịt chuột, món ăn đơn giản nhất, phổ biến nhất chắc hẳn làn "thịt chuột luộc ép lá chanh". Ngoài ra, còn vô số món được chế biến từ thịt chuột như chuột đồng nấy đông, chuột giả cầy, chuột rán,.... Không chỉ là món ăn ngon, thịt chuột đồng còn có tác dụng làm giảm đau, liền xương.
1. Thịt chuột Đình Bảng
2. Đặc sản trâu giật Từ Sơn
Đến với Từ Sơn-Bắc Ninh, có một món ăn nhất định phải thử qua ấy chính là "Trâu giật"- cái tên nghe rất lạ tai. "Trâu giật" chính xác là một hiện tượng chỉ xuất hiện khi thịt những con trâu khỏe mạnh theo phương pháp thủ công truyền thống. Trâu được thịt tại chỗ nên vô cùng tươi ngon, khi ấy các thớ thịt vẫn còn co giật trên bàn, trên mẹt một lúc lâu. Thịt trâu vừa mới mổ được mang đi chế biến ngay, để giữ được độ tươi ngon, chất dinh dưỡng trong từng thớ thịt. Các món ăn nổi tiếng nhất được chế biến từ "trâu giật" có thể nhắc tới là trâu nhúng, đuôi trâu hầm, lẩu nấm trâu tươi,....
Trên đất Từ Sơn có rất nhiều quán ăn về "trâu giật", nhưng có một nơi nổi tiếng bậc nhất, mỗi ngày đón tiếp đến 2000 thực khách và nếu có lỡ quên đặt bàn trước thì thực khách cũng phải ra về trong nuối tiếc, đó là "Trâu Ngon Quán". Món ăn ở đây ăn một lần là nhớ đến cả đời. "Trâu Ngon Quán" còn có một món ngon trứ danh về trâu mà chẳng đâu có chính là món "trâu nướng muối trứng kiến", một món ăn ngon và phải chế biến rất kỳ công.
3. Cháo cá Tích Nghi
Cháo cá Tích Nghi là món ăn quen thuộc không chỉ của người dân xứ Kinh bắc mà còn của thượng khách khắp nơi đến thăm Bắc Ninh. Cháo Tích Nghi chỉ nấu với cá trắm và cá chép, bởi thịt thơm, rắn chắc. Cá phải to và được mua từ các ao hồ ở chính Bắc Ninh. Cá không nấu chung với cháo mà chỉ được thả vào nồi cháo vừa chín tới khi đã tẩm ướp rồi xào và mang ra hàng bán. Điều lạ nhất là những thớ cá tuy đã rút hết xương nhưng vẫn còn nguyên miếng, không bị vỡ, bị nát chút nào. Có lẽ chỉ những người đã thưởng thức cháo cá Tích Nghi mới hiểu được sự tinh tế, khéo léo của đôi bàn tay người nấu.
4.Nem làng Bùi
Nem Bùi là đặc sản ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nghề làm nem ở đây đã có hàng trăm năm. Nguyên liệu làm món nem Bùi phải là giống lợn ỉ đen, lưng gẫy hình yên ngựa, mõm ngắn nuôi bằng cám gạo và bèo cái, hoặc rau chuối. Cả con lợn thịt ra cũng chỉ lấy được hai cái thăn và phần mỡ gáy để làm nem. Công đoạn làm rất công phu và cẩn thận để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Là một món ăn ít kén người nên bạn có thể ăn nem Bùi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thực khách có thể tìm mua nem Bùi ở Bắc Ninh. Nổi bật là dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu bán nem Bùi.
5. Bánh khúc làng Diềm
Trong bánh, ngoài xôi, lớp gạo nếp óng dẻo bọc lấy lớp nhân đậu xanh bên trong, đó chính là bánh khúc - đặc sản làng Diềm, ven hữu ngạn sông Cầu, thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút, hành được dùng làm nhân bánh khúc là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Dù là bánh nhân đỗ hay nhân hành thì vỏ bánh và nhân cũng đều phải nêm một lượng gia vị vừa đủ, bánh mặn quá sẽ làm mất đi vị bùi, béo nhưng nếu nhạt bánh sẽ có mùi ngai ngái rất khó ăn. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với 2 hình thức: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi, nhưng dù với hình thức nào, vỏ bánh cũng phải dát mỏng mà không để lộ nhân.
Bắc Ninh với những món ăn đặc sản không nơi đâu có được đã làm siêu lòng du khách thập phương. Nếu có cơ hội đến với nơi đây thì đừng quên thưởng thức những món ngon "tuyệt đỉnh" của vùng đất này, kẻo lại phải hối tiếc
Theo Charmtrip
Tết Canh Tý, về thăm làng ăn thịt chuột Tú Đôi, Hải Phòng Làng Tú Đôi (Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) vốn nổi tiếng với nhiều quái sản, trong đó không thể không kể đến món thịt chuột. Ở nhiều làng quê, chuột là "kẻ thù" của người nông dân, phá hoại mùa màng, thế nhưng với những người dân ở làng Tú Đôi (xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), chuột lại mang...