Người bệnh gout khổ sở với tiệc tùng cuối năm
Cuối năm, người người nhà nhà “chạy sô” với các buổi liên hoan, tổng kết, tất niên. Đây cũng là thời điểm người mắc bệnh gout phải đặc biệt cẩn trọng.
Phẫu thuật nạo bỏ tổ chức hạt tophi – A.Q
Gout là bệnh lý phổ biến, một dạng bệnh khớp vi tinh thể, do rối loạn chuyển hóa các nhân purin gây tăng acid uric máu, gây lắng đọng tinh thể monosodium urate ở các mô. Bệnh thường gặp ở cộng đồng các nước phát triển, trong đó nam giới và trung niên chiếm khoảng 95%.
Theo các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, nhiều người vốn được cảnh báo gia tăng acid uric máu nhưng do tâm lý chủ quan, vẫn không chủ động kiểm soát chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Thói quen thường xuyên sử dụng rượu bia khiến các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay đau nhức dữ dội. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn mạn tính sẽ xuất hiện các tổ chức tophi lắng đọng ở sụn, gân và dây chằng quanh khớp gây sưng đau kéo dài, biến dạng và giảm hoặc mất chức năng khớp. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, suy thận.
Tại Bệnh viện 199 – Bộ Công an (Đà Nẵng), bệnh nhân (BN) N.C.T (44 tuổi, ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết đã điều trị gout 15 năm nay. Ông T. cho biết, cứ tới dịp liên hoan, tổng kết cuối năm lại cả nể với bạn bè, uống “thả cửa” để rồi nhập viện vì gout. Lúc đầu ông T. chỉ bị sưng đau các khớp ngón chân rồi dần xuất hiện các hạt tophi rải rác ở bàn chân. Các khối tophi lớn dần gây biến dạng và giảm chức năng bàn chân khiến ông T. không thể mang giày và cử động các ngón chân rất khó khăn. Sau giai đoạn theo dõi, thăm khám, ông T. đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tổ chức tophi, phục hồi chức năng bàn chân.
BN N.T.S (42 tuổi, ngụ H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhập viện Bệnh viện 199 trong tình trạng sưng đau biến dạng các ngón bàn tay. Ông S. bị gout đã 10 năm nay và bệnh diễn tiến ngày càng nặng. Cũng như phần nhiều BN gout khác, chủ quan với sức khỏe và ưu tiên các mối giao hảo trong công việc, tiệc tùng, tiếp khách, ông S. khốn khổ với các khớp tay, chân sưng to dần đến mức biến dạng.
“Ở trường hợp này, phẫu thuật nạo bỏ hạt tophi là tất yếu. Đồng thời tạo hình lại các khớp bàn tay và phải có chế độ chăm sóc tích cực thì mới có thể liền vết mổ. Tuy nhiên, BN gout cần lưu ý, nếu không có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, đặc biệt là hạn chế rượu bia, thì bệnh sẽ tái phát”, bác sĩ Phùng Cao Cường, Bệnh viện 199, nói.
Video đang HOT
Phẫu thuật nạo bỏ tổ chức hạt tophi, phục hồi chức năng cho tứ chi bị biến dạng – ẢNH: A.Q
Tại Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng), mùa tiệc tùng cuối năm, bác sĩ Trần Thị Ly Ni cũng liên tục tiếp nhận nhiều BN gout bị biến dạng tứ chi do xuất hiện tổ chức hạt tophi. “Biến chứng gout sẽ diễn ra khi nhiễm trùng hạt tophi, bội nhiễm khớp. Các BN nặng mà chúng tôi tiếp nhận thường trong tình trạng sốt nhiễm trùng, nhiễm trùng hạt tophi, gây lở loét hạt tophi, nặng hơn sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong”, bác sĩ Ly Ni nói. Đối với điều trị bệnh nhân gout thì sự phối hợp nội, ngoại khoa thực sự quan trọng, để có thể can thiệp phẫu thuật tại chỗ, hoặc bóc tách ổ nhiễm trùng…
Nhất thiết phải hạn chế bia rượu
Bản chất của gout là do rối loạn chuyển hóa acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao sẽ lắng đọng vào trong các tổ chức khớp. Theo các bác sĩ chuyên khoa, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gout như di truyền, tuổi cao, chế độ ăn uống quá nhiều chất đạm (nội tạng động vật, hải sản….), lười vận động, uống ít nước.
Đặc biệt tình trạng lạm dụng bia rượu tràn lan như hiện nay khiến bệnh gout ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Bia sau khi chuyển hóa làm tăng acid uric. Còn rượu gây giảm chức năng thận làm giảm đào thải acid uric. Đồ uống có cồn còn làm cho cơ thể nhanh mất nước. Đi kèm với bia rượu trong các buổi tiệc lại là những đồ ăn nhiều đạm nên acid uric trong máu lại càng tăng cao. “Những ngày giáp tết, số BN nhập viện do biến chứng của bệnh gout tăng cao”, bác sĩ Cường cho biết.
Tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho BN gout dịp tiệc tùng cuối năm, bác sĩ Trần Thị Ly Ni khuyên nên ăn vừa phải các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin, thường có trong thịt, hải sản, nội tạng động vật. Không nên kéo dài những ngày tiệc tùng, rượu bia, cà phê và phải luôn uống đủ nước.
3 không, 3 nhiều, 3 cần
BN gout phải biết tự điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt với nguyên tắc: 3 không (không thực phẩm chứa purin, mỡ động vật, bia rượu); 3 nhiều (nhiều nước, nhiều rau, nhiều củ quả); 3 cần ( giảm cân, thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng lo âu).
Theo đó, hàm lượng purin trong một số loại thực phẩm được nhận diện theo các cấp độ.
Nhóm nhân purin thấp (5 – 15 mg): sữa và các sản phẩm từ sữa, bơ, dầu ăn, mỡ động vật, thức uống có chứa caffeine như cà phê, trà.
Nhóm nhân purin trung bình (50 – 150 mg): thịt gia cầm, các loại thịt đỏ, một số loại cá, hải sản có vỏ, hàu, các loại ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, rau bina, bông cải, cải xoăn, măng tây, nấm, trái bơ.
Nhóm nhân purin cao (trên 150 mg): thịt động vật rừng, nội tạng động vật, các loại thực phẩm lên men từ thịt, trứng cá, một số loại cá như cá cơm, cá trích, cá mòi, cá thu, cá hồi, sò điệp, tôm hùm, tôm càng. Đồ uống chứa nhân purin là rượu, bia.
Bác sĩ Trần Thị Ly Ni
Thuốc và món ăn hỗ trợ trị bệnh gút
Goutte (gút) là bệnh rối loạn chuyển hóa và tăng lắng đọng các tinh thể acid uric tại các khớp, thường xảy ra ở nam giới ngoài tuổi 40. Y học cổ truyền gọi bệnh Goutte là "Thống phong".
Bệnh hay gặp ở những bệnh nhân có chức năng can tỳ thận đã suy yếu, thường xuyên dùng thực phẩm bổ béo, lạm dụng bia rượu, đời sống phóng túng, hay lo nghĩ phiền uất... khiến tỳ thận hư suy vận hóa kém, sinh đàm thấp ứ trệ lâu ngày, từ đó sinh thấp nhiệt ứ kết gây đau tại khớp. Sau đây là một số bài thuốc và món ăn hỗ trợ trị bệnh.
1 - Ngũ gia bì tửu: Ngũ gia bì 50g, địa cốt bì 50g. Sắc lấy nước, uống với chút rượu. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đau nhức xương khớp.
2. Măng tre xào: Măng tre 250g, dầu thực vật 30ml. Măng tre bóc bỏ vỏ, chẻ sợi, ngâm kỹ, để ráo, xào với dầu đến chín, thêm gia vị vừa dùng. Dùng cho người có acid uric cao (dễ bị thống phong).
Tỳ giải giúp đào thải acid uric, là vị thuốc tốt trị bệnh thống phong.
3. Canh củ cải: Củ cải 250g, bá tử nhân 30g. Củ cải rửa sạch thái sợi, xào qua với dầu thực vật, cho cùng bá tử nhân và 500ml nước, đun chín, cho gia vị vừa ăn. Dùng cho người bị thống phong
4. Cháo ý dĩ - phòng phong: Ý dĩ 50g, phòng phong 10g. Cả hai thứ ninh kỹ. Ngày dùng 1 lần, dùng liền 1 tuần. Tác dụng thanh nhiệt trừ thấp; thích hợp với người bệnh thống phong thể thấp nhiệt tê trở.
5. Cháo đào nhân: Đào nhân 15g, gạo tẻ 100-150g. Giã nát đào nhân, cho nước nhiều lần vắt lấy nước cốt. Gạo tẻ vo sạch, nấu với nước cốt đào nhân thành cháo. Ăn trong ngày. Tác dụng hoạt huyết khứ đàm, thông lạc chỉ thống; thích hợp với người bệnh thống phong thể ứ huyết đàm trọc tê trở.
6 - Cháo củ mài, giới bạch: Củ mài 100g, bạch giới tử 10g, hoàng kỳ 30g, gạo tẻ 50g. Củ mài cạo vỏ, thái lát mỏng. Gạo tẻ vo sạch, nấu cháo cùng các dược liệu. Cháo được, thêm đường trắng vừa ăn. Tác dụng ích khí thông dương, hóa đàm trừ tê; thích hợp với người bệnh thống phong thể khí hư đàm trở do tỳ hư bất vận, đàm trọc nội sinh
7 - Bánh bạch giới, liên, sơn: Giới tử 5g, bột liên tử 100g, hoài sơn tươi 200g, trần bì 5g, hồng táo 200g. Hoài sơn cạo vỏ thái nhỏ; hồng táo bỏ hạt; trần bì thái sợi. Giới tử và trần bì giã nát, cho tiếp hoài sơn, hồng táo và bột liên tử, thêm ít nước trộn làm bánh; hấp chín. Ăn bữa sáng. Mỗi lần dùng 50-100g. Tác dụng ích khí hóa đàm thông tê, thích hợp với người bệnh thống phong thể tỳ vị khí hư, đàm trọc tê trở.
8. Thổ phục 30g. Sắc hãm uống. Dùng khi thống phong cấp (sưng, nóng, đỏ đau); hạ thấp acid uric máu.
9. Tỳ giải 30-60g, sắc hãm uống. Trị thống phong cấp và mạn; hạ thấp acid uric máu.
10. Kim tiền thảo 60-120g, sắc hãm uống. Trị thống phong mạn, hạ thấp acid uric máu.
11. Uy linh tiên 30-60g, sắc hãm uống. Trị thống phong mạn, hạ thấp acid uric máu.
12. Đậu tương 50g, đào nhân 15g, lõi bắp ngô 30g. Sắc uống.
13. Vỏ mướp 30g, ý dĩ 30g, gừng 6g. Sắc uống.
Biến dạng tứ chi vì bệnh gout "Cách đây 20 năm, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh Gout. Do tâm lý chủ quan, không chữa trị khiến cho khớp tay chân đau nhức dữ dội, xuất hiện nhiều khối u", theo lời chia sẻ của ông N.Đ.Q, 55 tuổi ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, qua thăm khám lâm sàng, kết hợp với kết...