Người Anh ‘tháo chạy’ khỏi Pháp
Du khách Anh hối hả đặt vé máy bay, tàu thuyền để về nước trước khi lệnh cách ly với người trở về từ Pháp có hiệu lực từ 15/8.
Chính phủ Anh hôm 13/8 thông báo áp lệnh cách ly mới từ 3h GMT (10h giờ Hà Nội) ngày 15/8 với người đến từ Pháp, khiến khoảng 160.000 du khách Anh đang nghỉ hè tại Pháp chỉ có hơn 24 giờ để về nước hoặc đối mặt với khả năng phải tự cách ly 14 ngày khi quay về.
Quy định mới đầy bất ngờ này đã giáng đòn mạnh vào các du khách, ngành hàng không và công ty lữ hành Anh. Nhiều người Anh đang ở Pháp du lịch đã vội vã đổ về cảng Calais với hy vọng bắt kịp một chuyến phà hay tàu để về nhà kịp thời gian.
Hành khách từ Paris đến ga St Pancaras tại London hôm 14/8. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi đã thay đổi kế hoạch khi hay tin tối qua. Chúng tôi quyết định về nhà sớm một ngày để không bị cách ly”, một phụ nữ Anh tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc đến Calais cho biết.
Ôtô xếp hàng dài tại cảng Calais chiều 14/8, buộc các công ty cung cấp dịch vụ phà qua eo biển phải tăng chuyến, theo Jean-Marc Puissesseau, giám đốc cảng Calais.
PrivateFly, một nhà cung cấp máy bay có trụ sở tại Anh, cho biết nhu cầu thuê và đặt chỗ máy bay tư nhân từ Pháp về Anh cao gấp ba lần bình thường.
Quy định cách ly mới của chính phủ Anh áp dụng cho người trở về từ Pháp, điểm nghỉ mát phổ biến thứ hai với người Anh, cũng như với Hà Lan và đảo Malta thuộc Địa Trung Hải.
Video đang HOT
Người trở về từ Tây Ban Nha, điểm đến yêu thích nhất trong các kỳ nghỉ của người Anh, đã bị chính phủ Anh áp quy định cách ly bắt buộc từ 26/7.
“Chúng tôi cũng nhận được nhiều yêu cầu thay đổi lịch trình từ khách đã đặt tour trong những tuần tới để tránh các khu vực bị áp lệnh cách ly”, Adam Twidell, CEO của PrivaFly, nói.
Pháp c ảnh báo sẽ đáp trả quy định cách ly mới của Anh, bởi nó đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng hồi phục của ngành hàng không trong tháng 8 do phải hủy thêm nhiều chuyến bay.
Cổ phiếu hàng không và du lịch giảm mạnh. Cổ phiếu IAG, chủ sở hữu của hãng hàng không British Airways, giảm 6% và easyJet, hãng lên kế hoạch hoạt động hết công suất trong những ngày tới, giảm 7%.
Ôtô rời phà từ Pháp xuống cảng Dover ở Anh sáng 15/8. Ảnh: Reuters.
Khi châu Âu lần đầu phong tỏa hồi tháng 3, Anh bị chỉ trích vì không hạn chế người đến từ nước ngoài. Nhưng từ tháng 6, Anh đã đưa ra những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt với khách đến từ những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao ở mức nhất định.
Quy định cách ly mới trái ngược với việc nới lỏng hạn chế trong nước, nơi Thủ tướng Boris Johnson đã ra lệnh mở cửa dần nền kinh tế sau vài tuần đóng cửa.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho hay chính phủ cần cân bằng giữa nhu cầu mở cửa kinh tế và ngăn chặn virus. Anh hôm 14/8 ghi nhận 1.441 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất theo ngày kể từ 14/6.
Shapps cho hay ông thông cảm với những người đang ở nước ngoài nhưng cho rằng họ cũng không nên ngạc nhiên vì tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Khi chúng tôi thấy những quốc gia ghi nhận tỷ lệ nhiễm nhất định, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải hành động”, ông nói.
Một nghiên cứu của châu Âu cho thấy ca nhiễm ngoại nhập chỉ chiếm số ít trong tổng số ca nhiễm khi đại dịch lên tới đỉnh, nhưng tỷ lệ này lại tăng lên khi các quốc gia về cơ bản đã kiểm soát được dịch.
Đại dịch từng khiến Tổng thống Mỹ cư xử lạ
Tối 3/4/1919 tại Paris, Tổng thống Woodrow Wilson bắt đầu bị ho, sốt và không thể cử động, ông đã mắc cúm Tây Ban Nha.
Bác sĩ của Wilson, Cary T. Grayson, viết thư mật cho Nhà Trắng, thông báo rằng Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ có triệu chứng rất nặng. Họ cố giữ kín thông tin này, Grayson nói các phóng viên rằng ông bị cảm và chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày.
Tổng thống Woodrow Wilson tại Nhà Trắng năm 1918. Ảnh: Library of Congress.
Vào thời điểm đó, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã hoành hành khắp thế giới hơn một năm, tấn công nặng nề cả Nhà Trắng. Thư ký riêng của Wilson là một trong những người đầu tiên trong chính quyền mắc cúm. Con gái ông, mật vụ và thậm chí cả những con cừu ở Nhà Trắng cũng nhiễm virus. Khi kết thúc vào khoảng tháng 4/1920, đại dịch khiến ít nhất 20 triệu người mất mạng, gồm khoảng 600.000 người Mỹ.
Wilson đến Paris vào tháng 4 để dự Hội nghị Hòa bình Paris - cuộc đàm phán của các nước thắng trận sau khi Thế chiến I kết thúc, nhằm định hình trật tự toàn cầu thời hậu chiến và định đoạt tình trạng của nước Đức bại trận. Trước khi ngã bệnh, Wilson đã tranh luận kịch liệt với Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau và Thủ tướng Anh David Lloyd George về cái giá Đức phải trả. Wilson nghĩ rằng phe Đồng minh không nên quá khắt khe đối với nền cộng hòa non trẻ hậu chiến của Đức và thúc đẩy ý tưởng đi trước thời đại là thành lập Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hợp Quốc.
Nhưng Pháp đã hai lần bị Đức chiếm đóng trong nửa thế kỷ trước và Clemenceau muốn nhận được hàng chục tỷ USD để tái thiết nước Pháp, lập vùng đệm ở biên giới phía đông của đất nước, để quân Pháp kiểm soát vùng Rhineland của Đức.
Đến tháng 4/1919, tranh cãi giữa Wilson và Clemenceau lâm vào bế tắc. Khi Clemenceau biết Wilson bị ốm, ông hỏi Lloyd George: "Ông có quen bác sĩ của ông ấy không? Có thể tiếp cận và mua chuộc ông ấy không?".
Wilson dưỡng bệnh tại khách sạn Hotel du Prince Murat, ông có những hành động kỳ lạ khi triệu chứng ngày càng nặng thêm. "Wilson vốn là người khá dễ đoán. Nhưng khi đó, Wilson bắt đầu thốt ra những mệnh lệnh bất ngờ", A. Scott Berg viết trong cuốn tiểu sử về cố tổng thống. "Ông ấy quả quyết rằng một số món đồ nội thất đột nhiên biến mất mặc dù đồ đạc không hề di chuyển. Wilson cũng nghĩ rằng xung quanh mình toàn gián điệp".
"Chúng tôi có thể phỏng đoán rằng có điều gì đó kỳ quặc diễn ra trong tâm trí ông ấy", Irwin Hoover, một phụ tá của Wilson, nói.
Wilson truyền đạt quan điểm qua các phụ tá trước khi ông có thể gặp các lãnh đạo trực tiếp. Trong tuần thứ hai của tháng 4, Wilson đã từ bỏ hầu hết yêu cầu mà ông đã thúc giục Clemenceau đáp ứng. Tổng thống Mỹ chấp nhận để quân Pháp kiểm soát Rhineland ít nhất 15 năm và không đặt ra giới hạn cho quá trình tính toán khoản bồi thường của Đức.
Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (thứ nhất từ phải sang) và các lãnh đạo Pháp, Anh, Italy tại Hội nghị Hòa bình Paris tháng 5/1919, một tháng sau khi Wilson mắc cúm Tây Ban Nha. Ảnh: Library of Congress.
Theo Margaret MacMillan, tác giả cuốn "Paris 1919: 6 tháng thay đổi thế giới", Clemenceau đột nhiên nắm trong tay "thỏa thuận tốt nhất có thể cho Pháp". Tuy nhiên, Hòa ước Versailles, được ký kết vào ngày 28/6/1919, hiện thực hóa các nhượng bộ của Wilson, cuối cùng quá khắc nghiệt với người Đức đến mức nó trở thành nguyên nhân kích động chủ nghĩa dân tộc Đức hồi sinh những năm 1920, 1930 và tạo động lực cho Adolf Hitler.
Wilson cuối cùng khỏi cúm nhưng bị đột quỵ 6 tháng sau đó, khiến ông bị liệt nửa người và ảnh hưởng thị lực. Sau khi Wilson qua đời năm 1924, các học giả tranh luận liệu có phải ông không bị cúm mà thực ra bị đột quỵ trong quãng thời gian ở Paris dự hội nghị hay không.
Nhà sử học John Barry bác bỏ lập luận đó. Các triệu chứng của Wilson, bao gồm "sốt cao, ho liên tục và mệt lả người hoàn toàn phù hợp với bệnh cúm và không liên quan gì đến đột quỵ".
Việc Wilson bị cúm Tây Ban Nha đã ảnh hưởng đến nền văn minh thế giới như thế nào? Nếu ông khỏe mạnh, liệu các điều khoản hòa ước có khác đi? Liệu chiến tranh có tiếp diễn? "Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp đó", Barry viết. "Chúng ta chỉ có thể chắc về điều đã xảy ra: Cúm đã tấn công Wilson".
Hong Kong dừng hiệp ước dẫn độ với Pháp, Đức Chính quyền Hong Kong dừng hiệp ước dẫn độ với Pháp và Đức sau khi hai nước này có động thái tương tự để phản đối luật an ninh. "Hai quốc gia này đã chính trị hóa hợp tác tư pháp, do đó làm tổn hại đến cơ sở hợp tác tư pháp giữa Hong Kong với Đức và Pháp", chính quyền đặc...