Ngôi trường xanh giáo dục lối sống xanh
Điểm trường Mầm non Ngải Phóng Chồ được xây dựng từ rác thải nhựa tái chế mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
Cô trò điểm trường Ngải Phóng Chồ hân hoan trong ngôi trường mới.
Ngôi trường đầu tiên xây dựng bằng rác thải nhựa
Cao Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương (Lào Cai). Toàn xã có trên 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Trước đây, điểm trường Ngải Phóng Chồ tọa lạc ở giữa trung tâm thôn. Điểm này có 3 lớp học với 69 cháu từ 2 – 5 tuổi. Do quỹ đất chật hẹp, cùng việc ngôi trường được xây dựng đã lâu nên các phòng học đều xuống cấp, bao năm cả cô và trò rất vất vả mỗi khi “trái nắng, trở trời”.
Cô Ly Vần Diệp, giáo viên tại điểm trường Ngải Phóng Chồ chia sẻ: “Cứ mưa xuống là dột nên cô trò rất vất vả trong dạy và học. Cùng với đó, điểm trường chỉ có khoảng 400 mét vuông nên không có sân chơi cho trẻ”.
Với kỳ vọng chung tay với giáo dục vùng cao, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại Intraco nảy ra ý tưởng xây tặng trẻ ngôi trường mới. Tiêu chí xây dựng là an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời là một điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm của du lịch địa phương. Qua đó, công ty đã lựa chọn và đồng chủ dự án đầu tư điểm trường Ngải Phóng Chồ, thuộc Trường Mầm non xã Cao Sơn.
Khi biết chủ trương xây dựng điểm trường mới, người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Nhiều gia đình nhất trí hiến đất bởi họ hiểu đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, đem lại môi trường học tập an toàn và tốt nhất cho con em của mình.
Ông Sùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, huyện Mường Khương chia sẻ: “Khi có chủ trương xây dựng nhà trường, chúng tôi đã cùng nhà đầu tư và giáo viên trong trường đi tìm địa điểm trong thôn. Đồng thời vận động người dân hiến đất”.
Video đang HOT
Mảnh đất của gia đình ông Thào Hồ, thôn Ngải Phóng Chồ nằm cách điểm trường cũ khoảng 400m, là địa điểm thuận lợi để xây dựng điểm trường mới. Ông Thào Hồ kể: “Biết tin thôn sẽ xây trường mới và được chính quyền vận động hiến đất, tôi đã đồng ý. Mình góp đất để xây trường cho con, cháu mình học, sau này còn thành tài”.
Theo Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, điểm trường mới có diện tích hơn 1.000 m2 với 3 lớp học, 1 bếp ăn và 2 phòng chức năng, đảm bảo nhu cầu dạy và học cho khoảng 100 trẻ mẫu giáo. Điểm nhấn nổi bật của điểm trường Mầm non Ngải Phóng Chồ là được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, tương đương với 115 tấn rác thải nhựa.
Điểm trường mang đậm dấu ấn vùng cao với những khối nhà lên, xuống trùng điệp. Các mảng sân in dấu ruộng bậc thang men theo sườn núi, hình tán cây sa mộc cách điệu bằng gạch mềm. Khu sân chơi và hàng rào bao quanh sặc sỡ được lấy cảm hứng từ sắc màu thổ cẩm của đồng bào Mông.
Cô Sền Thị Nhinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “Được khởi công từ ngày 1/6, công trình hoàn thành vào dịp Tết Trung thu đã đem đến cho cô trò nhà trường nhiều niềm vui, phấn khởi”.
Điểm trường Ngải Phóng Chồ là ngôi trường bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam.
Lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường
Tại tỉnh Lào Cai, phong trào phòng chống rác thải nhựa được nhân rộng và lan tỏa. Nhiều chương trình như “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” được tổ chức gắn với các thông điệp về bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, các buổi tuyên truyền, ngoại khóa, vẽ tranh về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần cũng được tổ chức rộng khắp trong trường học. Qua mỗi phong trào, cuộc thi, học sinh có thêm kiến thức về mối nguy hại của rác thải nhựa, cách phân loại và xử lý ngay tại trường học, gia đình. Nhờ đó, từng bước nói không với việc sử dụng các sản phẩm nhựa và đồ nhựa một lần.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương, ngôi trường bằng rác thải tái chế đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại Ngải Phóng Chồ không chỉ tạo cơ sở vật chất cho điểm trường mà còn mang thông điệp ý nghĩa về phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
“Những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Mường Khương luôn chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phong trào phòng chống rác thải nhựa, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Qua đó, học sinh nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và hướng đến thay đổi thói quen, hành vi sử dụng trong nhà trường và cộng đồng” – ông Nguyễn Văn Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, học sinh, sinh viên là lực lượng có tác động tích cực đến toàn xã hội. Sau khi được giáo viên tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa, các em sẽ là những tuyên truyền viên để lan tỏa các thông điệp bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi cũng xác định quá trình tuyên truyền phải lâu dài. Đối tượng dễ cảm nhận, chấp hành nhất chính là học sinh, sinh viên, do đó tiến hành giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em sẽ tiếp cận những hành vi tốt, sau đó nắm, hiểu cũng như duy trì thành thói quen” – ông Vinh cho biết thêm.
Tại Trường Mầm non Cao Sơn, giáo viên, học sinh thường xuyên được tuyên truyền việc giảm thiểu và hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi nilon. Chia sẻ thông tin, cô Sền Thị Nhinh đồng thời nói, nhà trường tiến hành thu gom rác thải nhựa để đóng góp vào công trình thanh niên ở xã.
Để lan tỏa lối sống xanh, từ đồ dùng, chai, lọ bằng nhựa, cô Ly Vần Diệp và đồng nghiệp đã khéo léo để hướng dẫn học sinh chế tác thành nhiều vật dụng hàng ngày như: Lọ hoa, chậu cây cảnh, hộp đựng bút… Qua đó, trò có thêm đồ để sử dụng lại giảm thiểu được lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.
“Ngôi trường không chỉ tạo hứng thú trong học tập mà còn giúp các em tiếp cận với ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác thải nhựa. Được sản xuất với kỹ thuật hiện đại, rác thải nhựa sẽ trở thành vật liệu xây dựng đạt chuẩn về độ bền, an toàn” – ông Nguyễn Văn Vinh trao đổi.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình: Ưu tiên cho giáo dục vùng khó khăn
Ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cần tích cực tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho giáo dục các vùng khó trong tỉnh.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực và kết quả toàn ngành đạt được thời gian qua; đồng thời phân tích chỉ rõ những hạn chế, thách thức cần vượt qua để nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.
Giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham dự Hội nghị. (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Trước hết, ưu tiên hàng đầu là triển khai đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng ngành Giáo dục.
Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cần đảm bảo về số lượng, năng lực của đội ngũ giáo viên, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt - quản lý tốt".
Quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị và thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở. Đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục...
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa.
"Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tích cực tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho giáo dục vùng khó, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Đối với tỉnh, đây là những đối tượng cần ưu tiên hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng ngành Giáo dục và Đào tạo", Bí thư Tỉnh ủy cho hay.
Năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo; chú trọng triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học và phát triển sự nghiệp của ngành.
Kết quả nổi bật: Triển khai thực hiện giảng dạy sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6 hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023.
Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tăng cả về số lượng, chất lượng giải so với năm học 2020 - 2021.
Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tăng 29 bậc, điểm trung bình tăng 0,3 điểm so với năm 2021. Kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch.
Đến nay, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1...
Nâng cao vị thế nhà giáo nơi rẻo cao Nậm Pì "Nhà giáo phải không ngừng đổi mới để nâng cao vị thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới", đó là tâm niệm được thầy Cao Hồng Thanh nhắc nhở các thế hệ giáo viên Trường PTDTBT THCS Nậm Pì nhiều năm qua. Chất lượng giáo dục trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì ngày càng được nâng cao. "Trái ngọt" trên rẻo cao...