Ngôi nhà tiêu điều của người chịu tù oan 10 năm
Ngày 5/11, ngày thứ hai ông Nguyễn Thanh Chấn được trở về đoàn tụ với gia đình sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án tù chung thân về tội Giết người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn: “Tôi tin vào sự công minh của pháp luật”. (Ảnh: Xuân Hải)
Dáng người mệt mỏi, khuôn mặt bơ phờ, ngồi thẫn thờ bên chiếc bàn bằng gỗ ọp ẹp kê trong một góc nhà, thi thoảng ông Chấn lại dùng tay xoa lên thái dương, giọng buồn rầu nói: “ Sức khỏe tôi dạo này rất yếu, từ hôm qua đến giờ tôi chưa chợp mắt được vì bà con lối xóm đến chia vui, hỏi han cùng gia đình”.
Trong ngôi nhà cấp bốn, bức tường đất ẩm thấp, để lộ những viên gạch đá ong sần sùi, trên bốn chiếc chiếu cói được trải giữa nhà là hơn chục người dân thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang ngồi nói chuyện râm ran, vui mừng trước việc ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) người cùng làng, được trở về đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 10 năm đi “tù oan”.
Tương tự, trên khoảng sân gạch trước nhà hơn chục người đàn ông có, đàn bà có ngồi nói chuyện, họ cười nói về sự trở về của ông Chấn.
Chị Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) vừa đi bệnh viện về. (Ảnh: XH)
Bên cạnh những sự vui mừng của người dân, họ hàng là những giọt nước mắt khi anh Chấn kể về quá trình suốt 10 năm đi tù và liên tục kêu oan của mình.
“Tôi mới được VKSNDTC tạm đình chỉ thi hành án tù để trở về, việc hòa nhập vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, bên cạnh đó là sự lo âu không biết ngày mai Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ xét xử vụ án của tôi như thế nào? Tôi có được minh oan hay không? Mặc dù vậy, tôi vẫn tin vào sự công minh của pháp luật sẽ minh oan cho tôi”, ông Chấn buồn rầu nói.
Theo ông Chấn, trong suốt 10 năm tù oan của mình, ông có nhiều tâm trạng khi được trở về nhà nhìn ngôi nhà chính tay vợ chồng xây dựng qua 10 năm giờ xơ xác, xuống cấp.
PV ghi lại một số hình ảnh ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Chấn hiện tại:
Video đang HOT
Rất nhiều người dân đến chia vui cùng gia đình ông Chấn. (Ảnh: XH)
Vườn cây cằn cỗi, cỏ dại mọc tràn lan vì thiếu người chăm sóc. (Ảnh: XH)
Bếp xây tạm bợ, thiếu cánh cửa (Ảnh: XH)
Khu chăn nuôi ọp ẹp chực chờ sập (Ảnh: XH)
Khu chăn nuôi đổ nát không được tu sửa được quây tạm bằng những tấm bạt. (Ảnh: XH)
Vườn cằn cỗi, ngổn ngang gạch đá (Ảnh: XH)
Đầu đốc nhà không được trát vữa lộ hàng gạch bằng đất, cửa sổ thiếu cánh. (Ảnh: XH)
Bếp nấu ăn lạnh ngắt, tạm bợ. (Ảnh: XH)
Chiếc máy xay xát, nguồn thu chính của gia đình dùng để lấy kinh phí kêu oan cho ông Chấn cũng là tài sản duy nhất mà ông để lại vẫn còn sử dụng. (Ảnh: XH)
Theo Infonet
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều gì gây nên oan ức?
Bên lề Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi về vụ án oan giết người khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm qua.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
- Những ngày gần đây, vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn đang khiến dư luận rúng động. Ông cảm nhận như thế nào về vụ án này?
Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng vẫn suy nghĩ về cái gì gây nên oan ức đó. Xem cái này tôi hay nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình.
Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn. Cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.
Nếu theo dõi ở Quốc hội ta sẽ thấy một thực trạng là ngay phía cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều nói sự quá tải của mình, về số lượng những vụ án và chất lượng của các cơ quan tham gia... Đặc biệt tôi chú ý đến việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau. Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy, và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực. Chính vì thế mà ở đây tôi cho rằng, nó có vấn đề liên quan đến chất lượng của bộ máy điều tra, bộ máy xét xử.
- Ông nghĩ như thế nào khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?
Điều này là rất nhiều. Có thể nói nó là một cái thực trạng khá phổ biến. Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai, bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết rằng khi ra tòa họ mới có thể nói điều họ muốn nói thì việc họ phải khai thuận theo điều tra là điều dễ hiểu.
Về nguyên tắc là chúng ta cấm việc sử dụng những nhục hình. Nhưng điều đó có thực thi được hay không thì vẫn là một ẩn số. Ở đây chính là vai trò của các luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, và được thực thi hết trách nhiệm của mình, thì đấy chính là yếu tố đảm bảo giám sát ngay trong quá trình điều tra, để tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là dẫn đến việc phạm nhân phải khai theo lời của cơ quan điều tra.
- Theo cảm nhận của ông, cải cách tư pháp 10 năm qua đã làm được những điều như ông nói chưa?
Chưa làm được. Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng mà luật sư số lượng rất ít. Điều kiện khả năng cho số đông những người dân, nhất là những người dân không có điều kiện rất là hạn chế. Tôi cho điều này dẫn đến tình trạng đó. Nhưng vấn đề còn lại là khi xảy ra hồi đó (cách đây 10 năm), nếu các cơ quan điều tra đi đến cùng sự việc thì sẽ khắc phục được phần nào. Tôi lấy ví dụ như việc có ép cung hay không ép cung? Bị ép cung bởi vì áp lực, trong đó có những hành vi mà pháp luật không cho phép?
- Chúng ta có nhiều vụ án oan sai, nhưng vụ án này là do hung thủ ra đầu thú. Còn những vụ khác thì cơ hội được minh oan sẽ không thể xảy ra?
Lẽ ra thông thường cơ quan điều tra phải là người góp phần. Nhưng vụ việc này, hung thủ ra đầu thú không biết là do họ tự giác hay chịu áp lực của xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho mình. Và hiện trạng tự xử như thế không giống như những hiện trạng khác. Nó thể hiện sự giảm sút của vai trò pháp luật.
- Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ nhưng gần đây không có mấy. Phải chăng án oan đang ít đi? Hay các đại biểu Quốc hội không quan tâm đến vấn đề này nữa?
Tôi chưa rõ là việc này trong quá trình gia đình làm thì các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa, và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa? Thí dụ như hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang đặt vấn đề, nhưng nhiều khi chính bản thân chúng tôi đưa yêu cầu Tòa án Tối cao, Tòa án Tối cao chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nếu lần này có cơ hội để mà chất vấn Chánh án TAND Tối cao thì tôi sẽ hỏi.
- Theo ông, làm sao để không có những người bị kết án oan như những vụ vừa rồi, hay nói cách khác cải cách tư pháp phải giải quyết bài toán này thế nào?
Đây là một câu trả lời khó, nhưng rõ ràng là phải làm sao cho mọi chuyện minh bạch trong quá trình xét xử, và hỗ trợ tư pháp cho các phạm nhân, nhất là đối với những người không có điều kiện để tự bảo vệ mình.
- Xin cảm ơn ông.
Xuân Hưng - (ghi)
Theo_VnMedia
Ông Nguyễn Thanh Chấn được công nhận vô tội Sau nhiều giờ họp kín, chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn. Người thân òa khóc khi ông Chấn được xe công an đưa về nhà. Theo nguồn tin của PV, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm...