Ngôi làng cổ nhất châu Âu hiện ra giữa hồ sau 8.000 năm mất tích
Giữa một hồ nước lâu đời thuộc bán đảo Balkan, ngôi làng cổ lộ diện với hàng trăm ngôi nhà sàn và hàng chục ngàn cây cọc gỗ được cắm chìm dưới nước như hàng rào phòng thủ.
Nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Albert Hafner từ Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho rằng ngôi làng có thể thuộc về những người nông dân đầu tiên ở châu Âu, di cư từ bán đảo Tiểu Á 8.000 năm về trước.
Ngôi làng nằm ở vị trí chênh vênh bên bờ hồ, nơi người dân sống trong các ngôi nhà sàn mà tàn tích là hàng trăm cây cọc gỗ còn đứng trơ dưới lòng hồ cổ.
Tàn tích những cây cọc gỗ của nhà sàn và hàng rào phòng thủ được tìm thấy dưới đáy vùng nước nông của hồ – Ảnh: ĐẠI HỌC BERN
Chính những cọc gỗ đã giúp các nhà khoa học xác định được niên đại của ngôi làng – từ năm 5800 đến 5900 trước Công Nguyên.
“Điều này có nghĩa đây là khu định cư lâu đời nhất châu Âu mà các nhà khảo cổ từng tìm thấy” – TS Hafner cho biết.
Ngoài những ngôi nhà sàn trên mặt nước, ngôi làng còn được bao bọc bởi hàng ngàn cây cọc gỗ ẩn bên dưới mặt nước, là hàng rào phòng thủ có khả năng đánh đắm thuyền địch.
Các mẩu gỗ đầu tiên từ ngôi làng cổ đã được các thợ lặn phát hiện gần làng Lin của Albania, trên bờ phía Tây của hồ Ohrid vài tuần trước.
Cấu trúc này khá giống một ngôi làng cổ tại địa điểm tiền sử dưới nước khác mang tên Ploca Micov Grad trên bờ phía Đông của hồ Ohird, thuộc địa phận Macedonia, có niên đại “trẻ” hơn vài thế kỷ.
Không rõ hai khu định cư liên quan với nhau thế nào trong quá khứ, nhưng các phát hiện cho thấy hồ nước có lịch sử lâu đời này có thể là nơi chứng kiến văn minh nông nghiệp nảy mầm ở châu Âu.
Video đang HOT
Những người định cư cổ đại – chủ nhân hai ngôi làng – có thể đến từ khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, đem đến châu Âu văn minh nông nghiệp Lưỡng Hà lâu đời hơn. Họ có thể đã giao phối với các cộng đồng săn bắt hái lượm đã định cư nơi đây từ 45.000 năm trước.
Những người di cư này và cộng đồng săn bắt hái lượm cũng đồng thời giao phối với các dân tộc du mục tiền Ấn-Âu như người Yamanaya, vốn di cư từ thảo nguyên Á – Âu từ 5.000 năm trước.
Hầu hết người châu Âu hiện đại đều sở hữu vật liệu di truyền pha trộn giữa 3 dòng tổ tiên này. Do đó, phát hiện về ngôi làng cổ là đặc biệt quý giá trong việc tìm hiểu quá khứ của chính người châu Âu.
Bên dưới lòng hồ cổ bậc nhất châu Âu chứa 'kho báu': Bí ẩn 8.000 năm hé lộ?
Mặc dù còn nhiều thử thách song khám phá bí ẩn 8.000 năm dưới lòng hồ khiến giới khảo cổ thấy phấn khích.
Bên dưới làn nước màu ngọc lam của Hồ Ohrid - "Hòn ngọc của vùng Balkan" - các nhà khoa học đã phát hiện ra nơi có thể là một trong những cộng đồng định cư sớm nhất của châu Âu và họ đang cố gắng giải đáp bí ẩn tại sao nó lại ẩn náu đằng sau một pháo đài phòng thủ có đến 100.000 chiếc chông.
Hồ Ohrid - "Hòn ngọc của vùng Balkan". Ảnh: Adnan Beci/AFP
Hồ Ohrid là một hồ nằm giữa biên giới tây nam Cộng hòa Macedonia và đông của quốc gia Albania. Ohrid là một trong những hồ sâu nhất châu Âu. Hồ cũng là một trong những hồ lâu đời nhất trên thế giới và đã tồn tại hơn 1 triệu năm.
Các nhà khảo cổ học tin rằng một đoạn bờ hồ Ohrid ở phía Albania từng là nơi định cư của những ngôi nhà sàn cách đây khoảng 8.000 năm, khiến nó trở thành ngôi làng lâu đời nhất ở châu Âu được phát hiện cho đến nay.
Sau khi xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà khoa học cho biết ngôi làng có niên đại khoảng từ 6000 đến 5800 trước Công nguyên.
Albert Hafner, Giáo sư khảo cổ học từ Đại học Bern của Thụy Sĩ nói với AFPrằng: "Ngôi làng lâu đời hơn vài trăm năm so với các địa điểm sinh sống khác dưới lòng hồ được biết đến trước đây ở Địa Trung Hải và vùng núi Alps. Theo hiểu biết của chúng tôi, ngôi làng này là lâu đời nhất ở châu Âu".
Các ngôi làng cổ xưa nhất khác như vậy đã được phát hiện ở dãy núi Alps của Ý và có niên đại khoảng 5000 năm trước Công nguyên, chuyên gia về các ngôi nhà ở hồ thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu cho biết.
'Kho báu' của giới khảo cổ
Giáo sư Albert Hafner và nhóm các nhà khảo cổ Thụy Sĩ và Albania của ông đã dành 4 năm qua để tiến hành các cuộc khai quật tại Lin ở phía Albania của Hồ Ohrid.
Khu định cư được cho là nơi sinh sống của khoảng từ 200 đến 500 người, với những ngôi nhà sàn được xây dựng trên mặt hồ hoặc ở những khu vực thường xuyên bị ngập do nước dâng. Và nó đang dần tiết lộ một số bí mật đáng kinh ngạc.
Trong một lần lặn gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy khu định cư được củng cố bằng hàng nghìn tấm ván có gắn chông nhọn - được sử dụng làm hàng rào phòng thủ.
Ngôi làng hiện chìm dưới lòng hồ cổ và đang được các nhà khảo cổ khám phá. Ảnh: Adnan Beci/AFP
"Để tự bảo vệ mình theo cách này, họ phải chặt một khu rừng" - các chuyên gia nhận xét.
Nhưng tại sao dân làng cần phải xây dựng những công sự rộng lớn như vậy để tự vệ? Các nhà khảo cổ vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi khó này.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 100.000 chiếc chông đã được cắm xuống đáy hồ gần làng, điều này khiến chuyên gia phải gọi phát hiện này là "một kho báu thực sự cho nghiên cứu".
Được sự hỗ trợ của các thợ lặn chuyên nghiệp, các nhà khảo cổ đã tìm kiếm dưới đáy hồ và thường phát hiện ra những mảnh gỗ hóa thạch và những mảnh gỗ sồi quý giá.
Nhà khảo cổ học người Albania, Adrian Anastasi, cho biết việc phân tích các vòng gỗ giúp nhóm tái tạo lại cuộc sống hàng ngày của cư dân trong khu vực - cung cấp "những hiểu biết có giá trị về điều kiện khí hậu và môi trường" từ thời kỳ này.
Một nhà khảo cổ học ghép các bằng chứng ở Hồ Ohrid. Ảnh: AFP
Các mảnh gỗ sồi giống như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, rất chính xác, giống như một cuốn lịch.
"Để hiểu cấu trúc của địa điểm thời tiền sử này mà không làm hỏng nó, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu rất tỉ mỉ, di chuyển rất chậm và rất cẩn thận", Anastasi, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu Albania cho biết thêm. Thảm thực vật tươi tốt tại đáy hồ khiến công việc đôi khi bị chậm lại.
Anastasi nói: "Xây dựng ngôi làng nhà sàn của họ là một việc làm phức tạp, rất phức tạp, rất khó khăn và điều quan trọng là phải hiểu tại sao những người dân làng này lại tốn công đến vậy".
Hiện tại, các nhà khoa học nhận định có thể cho rằng ngôi làng này dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi gia súc để làm sinh kế.
Các nhà khảo cổ thu thập bằng chứng khảo cổ ở dưới đáy Hồ Ohrid. Ảnh: Euro News
Ilir Gjepali, một giáo sư khảo cổ học người Albania làm việc tại địa điểm này cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy nhiều loại hạt giống, thực vật và xương của động vật hoang dã cũng như động vật đã được thuần hóa. Nhưng sẽ mất 20 nữa để địa điểm này được khám phá và nghiên cứu đầy đủ cũng như đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo Anastasi, mỗi chuyến khai quật đều mang lại thông tin có giá trị, cho phép nhóm ghép lại bức tranh về cuộc sống dọc theo bờ Hồ Ohrid hàng nghìn năm trước - từ kiến trúc nhà ở đến cấu trúc cộng đồng của họ.
Hafner nói: "Đây là những địa điểm quan trọng thời tiền sử không chỉ được quan tâm trong khu vực mà còn cho toàn bộ Tây Nam châu Âu".
Phát hiện 'bãi đáp' khổng lồ của vật thể ngoài hành tinh Cấu trúc khổng lồ mang tên Deniliquin bị chôn vùi bên dưới miền Nam bang New South Wales của Úc có thể là tàn tích của kẻ tấn công ngoài hành tinh lớn nhất mà Trái Đất từng hứng chịu. Viết trên chuyên san The Conversation, nhà địa chất Andrew Glikson từ Trường Khảo cổ và nhân chủng học thuộc Đại học Quốc...