Ngôi làng có 60 giáo sư, phó giáo sư
Làng Hành Thiện (thuộc xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) vốn là một địa danh nổi tiếng cả nước bởi truyền thống hiếu học và khoa cử, đỗ đạt cao.
Chỉ hơn 50 năm (từ 1848 – 1901) ngôi làng nổi tiếng trên đã có 7 vị đỗ tiến sĩ và phó bảng. Trong vòng 400 năm (từ 1522 đến 1915), Hành Thiện còn có 97 nhà nho đỗ cử nhân, chưa kể 248 vị đỗ tú tài.
Còn thời Tây học? Hành Thiện cũng đã có 51 người đỗ cử nhân và tú tài.
Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn này phải nhắc tới ông Nguyễn Thế Truyền. Ông đỗ bằng cao học khoa học năm 24 tuổi tại Pháp và phải bỏ dở ngày trình bày luận án tiến sĩ để tham gia hoạt động cứu nước trong nhóm Ngũ Long (gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh). Rồi ông Nguyễn Thế Rục, tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại bên Pháp, tham gia cách mạng và được sang Nga học Đại học Phương Đông, học tiếp trường Giáo sư Đỏ đầu tiên có người Việt Nam. Chính ông là người cùng Tổng bí thư Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Người dân chiêm ngưỡng bia tiến sĩ mới khắc (tháng 10.2011) – Ảnh: Đỗ Lợi
Kể từ 1955 đến nay, tuy chưa có con số thống kê ở các nước, nhưng nếu chỉ tính riêng ở trong nước, Hành Thiện đã có 60 nhà khoa học có học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), trong đó, 35 vị là GS (đều chỉ lấy số tròn vì đợt trao cuối năm 2011 vừa qua, chúng tôi chưa có điều kiện tổng hợp hoàn chỉnh). Ngoài các GS, PGS kể trên, hầu hết đều có học vị tiến sĩ (TS) khoa học hoặc TS thì người Hành Thiện (không kể những người là con rể, cháu ngoại) còn có trên 120 vị là TS khoa học và TS nữa. Người Hành Thiện cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS-Anh hùng lao động Vũ Khiêu; GS y khoa Đặng Vũ Hỷ; GS-TS-Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ. Hành Thiện còn có 2 vị được Nhà nước trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân khác là GS-TS y khoa, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Gia Triệu; GS-TS y khoa Đặng Đức Trạch. Danh hiệu Nhà giáo nhân dân cũng được trao cho 3 người gồm ông Đặng Xuân Đỉnh và 2 GS-TS khoa học là NguyễnXuânBảo và Nguyễn Xuân Trục, cùng hơn hai chục Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú.
Nếu ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Hành Thiện được các vương triều bổ làm quan có tới 4 vị là quan thượng thư (cấp bộ trưởng ngày nay), 8 vị là quan tuần phủ và tổng đốc (ngang cấp chủ tịch tỉnh) thì ở chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, Hành Thiện có 1 vị là cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh, 1 vị là Phó chủ tịch Quốc hội, 6 vị hàm bộ trưởng hoặc Ủy viên T.Ư Đảng, 6 vị hàm thứ trưởng cùng 10 vị mang quân hàm thiếu tướng hoặc trung tướng.
Một vài ví dụ rất hy hữu khác nữa là có giai đoạn, người đứng đầu cả 2 cơ quan khoa học đầu não của đất nước là Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học tự nhiên và công nghệ Việt Nam đều là người Hành Thiện, đó là cố GS Đặng Xuân Kỳ và GS-viện sĩ Đặng Vũ Minh.
Video đang HOT
Khi tìm hiểu về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của người Hành Thiện, nhiều nhận xét cho rằng truyền thống quý báu đó được xuất phát từ nếp sống có văn hóa của mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của mỗi con người. Họ ganh đua tích cực chứ không hề đố kị ghen ghét nhau. Thấy nhà nọ nghèo hơn nhà mình mà sao con nhà người ta đỗ đạt thành tài, còn con mình lại không? Vậy là lại quyết tâm cho được bằng người. Dần dà, nó trở thành một nếp sống đẹp của người Hành Thiện.
Nếu như tính đến 2011, Nhà nước đã phong 1.441 người có học hàm GS, thì con số 35 GS ở một ngôi làng hình con cá chép đẹp như tranh thủy mặc, được bao bọc bởi dòng sông nhỏ chảy ra sông Ninh Cơ, vốn rất nghèo lại đất chật người đông thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ như Hành Thiện quả là rất đặc biệt.
Theo TNO
Vì nghèo, tiến sĩ bỏ Viện ra đi
GS Nguyễn Lân Dũng khuyên một tiến sĩ giỏi ở lại viện làm việc một thời gian, vì suốt thời gian đi học, nhiều người đã phải gánh việc hộ anh. Nhưng ông đành chịu thua khi nhân viên trẻ này nói đừng để anh nhỡ cơ hội làm giàu.
Vẫn cách nói chuyện hóm hỉnh và gần gũi, GS Nguyễn Lân Dũng gặp gỡ các nhà khoa học tại Đai hội lần thứ hai của Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam (ngày 8/1) và chia sẻ những câu chuyện đời thường mà ông đã chứng kiến về chuyện trọng dụng nhân tài.
Lương trò không thể hơn lương thầy?
Nghe GS Nguyễn Lân Dũng kể chuyện những hoàn cảnh người tài của Việt Nam, bỗng thấy xuất hiện thêm một kiểu số phận mới: Người học ở nước ngoài về, có thể được hưởng mức lương "cao chót vót" nhờ chính sách ưu đãi mạnh dạn của một số địa phương (đó là so với mức lương của những người làm cùng) nhưng cũng không hề sung sướng gì.
"Tôi biết có một anh tiến sỹ học ở Bắc Mỹ về, một thành phố cho hưởng chính sách ưu đãi với mức lương 1000 USD/tháng, cũng chưa phải là cao gì lắm. Nhưng anh ấy tự nhiên bị cô lập, rất khó hợp tác với các đồng nghiệp trong nước. Vì sao vậy? Thật đơn giản, anh từ trường ĐH ấy cử đi học, về chưa làm được gì vậy mà lương bỗng nhiên gấp hơn 5 lần các thầy giáo vừa dậy anh cách đây có vài năm!".
GS Nguyễn Lân Dũng nói:
"Lương trò không dễ dàng gì bỗng nhiên cao hơn lương thầy nhiều như thế được. Ở nước ngoài có thể như thế nhưng ở Việt Nam thì rất khó. Chúng ta không nên trả lương cho cái bằng, mà cần trả cho hiệu quả của công việc mà anh ta sẽ làm. Muốn thế, cơ quan nhà nước phải biết ai giỏi đến đâu để giao việc đến đấy. Sau đó căn cứ vào hiệu quả cống hiến để xếp lương hay phụ cấp tương xứng."
Ông cho rằng Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam nên tập trung nghiên cứu chính sách sử dụng người tài.
Nhắc đến chuyện này, GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại: "Mỗi năm Quốc hội dành 600 triệu USD cho sự nghiệp khoa học nhưng thành tựu khoa học cứ ở đâu, đi đâu, chẳng thấy mấy hiệu quả cụ thể".
GS Dũng muốn Hội tham gia thẩm định xem chính sách phân chia kinh phí dành cho sự nghiệp khoa học hiện nay đã hợp lý chưa, hay là đang được phân bổ một cách dàn trải và kém hiệu quả?
Từ kinh nghiệm của ông khi xây dựng và phát triển Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐHQG Hà Nội), tất cả chỉ được Nhà nước đầu tư có trên 3 triệu USD nhưng đã thực sự thay đổi chất lượng của một Viện Nghiên cứu cấp Quốc gia và bước đầu đã có thể hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả, đã có thể có những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Vậy thì, 600 triệu USD so với nước khác thì không đáng là bao nhưng ở nước ta là lớn lắm chứ!
Bản thân GS Nguyễn Lân Dũng đã từng là người làm những công việc cụ thể liên quan đến nghiên cứu khoa học và quản lý cán bộ, vì vậy, ông hiểu việc sử dụng đồng tiền thích đáng trong đầu tư nghiên cứu khoa học sẽ có tác dụng rất tích cực đến nhiều mặt, trong đó có mặt quan trọng là tạo điều kiện để có thể lôi kéo được các Thạc sĩ, Tiến sĩ trẻ được đào tạo từ các nước tiên tiến về làm việc.
Ông kể chuyện, hiện nay những cán bộ phụ trách Viện đang phải rất vất vả để tìm cách lập phân xưởng pilot trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nhằm hỗ trợ thêm cho mức lương quá thấp của Nhà nước dành cho trí thức. Nếu không làm được như vậy thì các công ty dễ dàng lấy hết người giỏi từ các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu.
GS Nguyễn Lân Dũng hướng dẫn NCS.
Vì nghèo, tiến sĩ giỏi bỏ viện....đi
"Tôi đã khuyên một TS giỏi cần ở lại Viện làm việc ít ra là một thời gian, vì suốt thời gian đi học bao nhiêu anh chị em đã phải gánh vác công việc thay cho mình. Nhưng tôi chịu thua khi em ấy nói: Thầy ơi em nghèo lắm , Thầy để em đi không thì nhỡ mất cơ hội "(!) - GS Nguyễn Lân Dũng ưu tư.
Những chuyện như thế GS Nguyễn Lân Dũng gặp rất nhiều. Ông kể, rất nhiều lần gặp nghiên cứu sinh Việt Nam đang được đào tạo ở nước ngoài, phần lớn rất giỏi nên được coi trọng và muốn giữ lại với mức lương tới 3-4 nghìn USD mỗi tháng. Mời các em về nước, với mức lương cao lắm cũng chưa đến 200 USD thì thật là khó quá.
Không phải em nào cũng muốn ở lại nước ngoài, nhưng nếu về nước thì một là , phải có điều kiện trang thiết bị để tiếp tục phát huy vốn kiến thức đã được đào tạo và hai là, ít ra cũng phải đủ sống để có thể toàn tâm toàn ý làm khoa học. Cả hai chuyện ấy thật đâu có dễ trong hoàn cảnh hiện nay. GS toàn nhận được những câu như: "Thầy ơi, em đi bằng tiền của gia đình mà, em không về đâu!".
Còn những người thật sự giỏi giang đã về nước thì sao?
GS Dũng nói đến một trường hợp mà ông rất quan tâm và đánh giá rất cao. Đó là một công ty Công nghệ sinh học được xây dựng rất hiện đại bằng tiền cá nhân của một Việt kiều. Tại đó, các sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn quốc tế và trực tiếp phục vụ cho đời sống của nhân dân. Các kỹ thuật tái tổ hợp gen đã được chuyển giao về nước để làm ra những sản phẩm không thua kém gì nước ngoài.
Vậy mà chỉ vì sự cạnh tranh không lành mạnh của vài công ty nước ngoài đã đặt chân lâu năm ở nước ta, cộng với sự quản lý chưa rành mạch của các cơ quan quản lý mà những sản phẩm quý giá kia gặp rất nhiều khó khăn để tiêu thụ trong nước.
Nhà trí thức Việt kiều kia đã phải nghĩ đến chuyện xuất khẩu ra các nước khác (!?). Thật xót xa đến mức quá khó hiểu. Cứ tiếp tục như vậy thì làm sao kêu gọi được sự chung sức xây dựng đất nước của trên 400 nghìn trí thức người Việt mà vì một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt họ đang làm việc tại không ít các trung tâm khoa học tiên tiến trên thế giới.
GS Nguyễn Lân Dũng: Không phải chỉ là chuyện lương bổng. Bức xúc nhất hiện nay là cần xây dựng một nền khoa học vững mạnh , trước hết là cái nền móng, tức là các ngành khoa học cơ bản. Các trường ĐH đào tạo các ngành khoa học cơ bản cần tuyển những học sinh xuất sắc, muốn vậy phải có chính sách ưu đãi thì mới tuyển được. Cụ thể là cần miễn học phí và cần tạo công việc thích hợp cho các em sau khi tốt nghiệp. Tiền lương là câu chuyện lâu dài, trước mắt cần trao nhiệm vụ cho từng cán bộ khoa học có trình độ cao ở từng lĩnh vực với những kinh phí thỏa đáng để vừa đủ điều kiện làm việc , vừa đủ sống. Đã ở cương vị lãnh đạo thì phải biết đến từng người tài giỏi, từng đơn vị tài giỏi trong từng lĩnh vực để giao nhiệm vụ chứ đâu cứ duy trì mãi chế độ Xin-Cho còn rất thiếu lành mạnh như hiện nay.
Theo VNN
Nữ PGS đầu tiên của lực lượng vũ trang Công an nhân dân Đó là cô giáo Hoàng Thị Bích Ngọc, Học viện Cảnh sát nhân dân. Cô Ngọc vừa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phong hàm Phó giáo sư. Đây là nữ Phó Giáo sư đầu tiên của lực lượng vũ trang Công an nhân dân VN. Nữ PGS đầu tiên của Lực lượng vũ trang Công an nhân dân -...